Tên latinh: Carassius auratus
Tên tiếng Anh: Gold fish
Họ: Cá chép - Cyprinidae
Phân bố: Nguyên sản ở Bắc Á và Đông Nam Á, hiện nay được phân bố rộng rãi ở rất nhiều nước.
Chiều dài: 8-13cm.
Cá vàng đã được nuôi trong bể cạn, non bộ, trong bể kính, trong hồ cá từ lâu ở nước ta, đã thích nghi với điều kiện sống.
Nó không đòi hỏi thức ăn cầu kỳ, yêu cầu nhiệt độ nước và chất lượng nước gắt gao. Cá thích nước cũ, có thể chịu mặn tối đa là 10% và chịu được hàm lượng oxy trong nước rất thấp. Tuy nhiên không nên dùng nước máy, vì nước máy đã được thanh lọc không đủ chất cho cá ăn; mặt khác trong nước máy có một số chất khử trùng như Cl, Fl, ..., cá không chịu nổi sẽ bị hao mòn rồi chết. Nếu bắt buộc phải sử dụng nước máy, thì phải lấy nước này đem phơi nắng vài giờ để khử bớt các hợp chất không lợi trong nước, đồng thời nước cũng hòa tan được một số hợp chất hữu cơ có trong không khí; như vậy nước sẽ có tính chất gần với nước tự nhiên, lúc đó mới đổ vào bể nuôi cá được.
Cá vàng ăn được nhiều loại thức ăn khô hay thức ăn nhân tạo nhưng các thức ăn này cần kèm thêm mồi sống. Chúng thích ăn giun đỏ nhỏ bằng sợi (trùn chỉ). Cá vàng háu ăn, tìm mồi liên tục và cũng thải nhiều phân nên cần rút bẩn thường xuyên bằng ống xiphông.
Sự sinh sản được thực hiện dễ dàng trong một bể nuôi lớn có đầy đủ ánh sáng mặt trời. Vào mùa sinh sản, có thể nhận biết cá đực bởi một số đặc điểm sau: nắp mang có những nốt sần đẹp, trên ngực và cơ thể có khi cũng có nốt sần, cá tỏ ra bị kích thích và đuổi theo cá cái và xô đẩy nó; cá đực dùng nốt sần kích thích cá cái. Còn cá cái đến mùa sinh sản cũng có bụng to hẳn ra ở một bên, cá bơi lội chậm chạp, lỗ sinh dục màu đỏ hồng đến đỏ sẫm và hơi lồi ra. Sau một thời gian giao hoan rất hăng, cá cái chui vào trong đám cây cỏ, co mình và quậy mạnh để tiết trứng. Trong lúc đó, cá đực luôn bám sát cá cái và dùng các nốt sần cọ vào đầu vào bụng cá cái để kích thích đồng thời tiết tinh dịch để thụ tinh cho trứng.
Cá sinh sản gần như quanh năm nhưng thích hợp nhất là vào tháng 3, tháng 6. Cá đẻ nhiều đợt. Trứng (độ 1000 cho tới 10.000 cho mỗi con cái) nhỏ và trong suốt, được đẻ gần bề mặt nước, thường dính vào cây cỏ. Cần thận trọng đưa cá bố mẹ ra ngoài, hoặc tốt hơn là mang những cây có dính trứng cá đem ra đặt trong một bể nuôi khác. Cần lưu ý là nước trong bể này phải có cùng nhiệt độ và phẩm chất như nước trong bể cá đẻ.
Sự ấp trứng lệ thuộc vào nhiệt độ (21-24 độ C), xảy ra trong 4 ngày. Nếu nhiệt độ nước cao hơn thì thời gian ấp sẽ ngắn hơn, chỉ còn 2 ngày rưỡi đến 3 ngày. Ngược lại, nếu nhiệt độ thấp thì cá phải ấp trong 6-8 ngày. Cá bột nở ra có thể ăn được tảo và trùng cỏ. Nếu nhìn cá con đều một màu nâu, ta không hình dung được sự biến đổi về sau để cá có màu sắc của cá bố mẹ. Màu vàng hay đỏ bắt đầu thay thế màu nâu đồng, điều này chỉ vào khoảng ngày thứ 60 hay 80 và nhiệt độ của nước không quá 20 độ C. Về hình dạng, cá con được di truyền từ những đặc tính hình thức của cá bố mẹ, đã có thể phân biệt được kể từ những ngày đầu của đời sống của cá con.
Cá con ăn khỏe và lớn nhanh. Sau một tháng, có thể đạt kích thước 2-3cm. Nếu ương nuôi tốt, tỷ lệ sống đạt trung bình 60-70%. Sự trưởng thành sinh dục chắc chắn là vào năm thứ hai. Để tạo cá sinh sản, cần chọn các cá thể 3-4 năm tuổi. Được chăm sóc cẩn thận, các cá vàng nuôi trong bể kính có thể sống tới 30 năm.
Cá cảnh - Võ Văn Chi, NXB KHKT 1993. Bản quyền © Việt Linh
Việt Linh: Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, việc làm thủy sản, việc làm nông nghiệp, tuyển dụng, tìm việc, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.