• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Cách bảo quản lúa tại gia đình

Việc bảo quản lúa giống sau thu hoạch có ý nghĩa quan trọng và cần được quan tâm đúng mức. Dưới đây là một số biện pháp để bảo quản lúa hiệu quả.

Trong quá trình bảo quản, hạt lúa thường bị một số hiện tượng như nấm mốc, lên men, nhiễm sâu mọt, dịch chuyển ẩm trong khối hạt, tự bốc nóng… Khi bị những hiện tượng trên, chất lượng của hạt lúa bị giảm, hàm lượng các chất dinh dưỡng và giá trị thương phẩm giảm, không đáp ứng yêu cầu vệ sinh cho người và vật nuôi. Để khắc phục tình trạng trên, bà con nông dân cần áp dụng kỹ thuật bảo quản lúa theo quy trình như sau: Thu hoạch => làm sạch => phân loại => làm khô => bảo quản.

Thu hoạch

Lúa mới thu hoạch có độ ẩm cao nên dễ nảy mầm, men mốc làm lúa bị hư. Để lúa không bị hỏng, trong vòng 48 giờ sau khi thu hoạch phải làm khô lúa để độ ẩm chỉ còn 20%. Khi lúa có độ ẩm từ 13 – 14% có thể bảo quản được từ 2 – 3 tháng, độ ẩm từ 12 – 12,5%, bảo quản được hơn 3 tháng.

Làm sạch

Sau khi đập, tuốt, cần loại bỏ tạp chất vô cơ (cát, sỏi, đá, kim loại…) cũng như tạp chất hữu cơ (lá tươi, lá khô, rơm rạ…) lẫn vào khi tuốt.

Phân loại

Loại bỏ hạt xanh, hạt lép, hạt bị tróc vỏ, hạt vỡ trong quá trình vận chuyển, đập, tuốt… cũng như hạt sâu bệnh. Có thể sàng hoặc nhờ sức gió. Chỉ nên bảo quản những hạt lúa hoàn toàn tốt và chất lượng đảm bảo.

Làm khô

- Phương pháp phơi nhanh: Phơi dưới ánh nắng chói chang, nhiệt độ lên đến 40 độ C. Chỉ cần phơi liên tục từ 8 – 9g sáng đến 4 – 5g chiều trong hai, ba ngày nắng tốt là có thể xay xát được.

- Phương pháp phơi lâu: Tuy tốn thời gian nhưng gạo ít tấm hơn. Lúa được trải thành luống, ngày đầu phơi 2g, ngày thứ hai 3g, ngày thứ ba 4g. Cứ 15 phút, các luống được cào, đảo theo các hướng khác nhau. Và tốt nhất là sau khi phơi nên để lúa nơi bóng mát, thoáng gió. Những ngày tiếp theo, lúa có thể phơi 5 – 6g cho đến khi có độ ẩm thích hợp.

- Phương pháp nhân tạo: sấy lúa. Ưu điểm là lúa có thể được làm khô bất cứ lúc nào, độ ẩm được khống chế thích hợp, hiệu suất thu hồi gạo cao.

Bảo quản

Vỏ trấu có tác dụng hạn chế tác động của ngoại cảnh như: nhiệt độ, độ ẩm và ngăn cản được sự xâm nhiễm của côn trùng, nấm mốc… Tuy nhiên, tốt hơn hết là sau khi phơi khô, quạt sạch, lúa được đem chế biến, sử dụng ngay hay đưa vào bảo quản. Trong quá trình bảo quản cần đảm bảo lúa không bị ẩm ướt, không bị men mốc xâm hại… Lúa sau khi phơi khô đến độ ẩm an toàn, loại bỏ tạp chất cần được bảo quản thích hợp trong các dụng cụ như: chum, bao, bồ, bịch, thùng phi, vựa, hòm… để bảo quản tại gia đình nhưng số lượng không lớn. Với số lượng lớn thì phải bảo quản trong kho với không gian lớn được xây dựng theo đúng yêu cầu kỹ thuật khi bảo quản.

PHI TRUNG - Báo Phú Yên, 31/12/2009

 

Sử dụng silicagen bảo quản thóc không gây độc

Tiến sĩ Trần Thị Mai, Viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ứng dụng thành công việc sử dụng silicagen bảo quản thóc sau thu hoạch đạt hiệu quả cao và hoàn toàn không gây độc đối với người và gia súc.

Sau nhiều năm nghiên cứu, Tiến sĩ Mai cho biết phương pháp bảo quản này không chỉ đơn giản, tiêu diệt mọt trong thời gian dài phù hợp với quy mô nhỏ (hộ gia đình) ở Việt Nam mà không gây ảnh hưởng tới chất lượng sản phẩm.

Kết quả thử nghiệm cho thấy, sử dụng chất chống ẩm silicagen với nồng độ 0,1% trộn đều vào thóc đã cho hiệu quả diệt mọt 100% trong vòng 15 ngày bảo quản. Hiệu lực này còn duy trì tới 6 tháng ở điều kiện thường.

Thử nghiệm với các loại côn trùng khác cũng cho thấy chỉ sau 1 tháng silicagen tất cả mọi côn trùng đều bị tiêu diệt hoàn toàn và có tác dụng trong vòng 6 tháng.

