Tên latinh: Symphysodon aequifasciata
Symphysodon discus, Discus, Pompadour, Poisson-disque (Red discus, royal blue discus)
Họ: Cá rô phi - Cichlidae
Phân bố: Amazon (Nam Mỹ)
Chiều dài cá trưởng thành: 15-20 cm
Là loài cá lớn nhất trong các loài cá đĩa. Thân cá dạng đĩa rất cao, rất dẹp bên; miệng nhỏ, che xiên theo chiều cao.
Màu nền là màu nâu vàng hay màu hạt dẻ, màu mận. Có nhiều vân ngũ sắc màu lam nhạt nhìn thấy rõ ràng bên hông cá.
Có 7 sọc dọc sẫm màu, sọc thứ 5 nằm ở giữa thân là sọc rộng nhất và sẫm màu hơn các sọc khác.
Hông cá có những đường lượn sóng màu lam nhạt và óng ánh, kéo dài lên 1 phần các cây lưng và hậu môn. Các phần khác màu xanh da trời.
Đầu có những hình trang điểm màu xanh lam nạht lấp lánh hay trong mờ.
Cá đĩa đỏ: cơ thể và gốc các vây lưng, hậu môn có màu đỏ nâu.
Bể nuôi:
Bể nên thật rộng và sâu, mực nước 45-60cm.
pH: 6-6,8.
Nhiệt độ: 22-30 độ C.
Nuôi từng nhóm 5-6 con trở lên.
Thức ăn: Cung quăng, trùn chỉ, ròng ròng, thịt bò băm nhỏ, thức ăn khô tổng hợp, nên thay đổi thường xuyên để đảm bảo đủ các chất dinh dưỡng...
Cho ăn: Cá háu ăn, nhưng chỉ nên cho ăn ngày 2 lần với lượng vừa đủ. Cho ăn sạch. Sau khi cá ăn xong (trong khoảng 5-10 phút), lấy hết thức ăn thừa ra. Cá có thể nhịn đói 24-48 giờ.
Sinh sản:
Cá đĩa khó sinh sản nhân tạo, bể sinh sản nhân tạo nên có pH hơi axit (pH=5,5-6).
Cá đực: hình dáng to, đầu hơi gù, vây bụng xệ, dưới bụng vùng giáp vây lõm vào trông rất rõ, hoạt động hung hăng hơn cá cái.
Cá cái: thường nhỏ hơn cá đực, gai sinh dục lồi ra ngắn (#3mm) , chia 2 thùy nhọn và hơi cong về phía sau.
Giai đoạn bắt cặp xảy ra trong vòng 7-10 nàgy. cặp cá sẽ tự tách ra một góc bể, dùng miệng làm sạch nơi sẽ sinh đẻ. Đôi cá này thường kề sát miệng, quẫy mạnh đuôi, đuổi bắt nhau, xua đuổi những con khác lại gần chúng. Tiếp đó chúng bơi sóng đôi, quấn quít bên nhau. Trước khi đẻ một vài ngày, cá có hiện tượng rùng mình, rung toàn thân, xếp vây lại, đôi lúc đứng yên tại chỗ, ít bắt mồi. Khi sinh, cá chúc đầu xuống 45 độ. Lúc này gai sinh dục lộ rõ, màu sắc rực rỡ hẳn lên. Cá cái đẻ trứng theo chiều dọc giá thể, từ dưới lên. Cá đực cũng theo lộ trình đó tiết tinh để thụ tinh cho trứng. Số trứng thường 70-80 đến 150, có khi hơn.
Trứng đựơc thụ tinh có màu trong suốt. trứng khôgn thụ tinh thì vẩn đục. Sau 24 giờ, trứng thụ tinh chuyển sang màu trắng xám. Ở 30 độ C trứng nở trong vòng 55-57 giờ. Trong lúc này cá bố và cá mẹ thay phiên nhau quạt nước cho trứng để có đủ độ thoáng khí. Tỉ lệ trứng nở: 60-90%.
Nên cho cá đẻ nơi yên tĩnh (quây, che bể cá lại).
Ương cá bột: Sau khi trứng nở thành cá bột, cá bố mẹ dìu cá con đến một địa điểm khác. Nhờ sợi nhờn ở đầu, cá con bám vào thành bể hoặc một giá thể. Cá con chưa bơi lội được và sống nhờ chất dự trữ ở túi noãn hoàng dưới bụng. Con nào bị rớt sẽ được cá bố mẹ mang về chỗ cũ.
Sau 60 giờ, cá con có thể bơi lội thành đàn quanh cá bố mẹ. Cá con sống nhờ ăn chất nhờn tiết ra từ mình cá bố mẹ trong vòng 12-15 ngày. Sau đó, cá con bắt đầu ăn được các sinh vật nhỏ trong nước. Khoảng 18 ngày, cá con ăn được thức ăn nhân tạo. Sau 21 ngày chúng có thể tự đi tìm thức ăn.
Cá mới nở dài khoảng 1,2-2mm; sau 1 tuần cá dài 3mm. Khoảng 2 tuần tuổi, cá dài 1cm, thân có sọc thẳng, mắy màu nâu xám. Khi được 18 ngày, cá dài 1,5cm, vây lưng và vây bụng màu đen, lên màu. Khoảng 5-6 tuần, cá dài khoảng 2-2,5cm, có hình dạng như cá trưởng thành, nhưng chưa rõ màu sắc. Sau 3 tháng, cá dài 6-7cm và màu sắc thể hiện rõ, nhưng phải đến tháng thứ 5-6, cá mới có màu sắc sặc sỡ của cá trưởng thành.
Trong thời gian đầu, từ ngày thứ 7, nên cho cá ăn bo bo (Moina) non (nhỏ), bọ một mắt (Cyclops) non, ngày vài lần, tránh cho ăn quá no. Thức ăn nên phân bố đều trong toàn bể, tránh cá lớn tranh ăn. Tiếp đó cho đến 2 tháng rưỡi, nên cho cá ăn rận nước (Daphnia). Cá 3-4 tháng cho ăn thêm cung quăng, trùn chỉ. Sau đó cho ăn thêm ròng ròng, bảy màu nhỏ.
Trong vài tuần đầu, nên giữ nhiệt độ nước 29-30 độ C. Có ánh sáng khoảng 18 giờ. Nhưng không nên dùng ánh sáng quá chói chang.
Symphysodon aequifasciata haraldi, Blue discus, discus bleu
Họ: Cá rô phi - Cichlidae
Phân bố: Amazon (Nam Mỹ)
Chiều dài cá trưởng thành: tới 12 cm hay hơn.
Symphysodon aequifasciata axelrodi, Brown discus, discus brun
Họ: Cá rô phi - Cichlidae
Phân bố: Amazon (Nam Mỹ)
Chiều dài cá trưởng thành: 14 cm
Symphysodon aequifasciata aequifasciata, Green discus, Discus vert
Họ: Cá rô phi - Cichlidae
Loại cá đĩa có màu này là loại quý hiếm.
Cá cảnh - Võ Văn Chi, NXB KHKT, 1993. Bản quyền © Việt Linh
Cá dĩa là giống cá khó nuôi so với các loài cá cảnh nước ngọt nhiệt đới khác, tuy nhiên, nếu nuôi đúng kỹ thuật và chú ý đến các đặc tính sinh học của cá, người nuôi sẽ có được thành công như ý.
Trung tâm khuyến nông TP.HCM có lưu ý như sau: Cá dĩa rất nhạy cảm với tiếng ồn, các chấn động và ánh sáng nên dễ bị stress. Giống cá này có điểm khác biệt so với các loài động vật máu nóng là nhiệt độ của chúng sẽ thay đổi theo môi trường sống xung quanh. Do vậy, không nên có sự thay đổi quá lớn và đột ngột về nhiệt độ sẽ làm rối loạn quá trình trao đổi chất gây ảnh hưởng đến quá trình phát triển và sinh sản của cá, tốt nhất là để ở nhiệt độ từ 26 – 28 độ C, đối với cá con (từ 5 - 6 cm) nhiệt độ từ 28 – 30 độ C. Ngoài ra, bể nuôi cá dĩa cũng nên đặt ở nơi kín gió, nhiệt độ ổn định, nên sử dụng thêm thanh sưởi để kiểm soát nhiệt độ môi trường sống của chúng.
Xử lý nước trước khi thả cá giống
Cá dĩa chỉ sinh tồn ở môi trường nước trong, cần loại bỏ hóa chất chlorin có trong nước bằng cách sục oxy và phơi nước trong vòng 48 giờ. Nguồn nước thả giống nếu nước máy quá đục cần phải lọc, sục khí ozon 0,25 - 1 mg/10 lít nước/giờ. Kiểm tra độ pH, nên điều chỉnh ở mức 6 - 7. Sử dụng nước giếng cũng cần phải lọc cơ học, lọc hóa học (than hoạt tính), sau đó cho nước này vào bồn chứa có san hô hoặc vỏ sò để cải thiện nồng độ pH (khi pH dưới 5). Quá trình nuôi cá cũng làm sản sinh một số chất hóa học như: amonia (N-NH3), nitrit (NO2), nitrat (NO3), các chất này xuất hiện do quá trình phân hủy của các chất hữu cơ có trong nước do thức ăn dư thừa hay phân cá sinh ra. Cần tăng cường nồng độ oxy hòa tan vào trong nước, việc này sẽ thúc đẩy quá trình phân hủy của các chất hữu cơ. Đồng thời, việc thổi khí oxy cũng giúp giải phóng khí độc ra khỏi môi trường nước.
Chọn giống và chăm sóc
Sau khi đã xử lý nước, tiến hành chọn giống thả vào hồ nuôi. Giống cá bố mẹ nên chọn màu sắc theo ý muốn, thân hình tròn, đầy đặn, khỏe mạnh, kỳ vây nguyên vẹn, phản xạ nhanh nhẹn. Chọn giống cá con cần biết rõ nguồn gốc của cá bố lẫn cá mẹ, đàn cá khỏe mạnh, đồng đều, phản xạ nhanh nhẹn. Trước khi tiến hành thả giống cần xử lý môi trường nước để gần giống với nước nơi cá đang sống (pH, nhiệt độ, độ cứng...), cùng với đó phải lọc tuần hoàn, tăng nhiệt và sục khí, thả bao cá giống vào hồ (20 - 30 phút) để cân bằng nhiệt độ, rồi tắm cá trước khi thả trong dung dịch formol (37%) với nồng độ 100 ppm (100 ml/1.000 lít nước) trong vòng 5 - 10 phút. Khi tiến hành thả cá vào hồ cần thả từ từ, cách ly cá mới mua về trong 2 tuần để theo dõi.
Cá khi được thả vào hồ, cần được chăm sóc tỷ mỉ, cho ăn thức ăn phù hợp và liều lượng vừa phải. Theo đó, cá 15 - 30 ngày tuổi cho ăn artemia, bo bo. Đến 1 tháng tuổi trở đi cho ăn trùn chỉ, lăng quăng và từ 3 tháng tuổi trở đi cho ăn trùn chỉ, lăng quăng, thịt xay, cá con. Ngoài ra, có thể cho cá ăn thức ăn chế biến từ tim bò, thịt bò, tôm tươi. Lưu ý, cho cá ăn trong máng ngày 2 - 4 lần, cho ăn vừa đủ hoặc hơi thiếu, nếu để thức ăn thừa trong hồ sẽ ảnh hưởng đến chất lượng nước. Chăm sóc cá cũng cần chú ý để ánh sáng vừa phải và nên bố trí đèn chuyên dùng cho cá. Thường xuyên kiểm tra độ pH và không chênh lệch quá 1 độ/ngày - đêm. Đồng thời, phải chú ý thay nước thường xuyên. Đối với cá dưới 3 tháng tuổi, thay nước 1 lần/ngày, mỗi lần 20 - 30%; cá trên 3 tháng tuổi, thay 1 - 2 lần/ngày, mỗi lần 20 - 80%. Nếu quản lý chất lượng nước và thức ăn tốt, nuôi với mật độ thấp thì có thể thay nước ít hơn 2 lần/tuần. Quá trình nuôi, cần chuyển cá sang hồ mới và thời gian chuyển cá là cứ 1,5 - 2 tháng/lần, lưu ý trước khi chuyển cá sang hồ mới cần chuẩn bị nước trước ít nhất 2 ngày. Đến thời kỳ cá sinh sản nên chuyển cá bố mẹ sang hồ riêng biệt và có chế độ chăm sóc đặc biệt trong giai đoạn cá đẻ và nuôi con.
PHƯỢNG VỸ, Khoa học phổ thông, 10/07/2019
Cá bị bệnh thường có màu sẫm đen, bơi lội lờ đờ, hay ở sát đáy bể hay loi ngoi lên mặt nước, cờ trên và cờ dưới xếp lại, đuôi bị ăn mòn. Cá bị bệnh rất biếng ăn. Các bệnh thường thấy là:
- Nấm thủy mi (mốc nước): gây nên những chấm nhỏ màu trắng trên thân cá. Có thể dùng sulfat đồng sát trùng cho cá với nồng độ vừa phải.
- Lở loét mũi: do một loại ký sinh xâm nhập vào mũi, từ đó ăn hết phần thịt của mũi, tạo thành một lõm lớn lan rộng đến mắt và sâu tới não. Cá bị bệnh thường cọ mũi vào vật dụng để trong thành bể, vào thành bể, thường nghiêng đầu xuống khi bơi, biếng ăn hay bỏ ăn, phân trắng, loãng. Có thể dùng Tetracyclin để trị bệnh cho cá, nhưng cũng chỉ trị được dứt bệnh khi cá mới bị nhiễm giai đoạn đầu. Cá bị bệnh có thể lây bệnh sang những con cá khoẻ mạnh khác và có thể gây chết hàng loạt. Do đó phải chú ý giữ gìn vệ sinh bể nuôi, cách ly cá bị bệnh.
Cá cảnh - Võ Văn Chi, NXB KHKT, 1993. Bản quyền © Việt Linh
Theo đặc tính của loài thần tiên 7 màu này, nên nuôi trong bể số cá cùng cỡ cùng tuổi. Số lượng tương đối nhiều tốt hơn là nuôi thưa cá.
Nuôi dày tuy chóng làm bẩn nước, tất nhiên phải có cách xử lý là thay nước nhiều hơn và phải chú ý đến hệ thống lọc nước.
Lần đầu nuôi cá, chưa nên quá chú ý đến lựa chọn chủng loại chỉ nên sao lựa được cá không bệnh tật, ham ăn dáng vẻ linh hoạt, khỏe mạnh, thân không bị đen, không nhát, tùy khả năng kinh tế mua nhiều một chút những con cá bằng nhau.
Khi mới đưa về nuôi nên nâng nhiệt độ cao hơn một chút. Cụ thể là 33 0C trên dưới không quá nhiều. Thay nước nhiều lần và cho ăn cũng nhiều lần cho cá quen dần.
Cần phân biệt cá lớn, nhỏ nuôi riêng.
Với cá từ 3 – 5 cm:
Cỡ này khá nhiều, giá rẻ và dễ nuôi nhất. Nói chung cá càng nhỏ càng mau quen, chúng không sợ người như cá lớn.
