Cá chọi và cá gai có những điểm giống nhau là cá đực xây dựng tổ và chăm sóc đàn con, chúng đều không nghĩ đến tình yêu trước khi cái nôi của các con sắp ra đời chưa sẵn sàng. Tuy nhiên giữa chúng cũng có sự khác nhau: nôi các cá gai ở sàn bể, nôi cá chọi ở trên trần, nghĩa là cá gai đào một hố trong đất ở đáy nước, trong lúc cá chọi xây dựng trên mặt nước, một con sử dụng xơ cây và chất tiết của thận để xây dựng, còn con kia dùng không khí và nước dãi.
Thật vậy, lâu đài không khí của cá chọi và gia đình được cấu tạo bằng một khối nhỏ rất dày đặc bong bóng không khí bao bọc bằng nước dãi dính như keo, rất bền và nổi nhẹ nhàng trên nước. Trong khi còn xây dựng tổ, cá đực đã ánh lên màu sắc đẹp nhất, nhưng màu sắc càng đậm và rực rỡ khi cá đực đến gần cá cái, và dừng lại, rực lửa. Nếu sẵn sàng theo tiếng gọi của tiếng sét ái tình, cá cái báo hiệu bằng cách trưng một màu rất đặc biệt, có điểm những vạch ngang sáng không đều. Vây khép chặt, nó lướt từ từ tới cá đực. Con này run run xòe thật rộng vây đến mức có thể làm rách vây, hất đầu lên và bao giờ cũng ở tư thế phô bày cho cô bạn gái của mình quang cảnh lộng lẫy của toàn bộ sườn của mình. Một lát sau cá đực bơi về phía tổ với một động tác lượn sóng đuôi rất uyển chuyển. Tính chất mời mọc của cử chỉ này thấy rõ ngay lập tức đối với người chứng kiến đầu tiên. Yếu tố nghi thức hóa của chuyển động này cũng hiển nhiên, tất cả những gì có thể gây ấn tượng thị giác đều được cường điệu, như động tác lượn sóng của thân hoặc sự đung đưa của cái đuôi. Trái lại cái gì nhằm tới sự di chuyển thật lại được thu nhỏ tới mức tối thiểu. Tuy vậy, cá đực cũng chẳng bơi xa, bơi nhanh và quay lại nhiều lần với cá cái đang theo nó ngập ngừng và nhút nhát.
Cuối cùng cá cái cũng bị lôi cuốn tới dưới cái mái bọt. Thế là bắt đầu một vũ khúc yêu đương tuyệt vời, uyển chuyển mềm mại. Trong điệu múa yêu đương này, cá đực bao giờ cũng phơi bên sườn tráng lệ của nó ra trước bạn gái, và con này luôn luôn thẳng góc với con đực. Không một lúc nào cá đực được thấy sườn của cá cái, nếu không cá đực sẽ phật ý, và sẽ tỏ ra thô bạo, không còn tỏ vẻ phong lưu mã thượng, bởi vì đối với cá chọi cũng như đối với nhiều loài cá khác, phơi sườn ra là dấu hiệu của một khả năng công kích mạnh mẽ và sẽ gây ra ngay ở bất kỳ con đực nào một sự thay đổi tâm trạng đột ngột, chuyển sự âu yếm của cá đực thành cơn tức giận hung bạo.
Bây giờ cá đực không muốn đi xa tổ nữa, và bơi vòng quanh cá cái, con này theo dõi từng động tác của cá đực để luôn hướng mắt về phía nó, làm cho điệu múa diễn ra theo một vòng hẹp ngay dưới chính giữa mái bọt.
Máu sắc dần dần chói lọi hơn, vòng múa dần dần nhỏ hơn tới lúc hai thân chạm vào nhau. Thế rồi cá đực bất thình lình lấy thân mình uốn tròn lại, bắt từ đầu cá mái, vân tròn như cuốn chiếu, con trống cắn đuôi khoanh mình ép mạnh mình cá mái và lần lần vuốt ra sau. Mỗi lần như vậy, trứng cá từ từ trong bụng cá mái từng đợt rơi ra và được cá đực thụ tinh.
Hai con cá sau sự giao phối, có thể run lẩy bẩy, rơi xuống đáy, chừng đụng đáy mới giật mình lội lên đáp nước lấy lại sức khỏe và tái diễn trò tự nhiên gây giống. Cũng có khi cá mái bị choáng còn nằm ngửa nhiều giây, nhưng cá đực có ngay nhiều việc để làm.
Trứng cá nhỏ xíu, trong suốt và nặng hơn nước nên rơi ngay xuống đáy. Nhưng vị trí của cặp cá được xác định rất khôn ngoan làm cho chứng bắt buộc phải rơi xuống trước đầu cá đực đang quay xuống dưới và khiến cho cá đực hứng ngay được trứng. cá đực nới nhẹ nhàng vòng ôm, bơi xuống theo trứng, cần cù thu nhặt từng cái trứng vào miệng, đem về tổ bọt và xếp chúng vào giữa các bóng khí bé nhỏ. Cá đực cần phải làm việc khẩn trương, không những vì chỉ chậm một giây thôi, nó sẽ không tìm thấy trong bùn đất những quả cầu bé nhỏ trong suốt nữa, mà cũng vì cá cái, khi đã sạch trứng thì thôi chịu trống. Nó cũng dậy và đi tìm trứng để thu nhặt không phải để đem trứng vể tổ mà để ăn.
Trong thiên nhiên có sự bù trừ, mà kết quả là giữ được thế cân bằng giữa các loài với nhau. Những trường hợp dễ thấy ở các loài đẻ nhiều là đẻ xong mà không quan tâm đền sự sống còn của trứng, hoặc đẻ xong là quay lại ăn luôn trứng của mình hay cá con từ những trứng của mình nở ra. Vì vậy, ở cá chọi cá đực biết vì sao nó phải vội vã như thế, nó cũng biết tại sao nó không cho cá cái đến gần tổ sau khi đã đặt vào đó lượng trứng sau mười đến hai mươi lần giao phối. Sau đó, cá đực trong nhiều ngày liền thường xuyên phe phẩy đôi vây ngực làm sinh ra những dòng nước mới cho có đủ oxy để trứng và cá bột hô hấp.
Cá cảnh - Võ Văn Chi, NXB KHKT, 1993. Bản quyền © Việt Linh
Việt Linh: Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, việc làm thủy sản, việc làm nông nghiệp, tuyển dụng, tìm việc, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.