Lễ công bố kết quả đề tài khoa học: "Tác động tích cực của giống lúa lai Arize B-TE1 đến hiệu quả nuôi tôm ở vùng lúa - tôm Bạc Liêu, Cà Mau và Kiên Giang"

http://www.bayeranimal.com.vn

Ông Torsten Velden - Giám đốc Nhánh Nông nghiệp Bayer Việt Nam phát biểu tại lễ công bố kết quả đề tài khoa học luân canh Tôm-Lúa.

Chiều ngày 11/6/2015, tại Tp. Rạch Giá, Công ty TNHH Bayer Việt Nam đã phối hợp với Khoa Thủy sản, Trường Đại học Cần Thơ và Trung tâm Khuyến Nông - Khuyến Ngư các tỉnh: Bạc Liêu, Cà Mau và Kiên Giang công bố kết quả của đề tài nghiên cứu khoa học: “Tác động tích cực của giống lúa lai Arize B-TE1 đến hiệu quả nuôi tôm ở vùng tôm lúa Bạc Liêu, Cà Mau và Kiên Giang”.

Phát biểu tại buổi lễ tổng kết đề tài, Tiến sĩ Đặng Ngọc Chi – đại diện Cty TNHH Bayer Việt Nam đã nêu rõ đây là đề tài đã được nghiên cứu thực tế từ năm 2012 đến 2014 với mục đích tìm hiểu cơ chế và chứng minh tác động tích cực của giống lúa lai Arize B-TE1 đến hiệu quả nuôi tôm. Nghiên cứu được phối hợp thực hiện với Khoa Thủy sản, Trường Đại học Cần Thơ và Trung tâm Khuyến Nông - Khuyến Ngư các tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau và Kiên Giang; cùng nông dân tại các địa phương trên.

Theo kết quả nghiên cứu, giống lúa lai Arize B-TE1 đem lại hiệu quả tích cực cho môi trường nuôi tôm nhờ vào đặc điểm của giống, trong đó có hệ thống rễ khỏe mạnh. Quần thể các vi sinh vật có lợi và các loài thủy sinh làm thức ăn cho tôm tại các cánh đồng trồng lúa lai Arize B-TE1 cao hơn. Đồng thời, tại các cánh đồng trồng lúa lai Arize B-TE1 có ít vi sinh vật có hại hơn. Kết quả là năng suất vụ tôm cao hơn, chất lượng tôm tốt và to hơn, đem lại lợi nhuận cao hơn cho người nông dân – tăng đến 45% lợi nhuận.

1. Luân canh tôm-lúa – một trong những trụ cột của ngành nông nghiệp Bạc Liêu, Cà Mau và Kiên Giang

Vùng Đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam đang chịu ảnh hưởng ngày càng tăng từ những hiệu ứng của biến đổi khí hậu. Việc xâm nhập mặn liên tục đã tạo ra một hệ sinh thái mới khiến người nông dân ở ba tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau và Kiên Giang phải xoay vòng giữa nuôi tôm và trồng lúa. Trong những tháng đầu năm, vào mùa khô, khi độ mặn của đất trong khu vực tăng, người nông dân bắt đầu nuôi tôm. Khi những cơn mưa lớn đến vào mùa hè, độ mặn của đất được rửa sạch và người nông dân buộc phải chuyển sang trồng lúa với hiệu quả lợi nhuận thấp cho đến khi độ mặn của đất tăng trở lại. Tuy nhiên, theo truyền thống, người nông dân chỉ chủ yếu tập trung vào việc nuôi tôm và chưa nhận ra lợi ích tiềm năng của trồng lúa do những hạn chế của kỹ thuật canh tác lúa và thiếu giống lúa phù hợp.

Giống lúa lai Arize B-TE1 đã được sử dụng rộng rãi trong luân canh tôm-lúa nhờ vào hiệu quả kinh tế cao đối với cả vụ lúa và vụ tôm. Mỗi năm, hơn 20 ngàn ha giống lúa này được trồng, thu hút hơn 20 ngàn gia đình nông dân các vùng nước lợ của ba tỉnh. Đề tài khoa học được thực hiện để chứng minh tác động tích cực của giống lúa lai Arize B-TE1 lên việc nuôi tôm.

2. Tác động tích cực của lúa lai Arize B-TE1 trên canh tác tôm

Qua nghiên cứu thực tế từ năm 2012 đến 2014, đề tài đã cho thấy kết quả tích cực – chứng minh rằng luân canh tôm-lúa với giống lúa lai Arize B-TE1 không chỉ có hiệu quả kinh tế cao mà còn đồng thời có tác động tích cực đến hệ sinh thái và môi trường.

Tác động của lúa:

Mô hình này giúp hạn chế độc tố cho môi trường nuôi tôm, giúp tôm sinh trưởng phát triển tốt, hạn chế một phần dịch bệnh cho tôm. Sau khi thu hoạch lúa đã để lại một lượng sinh khối lớn thân và rễ lúa, khi lượng này phân hủy hoàn chỉnh sẽ kích thích sự phát triển của phiêu sinh vật làm thức ăn cho tôm.

Tác động của nuôi tôm:

Sau mỗi vụ nuôi có thêm một lượng phù sa bồi lắng nên đất có độ màu mỡ cao từ đó giảm được lượng phân bón cho lúa. Ngoài ra quá trình cải tạo đất từ mặn sang ngọt để trồng lúa giúp cắt mầm bệnh gây hại trên tôm, hạn chế sự suy thoái đất đai do nuôi tôm liên tục nhiều năm.

Từ thành công của dự án, Bayer cũng đồng thời đăng ký bảo hộ toàn cầu lần đầu tiên cho “Phương pháp nâng cao số lượng động vật thủy sinh trong hệ thống canh tác kết hợp lúa và nuôi trồng thủy sản” cho thị trường Việt Nam và quốc tế.

Đại diện Nhánh Nông nghiệp Bayer Việt Nam và toàn cầu chụp ảnh lưu niệm với các đối tác tham gia dự án.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Torsten Velden - Giám đốc Bayer CropScience Việt Nam chia sẻ: “Với vai trò là công ty hàng đầu về nông nghiệp và lúa, Bayer CropScience rất vui mừng công bố kết quả tích cực của giống lúa lai Arize B-TE1 trong luân canh tôm-lúa và hiệu quả lợi nhuận cao người nông dân có được nhờ sử dụng giống lúa lai của chúng tôi. Kết quả này cũng đồng thời chứng minh cho người nông dân thấy các sản phẩm nông nghiệp thứ cấp (lúa) cũng có thể có tác động tích cực đáng kể lên năng suất của các sản phẩm nông nghiệp chính (tôm); và việc chọn Arize có thể giúp cải thiện rõ rệt năng suất và đời sống nhà nông”.

Nhận xét về giống lúa lai Arize B-TE1, anh Đồng Văn Lần - nông dân ấp Sơn Trắng, xã Vĩnh Lộc, huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu cho biết: “Giống lúa lai B-TE1 rất phù hợp vùng đất tôm-lúa ở đây. Qua hai năm trồng thực tế, tôi thấy lợi nhuận thu được từ Lúa và Tôm đều cao hơn mô hình sử dụng giống lúa địa phương, vì lúa B-TE1 ít nhiễm sâu bệnh, dễ canh tác mà năng suất rất cao. Sau khi thu hoạch vụ lúa, tôi cải tạo lại ao để nuôi vụ tôm thì tôm nuôi cũng mau lớn hơn“.

Còn anh Nguyễn Thanh Sơn ở ấp Xáng 2, xã Đông Hòa, huyện An Minh, tỉnh Kiên Giang cho biết việc chọn giống lúa để canh tác trên nền tôm là rất quan trọng vì nó sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả của vụ nuôi tôm. “Tôi rất hài lòng với kết quả mà giống lúa lai B-TE1 mang lại, vì giống lúa này đã giúp cho gia đình tôi tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống tốt hơn vì trúng lúa, trúng tôm trong hai năm qua”.

Ông Torsten Velden, Giám đốc Bayer CropScience Việt Nam cho biết: Với kết quả tích cực từ nghiên cứu, Bayer hy vọng sẽ khuyến khích được nhiều nông dân chuyển sang sử dụng giống lúa Arize B-TE1 để tăng tối đa năng suất và lợi nhuận kinh tế. Đồng thời, rất vui mừng khi giải pháp khoa học - kỹ thuật nông nghiệp này được đăng ký bảo hộ toàn cầu lần đầu tiên tại Việt Nam.

Bayer CropScience là Tập đoàn toàn cầu với chuyên môn trong các lĩnh vực Chăm sóc sức khỏe, Nông nghiệp và Vật liệu Công nghệ cao. Bayer CropScience là một nhánh của Bayer AG, cung cấp các sản phẩm nông nghiệp, với doanh thu hàng năm khoảng 9,494 triệu euro (năm 2014) và là một trong những công ty về khoa học cây trồng hàng đầu trên thế giới, hoạt động trong các lĩnh vực giống cây trồng, bảo vệ thực vật và kiểm soát dịch hại phi nông nghiệp. Công ty cung cấp các dòng sản phẩm ưu việt bao gồm hạt giống cây trồng sản lượng cao, các sản phẩm bảo vệ mùa màng tiên tiến dựa trên sự kết hợp giải pháp hóa sinh và các dịch vụ hỗ trợ rộng rãi để phục vụ cho ngành nông nghiệp hiện đại và bền vững. Trong lĩnh vực phi nông nghiệp, Bayer CropScience cung cấp nhiều sản phẩm và dịch vụ nhằm kiểm soát sâu bệnh trong nhà và ngoài vườn, cũng như các ứng dụng lâm nghiệp khác. Công ty Bayer CropScience hiện có mặt tại hơn 120 quốc gia trên thế giới.

 

Song Huỳnh - Kiên Giang, 14/6/2015