Bể cá mua ở thị trường cỡ 45 – 60 cm là được. Mới đầu không cần thiết phải mua một bể lớn. Hơn nữa bể lớn thả không nhiều cá, không gian vắng vẻ làm cá không yên.
Trong khi sử dụng 1 bể lớn cũng nhiều điều bất tiện. Bể nhỏ là tốt hơn.
Với bể 45 cm nên nuôi khoảng 10 con cỡ 4 – 5 cm.
Với bể 65 cm nên nuôi khoảng 10 – 15 con nếu hàng ngày thay nước đều và cho ăn thức ăn sống có thể nuoi đến 30 con cũng không có vấn đề gì.
Bể nuôi không cần phải trải cát ở đáy, chỉ cần có bộ tăng nhiệt (hay cấp nhiệt) có kèm bộ phận tự động điều chỉnh nhiệt độ và 2 bộ máy lọc nước (cần 1 bộ làm việc và 1 bộ thay thế khi bảo dưỡng để đảm bảo không ngừng công việc). Bảo dưỡng phải theo chỉ dẫn và không dùng nước máy khi súc rửa, cần dùng ngay nước nuôi cá đúng chất lượng trong việc này.
Cá từ 7 – 11 cm:
Dùng bể nuôi 75 x 45 x 45 cm hoặc 90 x 45 x 45 cm. Cũng dùng 2 bộ lọc nước như trên. Nên dùng bể 75 cm có thể nuôi 5 con kích thước từ 6 – 11 cm, hoặc 20 con kích thước 7 – 8 cm.
Do không có đáy cát, có khi cá bị dị ứng với ánh sáng phản chiếu trên kính, có thể phủ một lớp nilông hay tấm PVC màu xám. Tuy nhiệt độ tốt nhất cho cá đẻ trứng là 31 oC nhưng trên dưới 30 C là bảo đảm cho cá phát dục.
Việc thay nước số lần và lượng nước thay cần căn cứ vào: bể lớn nhỏ, cá lớn nhỏ và số lượng nhiều ít. Hệ thống lọc nước và hiệu suất thực tế.
Với bể 75 cm (nếu chỉ dùng hệ thống lọc đặt bên trên) mỗi ngày thay nước 1 lần từ 50 – 70%. Nếu dùng hệ thống lọc nói trên kết hợp hệ thống lọc đặt trong bể cùng làm việc, 3 ngày thay 1 lần và thay 50%. Đây là tình hình thực tế đã được tác giả thử nghiệm có kết quả tốt.
Các bộ lọc trên đây đều dùng len hoặc sợi tổng hợp làm vật liệu lọc. Thức ăn và cách cho ăn đã được chú ý để không làm hỏng nước.
Cá từ 11 cm trở lên:
Khi cá đã lớn được như vậy, người nuôi cá có phần đã yên tâm không còn vất vả và tốn công sức nhiều.
Nên dùng bể 90 cm có thể nuôi từ 5 đến 15 con, ngày cho ăn 1 lần là được. 2 ngày 1 lần thay nước khoảng 70 – 80%. Cũng sử dụng 2 máy lọc nước nói trên với 1 máy lọc thả trong bể (còn gạo là máy lọc động lực có mô tơ). Thay nước giảm còn 1 tuần 1 lần 70%. Đến đây đã có thể có con bắt đầu phát dục khi cho ăn cần chú ý xem chúng có ăn đủ không?
Theo: Nông thôn đổi mới - Vista, 2005/Số 2/II. Cách làm ăn mới - 68.39 Ngành chăn nuôi (Nguồn: Kỹ thuật Nuôi cá cảnh, NXB Trẻ, năm 2003, tr. 161 – 164)
Việt Linh: Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, việc làm thủy sản, việc làm nông nghiệp, tuyển dụng, tìm việc, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.