• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

“HAI LÚA” CHƠI “ANH-TẸC-NÉT”

Đường từ Long Xuyên về Tịnh Biên xa vời vợi, rồi từ thị trấn Nhà Bàng phải chạy thêm cả chục cây số đường dốc núi về thị trấn Chi Lăng. Từ đó đi thêm một đỗi đường trải đầy cát núi, mùa cuối năm này bụi bay mù trời mới vào được xã Núi Voi, một địa giới hành chánh “chưa đầy tuổi thôi nôi” của huyện. Xa vậy và dù đã chiều tà nhưng tôi vẫn bất chấp khí núi lạnh buốt và những đám bụi mù, chạy xe gắn máy vào tận trung tâm xã để tìm nhà nông dân Phạm Huy Định, một “Hai Lúa” đang nổi đình, nổi đám khắp gần xa vì dám... chơi “anh-tẹc-nét” (Internet) ở nơi núi non khỉ ho cò gáy của xứ An Giang.

Khi “Hai Lúa” vào “xa lộ thông tin”

Lúc ghé UBND xã hỏi đường, tôi sửng sốt trước cảnh ba dàn máy vi tính bày hàng ngang giữa phòng làm việc rộng lớn và các nhân viên của xã đang gõ bàn phím rào rào. Phó Chủ tịch xã Võ Hồng Ngọc nửa đùa, nửa thật: “Mấy ông nông dân coi vậy mà ngon hơn UB xã. Dàn vi tính của mấy ổng đã kết nối mạng Internet trong khi ba dàn máy của UB thì... trớt he” rồi sốt sắng cho người đi gọi mấy ông “nông dân Internet” đang sạ lúa đông xuân tuốt trong đồng sâu về.

“Hai Lúa” Phạm Huy Định (Tư Định) mới 50 tuổi, dáng vẻ rắn chắc, nhanh nhẹn. Gặp tôi, anh lôi về căn nhà nằm sâu trong dốc núi, khoe ngay dàn máy vi tính và máy in laser được bày sát bên cửa ra vào. Tư Định phân trần: “Gia tài sự sản của cả câu lạc bộ đó. Dàn máy của Sở KH-CN An Giang cho, cái bàn và chiếc ghế xoay là tiền trúng số của tui sắm. Anh em trong câu lạc bộ đông (27 người, trong đó có 12 người sử dụng thành thạo Internet) mà chỉ có một cái máy nên tui phải đặt ở chỗ này để sẵn sàng phục vụ anh em bất kể giờ giấc. Nếu để tuốt trong buồng thì anh em lại... ngại vào sử dụng”. Không biết thông tin từ đâu mà chỉ vài phút sau các “cao thủ” của câu lạc bộ (CLB) lục tục có mặt: Trần Văn Lực, Trần Thanh Hùng, Nguyễn Văn Cậy, Phạm Huy Hoàng... Nghe tôi muốn xem “Hai Lúa” lướt mạng, Tư Định và nhóm “Hai Lúa” lập tức khởi động máy, nhấp chuột vào Internet Explorer, mổ cò lóc cóc gõ mật khẩu. Chừng năm phút, máy mới kết nối được mạng. Tư Định thành thạo lướt ào ào vào các trang Web của tỉnh An Giang, Bộ NN&PTNT, Sở NN&PTNT An Giang, trang chuyên đề thủy sản www.vietlinh.com.vn...

Gặp thông tin nào cần thiết, ngay lập tức Tư Định tải vào thư mục riêng và tiếp tục tìm kiếm thông tin trên các Website khác. Bất ngờ, Tư Định mở trang Google và tiếp tục thao tác truy tìm thông tin, thành thạo không thua những tay lướt Web chuyên nghiệp. Thấy tôi tròn mắt ngạc nhiên, mấy ông “cao thủ Internet Hai Lúa” đế thêm: “Tụi tui không có sử dụng riêng những thông tin lấy từ trên mạng anh-tẹc-net đâu nghen. Hai tuần một lần, tụi tui gom những thông tin cần thiết truy cập được trên mạng in ra giấy A4, đóng thành một “bản tin phục vụ phát triển nông thôn” đem phát miễn phí cho các ban ngành xã làm tài liệu tuyên truyền. Đồng thời còn tặng riêng cho Đài truyền thanh xã một bản để phát thanh hàng ngày”.

Nói có sách, mách có chứng, Tư Định và mấy ông nông dân lôi ra những bản tin đã phát hành lâu nay cho tôi xem. Dù in trắng đen nhưng bản tin khá đầy đủ với các mục: tin trong tỉnh, tin sản xuất nông nghiệp và thị trường nông sản, các văn bản pháp quy có liên quan đến vấn đề nông nghiệp - nông thôn, các biện pháp canh tác - chăn nuôi, phòng trị bệnh cho vật nuôi - cây trồng và cả những thông tin mới nhất về các loại virus máy tính đang phát tán trên mạng Internet. Cuối mỗi bản tin đều có ghi rõ danh sách ban biên tập, địa chỉ phát hành, số điện thoại và e-mail của CLB. Mấy ông “nông dân Internet” nói với tôi: “ Ngoài việc in bản tin phát hành miễn phí làm tài liệu thông tin tuyên truyền cho xã, bất kỳ một nông dân nào đến tham khảo các vấn đề liên quan đến sản xuất, thị trường đều được CLB sẵn sàng vào mạng tìm kiếm và in ra giấy đem về nghiên cứu miễn phí”. Nông dân Trần Văn Lực (Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Núi Voi), khoe: “Nhờ những thông tin trên mạng mà mới đây nông dân xã tui phát triển thêm nghề nuôi rắn ri voi. Nhưng quan trọng hơn, vụ sản xuất đông xuân này, nông dân trong xã không ai dự trữ phân bón như các năm trước, bởi mới đây tụi tui đọc thấy giá phân bón đang giảm nên vội thông báo cho bà con cứ từ từ mà mua, đừng mua giá cao dự trữ sẽ bị lỗ”.

Tư Định thì kể cho tôi nghe chuyện Internet cứu cho anh một bàn thua trông thấy: Hồi tháng 10, trong nhà anh còn 10 tấn lúa hàng hóa. Mới định bán thì giá lúa tuột xuống 1.800 đồng/kg. Đang tiếc hùi hụi, tình cờ anh đọc thấy thông tin Bộ Thương mại lại tiếp tục cho xuất khẩu gạo và Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp thế giới FAO thông báo tình hình khan hiếm lúa gạo. Nhận định giá lúa gạo sẽ lên trở lại, Tư Định liền “nhém” 10 tấn lúa lại đến tháng 11 thì bán được với giá 2.250 đồng/kg, lời thêm 4 triệu đồng gọn hơ.

Cầm vá, cầm cuốc dễ hơn bàn phím; nắm chuột vi tính khó hơn chụp... chuột đồng

Nói thật, nhìn mấy anh Hai Lúa trình độ văn hóa cấp 2 ở Núi Voi lướt Web và khai thác thông tin, tôi không biết nói gì hơn ngoài hai chữ bái phục! Muốn kiếm chuyện phá mấy ông “nông dân Internet” chút chơi, tôi hỏi: “Nghe ngoài chợ Nhà Bàng đồn rùm trời là mấy ông trong này chuyên môn ở trần, mặc quần tà lỏn, miệng ngậm thuốc rê xệ môi và ngồi chồm hổm trên ghế xoay để truy cập vào mạng Internet, có không ?” Tư Định và mấy ông nông dân trợn mắt, chối đây đẩy: “Làm gì có chuyện ngậm thuốc rê ngồi chồm hổm trên ghế xoay, bậy bạ! Nhưng cũng thú thật chuyện ở trần, mặc tà lỏn lướt Web xảy ra khá thường xuyên, hôm nay có khách nên mới quần dài, áo rộng nghiêm chỉnh”. Tư Định cười giả lả: “Nhiều hôm trời nóng quá, anh em châm chước nhau ăn mặc ra sao cũng được, miễn là khai thác được nhiều thông tin có ích là tốt rồi”.

Nhắc lại hồi những ngày đầu, mấy ông “Hai Lúa” ở Núi Voi học vi tính và khai thác Internet, nhiều chuyện cười ra nước mắt. Cả nhóm thi nhau kể: Hồi tháng 8 đang lo nước lũ ngập đầu thì tự nhiên nghe UB xã và Hội Nông dân kêu đi học...vi tính. Từ trước tới giờ có biết ất giáp gì về cái vụ vi tính này, cả CLB chỉ có mỗi một người học tới lớp 12, còn lại toàn là trình độ lớp 6, lớp 7 rồi về làm ruộng. Lịnh kêu đi thì đi nhưng trong bụng nói thầm chắc cũng chẳng nên cơm cháo gì. Chẳng ngờ học qua một tháng, ai cũng ham, sau đó tỉnh cấp cho một dàn máy, một line điện thoại để kết nối và cấp miễn phí mỗi tháng 5 card Internet (trị giá 100.000 đồng/card, truy cập được 1.600 phút) thì tất cả thành viên CLB đâm “ghiền” Internet hồi nào không hay. Tư Định nói thiệt: “ Tụi tui chỉ mới học thao tác bấm ở đâu, vô chỗ nào để lấy thông tin, chứ ba cái chuyện kỹ thuật thì như... ếch ngồi đáy giếng. Mỗi lần máy trở chứng là anh em lại hì hục tắt máy khởi động lại, khởi động không được thì... rút dây điện ra rồi đi kêu thợ về sửa”. Mấy ông “nông dân Internet” ở Núi Voi nói rằng cái vụ vi tính này giống như đám rừng mà mấy ổng chỉ mới bước vào tới... bìa rừng và than thở: “ Nói thiệt, cầm vá, cầm cuốc ở ngoài ruộng còn dễ hơn sử dụng bàn phím; ra ruộng chụp chuột đồng đâu có khó như cầm con chuột máy tính”. Nhưng ông nào cũng thừa nhận là mình đang mê máy vi tính và Internet, đến nỗi CLB họp định kỳ ngày thứ sáu hàng tuần để sinh hoạt, nhưng sáng nào gặp nhau ở quán cà phê mấy ổng cũng bàn chuyện vi tính và Internet. Mê đến nỗi nhiều ông bỏ luôn thói quen nhậu nhẹt mỗi chiều để đến nhà Tư Định lướt Web. Còn Tư Định thì không thèm thức trắng đêm coi đá banh nữa mà sẵn sàng thức trắng đêm để... ôm cái máy vi tính, chui vào mạng. Tôi nắn gân: “Mấy ông cũng vừa vừa thôi, mấy ông cứ suốt ngày ở ngoài ruộng rồi chiều tối về xúm nhau ôm cái máy vi tính thì có ngày... vợ cấm cửa luôn”. Nghe vậy ông nào cũng nghệch mặt ra: “Ừ hén! Hèn chi hễ nói đến vi tính, anh-tẹc-net là mấy bả làm thinh, không nói không rằng, kiểu này nguy hiểm thiệt”.

Khát khao chưa tỏ cùng ai

Theo thông tin riêng, tôi được biết hiện nay An Giang chỉ mới có năm CLB Nông dân được Sở KH-CN tỉnh trang bị miễn phí máy vi tính và hướng dẫn sử dụng, khai thác thông tin từ mạng Internet. Đó là các CLB Núi Voi (Tịnh Biên), Vĩnh Nhuận (Châu Thành), Óc Eo (Thoại Sơn), Bình Phú (Châu Phú) và Bình Thạnh Đông (Phú Tân). Đây là chương trình thuộc dự án đưa Internet về nông thôn của tỉnh và những CLB này được xem là “cú hích” để khuyến khích nông dân tiếp cận công nghệ thông tin. Những nơi khác, tôi chưa có dịp đến, nhưng tại CLB Núi Voi “cú hích” đã có hiệu quả: Không chịu được cảnh mấy chục ông nông dân chỉ xài chung có một “bà” vi tính, hai nông dân Lê Văn Nhóc (ấp Voi 1) và Ngô Văn Hốt (ấp Núi Voi) đã gồng mình tự trang bị dàn máy vi tính tại nhà, trong đó dàn máy của ông Nhóc đã kết nối Internet. Sở dĩ nói nông dân phải “gồng mình” sắm máy vi tính cá nhân là vì vùng này rất nghèo, thu nhập bình quân đầu người chỉ đạt 2.064 kg lúa/năm nên dàn máy vi tính là cả một gia tài. Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Trần Văn Lực bày tỏ: “Nông dân trong xã bây giờ ham vi tính và anh-tẹc-net lắm nhưng tụi tui không dám xin thêm máy, sợ nơi khác phân bì. Phải chi tỉnh, huyện có chính sách cho vay vốn ưu đãi, trả chậm để nông dân sắm máy, kết nối vào mạng khai thác thông tin thì... ngon lành”. Tư Định thì ưu tư chuyện khác: “ Hiện nay tài liệu hướng dẫn của Sở KH-CN cung cấp khá nhiều địa chỉ trang Web cần thiết bằng tiếng Việt, nhưng ít nhiều gì cũng có hạn chế về thông tin. Tụi tui đang ước ao khai thác được thêm những thông tin bổ ích khác trên những trang Web bằng tiếng Anh, nhưng hiềm một nỗi tất cả đều dốt trất ngoại ngữ. Phải chi ở gần Long Xuyên thì tụi tui đã đăng ký đi học tiếng Anh rồi”.

Lúc chia tay nhau, tôi mới bật mí cho mấy ông “nông dân Internet” ở Núi Voi biết một chuyện: trước khi vào xã, tôi đã chạy xe giáp chợ thị trấn Nhà Bàng để tìm một điểm dịch vụ Internet gửi bài vở về cơ quan nhưng không hề có, đành phải chạy thêm mấy chục cây số ra tận thị xã Châu Đốc. Nghe vậy, mấy ông nông dân Núi Voi tròn mắt ngạc nhiên và... “nổ”: “Trời ơi, vậy sao không chạy vô đây, tụi tui cho mượn máy làm việc”. Xe tôi đã nổ máy, Tư Định và mấy nông dân còn dặn với theo: “Ê, mai mốt có gì hay nhớ “meo” cho tụi này xem với nghen”. Tôi gật đầu hứa và nhủ thầm: “Hai Lúa” ở Núi Voi đầu thế kỷ 21 có khác...

Phóng sự của Hùng Anh - Tạp chí Echip
http://www.echip.com.vn/echiproot/html/2005/xuan05/hailua.html

Xem thêm các thông tin có liên quan:

- Tin Việt Linh

 

 

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh

Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]

TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn  vietlinh.vn
Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Việt Linh: Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, việc làm thủy sản, việc làm nông nghiệp, tuyển dụng, tìm việc, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang
DMCA.com Protection Status
DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Việt Linh: Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, việc làm thủy sản, việc làm nông nghiệp, tuyển dụng, tìm việc, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang