Bayer và giải pháp nâng giá trị gạo Việt xuất khẩu

http://www.bayeranimal.com.vn

 

Trước những bất cập trong ngành sản xuất, xuất khẩu lúa gạo Việt Nam như: qui mô sản xuất nhỏ, chất lượng gạo xuất khẩu chưa được đánh giá cao, chưa có thương hiệu, giá trị xuất khẩu không ổn định… vừa qua, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) phối hợp cùng Thời báo Kinh tế Việt Nam đã có buổi hội thảo “Nâng cao giá trị gạo xuất khẩu Việt Nam" nhằm tìm giải pháp tháo gỡ.

Tại hội thảo, các chuyên gia lúa gạo Việt Nam đã đóng góp nhiều giải pháp như: Đẩy mạnh tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng quy hoạch vùng lúa hàng hóa, chọn giống phù hợp nhu cầu, điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng. Đặc biệt, đại diện công ty Bayer CropScience Việt Nam, ông Torsten Velden, Tổng Giám đốc, đã trình bày giải pháp "Bayer Much More Rice", nhằm nâng tầm giá trị gạo Việt trên thị trường thế giới.

CÒN NHIỀU BẤT CẬP

Nếu như năm 2006, Việt Nam chỉ xuất khẩu được gần 4,7 triệu tấn gạo (tương đương 1,2 tỷ USD) thì đến năm 2012, sản lượng gạo xuất khẩu đã tăng lên 8,1 triệu tấn, trị giá gần 3 tỷ USD và trở thành một trong những nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới.


Giải pháp “Bayer Much More Rice", đã giúp nông dân giảm chi phí, tăng năng suất, lợi nhuận. (trong ảnh: thu hoạch lúa ở ĐBSCL)

Tuy nhiên, theo ông Trần Tuấn Anh, Thứ trưởng Bộ Công thương, những bất cập nêu trên dẫn đến sản lượng xuất khẩu tuy nhiều nhưng giá trị lại thấp, hiệu quả sản xuất của người nông dân không cao, ngay cả khi giá xuất khẩu gạo tăng cao. Bên cạnh đó, tình trạng sản xuất theo phong trào, chạy theo lợi ích trước mắt không tính đến lợi ích lâu dài vẫn đang phổ biến. Người nông dân trồng giống lúa cho năng suất cao nhưng chất lượng thấp vẫn chiếm tỉ lệ lớn. Ngoài ra, một số nơi sản xuất không đảm bảo kỹ thuật canh tác dẫn đến chất lượng không đảm bảo, nên doanh nghiệp khó thu mua, xuất khẩu và thiệt hại chính là người sản xuất.

Theo GS-TS Bùi Chí Bửu, nguyên Viện trưởng Viện KHKTNN miền Nam, cần chú trọng giải pháp cải tiến giống lúa phẩm chất tốt và xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam. "Việt Nam đang là nước xuất gạo hàng đầu trên thương trường quốc tế. Cải tiến phẩm chất lúa gạo có ý nghĩa quyết định để tiếp cận mục tiêu phát triển sản xuất lúa gạo theo hướng hiện đại, hiệu quả, bền vững”, GS-TS Bùi Chí Bửu nói.

CẢI THIỆN SẢN XUẤT, NÂNG CAO ĐỜI SỐNG NÔNG DÂN

Tại Hội thảo, ông Torsten Velden, Tổng Giám đốc công ty Bayer CropScience Việt Nam đã vạch ra kế hoạch hành động mới cho sản xuất lúa gạo tại Việt Nam thông qua giải pháp "Bayer Much More Rice".


Những sản phẩm trong giải pháp “Bayer Much More Rice"

Đây là quy trình kết hợp từ khâu xử lý giống, thuốc trừ sâu, trừ nấm bệnh dựa trên tập quán sử dụng của nông dân để đạt năng suất cao. Quy trình đã được Viện Nghiên cứu Lúa ĐBSCL thông qua và xác nhận đạt hiệu quả cao trong việc tăng năng suất, chất lượng cũng như tăng lợi nhuận cho người nông dân. Giải pháp này đã được triển khai thí điểm ở một số địa điểm tại tỉnh Hậu Giang và kết quả cho thấy: giảm chi phí đầu vào, tăng năng suất lúa và thu nhập tăng 40% so với trước khi thực hiện dự án.

Theo ông Velden, để “cải thiện sản xuất lúa gạo, nâng cao đời sống nông dân tại Việt Nam”, ông có kế hoạch cụ thể 4 bước: Đi đầu trong phát minh cải tiến mới; Nâng cao năng lực cho nhà nông bằng cách cung cấp cho họ công cụ, kỹ thuật; Phát triển sản xuất bền vững và thân thiện với môi trường; Mở rộng quan hệ đối tác trên toàn chuỗi giá trị lúa gạo, giữa nhà nước và tư nhân.

“Đầu tư vào nghiên cứu và phát triển nông nghiệp, đồng thời phải liên tục có các giải pháp cải tiến mới là cách hiệu quả nhất để giúp ngành nông nghiệp phát triển lâu dài. Tập đoàn Bayer cam kết trong việc đầu tư 5 tỷ Euro cho nghiên cứu và phát triển nông nghiệp giai đoạn 2011-2016, tiếp tục thúc đẩy các giải pháp sáng tạo để kiểm soát sâu bệnh và cỏ dại, nâng đầu tư vào các lĩnh vực nghiên cứu, lai tạo các loại hạt giống cho năng suất cao cũng như các hợp chất mới để cải thiện sinh trưởng cây trồng”, ông Velden nói.

“Tại Bayer CropScience, mối quan hệ của chúng tôi với người nông dân đi xa hơn là nhà phân phối sản phẩm với việc cung cấp gói dịch vụ tổng hợp bao gồm huấn luyện, giáo dục, quản lý cùng các tư vấn liên quan. Điều này đặc biệt phù hợp với bối cảnh tại khu vực châu Á và Việt Nam, vì hầu hết các nông dân là những hộ sản xuất nhỏ và chưa nhận được sự hỗ trợ, đào tạo và kỹ thuật cần thiết để họ có thể khai thác hết tiềm năng của chính mình”, ông Torsten Velden.

 

Phúc Lập - NNVN, 19/09/2013