Thóc trước khi đưa vào bảo quản chỉ cần phơi khô làm sạch. Khi bảo quản trong thùng kim loại thì trộn 0,1% silicagen với lớp thóc dày 40cm trên bề mặt, sau đó đậy nắp kín./.

TTXVN, 28/04/2008

 

Bảo quản thóc bằng công nghệ mới

Để tránh gây độc đối với người và gia súc, các biện pháp bảo quản sinh học và vật lý đang dần thay thế cho các chất hoá học trong bảo quản nông sản.

Mới đây, Viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch đã công bố phương pháp bảo quản thóc lúa quy mô hộ gia đình bằng chất hoạt động bề mặt do các nhà khoa học Việt Nam nghiên cứu.

Thành phần chủ yếu của những chất hoạt động bề mặt chủ yếu kết tinh từ silicon dioxide, dung hoà với một số khoáng chất silic. Dựa trên nguyên lý phá lớp biểu bì, làm mất nước, mất dầu và ngăn cản quá trình hô hấp qua da của côn trùng, các chất hoạt động bề mặt rất hữu hiệu trong việc tiêu diệt côn trùng, nên chúng được sử dụng trong bảo quản hạt lương thực. Các chất này có tác dụng diệt mọt suốt thời gian dài mà không gây ảnh hưởng tới chất lượng sản phẩm.

Hiệu quả của những chất hoạt động bề mặt khác nhau, tuỳ thuộc vào kỹ thuật, nhiệt độ, áp suất xử lý, kích thước hạt ngũ cốc, thành phần, đặc tính và mật độ phối trộn. Một số chất có tác dụng phá hủy biểu bì của côn trùng, làm cho côn trùng mất nước. Ưu điểm lớn nhất của các chất bề mặt chính là chúng hầu như không gây độc cho người và động vật.

Các nhà khoa học nước ta đã điều chế thành công chất silicagen, công trình nghiên cứu do nhóm các nhà khoa học của Viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch Việt Nam, gồm: TS. Trần Thị Mai, TS. Trần Văn Chương, Trịnh Đình Hoà, Tạ Phương Thảo, Nguyễn Thu Huyền.

Kết quả thực nghiệm cho thấy, sử dụng chất silicagen được sản xuất tại Việt Nam, với nồng độ 0,1% trộn đều vào đống thóc, đã cho hiệu lực diệt mọt 100% sau 15 ngày bảo quản.

Hiệu lực này còn duy trì tới 6 tháng ở điều kiện thường, với tỷ lệ tổn thất dưới 2%. Những kết quả nghiên cứu của Viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch với các loại côn trùng khác cũng cho thấy, chỉ sau 30 ngày, tất cả mọi côn trùng đều bị tiêu diệt hoàn toàn, và duy trì hiệu lực này tới 180 ngày.

Trong khi đó, ở mẫu đối chứng không sử dụng phương pháp bảo quản, mật độ mọt gạo và mọt đục hạt phát triển tăng cao so với ban đầu là 40 con/kg, đặc biệt còn xuất hiện thêm ngài mạch với tỷ lệ 10 con/kg, chỉ tiêu thủy phần tăng lên 14,7%, tỷ lệ hạt bị hại tăng 2,8%.

Nhờ khống chế được các chỉ tiêu độ ẩm, tiêu diệt côn trùng, vi sinh vật, nên chất lượng thóc bảo quản ở mẫu xử lý cao hơn hẳn so với mẫu đối chứng, tỷ lệ rạn nứt giảm 13%, tỷ lệ thu hồi gạo nguyên tăng 5,2%.

Theo TS. Trần Thị Mai, quy trình sơ chế thóc trước khi bảo quản với silicagen tương đối đơn giản, tiện dụng với việc bảo quản quy mô nhỏ tại hộ gia đình. Thóc thương phẩm trước khi đưa vào bảo quản, cần phải phơi khô để đảm bảo độ ẩm dưới 14%, đồng thời phải làm sạch, độ tạp chất không quá 2%. Công đoạn phơi khô và làm sạch rất quan trọng, giúp cho thóc được bảo quản an toàn, tránh bốc nóng, tránh hô hấp mạnh, hạn chế nhiễm côn trùng và vi sinh vật.

Nếu bảo quản thóc trong thùng kim loại, chỉ cần trộn 0,1% silicagen với lớp thóc dày 40 cm trên bề mặt, sau đó đậy nắp kín. Nếu bảo quản trong bao bì, thì trộn 0,1% silicagen với toàn bộ số thóc, sau đó đóng bao, xếp vào kho bảo quản. Thóc bảo quản nên đặt ở nơi thông thoáng, tránh chỗ ẩm ướt, tránh mưa nắng hắt vào.

Quá trình bảo quản, cần kiểm tra định kỳ 15 ngày 1 lần, nhằm kịp thời phát hiện những hiện tượng bất lợi xảy ra trong quá trình bảo quản: bốc nóng, hấp hơi, ngưng tụ nước. Nếu xảy ra các hiện tượng này, cần phải xử lý ngay, phơi sấy khô đến độ ẩm an toàn, sau đó trộn lại với chất hoạt động bề mặt để tiếp tục bảo quản.

Chu Khôi - KTVN, 27/01/2008

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Việt Linh: Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, việc làm thủy sản, việc làm nông nghiệp, tuyển dụng, tìm việc, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang