• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Chương III

NUÔI TRỒNG THỦY SẢN

Mục 1. GIỐNG THỦY SẢN

Điều 23. Quản lý giống thủy sản

1. Giống thủy sản trước khi lưu thông trên thị trường phải đáp ứng các yêu cầu sau đây:

a) Thuộc Danh mục loài thủy sản được phép kinh doanh tại Việt Nam;

b) Được công bố tiêu chuẩn áp dụng và công bố hợp quy theo quy định;

c) Có chất lượng phù hợp tiêu chuẩn công bố áp dụng;

d) Được kiểm dịch theo quy định của pháp luật.

2. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm sau đây:

a) Ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về giống thủy sản; quy định về thời hạn sử dụng giống thủy sản bố mẹ; trình Chính phủ ban hành Danh mục loài thủy sản được phép kinh doanh tại Việt Nam;

b) Hướng dẫn kiểm tra về điều kiện của cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản; chất lượng giống thủy sản trong sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu theo quy định của Luật này và pháp luật về chất lượng sản phẩm hàng hóa; quy định trình tự, thủ tục áp dụng biện pháp kỹ thuật xử lý vi phạm chất lượng giống thủy sản; hướng dẫn cập nhật thông tin giống thủy sản vào cơ sở dữ liệu quốc gia về thủy sản.

Điều 24. Điều kiện cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản

1. Tổ chức, cá nhân sản xuất giống thủy sản được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện khi đáp ứng các điều kiện sau đây:

a) Cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ sản xuất phù hợp với loài thủy sản; có nơi cách ly theo dõi sức khỏe giống thủy sản mới nhập;

b) Có nhân viên kỹ thuật được đào tạo về nuôi trồng thủy sản, bệnh học thủy sản hoặc sinh học;

c) Áp dụng hệ thống kiểm soát chất lượng, an toàn sinh học;

d) Trường hợp sản xuất giống thủy sản bố mẹ phải có giống thủy sản thuần chủng hoặc giống thủy sản được công nhận thông qua khảo nghiệm hoặc kết quả nhiệm vụ khoa học và công nghệ đã được công nhận hoặc được cơ quan có thẩm quyền cho phép.

2. Tổ chức, cá nhân ương dưỡng giống thủy sản được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện khi đáp ứng các điều kiện quy định tại các điểm a, b và c khoản 1 Điều này.

Điều 25. Cấp, cấp lại, thu hồi Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản

1. Thẩm quyền cấp, cấp lại, thu hồi Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản được quy định như sau:

a) Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp, cấp lại, thu hồi Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản đối với giống thủy sản bố mẹ;

b) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp, cấp lại, thu hồi Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản trên địa bàn, trừ trường hợp quy định tại điểm a khoản này.

2. Cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản thực hiện kiểm tra duy trì điều kiện của cơ sở.

3. Cấp lại Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Bị mất, hư hỏng;

b) Thay đổi thông tin của tổ chức, cá nhân trong giấy chứng nhận.

4. Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản bị thu hồi khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Bị tẩy, xóa, sửa chữa nội dung của giấy chứng nhận;

b) Cơ sở không còn đủ điều kiện theo quy định tại Điều 24 của Luật này;

c) Cơ sở có hành vi vi phạm khác mà pháp luật quy định phải thu hồi giấy chứng nhận.

5. Chính phủ quy định chi tiết điều kiện, thời gian kiểm tra duy trì điều kiện cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản; nội dung, trình tự, thủ tục cấp, cấp lại, thu hồi Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản.

Điều 26. Quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản

1. Tổ chức, cá nhân sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản có quyền sau đây:

a) Sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản theo nội dung của Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản;

b) Được tham gia tập huấn về quy định liên quan đến giống thủy sản;

c) Quảng cáo giống thủy sản theo quy định của pháp luật về quảng cáo;

d) Khiếu nại, tố cáo, bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.

2. Tổ chức, cá nhân sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản có nghĩa vụ sau đây:

a) Thực hiện công bố tiêu chuẩn áp dụng, công bố sự phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng theo quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và chất lượng sản phẩm, hàng hóa; bảo đảm và chịu trách nhiệm về chất lượng giống thủy sản đã công bố;

b) Áp dụng hệ thống kiểm soát chất lượng để bảo đảm chất lượng sản phẩm theo tiêu chuẩn đã công bố;

c) Sản xuất giống thủy sản có tên trong Danh mục loài thủy sản được phép kinh doanh tại Việt Nam; bảo đảm an toàn sinh học trong quá trình sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản;

d) Thực hiện ghi nhãn giống thủy sản theo quy định của pháp luật về nhãn hàng hóa;

đ) Cập nhật thông tin, báo cáo trong quá trình sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản vào cơ sở dữ liệu quốc gia về thủy sản theo quy định;

e) Thực hiện ghi chép, lưu giữ hồ sơ trong quá trình sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản phục vụ truy xuất nguồn gốc;

g) Chấp hành việc thanh tra, kiểm tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật;

h) Tuân thủ quy định về thời hạn sử dụng giống thủy sản bố mẹ.

Điều 27. Nhập khẩu, xuất khẩu giống thủy sản

1. Giống thủy sản nhập khẩu phải được kiểm tra chất lượng theo quy định của pháp luật.

2. Tổ chức, cá nhân được nhập khẩu giống thủy sản có tên trong Danh mục loài thủy sản được phép kinh doanh tại Việt Nam; trường hợp nhập khẩu giống thủy sản không có tên trong Danh mục loài thủy sản được phép kinh doanh tại Việt Nam để khảo nghiệm, nghiên cứu khoa học, trưng bày tại hội chợ, triển lãm phải được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp phép.

3. Tổ chức, cá nhân được xuất khẩu giống thủy sản trong các trường hợp sau đây:

a) Không có tên trong Danh mục loài thủy sản cấm xuất khẩu;

b) Đáp ứng điều kiện trong Danh mục loài thủy sản xuất khẩu có điều kiện;

c) Trường hợp vì mục đích nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế cần xuất khẩu giống thủy sản có tên trong Danh mục loài thủy sản cấm xuất khẩu hoặc Danh mục loài thủy sản xuất khẩu có điều kiện nhưng không đáp ứng đủ điều kiện phải được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp phép trên cơ sở chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ.

4. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét, quyết định kiểm tra hệ thống quản lý, sản xuất giống thủy sản tại nước xuất khẩu theo quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên trong trường hợp sau đây:

a) Đánh giá để thừa nhận lẫn nhau;

b) Phát hiện nguy cơ ảnh hưởng đến chất lượng, môi trường, an toàn sinh học đối với giống thủy sản nhập khẩu vào Việt Nam.

5. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Điều 28. Khảo nghiệm giống thủy sản

1. Giống thủy sản phải được khảo nghiệm trong trường hợp sau đây:

a) Giống thủy sản lần đầu được tạo ra trong nước thông qua việc chọn, lai, thụ tinh hoặc sử dụng biện pháp kỹ thuật khác, trừ giống thủy sản được tạo ra từ kết quả nhiệm vụ khoa học và công nghệ đã được công nhận hoặc được cơ quan có thẩm quyền cho phép;

b) Giống thủy sản nhập khẩu để đưa vào sản xuất, kinh doanh chưa có tên trong Danh mục loài thủy sản được phép kinh doanh tại Việt Nam.

2. Cơ sở khảo nghiệm giống thủy sản phải đáp ứng các điều kiện sau đây:

a) Có ít nhất hai nhân viên kỹ thuật trình độ đại học trở lên về nuôi trồng thủy sản, bệnh học thủy sản hoặc sinh học;

b) Có cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật phù hợp với loài thủy sản khảo nghiệm;

c) Đáp ứng điều kiện về an toàn sinh học, bảo vệ môi trường.

3. Cơ sở khảo nghiệm giống thủy sản có quyền và nghĩa vụ sau đây:

a) Được tham gia vào hoạt động khảo nghiệm giống thủy sản theo quy định của pháp luật;

b) Được thanh toán chi phí khảo nghiệm theo thỏa thuận với tổ chức, cá nhân có nhu cầu khảo nghiệm;

c) Từ chối cung cấp thông tin liên quan đến kết quả khảo nghiệm giống thủy sản cho bên thứ ba, trừ trường hợp cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu;

d) Chịu trách nhiệm về kết quả khảo nghiệm;

đ) Bảo đảm an toàn sinh học, bảo vệ môi trường trong quá trình khảo nghiệm;

e) Chấp hành việc thanh tra, kiểm tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

4. Chính phủ quy định chi tiết khoản 2 Điều này; quy định việc đặt tên giống, nội dung, trình tự, thủ tục khảo nghiệm giống thủy sản.

Điều 29. Kiểm định giống thủy sản

1. Giống thủy sản được kiểm định trong trường hợp sau đây:

a) Khi có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

b) Khi có yêu cầu của tổ chức, cá nhân trong trường hợp có khiếu nại, tố cáo.

2. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công bố cơ sở khảo nghiệm giống thủy sản đủ điều kiện kiểm định giống thủy sản.

3. Cơ sở thực hiện việc kiểm định giống thủy sản có quyền và nghĩa vụ sau đây:

a) Được tham gia vào hoạt động kiểm định giống thủy sản theo quy định của pháp luật;

b) Được thanh toán chi phí kiểm định theo quy định;

c) Từ chối cung cấp thông tin liên quan đến kết quả kiểm định giống thủy sản cho bên thứ ba, trừ trường hợp cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu;

d) Chịu trách nhiệm về kết quả kiểm định;

đ) Bảo đảm an toàn sinh học, bảo vệ môi trường trong quá trình kiểm định.

Điều 30. Nhãn, hồ sơ vận chuyển giống thủy sản

1. Giống thủy sản khi vận chuyển phải ghi nhãn theo quy định của pháp luật về ghi nhãn hàng hóa.

2. Tổ chức, cá nhân khi vận chuyển giống thủy sản phải có hồ sơ về chất lượng, kiểm dịch giống thủy sản theo quy định của pháp luật.

Mục 2. THỨC ĂN THỦY SẢN, SẢN PHẨM XỬ LÝ MÔI TRƯỜNG NUÔI TRỒNG THỦY SẢN

Điều 31. Quản lý thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản

1. Thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản trước khi lưu thông trên thị trường phải đáp ứng các yêu cầu sau đây:

a) Công bố tiêu chuẩn áp dụng và công bố hợp quy theo quy định;

b) Có chất lượng phù hợp tiêu chuẩn đã được công bố áp dụng;

c) Thông tin về sản phẩm đã được gửi đến Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo quy định.

2. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm sau đây:

a) Ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản;

b) Ban hành Danh mục hóa chất, chế phẩm sinh học, vi sinh vật cấm sử dụng trong thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản;

c) Ban hành Danh mục hóa chất, chế phẩm sinh học, vi sinh vật, nguyên liệu sản xuất thức ăn được phép sử dụng trong nuôi trồng thủy sản tại Việt Nam căn cứ kết quả khảo nghiệm hoặc kết quả nhiệm vụ khoa học và công nghệ đã được công nhận hoặc được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép hoặc kết quả rà soát, điều tra, đánh giá thực tiễn;

d) Hướng dẫn kiểm tra về điều kiện cơ sở sản xuất, mua bán, nhập khẩu thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản; chất lượng thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản trong sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu theo quy định của Luật này và pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa; quy định trình tự, thủ tục áp dụng biện pháp kỹ thuật để xử lý thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản vi phạm quy định về chất lượng;

đ) Quy định chi tiết điểm c khoản 1 Điều này; quy định việc đặt tên, sai số cho phép trong phân tích chất lượng, chỉ tiêu kỹ thuật phải công bố trong tiêu chuẩn công bố áp dụng của thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản.

Điều 32. Điều kiện cơ sở sản xuất thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản

1. Tổ chức, cá nhân được cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản khi đáp ứng các điều kiện sau đây:

a) Địa điểm sản xuất nằm trong khu vực không bị ô nhiễm bởi chất thải nguy hại, hóa chất độc hại;

b) Khu sản xuất có tường, rào ngăn cách với bên ngoài;

c) Nhà xưởng, trang thiết bị phù hợp với từng loại sản phẩm;

d) Có điều kiện phân tích chất lượng trong quá trình sản xuất;

đ) Áp dụng hệ thống kiểm soát chất lượng, an toàn sinh học;

e) Có nhân viên kỹ thuật được đào tạo về nuôi trồng thủy sản, bệnh học thủy sản, sinh học, hóa học hoặc công nghệ thực phẩm.

1. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Điều 33. Điều kiện cơ sở mua bán, nhập khẩu thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản

Cơ sở mua bán, nhập khẩu thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản phải đáp ứng các điều kiện sau đây:

1. Nơi bày bán, nơi bảo quản cách biệt với thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, hóa chất độc hại;

2. Có thiết bị, dụng cụ để bảo quản thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản theo hướng dẫn của nhà sản xuất, nhà cung cấp.

Điều 34. Cấp, cấp lại, thu hồi Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản

1. Thẩm quyền cấp, cấp lại, thu hồi Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản được quy định như sau:

a) Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp, cấp lại, thu hồi Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản đối với nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài;

b) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp, cấp lại, thu hồi Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản trên địa bàn, trừ trường hợp quy định tại điểm a khoản này.

2. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản thực hiện kiểm tra duy trì điều kiện của cơ sở.

3. Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản được cấp lại trong trường hợp sau đây;

a) Bị mất, hư hỏng;

b) Thay đổi thông tin của tổ chức, cá nhân trong giấy chứng nhận.

4. Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản bị thu hồi trong trường hợp sau đây:

a) Bị tẩy, xóa, sửa chữa nội dung của giấy chứng nhận;

b) Cơ sở không còn đủ điều kiện theo quy định tại khoản 1 Điều 32 của Luật này;

c) Cơ sở có hành vi vi phạm khác mà pháp luật quy định phải thu hồi giấy chứng nhận.

5. Chính phủ quy định chi tiết điều kiện cơ sở mua bán, nhập khẩu thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản; nội dung, thời gian kiểm tra duy trì điều kiện; nội dung, trình tự, thủ tục cấp, cấp lại, thu hồi Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản.

Điều 35. Khảo nghiệm thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản

1. Thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản phải được khảo nghiệm trong trường hợp có hóa chất, chế phẩm sinh học, vi sinh vật, nguyên liệu sản xuất thức ăn thủy sản không có tên trong danh mục quy định tại điểm b và điểm c khoản 2 Điều 31 của Luật này.

2. Cơ sở khảo nghiệm thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản phải đáp ứng các điều kiện sau đây:

a) Có nhân viên kỹ thuật trình độ đại học trở lên về nuôi trồng thủy sản, bệnh học thủy sản hoặc sinh học;

b) Có cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật phù hợp với việc khảo nghiệm thức ăn, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản;

c) Đáp ứng điều kiện về an toàn sinh học, bảo vệ môi trường.

3. Nội dung khảo nghiệm thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản như sau:

a) Phân tích thành phần, chất lượng sản phẩm;

b) Đánh giá đặc tính, công dụng của sản phẩm;

c) Đánh giá độc tính, độ an toàn đối với thủy sản nuôi trồng, môi trường và người sử dụng;

d) Nội dung khác theo đặc thù của từng sản phẩm.

4. Cơ sở khảo nghiệm thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản có quyền và nghĩa vụ sau đây:

a) Được tham gia vào hoạt động khảo nghiệm theo quy định của pháp luật;

b) Được thanh toán chi phí khảo nghiệm theo quy định;

c) Từ chối cung cấp thông tin liên quan đến kết quả khảo nghiệm cho bên thứ ba, trừ trường hợp cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu;

d) Chịu trách nhiệm về kết quả khảo nghiệm;

đ) Bảo đảm an toàn sinh học, bảo vệ môi trường trong quá trình khảo nghiệm;

e) Chấp hành việc thanh tra, kiểm tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

5. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện giám sát hoạt động khảo nghiệm trên địa bàn.

6. Chính phủ quy định chi tiết khoản 2 và khoản 3 Điều này; quy định trình tự, thủ tục khảo nghiệm thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản.

Điều 36. Nhập khẩu, xuất khẩu thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản

1. Thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản khi nhập khẩu phải được kiểm tra chất lượng.

2. Tổ chức, cá nhân được nhập khẩu thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản có hóa chất, chế phẩm sinh học, vi sinh vật, nguyên liệu sản xuất thức ăn thủy sản thuộc Danh mục hóa chất, chế phẩm sinh học, vi sinh vật, nguyên liệu sản xuất thức ăn được phép sử dụng trong nuôi trồng thủy sản tại Việt Nam; trường hợp nhập khẩu thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản có hóa chất, chế phẩm sinh học, vi sinh vật, nguyên liệu sản xuất thức ăn thủy sản không thuộc danh mục quy định tại điểm b và điểm c khoản 2 Điều 31 của Luật này để khảo nghiệm, nghiên cứu khoa học, trưng bày tại hội chợ, triển lãm phải được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp phép.

3. Thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản khi xuất khẩu phải đáp ứng yêu cầu của pháp luật nước nhập khẩu và pháp luật Việt Nam.

4. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét, quyết định kiểm tra hệ thống quản lý, sản xuất thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản tại nước xuất khẩu theo quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên trong trường hợp sau đây:

a) Đánh giá để thừa nhận lẫn nhau;

b) Phát hiện nguy cơ ảnh hưởng đến chất lượng, an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh, môi trường đối với sản phẩm nhập khẩu vào Việt Nam.

5. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Điều 37. Nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân sản xuất, mua bán, nhập khẩu, sử dụng thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản

1. Tổ chức, cá nhân sản xuất thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản có nghĩa vụ sau đây:

a) Thực hiện kiểm soát chất lượng trong quá trình sản xuất theo quy định của pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa;

b) Thực hiện công bố tiêu chuẩn áp dụng; công bố sự phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng theo quy định;

c) Thực hiện ghi nhãn hàng hóa theo quy định của pháp luật về ghi nhãn hàng hóa; ghi chép, lưu giữ hồ sơ trong quá trình sản xuất phục vụ truy xuất nguồn gốc;

d) Chịu trách nhiệm trước pháp luật về chất lượng sản phẩm do mình sản xuất; xử lý, thu hồi hoặc tiêu hủy sản phẩm không bảo đảm chất lượng theo quy định của pháp luật; bồi thường thiệt hại gây ra cho người mua, người nuôi trồng thủy sản;

đ) Gửi thông tin sản phẩm đến Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo quy định trước khi lưu thông sản phẩm trên thị trường;

e) Chấp hành việc thanh tra, kiểm tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

2. Tổ chức, cá nhân mua bán, nhập khẩu thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản có nghĩa vụ sau đây:

a) Kiểm tra nguồn gốc xuất xứ, thời hạn sử dụng, độ nguyên vẹn của sản phẩm; dấu hợp chuẩn, dấu hợp quy nếu có;

b) Thực hiện biện pháp bảo quản chất lượng sản phẩm theo hướng dẫn của nhà sản xuất nhằm duy trì chất lượng sản phẩm;

c) Gửi thông tin về sản phẩm khi nhập khẩu lần đầu đến Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo quy định trước khi lưu thông sản phẩm trên thị trường và thực hiện công bố tiêu chuẩn áp dụng;

d) Chấp hành việc thanh tra, kiểm tra về điều kiện cơ sở, chất lượng sản phẩm theo quy định của pháp luật; xử lý, thu hồi, tiêu hủy sản phẩm vi phạm chất lượng, an toàn thực phẩm, bồi thường thiệt hại gây ra cho người nuôi trồng thủy sản theo quy định của pháp luật.

3. Tổ chức, cá nhân sử dụng thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản có nghĩa vụ sau đây:

a) Tuân thủ các quy định của pháp luật và hướng dẫn của nhà cung cấp, nhà sản xuất sản phẩm liên quan đến vận chuyển, lưu giữ, bảo quản, sử dụng sản phẩm;

b) Chấp hành việc thanh tra, kiểm tra về chất lượng sản phẩm của cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản; tiêu hủy thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản và thủy sản nuôi trồng không bảo đảm về chất lượng, an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật.

Mục 3. NUÔI TRỒNG THỦY SẢN

Điều 38. Điều kiện cơ sở nuôi trồng thủy sản

1. Cơ sở nuôi trồng thủy sản phải đáp ứng các điều kiện sau đây:

a) Địa điểm xây dựng cơ sở nuôi trồng thủy sản phải tuân thủ quy định về sử dụng đất, khu vực biển để nuôi trồng thủy sản theo quy định của pháp luật;

b) Có cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật phù hợp với đối tượng và hình thức nuôi;

c) Đáp ứng quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, thú y và an toàn lao động;

d) Đáp ứng quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm;

đ) Phải đăng ký đối với hình thức nuôi trồng thủy sản lồng bè và đối tượng thủy sản nuôi chủ lực.

2. Cơ sở nuôi trồng thủy sản dùng làm cảnh, giải trí, mỹ nghệ, mỹ phẩm phải tuân theo quy định tại các điểm a, b, c và đ khoản 1 Điều này.

3. Tổ chức, cá nhân nuôi trồng thủy sản trên biển phải lập dự án nuôi trồng thủy sản và được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phép nuôi trồng thủy sản, trừ đối tượng quy định tại điểm a khoản 2 Điều 44 của Luật này.

4. Thủ tướng Chính phủ quy định đối tượng thủy sản nuôi chủ lực.

5. Chính phủ quy định chi tiết điều kiện cơ sở nuôi trồng thủy sản; thẩm quyền, nội dung, trình tự, thủ tục cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện nuôi trồng thủy sản; thẩm quyền, nội dung, trình tự, thủ tục đăng ký đối với hình thức nuôi trồng thủy sản lồng bè, đối tượng thủy sản nuôi chủ lực; nội dung, trình tự, thủ tục cấp phép nuôi trồng thủy sản trên biển.

Điều 39. Thẩm quyền cấp phép nuôi trồng thủy sản trên biển

1. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp phép nuôi trồng thủy sản trên biển cho tổ chức, cá nhân Việt Nam trong phạm vi vùng biển tính từ đường mép nước biển thấp nhất trung bình trong nhiều năm đến 06 hải lý thuộc phạm vi quản lý.

2. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp phép nuôi trồng thủy sản trên biển cho tổ chức, cá nhân Việt Nam trong khu vực biển ngoài 06 hải lý, khu vực biển giáp ranh giữa các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, khu vực biển nằm đồng thời trong và ngoài 06 hải lý.

3. Chính phủ quy định việc cấp phép nuôi trồng thủy sản trên biển đối với nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 44 của Luật này.

Điều 40. Nuôi sinh sản, nuôi sinh trưởng, trồng cấy nhân tạo loài thủy sản thuộc Phụ lục của Công ước quốc tế về buôn bán các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp; loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm

1. Tổ chức, cá nhân được phép nuôi sinh sản, nuôi sinh trưởng, trồng cấy nhân tạo loài thủy sản thuộc Phụ lục của Công ước quốc tế về buôn bán các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp; các loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm theo quy định của Công ước quốc tế về buôn bán các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp và pháp luật Việt Nam.

2. Cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản cấp tỉnh quản lý, xác nhận nguồn gốc loài thủy sản thuộc Phụ lục của Công ước quốc tế về buôn bán các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp; các loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm có nguồn gốc từ nuôi trồng hoặc khai thác từ tự nhiên.

3. Chính phủ quy định trình tự, thủ tục xác nhận nguồn gốc loài thủy sản quy định tại khoản 2 Điều này; điều kiện, thẩm quyền, trình tự và thủ tục chứng nhận cơ sở đủ điều kiện nuôi sinh sản, nuôi sinh trưởng, cơ sở trồng cấy nhân tạo loài thủy sản thuộc Phụ lục của Công ước quốc tế về buôn bán các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp; các loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm.

Điều 41. Quan trắc, cảnh báo môi trường, phòng, chống dịch bệnh trong nuôi trồng thủy sản

Việc quan trắc, cảnh báo môi trường, phòng, chống dịch bệnh trong nuôi trồng thủy sản thực hiện theo quy định của pháp luật về thú y và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Điều 42. Quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân nuôi trồng thủy sản

1. Tổ chức, cá nhân nuôi trồng thủy sản có quyền sau đây:

a) Được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất khi được giao đất, cho thuê đất để nuôi trồng thủy sản theo quy định tại Điều 43 của Luật này, quyết định giao quyền sử dụng khu vực biển để nuôi trồng thủy sản theo quy định tại Điều 44 của Luật này;

b) Được Nhà nước bảo vệ khi tổ chức, cá nhân khác xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp trong quá trình nuôi trồng thủy sản; được bồi thường thiệt hại khi Nhà nước thu hồi đất, khu vực biển vì mục đích công cộng, quốc phòng, an ninh trong thời hạn được giao quyền sử dụng đất, quyền sử dụng khu vực biển theo quy định của pháp luật;

c) Được thông báo về tình hình môi trường, dịch bệnh vùng nuôi trồng thủy sản, hướng dẫn kỹ thuật nuôi trồng thủy sản, thông tin về thị trường thủy sản;

d) Được Nhà nước hỗ trợ khôi phục sản xuất trong trường hợp bị thiệt hại do dịch bệnh, thiên tai theo quy định;

đ) Được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện nuôi trồng thủy sản khi có yêu cầu.

2. Tổ chức, cá nhân nuôi trồng thủy sản có nghĩa vụ sau đây:

a) Sử dụng diện tích đất, khu vực biển được giao đúng mục đích, ranh giới để nuôi trồng thủy sản và bảo vệ các công trình phục vụ chung cho nuôi trồng thủy sản;

b) Thực hiện nghĩa vụ tài chính về sử dụng đất, khu vực biển để nuôi trồng thủy sản theo quy định của pháp luật;

c) Thực hiện theo dõi, giám sát chỉ tiêu môi trường nuôi trồng thủy sản theo quy định của pháp luật;

d) Tuân thủ quy định về phòng, chống thiên tai; bảo đảm an toàn cho người và tài sản trong quá trình nuôi trồng thủy sản; tuân thủ quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm, an toàn sinh học, bảo vệ môi trường;

đ) Sử dụng trang thiết bị, giống thủy sản, thức ăn, thuốc thú y thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản theo quy định;

e) Lưu giữ hồ sơ về giống thủy sản, thức ăn, thuốc thú y thủy sản và sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản dùng trong quá trình nuôi trồng thủy sản và các tài liệu khác về toàn bộ quá trình nuôi trồng thủy sản để bảo đảm truy xuất nguồn gốc;

g) Chịu trách nhiệm trước pháp luật về hoạt động nuôi trồng thủy sản, chất lượng, an toàn thực phẩm của sản phẩm nuôi trồng thủy sản do cơ sở cung cấp; chịu sự kiểm tra, giám sát của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong quá trình nuôi trồng thủy sản;

h) Cập nhật thông tin, báo cáo tình hình nuôi trồng thủy sản vào cơ sở dữ liệu quốc gia về thủy sản;

i) Trả lại đất, khu vực biển nuôi trồng thủy sản khi có quyết định thu hồi theo quy định của pháp luật.

Mục 4. GIAO, CHO THUÊ, THU HỒI ĐẤT, KHU VỰC BIỂN ĐỂ NUÔI TRỒNG THỦY SẢN

Điều 43. Giao, cho thuê, thu hồi đất để nuôi trồng thủy sản

Việc giao, cho thuê, thu hồi đất để nuôi trồng thủy sản thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai.

Điều 44. Giao khu vực biển để nuôi trồng thủy sản

1. Việc giao khu vực biển để nuôi trồng thủy sản phải căn cứ quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch tỉnh và quy định của pháp luật về biển, bảo đảm quốc phòng, an ninh.

2. Thẩm quyền giao khu vực biển không thu tiền sử dụng để nuôi trồng thủy sản như sau:

a) Ủy ban nhân dân cấp huyện giao khu vực biển cho cá nhân Việt Nam có hồ sơ đăng ký khi cá nhân đó phải chuyển đổi từ nghề khai thác ven bờ sang nuôi trồng thủy sản theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc thường trú trên địa bàn mà nguồn sống chủ yếu dựa vào thu nhập từ nuôi trồng thủy sản được Ủy ban nhân dân cấp xã nơi thường trú xác nhận. Phạm vi giao khu vực biển để nuôi trồng thủy sản tính từ đường mép nước biển thấp nhất trung bình trong nhiều năm đến 03 hải lý thuộc phạm vi quản lý;

b) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giao khu vực biển cho tổ chức, cá nhân Việt Nam thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ phục vụ nuôi trồng thủy sản được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Phạm vi giao khu vực biển tính từ đường mép nước biển thấp nhất trung bình trong nhiều năm đến 06 hải lý thuộc phạm vi quản lý;

c) Bộ Tài nguyên và Môi trường giao khu vực biển cho tổ chức, cá nhân Việt Nam thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ phục vụ nuôi trồng thủy sản được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Phạm vi giao khu vực biển ngoài 06 hải lý, khu vực biển nằm đồng thời trong và ngoài 06 hải lý tính từ đường mép nước biển thấp nhất trung bình trong nhiều năm; khu vực biển giáp ranh giữa các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

3. Thẩm quyền giao khu vực biển có thu tiền sử dụng để nuôi trồng thủy sản như sau:

a) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giao khu vực biển để nuôi trồng thủy sản đối với trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 39 của Luật này;

b) Bộ Tài nguyên và Môi trường giao khu vực biển để nuôi trồng thủy sản đối với trường hợp quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 39 của Luật này;

4. Thời hạn giao khu vực biển để nuôi trồng thủy sản không quá 30 năm, được tính từ ngày quyết định giao khu vực biển có hiệu lực. Khi hết thời hạn giao, tổ chức, cá nhân có nhu cầu tiếp tục sử dụng khu vực biển đã được giao để nuôi trồng thủy sản được Nhà nước xem xét gia hạn, có thể gia hạn nhiều lần nhưng tổng thời gian gia hạn không quá 20 năm. Thời hạn giao khu vực biển cho tổ chức, cá nhân Việt Nam thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ phục vụ nuôi trồng thủy sản không quá thời hạn nhiệm vụ khoa học và công nghệ được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

5. Quyết định giao khu vực biển để nuôi trồng thủy sản được sửa đổi, bổ sung trong các trường hợp sau đây:

a) Thay đổi thông tin của tổ chức, cá nhân được giao khu vực biển để nuôi trồng thủy sản;

b) Thay đổi nội dung hồ sơ đăng ký, nhiệm vụ khoa học và công nghệ, dự án nuôi trồng thủy sản dẫn đến thay đổi nội dung quyết định giao khu vực biển để nuôi trồng thủy sản.

6. Chính phủ quy định việc giao, gia hạn, hạn mức, khung giá tiền sử dụng khu vực biển; sửa đổi, bổ sung quyết định giao khu vực biển để nuôi trồng thủy sản.

Điều 45. Thu hồi, trưng dụng khu vực biển đã giao để nuôi trồng thủy sản

1. Nhà nước thực hiện việc thu hồi toàn bộ hoặc một phần khu vực biển đã giao cho tổ chức, cá nhân để nuôi trồng thủy sản khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Sử dụng khu vực biển trái với nội dung quyết định giao khu vực biển để nuôi trồng thủy sản; vi phạm quy định về bảo vệ công trình phục vụ chung cho nuôi trồng thủy sản;

b) Không sử dụng một phần hoặc toàn bộ khu vực biển được giao để nuôi trồng thủy sản quá 24 tháng liên tục, trừ trường hợp có lý do chính đáng được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận;

c) Vì mục đích công cộng, quốc phòng, an ninh;

d) Vi phạm nghĩa vụ quy định tại khoản 1 Điều 47 của Luật này;

đ) Không chấp hành nghĩa vụ tài chính quy định tại điểm b khoản 2 Điều 42 của Luật này và đã bị xử phạt vi phạm hành chính mà không chấp hành;

e) Quyết định giao khu vực biển trái với quy hoạch không gian biển đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt;

g) Không còn đáp ứng các điều kiện quy định tại Điều 38 của Luật này mà không được khắc phục kịp thời.

2. Nhà nước quyết định trưng dụng khu vực biển trong trường hợp cần thiết để thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh hoặc trong tình trạng khẩn cấp; sự cố môi trường; phòng, chống thiên tai. Việc trưng dụng khu vực biển thực hiện theo quy định của pháp luật về trưng mua, trưng dụng tài sản.

3. Cơ quan có thẩm quyền giao khu vực biển để nuôi trồng thủy sản có thẩm quyền thu hồi khu vực biển đã giao.

4. Chính phủ quy định trình tự, thủ tục thu hồi khu vực biển đã giao để nuôi trồng thủy sản.

Điều 46. Quyền của tổ chức, cá nhân được giao khu vực biển để nuôi trồng thủy sản

1. Tổ chức, cá nhân được giao khu vực biển để nuôi trồng thủy sản có quyền quy định tại khoản 1 Điều 42 của Luật này và quyền sau đây:

a) Sử dụng khu vực biển được giao để nuôi trồng thủy sản;

b) Trả lại toàn bộ hoặc một phần diện tích khu vực biển được giao;

c) Sử dụng các thông tin, dữ liệu liên quan đến khu vực biển được giao theo quy định của pháp luật.

2. Cá nhân Việt Nam được Nhà nước giao khu vực biển để nuôi trồng thủy sản không thu tiền sử dụng khu vực biển quy định tại điểm a khoản 2 Điều 44 của Luật này có quyền quy định tại khoản 1 Điều này và có quyền thế chấp tài sản thuộc sở hữu của mình gắn liền với khu vực biển được giao tại tổ chức tín dụng Việt Nam theo quy định của pháp luật.

3. Tổ chức, cá nhân Việt Nam được Nhà nước giao khu vực biển để nuôi trồng thủy sản có thu tiền sử dụng khu vực biển mà đã trả tiền sử dụng hằng năm có quyền quy định tại khoản 1 Điều này và quyền sau đây:

a) Thế chấp tài sản thuộc sở hữu của mình gắn liền với khu vực biển được giao tại tổ chức tín dụng Việt Nam theo quy định của pháp luật;

b) Chuyển nhượng tài sản thuộc sở hữu của mình gắn liền với khu vực biển được giao; tổ chức, cá nhân nhận chuyển nhượng nếu tiếp tục nuôi trồng thủy sản thì có quyền như tổ chức, cá nhân chuyển nhượng.

4. Tổ chức, cá nhân Việt Nam được Nhà nước giao khu vực biển để nuôi trồng thủy sản có thu tiền sử dụng khu vực biển mà đã trả trước toàn bộ tiền sử dụng theo thời hạn giao có quyền quy định tại khoản 1 Điều này và quyền sau đây:

a) Thế chấp giá trị quyền sử dụng khu vực biển được giao và tài sản thuộc sở hữu của mình gắn liền vơi khu vực biển được giao trong thời hạn giao tại tổ chức tín dụng Việt Nam theo quy định của pháp luật;

b) Chuyển nhượng quyền sử dụng khu vực biển được giao và tài sản thuộc sở hữu của mình gắn liền với khu vực biển được giao. Cá nhân được để lại quyền sử dụng khu vực biển được giao cho người thừa kế trong thời hạn giao theo quy định của pháp luật. Người nhận chuyển nhượng, người được thừa kế quyền sử dụng khu vực biển đã giao để nuôi trồng thủy sản có quyền quy định tại khoản này;

c) Góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng khu vực biển được giao và tài sản thuộc sở hữu của mình gắn liền với khu vực biển được giao theo quy định của pháp luật;

d) Cho thuê quyền sử dụng khu vực biển và tài sản thuộc sở hữu của mình gắn liền với khu vực biển trong thời hạn được giao. Việc cho thuê chỉ được thực hiện khi khu vực biển đó đã được đầu tư theo dự án và người thuê phải sử dụng khu vực biển đó đúng mục đích.

5. Chính phủ quy định việc trả lại khu vực biển, thế chấp quyền sử dụng khu vực biển; việc cho thuê, góp vốn, chuyển nhượng quyền sử dụng khu vực biển được giao giữa các tổ chức, cá nhân Việt Nam; việc tổ chức, cá nhân Việt Nam cho thuê, góp vốn, chuyển nhượng quyền sử dụng khu vực biển được giao cho nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài để nuôi trồng thủy sản; quyền của nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài được giao khu vực biển, được thuê, nhận góp vốn, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng khu vực biển từ tổ chức, cá nhân Việt Nam để nuôi trồng thủy sản; việc bồi thường khi bị thu hồi khu vực biển vì mục đích công cộng, quốc phòng, an ninh.

Điều 47. Nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân được giao khu vực biển để nuôi trồng thủy sản

Tổ chức, cá nhân được giao khu vực biển để nuôi trồng thủy sản có nghĩa vụ quy định tại khoản 2 Điều 42 của Luật này và nghĩa vụ sau đây:

1. Không được tiến hành hoạt động ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh, chủ quyền, lợi ích quốc gia trên biển;

2. Không cản trở hoạt động điều tra cơ bản, nghiên cứu khoa học về tài nguyên, môi trường biển và hoạt động hợp pháp khác được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép;

3. Nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài được giao khu vực biển để nuôi trông thủy sản hoặc được thuê, nhận vốn góp, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng khu vực biển từ tổ chức, cá nhân Việt Nam để nuôi trồng thủy sản thực hiện theo quy định của Chính phủ. 

Xem tiếp: Xem mục lục - LUẬT THỦY SẢN

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Việt Linh: Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, việc làm thủy sản, việc làm nông nghiệp, tuyển dụng, tìm việc, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang