Đầu tháng 2/ 2013, Starbucks đã khai trương cửa hàng đầu tiên tại Việt Nam. Ông John Culver, Chủ tịch Starbucks tại Trung Quốc và châu Á - Thái Bình Dương cho biết Starbucks cam kết sẽ sử dụng nhiều hơn nguồn cung cấp hạt cà phê Arabica chất lượng cao của Việt Nam và sẽ chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm về cà phê để giúp phát triển ngành cà phê Việt Nam, giúp nông dân địa phương nâng cao tập quán trồng cà phê có trách nhiệm và phát triển cà phê Arabica bản địa.
Gần như ngay sau đó, có thông tin Cà phê Trung Nguyên công bố sẽ mua lại một số cơ sở rang, xay cà phê tại Hoa Kỳ và sẽ mở cửa hàng cà phê tại thủ phủ của Starbucks: Thành phố Seattle. Liệu Trung Nguyên có thành công trong việc đưa cà phê Việt Nam sang thị trường Mỹ?
Khi thanh niên thành phố háo hức xếp hàng ở trung tâm đô thị đông đúc nhất Việt Nam chờ đợi những ly cà phê mới, thì bà con trồng cà phê như chúng tôi đang nghe ngóng xem khi nào và bao giờ Starbucks sẽ tiến hành những cam kết của mình.
Các nhà rang xay cà phê lớn nhất thế giới (gồm có Kraft Foods, Sara Lee, Nestle, Tchibo, Starbucks) cũng là các nhà thu mua cà phê hàng đầu thế giới. Starbucks khi đã vào Việt Nam liệu có làm được như Cargill và một số doanh nghiệp khác đã và đang giúp đỡ các nhà vườn trồng ca cao theo chuẩn UTZ đang được thực hiện thành công tại nhiều tỉnh thành: Bến Tre, Bà Rịa Vũng Tàu... và xây dựng các kênh thu mua theo cam kết?
Câu trả lời vẫn còn phải chờ đợi với người trồng cà phê.
Các nước tiêu thụ cà phê chính như Mỹ, EU đang dần chuyển sang tiêu thụ cà phê đặc sản và cà phê có chứng nhận. Đó chính là rào cản kỹ thuật đối với cà phê Việt Nam. Chất lượng cà phê của Việt Nam khá tốt, nhưng nếu bà con mình không có kỹ thuật trồng và sơ chế thì sẽ chẳng đáp ứng được các tiêu chuẩn để đạt chứng nhận.
Để đạt chứng chỉ và bán được hàng, ngoài việc phải áp dụng nghiêm ngặt các tiêu chuẩn kỹ thuật, người trồng cà phê phải đóng hàng loạt các loại phí: phí đăng ký, phí thành viên, phí kiểm tra thường niên... Tuy vậy, các loại cà phê có chứng nhận luôn có mức giá cao hơn cà phê thông thường.
Ở Việt Nam, theo thống kê, mới chỉ có khoảng 10% tổng sản lượng cà phê đạt chứng chỉ UTZ hoặc chứng chỉ 4C và một lượng nhỏ cà phê đạt các chứng chỉ Rainforest, Fairtrade và Organic.
Các tiêu chuẩn Việt Nam hiện được áp dụng cho cà phê Việt Nam: TVCN 4293:2003; TCVN 4193:2005; TCVN 7032:2007 (ISO 10470:2004).
Các chứng chỉ quốc tế phổ biến của ngành cà phê:
Chứng chỉ UTZ Certified (2007): cấp cho những sản phẩm cà phê được đảm bảo về chất lượng xã hội và môi trường, có thể truy xuất nguồn gốc của lô hàng. Chứng nhận UTZ Certified phổ biến tại thị trường Hà Lan và Bắc Âu.
Chứng nhận 4C (2006): Common Code for the Coffee Community - đảm bảo cho sự bền vững của cả xã hội, môi trường và kinh tế: đảm bảo điều kiện lao động, sinh hoạt của người lao động; bảo vệ rừng nguyên sinh và tài nguyên thiên nhiên như nước, đất, đa dạng hóa sinh học và năng lượng; phát triển trên cơ sở xã hội và môi trường bền vững.
Chứng nhận FairTrade (1997): phổ biến tại thị trường Anh, Pháp, Mỹ - Chứng nhận thương mại công bằng, tổ chức mua bán dựa trên việc đối thoại, minh bạch và tôn trọng lẫn nhau.
Chứng nhận RainForest Alliance (1992): phổ biến tại thị trường Nhật Bản và Tây Âu, chứng nhận cho mục tiêu bảo tồn đa dạng hóa sinh học, bảo đảm cuộc sống bền vững thông qua đổi mới cách thực hành sử dụng đất, buôn bán và cách hành xử của người tiêu dùng.
Chứng chỉ Organic: phổ biến ở thị trường Đức, Canada, Úc, Ý và Mỹ, chứng nhận về hệ thống quản lý sản xuất nông nghiệp, phủ đất bằng nguyên liệu hữu cơ, điều tiết cây bóng mát và phòng trừ dịch bệnh theo hướng sinh học.
Người tiêu dùng hỗ trợ nông nghiệp bền vững bằng cách mua các sản phẩm của các trang trại đã được cấp chứng chỉ. Theo thống kê, Hà Lan có gần 40% lượng cà phê được chứng nhận, Mỹ là thị trường thứ 2 với 16% tổng lượng cà phê nhập khẩu có chứng nhận. Đan Mạch, Thụy Điển, Na Uy, Thụy Sĩ và Bỉ cà phê có chứng nhận cũng chiếm trên 10%. Cà phê có chứng nhận đã tăng trưởng 20-25% mỗi năm, trong khi cà phê thông thường chỉ tăng trưởng khoảng 2%.
Kể từ tháng 3/2010, Starbucks bắt đầu chỉ dùng cà phê có chứng nhận Fairtrade với tất cả các loại đồ uống dạng espresso tại châu Âu. Năm 2011, Sara Lee cam kết sẽ tăng gấp 3 lượng thu mua cà phê có chứng chỉ UTZ Certified Good Inside trong vòng 5 năm tới. Tháng 5/2011, Kraft Food công bố đến năm 2015 sẽ sử dụng 100% nguồn cung cà phê bền vững cho thị trường châu Âu.
Sau khi cửa hàng Starbucks đầu tiên được 2 giáo viên và 1 nhà văn chung nhau thành lập ở Seattle (Hoa Kỳ) được chuyển từ Western St. tới Pike St. Cửa hàng này là nơi duy nhất trong hệ thống trên 10 ngàn cửa hàng Starbucks được sử dụng logo màu nâu của công ty suốt hơn 40 năm qua trong khi các cửa hàng khác đều phải sử dụng logo màu xanh để nhận diện thương hiệu.Cội nguồn vẫn được trân trọng tại Starbucks. Ảnh: Việt Linh
Đến hôm nay, khách vẫn kiên nhẫn xếp thành hàng dài để chờ được thưởng thức những ly cà phê Starbucks tại cửa hàng lâu đời nhất của Starbucks tại khu chợ Pike Place Market, Seattle (Hoa Kỳ). Ảnh: Việt Linh
Theo số liệu của Bộ NN&PTNT, năm 2012, diện tích trồng cà phê của Việt Nam đã đạt gần 615.000 hecta, trong khi quy hoạch tổng thể ngành đến năm 2020 chỉ là 500.000 hecta. Xuất khẩu đạt 1,7 triệu tấn, kim ngạch đạt 3,4 tỉ đô la, tăng 36% so với năm 2011, đạt mức cao kỷ lục trong lịch sử xuất khẩu cà phê Việt Nam. Điều này giống hệt như phát triển nóng diện tích nuôi cá tra ở Đồng bằng sông Cửu Long trước đây?
Trên thế giới hương vị của cà phê Arabica được ưa chuộng hơn Robusta. Giá cà phê Arabica trung bình cao hơn Robusta từ 1,5 tới 2 lần. Theo hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam, tổng diện tích cà phê arabica của Việt Nam hiện vào khoảng 32.000 – 35.000 hécta. Quy hoạch tổng thể ngành của Bộ NN & PTNT đến năm 2020 cũng chỉ duy trì 40.000 hecta trồng cà phê Arabica do loại cà phê này đòi hỏi điều kiện đất canh tác và khí hậu rất khắt khe. Việt Nam đã đạt giới hạn về diện tích trồng cà phê Arabica?
5 năm vừa qua, năng suất cà phê trung bình của Việt Nam đã đạt 2 tấn/héc ta, cao hơn gấp rưỡi so với Indonesia và đạt mức cao nhất trong các nước sản xuất cà phê Robusta. Đây là ngưỡng khó vượt qua để tăng cao hơn nữa.
80% diện tích cà phê ở Việt Nam nằm ở các nông hộ, nên để hình thành một nền sản xuất tập trung, bền vững nông dân phải đầu tư kỹ thuật ra sao và ai sẽ giúp họ vốn?
Phơi nắng hay sử dụng máy sấy? Phơi nắng thì nông dân cần có sân phơi, sử dụng máy sấy thì cần vốn đầu tư hoặc thuê sấy tập trung. Đã có một thời gian dài bà con hái cả cà phê xanh, làm giảm chất lượng và giá bán. Nhưng không thu hoạch sớm thì sợ giá giảm sâu hơn và bị... hái trộm?
Hơn 90% lượng cà phê xuất khẩu của Việt Nam là cà phê nhân. Cà phê Việt Nam thường xuyên bị giao dịch ở mức giá thấp do chưa đạt các tiêu chuẩn quốc tế. Giá cà phê nhân cũng lên xuống thất thường trên các sàn giao dịch quốc tế, ảnh hưởng tới giá thu mua trong nước. Không có kho tạm trữ, nhiều bà con phải bán nhanh và chịu giá thấp?
* Các số liệu được tổng hợp từ nhiều nguồn báo chí và các website.
© Sonia LV. Viet Linh. Feb 07, 2013
Việt Linh: Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, việc làm thủy sản, việc làm nông nghiệp, tuyển dụng, tìm việc, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.