(TSVN) – Vietshrimp 2025 dự kiến chào đón hàng chục nghìn khách tham quan chuyên ngành, tạo nên không gian gian giao thương uy tín và chất lượng trong cộng đồng ngành thủy sản đặc biệt là lĩnh vực nuôi tôm tại Việt Nam.
Từ ngày 26 – 28/3/2025, Hội chợ Triển lãm quốc tế Công nghệ ngành tôm Việt Nam (VietShrimp 2025) sẽ chính thức diễn ra tại Trung tâm Xúc tiến Đầu tư – Thương mại và Hội chợ Triển lãm Cần Thơ tại 108A Lê Lợi, phường Cái Khế, quận Ninh Kiều, Thành phố Cần Thơ. Sự kiện quy tụ hơn 200 gian hàng đến từ các lĩnh vực như: con giống, thiết bị máy móc, thức ăn thủy sản, thuốc thú y thủy sản, chế phẩm sinh học của các doanh nghiệp trong nước và quốc tế.
Sự kiện cũng mở ra cơ hội giao thương và hợp tác chiến lược cho ngành thủy sản tại Việt Nam. Với quy mô trưng bày lên đến 5.000 m² và sự tham gia của hàng chục nghìn khách tham quan, VietShrimp 2025 tiếp tục khẳng định vị thế là sự kiện hàng đầu khu vực. Đặc biệt, trong khuôn khổ Hội chợ sẽ có chuỗi 4 phiên hội thảo với sự tham gia của các nhà quản lý, các doanh nghiệp, diễn giả trong nước, quốc tế… để cùng chia sẻ, thảo luận nhằm tìm giải pháp thực hiện mục tiêu “Xanh hóa vùng nuôi”; góp phần phát triển ngành tôm hiệu quả hơn, bền vững hơn, đưa con tôm Việt Nam đến với nhiều thị trường trên thế giới hơn nữa, khẳng định vị thế, thương hiệu trong ngành công nghiệp tôm toàn cầu.
Sự hoành tráng của triển lãm được khẳng định qua sự tham gia của hàng trăm doanh nghiệp trong nước và quốc tế, không chỉ mang đến những công nghệ tiên tiến nhất, sự góp mặt của các doanh nghiệp còn vẽ nên bức tranh toàn diện về đổi mới và tiến bộ trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản hiện nay.
Trong lần tham dự này, các ông lớn ngày thủy sản của Việt Nam Như Thăng Long, Deheus, Minh Phú, Uni-President, Tập đoàn Việt Úc, WMW Import and Export Company Limited,…cũng góp mặt tại các vị trí trung tâm của Hội chợ với phần trưng bày các công nghệ hiện đại nhất từ con giống, thức ăn, sản phẩm thú y thủy sản hứa hẹn sẽ là điểm nhấn quan trọng mà du khách không thể bỏ qua khi tới tham gia sự kiện.
Không chỉ vậy, các giải pháp nuôi trồng thủy sản xanh được giới thiệu tại VietShrimp 2025 không chỉ mang tính đột phá mà còn phù hợp với nhu cầu thực tiễn của thị trường Việt Nam. Điều này giúp doanh nghiệp cũng như người nuôi trong nước bắt kịp xu hướng quốc tế, nâng cao năng lực cạnh tranh và hướng đến phát triển bền vững.
Chính sự kết hợp giữa tính toàn cầu và sự phù hợp với địa phương đã tạo nên sức hút của VietShrimp trong một thập kỷ qua. Đây cũng là lý do phiên bản 2025 dự kiến thu hút hàng chục nghìn khách tham quan chuyên ngành, mang đến cơ hội để các chuyên gia, nhà quản lý và doanh nghiệp gặp gỡ, học hỏi, cũng như đưa ra những quyết định chiến lược quan trọng cho tương lai.
Năm nay, lần đầu tiên VietShrimp 2025 liên minh hợp tác cùng Tập đoàn Informa Markets mở ra không gian sự kiện hoành tráng, hứa hẹn sự chuyên nghiệp mang đẳng cấp quốc tế của triển lãm ngành tôm hàng đầu khu vực.
Thùy Khánh
Để tăng sức cạnh tranh và đạt mục tiêu tăng trưởng trong năm 2025, lĩnh vực nuôi tôm cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ gắn với bảo vệ môi trường. Với ngành tôm, chuyển đổi xanh là xu thế không thể đảo ngược, góp phần đặt nền móng quan trọng cho tương lai vững bền, thịnh vượng.
Xuất khẩu tôm năm 2024 đạt 3,9 tỷ USD, tăng 14% so với năm 2023. Trong năm qua, tôm Việt đã có sự bứt phá mạnh mẽ khi là 1 trong 6 mặt hàng xuất khẩu đạt giá trị trên 1 tỷ USD của ngành nông nghiệp.
Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, năm 2024, diện tích nuôi tôm nước lợ ước đạt 737.000 ha (trong đó diện tích tôm sú 622.000 ha và diện tích tôm chân trắng 115.000 ha), với sản lượng đạt 1.264.300 tấn, tăng 5,3% so với năm 2023 (trong đó sản lượng tôm sú 283.900 tấn, tăng 3,2% và tôm chân trắng 980.400 tấn, tăng 6%). Dự kiến, năm 2025, diện tích nuôi tôm nước lợ sẽ đạt 750.000 ha, tăng 1,8% so với năm 2024, và sản lượng đạt 1.290.000 tấn, tăng 2% so với năm trước đó.
Để tăng sức cạnh tranh và đạt mục tiêu tăng trưởng trong năm 2025, lĩnh vực nuôi tôm cần ưu tiên tập trung vào chất lượng, bảo vệ môi trường, sức khỏe và giá trị sản phẩm. Trong bối cảnh ngành nông nghiệp nước ta đang nỗ lực triển khai nhiều giải pháp nhằm hiện thực hóa mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, nhiều doanh nghiệp thủy sản đã chủ động đầu tư nghiên cứu và ứng dụng công nghệ 4.0 nhằm chuyển đổi phương thức sản xuất sang một hướng xanh hơn, không chỉ giảm thiểu phát thải khí nhà kính mà còn bảo vệ môi trường.
Một trong những mô hình nuôi tôm tiên tiến hiện nay là TomGoxy, do Công ty CP Rynan Technologies Việt Nam phát triển. Điểm đặc biệt của mô hình này là ứng dụng Rynan Mekong – một nền tảng di động giúp người nuôi dễ dàng giám sát và điều chỉnh các yếu tố môi trường chỉ với một chiếc smartphone. Nhờ đó, việc quản lý sức khỏe tôm và chất lượng nước trở nên đơn giản, hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, tôm nuôi theo mô hình này còn đảm bảo truy xuất nguồn gốc và đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, giúp sản phẩm có chỗ đứng vững chắc tại những thị trường khó tính như Mỹ, châu Âu và Nhật Bản.
Minh chứng rõ nét cho hiệu quả của công nghệ trong nuôi tôm là câu chuyện của bà Trịnh Thị Loan, một hộ nuôi tại xã Mỹ Long Nam, huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh. Sau ba năm áp dụng mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng công nghệ cao, bà Loan nhận thấy không chỉ năng suất tăng mà quy trình nuôi cũng trở nên bền vững hơn. Việc lót bạt đáy và thành ao giúp hạn chế mầm bệnh từ đất, đồng thời kiểm soát tốt độ mặn và độ pH của nước. Đặc biệt, hệ thống ao lắng và xử lý nước thải tuần hoàn khép kín không chỉ giúp bảo vệ môi trường mà còn tạo ra một quy trình nuôi an toàn, hiệu quả lâu dài.
Khi bàn về định hướng phát triển bền vững ngành tôm – dòng sản phẩm tỷ đô còn nhiều dư địa phát triển tại ĐBSCL, ông Lê Văn Quang, Chủ tịch Tập đoàn Minh Phú cho rằng, cần phải quy hoạch lại hệ thống thủy lợi và ngành tôm ÐBSCL theo hướng tiếp cận thuận thiên.
“Một số mô hình được đề xuất như mô hình tôm rừng, dọc theo bờ biển, quy hoạch trồng rừng nuôi tôm sinh thái dưới tán rừng, trong đó, diện tích rừng đạt từ 50% trở lên và còn lại là diện tích mặt nước nuôi tôm. Ngoài ra, có thể quy hoạch và chuyển đổi những vùng trồng lúa kém hiệu quả thành vùng nuôi tôm công nghiệp, quy mô từ 300 – 10.000 ha, có hệ thống đường cấp nước từ biển vào. Hay mô hình tôm – lúa, áp dụng sản xuất lúa kết hợp nuôi tôm càng xanh trong mùa mưa và thả nuôi tôm sú trong mùa khô. Mô hình này quy hoạch mỗi ao rộng 7 – 10 ha sẽ giúp giảm chi phí, có thể tăng doanh thu và lợi nhuận 5 – 10 lần so với mô hình truyền thống”, ông Lê Văn Quang đề xuất.
Hiện nay, các nhà quản lý, doanh nghiệp chế biến thủy sản đang chủ động chuyển đổi sang chiến lược xuất khẩu xanh để tận dụng lợi thế này và tăng cường năng lực cạnh tranh trên thị trường theo xu hướng chung của thế giới. Theo các chuyên gia trong ngành, chuyển đổi “xanh” có 3 mục tiêu cốt lõi, bao gồm: mở rộng mô hình nuôi trồng thủy sản bền vững; quản lý hiệu quả tất cả nghề cá; nâng cấp các chuỗi giá trị trong hệ thống thức ăn thủy sản. Trong đó, xanh hóa chuỗi sản xuất, chuẩn hóa vùng nuôi là mục tiêu mà ngành tôm Việt Nam hướng đến. “Xanh hóa vùng nuôi” cũng là chủ đề xuyên suốt của Hội chợ Triển lãm Quốc tế Công nghệ Ngành tôm Việt Nam Lần thứ 6 năm 2025 (VietShrimp 2025).
Trải qua 5 lần tổ chức vào các năm 2016, 2018 tại tỉnh Bạc Liêu; năm 2021, 2023 tại thành phố Cần Thơ và năm 2024 tại tỉnh Cà Mau, VietShrimp đã để lại những dấu ấn đậm nét; ngày càng khẳng định được uy tín của một hội chợ riêng về con tôm của Việt Nam cũng như trong khu vực và trên thế giới. VietShrimp 2025 hy vọng tiếp tục nhận được sự quan tâm của những người nuôi tôm, các trang trại, doanh nghiệp, công ty, chuyên gia trong và ngoài nước thuộc lĩnh vực nuôi tôm, sở ban ngành và khách tham quan,…
Tới tham dự sự kiện diễn ra từ ngày 26 – 28/3/2025 tại Trung tâm Xúc tiến Đầu tư – Thương mại và Hội chợ Triển lãm Cần Thơ (CPA), quý khách sẽ được trải nghiệm khu Triển lãm với khoảng hơn 200 gian hàng đến từ các lĩnh vực như: con giống, thiết bị máy móc, thức ăn thủy sản, thuốc thú y thủy sản, chế phẩm sinh học….
Đặc biệt, trong khuôn khổ sự kiện còn có chuỗi 4 phiên hội thảo với sự tham gia của các nhà quản lý, các doanh nghiệp, diễn giả trong nước, quốc tế… để cùng chia sẻ, thảo luận nhằm tìm giải pháp thực hiện mục tiêu “Xanh hóa vùng nuôi”; góp phần phát triển ngành tôm hiệu quả, bền vững, đưa tôm Việt Nam đến với nhiều thị trường trên thế giới, qua đó góp phần khẳng định vị thế, thương hiệu “Tôm Việt” trong ngành công nghiệp tôm toàn cầu.
Thùy Khánh - Thủy sản Việt Nam, 24/2/2025
Ngày xuân nói chuyện XANH chắc chắn sẽ thêm thú vị, bởi mùa xuân là giai đoạn xanh cả đất trời, xanh đẹp nhất trong năm. Bây giờ cũng nên chú trọng từ ngữ xuân xanh thay thế cho xuân hồng, dù biết xuân hồng vẫn là xuân hồng, bởi chữ HỒNG tiêu biểu cho trăm sắc hoa đua nở khi xuân về, cho sự mong ước mọi điều tốt đẹp, trọn vẹn. Nhưng XANH tiêu biểu cho sự bền vững, trường tồn…
Trở lại chủ đề của VIETSHRIMP, đây là sự đáp ứng cần thiết và kịp thời. Chỉ có XANH HÓA VÙNG NUÔI thì con tôm, con cá – hai sản phẩm thủy sản xuất khẩu chủ lực của ta mới được người tiêu dùng quan tâm hơn và thưởng thức. Xu thế, sự đòi hỏi của các hệ thống tiêu thụ lớn trên thế giới, đi đầu ở khu vực EU, ngành thủy sản ta phải có giải pháp kiểm soát, hạn chế, trung hòa khí thải trong quá trình khai thác, nuôi, chế biến và tiêu thụ. Trong các mắt xích chuỗi giá trị, khâu nuôi chiếm vị trí hết sức quan trọng. Quan trọng trong việc hình thành giá trị chung và quan trọng trong việc tạo ra rác thải, khí thải. Do đó, XANH HÓA VÙNG NUÔI không phải là thách thức, áp lực mà là nâng cao giá, trị, hình ảnh sản phẩm thủy sản xanh sạch của ta; nâng cao sức cạnh tranh; qua đó thuận lợi vươn tầm.
Trong thực tế, có rất nhiều giải pháp các cơ sở nuôi, chế biến đang thực nghiệm, đang ứng dụng và đã có kết quả ban đầu khá tốt, có tiếng vang. Các cơ sở nuôi biết tính toán bố trí ao nuôi sao dễ kiểm soát tình hình đáy ao, hạn chế hình thành khí độc. Các chế phẩm, tập trung chế phẩm vi sinh, được sử dụng để xử lý khí độc và phân hủy chất thải đáy ao nhanh hơn, ít gây ô nhiễm hơn. Mật độ thả nuôi được tính toán phù hợp từng mùa vụ, thời tiết nhằm bảo đảm môi trường tôm sinh trưởng tốt nhất, hạn chế thiệt hại, hạn chế ô nhiễm.
Các cơ sở nuôi cũng quan tâm nghiên cứu cách thức tính toán mức thức ăn cho tôm, cá trên nền tảng tính toán các yếu tố tác động tích cực (thời tiết, con giống tốt) lẫn tiêu cực (thời tiết thất thường, dịch bệnh) và từng loại thức ăn nhằm giảm thức ăn mà tôm, cá vẫn phát triển như mong muốn. Việc này không chỉ mang lợi ích kinh tế mà còn giảm phát thải từ nguồn thức ăn dư thừa nếu cho ăn không phù hợp. Giải pháp sử dụng vi sinh và thức ăn đúng dủ sẽ góp phần to lớn nhất trong hành động xanh hóa vùng nuôi.
Bên cạnh đó, các cơ sở nuôi đã ý thức chừa diện tích nuôi để xử lý nước thải, chứa bùn thải theo quy định, góp phần giảm thiểu ô nhiễm chung… Chất thải rắn từ nuôi tôm có thể dùng để nâng đáy ao trải bạt đáy, giảm việc có thể phồng đáy và nước bên ngoài thâm nhập vào ao nuôi; chất thải rắn từ ao nuôi cá nước ngọt có thể làm nguyên liệu tạo ra phân bón, giảm thiểu ô nhiễm và tăng lợi ích.
Tôi biết công ty ABT ở Bến Tre đã thành công trong việc lấy bùn thải từ hệ thống xử lý nước thải nhà máy chế biến cá tra để làm thức ăn nuôi trùn quế và đã rất thành công. Hiện nay ABT đang tim cách xử lý bùn thải ao nuôi cá để làm phân bón cây. Việc này mang ý nghĩa cho cả kinh tế xanh lẫn kinh tế tuần hoàn! Trại nuôi tôm Sao Ta ở Sóc Trăng đã chú trọng sản xuất vi sinh xử lý chất thải, khí thải đáy ao nuôi, thực nghiệm trong 6 năm qua, đã có kết quả khá tốt ban đầu…
Những động thái, giải pháp trên góp phần hạn chế khí thải, rác thải để vùng nuôi thêm êm ả, không bị tác động xấu, góp phần xanh hóa vùng nuôi. Cơ sở nuôi tôm, nuôi cá quy mô kha khá trở lên, bây giờ đa phần đã trong quỹ đạo này. Trên là XANH chiều sâu, vùng nuôi còn XANH bề nổi. Đó là các khu rừng phòng hộ ven đê các vùng nuôi đã được chú trọng phủ xanh đều khắp và rộng mở hơn. Kết quả này, ngoài sự nỗ lực của chính quyền, người dân địa phương, còn có sự tài trợ từ các tổ chức phi chính phủ và các cơ sở nuôi quanh đó.
Hội thảo và phát động chủ đề nêu trên, VIETSHRIMP cũng tự làm tăng uy tín, tiếng tăm của mình. Bởi lẽ, như đã phân tích ở trên, xanh hóa vùng nuôi sẽ có nguồn nguyên liệu xanh cung ứng cho các cơ sở chế biến, là nền tảng để chúng ta có sản phẩm thủy sản xanh cung ứng các hệ thống phân phối cao cấp trên thế giới, mang lợi ích lâu dài cho ngành thủy sản nói riêng, xã hội nói chung. Qua đó cũng góp phần XUÂN XANH hơn, KHÔNG GIAN SỐNG XANH hơn và TƯƠNG LAI XANH sớm rõ nét, hiện thực hơn. Sự chung tay này, thế giới bớt lo lắng và an bình hơn, tương lai xanh bền vững hơn.
TS. Hồ Quốc Lực
Nguồn tin: https://vietshrimp.vn
Việt Linh: Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, việc làm thủy sản, việc làm nông nghiệp, tuyển dụng, tìm việc, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.