• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Nhân một chuyến du xuân

Namhungtom

Đã lâu lắm mới có mấy anh bạn rủ rê tổ chức đi tham quan tìm hiểu bà con nuôi tôm trong Nam ngoài Bắc nhân dịp rảnh rỗi đầu xuân, lý do là mọi năm không có điều kiện để đi, nhất là vụ nuôi thường từ tháng 11 âm lịch, năm nay do thời tiết thất thường kèm thêm ông Mỹ muốn thử anh em ta bằng cách lâu lâu "kiện tôm cái chơi". OK chơi thì chơi, chơi tới bến; nhất là khi nghe nói ra Hà nội được xem hội thi chim, nghe nhiều từ hồi đi học mà nay nghe anh em nói mà thấy ham, nào là mỗi độ xuân về Hà Nội lại mở hội thi chim, xem chim ai bay cao bay xa... và đến đoạn mở truồng cho chim ra nghe mà ham tính trào phúng của đất Bắc kinh kỳ. Lại nghe nói muốn tìm hiểu về nuôi tôm thẻ chân trắng, ngoài đó nuôi nhiều ra đi xem cho biết.

Sau khi về tỉ tê mấy ngày với vợ, mụ vợ đồng ý cho đi nhưng với điều kiện đi đến nơi về đến chốn, không phải là "vợ không đẻ thì tôm đẻ đâu nghen", mấy ông bạn cùng đi thì trả lời thay: ngoài Bắc mùa này lạnh làm sao tôm đẻ được mà bà lo cho cố!.

Thế là hăm hở lên đường bỏ lại một mùa tôm mới sắp bắt đầu sau lưng. Dân ta có câu tháng giêng là tháng ăn chơi, chúng tôi cũng cố thử ăn chơi một chuyến từ Nam ra Bắc rồi lại từ Bắc vô Nam.

Ôi dân nuôi tôm ta xài sang quá xá trời, anh em ngoài Quảng Ninh, Nam Định rồi xứ Nghệ... xài sang hơn công tử Bạc Liêu ngày xưa. Nghe các anh kể lại vụ tôm vừa qua các anh đây không cần ném tiền qua cửa sổ "vì ném tiền qua cửa sổ có người nhặt mất", mà ném tiền xuống nước sướng hơn nhiều, nước có chảy thì chảy ra biển... Mới nghe choáng váng thấy rụng rời cứ tấm tắc khen các anh là bậc đại trượng phu; đến khi nghe giảng giải mới vỡ lẽ ra là các anh nuôi cứ 1-2 tháng là thu một lứa, loại tôm nào cũng vậy thì mới hiểu được câu tiền tan ra mây khói hết rồi chú ơi.

Anh em tôi lại khăn gói vô miền Trung, các đìa nuôi tôm trên cát tại nhiều nơi vẫn im ắng, các trại giống cũng thanh vắng, không còn thấy cảnh sôi động, rực sáng đèn đêm như thời hoàng kim xưa kia, "đâu còn thời 8 ăn 2 thua hay 5 ăn 5 thua nữa đâu các chú, giờ này toàn là 8 thua 2 ăn nuôi sao đặng", cái gì cũng thấy trắng cả, nào là đốm trắng, phân trắng rồi người trắng (do phải thức canh xem tôm ra đi đến phương trời nào) rồi đất đai nhà cửa cũng trắng luôn theo. Xem ra nhiều bác nay cũng dời nhà từ mặt lộ vô lại trong đìa cho chắc ăn, khỏi lo giải tỏa nhà mặt lộ (nhà mặt lộ tôm giải tỏa giùm). Hỏi thăm các bác dạo này có hay đi "nhổ râu bằng răng" hoặc đi hát karaoke cho mỏi tay như trước không, chỉ thấy các bác ngậm ngùi: thấy chú nói mà ham giờ đang chuẩn bị cho vụ tới...

Tiếp tục cuộc hành trình chúng tôi đi xuống các tỉnh miền Tây. Gặp lại  anh bạn từ cà phê Tây Nguyên (lang bạt kỳ hồ sau đợt cà phê xuống giá cách đây năm bảy năm gì đó), rồi từ miền Trung đi hết tỉnh này sang tỉnh khác, qua mỗi nơi các anh để lại nhiều kỷ niệm cho gia chủ bằng cách thuê làm vài vuông được chừng vài tháng coi bộ không xong các anh gửi lại máy nổ cùng vài bộ dàn quạt kỷ niệm cho khổ chủ không quên kèm theo câu ra đi không hẹn ngày trở lại, thấy mà ngậm ngùi qúa. Ai cũng nêu ra những lý do mà đều có lí cả, từ việc tại con giống, rồi tại đủ thứ tại và cuối cùng gật gù là tại số, vân vân và vân vân...Có người phát biểu là tại dư tiền... chẳng biết ai đúng ai sai, sướng nhất là mấy anh Hai Tôm có vuông nuôi trúng tôm mùa nghịch vừa thu hoạch lại trúng giá so với trước (do vụ gà vịt bị H5N1) đang chuẩn bị mua xe hơi, càng làm bà con tăng cường chuẩn bị nuôi vụ mới hăng hái hơn, quên cả mối lo bệnh tôm cứ thả, không có giống tôm sú thì thả tôm thẻ, chuyện nhỏ, trời thương trời cho...

Ai đã từng nuôi tôm vài vụ sẽ hiểu không thể dự báo trước được điều gì sẽ xảy ra, đam mê hơn cả đánh bạc hay chơi sổ số và thua như thua bạc, thắng như thắng sổ số; anh bạn tôi từng đi tham quan nhiều nước đã kết luận và cũng có nhận xét điều này đúng cả với những nước tiên tiến khi triển khai dự án nuôi tôm.

Người gửi bài: Namhungtom - Một ngày tháng 2/2004

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Việt Linh: Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, việc làm thủy sản, việc làm nông nghiệp, tuyển dụng, tìm việc, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang