Hướng đến những vụ nuôi thành công hơn trong năm 2016

 

Năm 2015 sắp khép lại khó khăn của người nuôi tôm trên toàn thế giới để mở ra những cơ hội mới, kỳ vọng mới cho năm 2016. Nghề nuôi tôm hiện nay đã thay đổi rất nhiều so với những năm đầu mới phát triển. Biến  đổi khí hậu, sự bùng phát của dịch bệnh, giá nguyên vật liệu phục vụ sản xuất tiếp tục tăng trong khi công tác quản lý chất lượng còn chưa hiệu quả, cạnh tranh khốc liệt giữa các quốc gia nuôi tôm … khiến cho nghề nuôi tôm từ những năm “làm chơi ăn thiệt” giờ đã chuyển sang “làm thiệt tốt mới mong có lợi nhuận”. Năm 2012 khi bệnh hoại tử gan tụy cấp tính (AHPND hay lúc đầu gọi là EMS) bùng phát, Tổ chức Nông lương Thế giới (FAO) đã nhận định “giai đoạn nuôi tôm dựa vào kinh nghiệm, may rủi đã qua rồi. Nuôi tôm giờ đây cần phải có kiến thức và được hỗ trợ bằng các tiến bộ về khoa học công nghệ”.

Số liệu thống kê cho thấy, ngoại trừ một vài vùng nuôi mới, hiệu quả sản xuất của năm 2015 ở mức rất khiêm tốn. Tỉ lệ thành công ở các vùng nuôi truyền thống chỉ đạt từ 20 – 40% trung bình cho cả năm. Có đến 40 – 50% số ao nuôi không được đưa vào sử dụng. Bệnh tôm là nguyên nhân chủ yếu gây thiệt hại cho người nuôi tôm. Phổ biến nhất có thể kể ra là bệnh đốm trắng do virus (WSD), bệnh hoại tử gan tụy cấp tính (AHPND), hội chứng phân trắng (WFS) và hội chứng tôm chậm lớn (nghi vấn do vi bào tử trùng EHP gây ra). Sự xuất hiện của bệnh đốm trắng với tần suất cao trong những tháng cuối năm một phần do điều kiện thời tiết nhưng khách quan mà đánh giá thì khả năng lớn là do những lỏng lẻo trong việc đảm bảo an toàn sinh học cho hệ thống nuôi, đặc biệt trong tình hình nhiều cơ sở nuôi tôm chuyển từ mô hình nuôi mật độ cao về lại các mô hình nuôi mang tính sinh thái.

Khách hàng phấn khởi bên tôm của mình

Giá tôm thấp và diễn biến thất thường trên thị trường thế giới là nguyên nhân cơ bản thứ hai khiến cho cả sản lượng và giá trị xuất khẩu của tôm nuôi Việt Nam đều giảm. Khả quan nhất là thị trường Nhật Bản thì mặc dù vẫn duy trì được vị thế dẫn đầu với 23% thị phần (khoảng 40 nghìn tấn tính đến 10/2015) nhưng tổng giá trị xuất khẩu của tôm Việt Nam lại giảm đến 18%. Sau một giai đoạn hưởng lợi do giá tôm trên thế giới tăng cao (2013 và đầu năm 2014), rất nhiều cơ sở nuôi đã không kiểm soát được chi phí sản xuất khiến cho khi giá thị trường giảm, lợi nhuận thu được từ nuôi tôm là rất thấp, thậm chí không có. Trong những tháng cuối năm, giá tôm đã được cải thiện nhờ mãi lực của thị trường Trung Quốc tăng, kết hợp với sự thiệt hại của nghề nuôi tôm Ấn Độ do lũ lụt. Sự phụ thuộc vào thị trường xuất khẩu và kết quả nuôi ở các quốc gia khác cho thấy sự mong manh của nghề nuôi tôm Việt Nam. Chúng ta cần học tập kinh nghiệm của một số quốc gia khác như Hoa Kỳ, Brazil để phát triển thị trường nội địa nơi có đến hơn 90 triệu dân và nhu cầu về thực phẩm sạch mỗi lúc một trở nên cấp thiết hơn. Đã có khá nhiều công ty chế biến thủy sản ở qui mô vừa và nhỏ thành công khi tập trung phát triển các sản phẩm tiện dụng cho thị trường nội địa, bán qua hệ thống siêu thị hoặc chuỗi cửa hàng tiện lợi. Sự phát triển của khối doanh nghiệp này, nếu được quan tâm hỗ trợ đúng mức, sẽ góp phần tích cực ổn định đầu ra cho nghề nuôi tôm của Việt Nam.

Về mặt kỹ thuật, công nghệ nuôi, trong bức tranh tổng thể khá ảm đạm của nghề nuôi tôm trên toàn quốc vẫn có rất nhiều điểm sáng nhờ sự sáng tạo trong việc điều chỉnh mô hình nuôi hay áp dụng khoa học công nghệ một cách hiệu quả. Các khu nuôi được đầu tư theo hướng tận dụng được các lợi thế của điều kiện tự nhiên, xây dựng ao nhỏ (1.200 – 1.600 m2), lót bạt, có hố thu chất thải và siphon hàng ngày, trang bị đầy đủ hệ thống quạt, sục khí cung cấp oxy hòa tan, không lạm dụng hóa chất hoặc thuốc kháng sinh, lựa chọn và sử dụng đúng cách chế phẩm vi sinh có chất lượng, lựa chọn nguồn tôm giống tốt, chia vụ nuôi thành hai giai đoạn … đã mang lại những thành công cao hơn cả mong đợi. Năng suất nuôi ổn định ở mức 30 – 40 tấn/ha/vụ với chi phí sản xuất từ 61.000 – 72.000 đồng/kg, đảm bảo lợi nhuận cho người sản xuất. Đây là những minh chứng cho thấy hiệu quả sản xuất sẽ được cải thiện nếu hệ thống nuôi, qui trình kỹ thuật được đầu tư đúng mức, linh hoạt điều chỉnh theo sự biến đổi của thời tiết, thị trường và điều kiện sản xuất.

Năm 2015 xu thế giảm mật độ nuôi, phát triển thức ăn tự nhiên trong ao nuôi được thể hiện rất rõ nét trên toàn quốc. Tuy nhiên, nghề nuôi tôm Việt Nam cần phải có những chuyển biến mạnh hơn nữa trong việc phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ nuôi tôm (kênh mương cấp thoát nước, điện, đường cho các vùng nuôi), thiết kế và đầu tư hệ thống nuôi để tạo điều kiện thuận lợi cho việc kiểm soát chất thải, dịch bệnh và có những chính sách vĩ mô để điều tiết sản lượng tôm nuôi, thúc đẩy sản xuất theo hướng chất lượng, tạo được niềm tin của người tiêu dùng trong và ngoài nước ... thì mới có thể phát triển một cách hiệu quả.

Theo dự báo của các chuyên gia trên thế giới, sự sụt giảm nguồn cung sản phẩm tôm tự nhiên khai thác ở các vùng biển lạnh trong năm 2016, sẽ tạo điều kiện ổn định giá tôm ở mức khuyến khích người nuôi. Ở qui mô cơ sở sản xuất, mỗi người nuôi tôm chúng ta cần tích cực, mạnh dạn đổi mới qui trình, chăm chút đầu tư hợp lý cho hệ thống ao nuôi, hoạch định sản xuất kỹ lưỡng và sáng tạo để giảm chi phí sản xuất, giảm thiểu rủi ro dịch bệnh. Làm tốt những điều này, chúng ta hoàn toàn có thể kỳ vọng vào một năm 2016 thành công!

Theo PGS.TS Hoàng Tùng - Cố vấn Khoa học của Skretting Vietnam

 

 

Skretting Việt Nam, 24 January 2016

Xem các tin khác của Skretting Vietnam