• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Sinh vật cảnh & phong thủy

Một số thức ăn động vật cho cá cảnh:

1. Rận nước Daphina

2. Bọ một mắt Cyclops

3. Trứng nước Moina

4. Artemia

5. Cung quăng muỗi

6. Giun bùn

7. Giun ống Tubifex

Thức ăn cho cá cảnh

Trong thiên nhiên, cá sống trong nước sinh trưởng được bình thường nhờ có nguồn thức ăn tự nhiên phong phú về chủng loại và về số lượng, như côn trùng, cá nhỏ, ếch nhái, thân giáp thủy sinh, rong, tảo ...

Còn trong môi trường bể nuôi, với nguồn nước sử dụng, nhất là nước máy, thì hoàn toàn không có thức ăn tự nhiên cho cá. Làm thế nào cho cá sinh sống được bình thường và chóng lớn. Người ta đã nghiên cứu và chế ra nhiều loại thức ăn nhân tạo cho nhu cầu chung cho các loại cá dù là cá ăn thịt hay cá ăn cỏ, hoặc riêng cho từng loại cá. Có nhiều loại thức ăn được chế biến khác nhau, như thức ăn thái lát, thức ăn lỏng, nén, dạng bánh, bọt hay miếng làm đông lạnh. Có đủ loại thức ăn không những để cho cá sinh sống bình thường mà còn giúp cho cá trưởng thành suốt đời sống của cá, từ lúc còn là cá bột mới nở rất nhỏ, đòi hỏi thức ăn hiển vi, cho đến cá lớn có thể ăn được mồi có cỡ lớn.

Tuy nhiên, thức ăn tổng hợp này, dù có phong phú về chủng loại và đầy đủ về chất thì cũng bị giới hạn, vì chỉ là một kiểu thức ăn giản đơn sẽ gây ra một số phiền phức: cá chán một cách đặc biệt thức ăn đơn điệu này. Những điều rủi ro chủ yếu là khi người ta dùng loại sản phẩm nhân tạo này là sự dư thừa thức ăn. Cá ăn có mức độ mà người nuôi thì không hiểu hết nhu cầu của cá. Do vậy, cái nguy hiểm chính gây ra từ thức ăn dư này. Nếu cá ăn quá nhiều sẽ tích tụ mỡ làm giảm tuổi thọ của chúng. Mặt khác, phần thức ăn do cá ăn không hết sẽ tan rã ở trong nước bể nuôi và làm ô nhiễm nước nhanh hay chậm gây ra những hậu quả tai hại đối với sức khỏe của cá dẫn tới việc phải thay nước, bố trí lại bể, ...

Luật nuôi cá là cho cá ăn ít nhưng nhiều lần, một lần vào buổi sáng, lần nữa vào buổi trưa và một lần cuối vào buổi chiều tối theo nhịp độ đều hàng ngày; miễn là phần thức ăn sử dụng mỗi lần phải có chừng mực. Lần cho ăn cuối ngày phải đúng trước lúc tắt nắng là có tính đến những loài sinh hoạt về đêm.

Thêm vào những loại thức ăn công nghiệp đã khử nước, giàu về protein có bán tại các cửa hàng bán cá, mà ta thường gặp các loại dạng viên nhỏ đóng bao, ta có thể cho cá ăn nguồn thức ăn sống. Các loại cung quăng như cung quăng muỗi Culex, giun ống Tubifex, rận nước Daphnia pulex, trứng nước hay bo bo Moina, bọ một mắt (con độc nhãn) Cyclops, giun bùn, cả ấu trùng côn trùng, côn trùng thủy sinh, cá con ... Các loài thức ăn tươi thích hợp với tất cả các loài cá. Cá thường thích sử dụng cách săn bắt mồi hơn là chỉ hấp thu.

Thường nói đến là:

- Trùng bánh xe Rotatoria thuộc ngành Giun tròn Nemathelminthes là nhóm động vật không xương sống rất nhỏ (1-3mm) tìm thấy ở ao và vũng nước ngọt. Những loài phổ biến nhất là Brachionus rubens Hydatina senta. Có thể dùng vợt dài 60cm, đường kính vợt 15cm với lưới bằng nilông mịn mặt đặt ở chỗ nước tĩnh. Trùng bánh xe là thức ăn quan trọng của cá bột và cá ăn nổi.

- Rận nước Daphnia thuộc bộ Râu chẻ Cladocera, lớp Giáp xác Crustacea ngành Chân khớp Arthropoda. Rận nước cũng thuộc nhóm sinh vật nhỏ, thường gặp là Daphnia pulex sống ở ao, trong bể lọc nước uống và trong bể bơm nước gia dụng.

- Bọ một mắt hay con độc nhãn Cyclops cũng là một nhóm sinh vật nhỏ thuộc bộ Chân kiếm Copepoda lớp Giáp xác, ngành Chân khớp như Rận nước. Thường nhỏ hơn Daphnia có màu xanh xám. Chúng là thức ăn tốt cho cá săn bắt mồi. Không nên cho chúng vào bể nuôi sinh sản nếu thấy chúng có mang theo trứng hay con.

- Giun ống Tubifex, thuộc họ Tubificidae, lớp Giun ít tơ Oligochaeta ngành Giun đốt Annalidae. Giun đỏ đỏ mờ, nhỏ, thường dài 1-5cm, sống và sinh sản ở những nơi dơ bẩn nhất của ao, hoặc ở cống rãnh. Thường được bắt và bán ở các cửa hàng cá cảnh. Chúng thường khó tách khỏi chất dơ bản mà chúng sống. Nên xử lý trước trong nước muối pha loãng nồng độ 0,1%, số lươợg chỉ bỏ vừa cá ăn trong ngày. Nếu bỏ quá nhiều, cá ăn không hết, giun sẽ chìm xuống đáy bể, thiếu không khí và chết làm thối nước trong bể, có thể làm cá ngộ độc.

Cũng cần lưu ý là thuộc họ Giun ống, còn có một loài giun khác Limnodrilus hoffmeisteri kết thành các búi dày đặc màu hồng ở cống rãnh và ao nuôi cá cũng có sinh khối lớn, dùng nuôi cá tốt.

 - Cung quăng, lăng quăng là ấu trùng của các loại muỗi khác nhau, là loài thức ăn quan trọng của nhiều loài cá nuôi. Thường gặp ấu trùng này ở bề mặt các ao, hồ ... Phải vớt nhanh nếu không chúng sẽ di chuyển xuống đáy. Chỉ nên cho cá ăn vừa đủ trong 1-2 ngày, không nên bỏ vào bể quá nhiều, cá ăn không hết, hóa mụôi gây bệnh nguy hiểm.

Việc sử dụng các mồi sống trong tự nhiên không phải là không có trở ngại, bởi vì chúng có thể mang vào bể nuôi cá bệnh tật và các loại thù địch của cá. Giun ống hay giun chỉ gặp trong bùn ở cửa sông, gần xế các cống, cần được giữ dưới dòng nước chảy. Cũng có thể chó cá ăn những giun đất nhỏ (tránh dùng các con giun trong đất có thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ ...). Cũng có nhiều loài cá ăn các thức ăn dư thừa của người: thịt bò chín băm nhỏ, tim bò, đậu hà lan, xà lách, cải thảo, bối xôi và cả thịt trai, cá, trứng á, thịt sống băm nhỏ, các loại hạt đậu, cám ...

Không nên vớt những loài thân giáp thủy sinh ở những nơi có nhiều loài cá sinh sống trong thiên nhiên, bởi vì chúng có thể mang bệnh vào bể nuôi. Có khi người ta vô tình mang theo những kẻ địch của cá lúc các loài này còn non. Các kẻ địch này có nhiều loại, chủ yếu là ấu trùng của Dyticus marginalis, Notonecta, Gyrinus và các ấu trùng chuồn chuồn, ta thường gọi là bắp cày của Aeshna, Libellula Sympetrum và có thể là cả những thủy tức, đỉa, ốc sên và những động vật nhỏ khác nằm trong lưới vớt mà ta không lưu ý. Do dó, đối với các kiểu thức ăn này, cần phải lọc cẩn thận. Cung quăng muỗi vớt từ sông, ao, các bể nước mưa đều được các loài cá ưa thích.

Có những loài động vật làm thức ăn cho cá có thể nuôi để có nguồn thức ăn thường xuyên :

- Trứng nước, bọ đõ hay bo bo Moina sp., cùng với rận nước Daphnia, thuộc bộ râu chẻ Cladocera, ngành Chân khớp Arthropoda, và cũng đều được nuôi công nghiệp làm thức ăn cho cá con. Trứng nước phân bổ trong các thủy vực nước ngọt, thường tập trung thành đám dày đặc màu đỏ vào buổi sáng ở các ao, hồ, đầm, vũng nước, cửa cống rãnh chứa nhiều chất hữu cơ. Từ lâu, nhân dân ta thường vớt chúng làm thức ăn cho cá bột và các loài cá tra, trê, tai tượng, chép ... và nhất là để nuôi cá cảnh. Việc vớt trứng nước trong thiên nhiên không giải quyết chủ động thức ăn cho cá bột và thời gian hiện diện và đạt sản lượng cao quá ngắn cũng như có thể lẫn nhiều bọ gạo, bắp cày là những sinh vật có hại cho cá nuôi. Do đó, để chủ động trong việc tạo nguồn thức ăn cho cá, người ta phải nuôi.

Trứng nước có lối sinh sản đặc biệt là trinh sản sinh hay sinh sản đơn tính là con cái có thể sinh ra những thế hệ con hoàn toàn cái trong điều kiện môi trường thuận lợi về thức ăn, nhiệt độ và mật độ. Trái lại, khi điều kiện sống không thích hợp, có sự xuất hiện con đực và sinh sản hữu tính cho ra trứng ở trạng thái tiềm sinh giúp chúng qua được điều kiện khắc nghiệt của môi trường. Trứng nước có khả năng sinh sản rất nhanh, như Moina rchrostris, từ một con cái mới nở sau 48-60 giờ sinh sản lần thứ nhất và sau đó 25-30 giờ lại sinh sản lần thứ hai. Số con mỗi lần sinh sản trung bình từ 15-20 con. Với khả năng sinh sản cao như vậy, sau 7 ngày, chúng sẽ đạt sinh khối tối đa khoảng 9000 - 15000 con/líy môi trường nuôi.

Thức ăn của chúng chủ yếu là những loài tảo đơn bào, các loại tế bào nấm men và các vi khuẩn. Phương pháp nuôi bằng môi trường vi khuẩn đơn giản và dễ áp dụng rộng rãi. Ví dụ, người ta dùng phân chuồng tươi, tốt nhất là phân ngựa đem phơi khô và pha theo công thức: Phân khô 18,9g, đất ao 100g, nước ao 1 lít. Cho 3 thành  phần này vào một lọ chứa để trong mát. Sau 4 ngày lọc lấy phần nước, bỏ bã. Dung dịch pha loãng với 4 phần nước ao đã lọc sạch hay nước máy để sau 24 giờ cho hết chlor để dùng nuôi trứng nước.

Người ta còn nuôi cả trùng cỏ Paramecium caudatum

- Artemia, mà chủ yếu là Artemia salina thuộc họ Chân mang Acostraca, lớp Giáp xác, ngành Chân khớp. Trong thiên nhiên, Artemia sống ở bờ nước rất mặn hoặc mặn vừa ở ven biển và cả ở nước ngọt trong thời gian ngắn. Khi nồng độ muối thay đổi thì chạc đuôi của Artemia cũng biến dạng. Thường sinh sản vô tính. Loài này thường được nuôi nhân tạo để làm thức ăn cho cá con, tôm he.

Artemia cũng giữ vai trò quan trọng trong thức ăn của cá trong bể nuôi, chủ yếu cho cá bột. Trứng của chúng có thể bảo quản được lâu; chúng chỉ nở ra khi người ta nhúng chúng vào nước mặn. Các ấu trùng nauplius của những Artemia vừa mới nở, tạo thành thức ăn lý tưởng của cá bột. Artemia có chất dinh dưỡng cao, lại không bị nhiễm bệnh. Có thể nuôi quay vòng để có thức ăn liên tục cho cá. Trứng Artemia thường có sẵn để dùng dưới hai dạng có vỏ và không có vỏ; loại sau thường cho năng suất cao hơn.

Giữ gìn thói quen chăm sóc cá

Chăm sóc cho cá có nguồn thức ăn thay đổi và đủ chất dinh dưỡng là cần thiết, lại còn phải chú ý giữ cho nơi ở của chúng trong tình trạng vệ sinh hoàn hảo nhất. Do vậy, phải theo dõi bể nuôi thường xuyên, trông coi cá, nạo tảo, làm vệ sinh chỉ đòi hỏi ít thời gian quan tâm hàng ngày, hoặc một giờ hay hai giờ là cùng.

Sự giám sát hàng ngày được thực hiện chẳng khó khăn gì vào lúc nuôi cá. Chỉ cần thử xem chúng có đủ không và có mạnh khỏe không. Nếu thiếu thì phải xem cá có bị chết không ? Phải tức khắc vớt chúng ra tránh tình trạng cá chết trên đường phân hủy sẽ làm ô nhiễm nước trong bể và lan truyền bệnh tật. Phải xem nhiệt độ nếu là ở thời điểm lạnh, kiểm tra bộ phận lọc và thông khí, đèn. Phải rửa chùi các vòi lọc ngâm vào nước, các bộ phận thông khí, ít nhất cũng làm mỗi tháng 1 lần. Phải loại bỏ các lá cây, tỉa bớt các cành lớn và tách các cành già ra trồng nơi khác. Phải cọ rửa tảo bám vào kính ở phía trước, trừ lại ở một số nơi các mặt kính phía sau cho cá ăn tảo có thức ăn.

Hàng tháng phải thay nước ít nhất một lần (nếu thực hiện được hàng tuần lại càng tốt), mỗi lần bớt đi 20 - 25% và thay bằng nước sạch ở nhiệt độ tốt. Nhân dịp như vậy mà lấy hết các chẩn đọng ở đáy bể và cọ rửa kính bảo vệ. Trong một thời gian nào đó, các đá bọt thông khí sẽ bị nghẽn tắc. Cần lau chùi và rửa sạch. Phải giặt các tấm bông hay len thấm bẩn hoặc thay lớp hút bẩn khác vào bình lọc.

Cá cảnh - Võ Văn Chi, NXB KHKT, 1993. Bản quyền © Việt Linh

Xem thêm các thông tin có liên quan:


Các loại test đo kiềm, pH, oxy, amonia, nitrit... dùng trong nuôi cá cảnh và thủy sinh

 

 

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Việt Linh: Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, việc làm thủy sản, việc làm nông nghiệp, tuyển dụng, tìm việc, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang