• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Đưa thông tin đến nông dân: Đường còn xa

Những năm gần đây, nhiều chương trình ứng dụng CNTT đưa thông tin và tiến bộ khoa học kỹ thuật đến nông dân đã được triển khai. Tuy nhiên, do thực hiện rời rạc, thiếu phối hợp đồng bộ nên các chương trình này còn nhiều hạn chế, chưa mang lại hiệu quả thiết thực như mong muốn.

Chương trình nhiều - hiệu quả thấp

Theo kết quả điều tra về phát triển Internet tại các quốc gia trên thế giới do Quỹ Nghiên Cứu Internet GOV3 của Anh công bố ngày 17/11/2005 tại Hội Nghị Thượng Đỉnh Xã Hội Thông Tin Toàn Cầu, Việt Nam đứng thứ 3 trong nhóm các quốc gia tiên phong về tốc độ phát triển mạng lưới Internet với số lượng người sử dụng Internet tăng hơn 27% trong 4 năm qua. Gần 10% dân số sử dụng Internet. Tuy nhiên, chỉ số tiếp cận số (DAI) không cao do trình độ sử dụng thấp, ít các ứng dụng thiết thực.

Nhà Nước và nhiều địa phương, tổ chức đã triển khai các chương trình ứng dụng CNTT - truyền thông (CNTT - TT) vào khu vực nông thôn. Chẳng hạn chương trình "Phổ cập tin học" do sinh viên CNTT ĐH Cần Thơ phối hợp với Đoàn Thanh Niên Cộng Sản HCM các địa phương thực hiện tại một số tỉnh/ thành khu vực ĐBSCL. Tuy nhiên, kết quả của chương trình này cũng khiêm tốn như mục tiêu đề ra: Giới thiệu cho thanh niên nông thôn về máy vi tính và Internet.

Một chương trình khác: "Nông dân (ND) điện tử" tại An Giang, đặt mục tiêu ứng dụng CNTT hỗ trợ cung cấp thông tin, hướng dẫn kỹ thuật canh tác, các mô hình sản xuất nông nghiệp có hiệu quả cho ND. Nhưng kết quả lại chỉ dừng ở mức thí điểm và phong trào! Đề án "Khuyến nông điện tử" (e-Mekong) của ĐH Cần Thơ thực hiện các khóa đào tạo khuyến nông qua mạng, ND có thể tham gia học trực tuyến và trao đổi trực tiếp với chuyên gia những vấn đề mà họ cần tư vấn. Nhưng đề án này vẫn đang tìm nguồn kinh phí để triển khai! Ngoài ra, còn có chương trình "Dự án quốc gia phát triển cộng đồng"- đưa Internet về nông thôn do tổng công ty Bưu Chính Viễn Thông VN (VNPT) triển khai trong cả nước. Theo đó, VNPT sẽ triển khai khoảng 9.000 điểm bưu điện văn hóa xã (ĐBĐVHX) và trên 10.000 điểm tại các vùng nông thôn miền núi có Internet. Còn nhiều chương trình khác như: Xây dựng và phát triển hệ thống thông tin nông thôn do Bộ NN-PTNT chủ trì; các dự án lớn nhỏ do các tổ chức phi chính phủ, viện nghiên cứu trong ngành nông, lâm nghiệp triển khai...

Đánh giá hiệu quả của các chương trình, ông Nguyễn Hồng Vân, chủ tịch Hội Tin học Cần Thơ, cho rằng: "Hầu hết các chương trình đều có tác động tích cực. Về lý thuyết, chúng có thể bổ khuyết cho nhau, tuy nhiên, do triển khai rời rạc, thiếu phối hợp đồng bộ nên còn nhiều hạn chế, chưa mang lại hiệu quả thiết thực như mong muốn". Theo ông Vân, kết quả này là do những nguyên nhân như ND chưa chuyển đổi được thói quen thông tin liên lạc từ thư, điện tín, bưu phẩm và điện thoại sang dùng Internet; nguồn thông tin khuyến nông trên mạng chưa được chọn lọc, biên tập phù hợp với trình độ ND và nhu cầu sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp...

 

THƯƠNG HIỆU VÀNG CỦA NÔNG DÂN

 
 

Mạng www.vietlinh.com.vn vừa được chọn trao giải "Thương hiệu vàng chất lượng" do báo Nông Nghiệp Việt Nam tổ chức hồi cuối tháng 4/2006. Bà Trần Mai Phương, quản trị web Việt Linh, cho biết: "Ban đầu web chỉ nhằm thư viện hóa một vài lĩnh vực như nuôi tôm, nuôi cá. Nhưng do thông tin lúc đó còn hạn chế, ND mong muốn được trao đổi, mạn đàm, giải đáp thêm nhiều vấn đề nên ban quản trị (BQT) web đã nâng cấp thành diễn đàn trao đổi giữa các nhà khoa học, chuyên gia nông nghiệp và ND. Qua 6 năm hoạt động, Việt Linh có đội ngũ cộng tác viên đông đảo là các nhà khoa học, ND giỏi. Hiện nay, mỗi ngày có khoảng 50 câu hỏi được gửi đến BQT. Tùy lĩnh vực, BQT sẽ tự trả lời hoặc chuyển đến người có khả năng giải đáp.
Thế mạnh của Việt Linh là thông tin cập nhật. Khi có quy định mới về việc cấm sử dụng một số loại kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản, Việt Linh tìm lại tất cả các bài viết có đề cập đến loại kháng sinh đó để chú thích.

 

 

 

 

 

Theo chị Phương, Việt Linh tổ chức chuyên mục chưa được bài bản nhưng gần gũi với ND, tư vấn thẳng vào vấn đề họ cần, không trả lời thuộc lòng từ đầu đến cuối một vấn đề. ND vướng mắc ở đâu, trả lời đến đó. Tài liệu hướng dẫn quy trình quản lý chất lượng trong nuôi trồng, yêu cầu giám sát theo thông số về tỷ lệ cá chết, hàm lượng thức ăn, các chỉ tiêu lý, hóa... được Việt Linh lập thành đồ thị. Trang web cũng mở thêm mục chuyên đề để ND bàn bạc, trao đổi. Đây là một cách làm cho các kiến thức khoa học trở nên gần gũi hơn. Chẳng hạn, khi vào thư mục Lúa, bà con có thể tìm theo giống lúa, khi vào từng giống lúa lại có thể tra cứu từng loại bệnh...
Được biết, Việt Linh đang có kế hoạch hợp tác với GS.Võ Tòng Xuân để tổ chức các chuyên mục chi tiết hơn, giúp bà con ND dễ tìm kiếm thông tin hơn.

 

Chưa gần gũi với nông dân

Hiện nay, phần lớn ND tiếp cận kiến thức, thông tin về nuôi trồng qua sách, báo, đài. Tuy nhiên với những kênh thông tin này, thời gian hồi âm thắc mắc của ND rất lâu. Ông Vũ Văn Luân, ND xã Minh Lãng, huyện Vũ Thư (Thái Bình) cho biết: "ND biết rất ít về chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Tài liệu, sách báo có hướng dẫn nhưng ND chúng tôi học vấn thấp, kiến thức không đồng đều nên tiếp thu chậm lắm. Mỗi năm lại xuất hiện nhiều loại sâu, dịch bệnh khác nhau..., ND chẳng biết hỏi ai. Chẳng lẽ lúc nào cũng đến hỏi Sở (Nông Nghiệp Phát Triển Nông Thôn)".

Chuyển thông tin qua Internet là cách làm nhanh, thuận tiện cho việc trao đổi hai chiều, giải đáp thắc mắc cho ND. Tuy nhiên, dù Internet đã đến gần với ND qua hơn 2.000 điểm Bưu Điện Văn Hóa Xã (BĐVHX) nhưng vẫn chưa song hành cùng chất lượng và hiệu quả. Ông Phạm Văn Được, giám đốc Sở BCVT Yên Bái cho biết, phần lớn nhân viên ở các điểm BĐVHX là con em cán bộ xã, thiếu kỹ năng tin học cơ bản để hướng dẫn ND; họ chỉ trông coi được việc gọi điện, thu tiền và phát tem, báo...

Qua tiếp xúc, nhiều ND cho biết sẵn sàng bỏ tiền tìm kiếm thông tin khuyến nông (doanh thu từ dịch vụ Internet hiện chiếm 14,1% tổng doanh thu từ các dịch vụ của các điểm BĐVHX). Nhưng ND cần thông tin thiết thực; được cập nhật, hướng dẫn chi tiết; có thể ứng dụng được ngay và nếu vướng mắc phải có nơi giải đáp. Trong khi cách tổ chức các trang web hiện nay mang nặng tính chủ quan của cơ quan chủ quản, chưa thực sự hiểu người ND cần gì. Một số trang số hóa nội dung của sách, báo hướng dẫn nuôi trồng mà không cập nhật thông tin.

Bà Trần Mai Phương, quản trị trang www.vietlinh.com.vn cho biết, thông tin hướng dẫn kỹ thuật chỉ mang tính đại chúng và tham khảo để khi chưa nuôi thì biết cách nuôi hoặc nuôi rồi thì tham khảo thêm. Còn nuôi trồng thực tế lại cần kinh nghiệm. Vì vậy, cần có diễn đàn trên mạng để bà con trao đổi.

"Sách hướng dẫn khuyến nông- ngư nhiều nhưng phần lớn viết bằng ngôn ngữ khoa học, không sát với thực tế. Chẳng hạn có sách hướng dẫn ND lập biểu đồ khi nuôi tôm... vượt quá khả năng ND. Hay có những khái niệm mới nghe qua tưởng ai cũng biết như cày lật đất, cuốc... nhưng cày sâu bao nhiêu, lật lên bao nhiêu, phơi nắng bao lâu... thì không có trong khi người ND rất cần được hướng dẫn tỉ mỉ”, bà Phương nói.

Bà Hoàng Diệu Tuyết, phó chủ tịch thường trực Hội ND Việt Nam, góp ý: "Cần phân tầng thông tin cho nhiều ngành nghề, trình độ. Chẳng hạn những ND khá giả muốn biết về các nguồn vốn ngân hàng, đối tác, công nghệ mới, mở rộng sản xuất, xuất khẩu. Trong khi ND nghèo lại cần kinh nghiệm nuôi, trồng thực tế, cụ thể, tỷ mỷ, gần gũi và đơn giản".

Hiện nay, thông tin trên Internet mới chỉ dừng ở mức số hóa thông tin khuyến nông mà chưa tận dụng hết ưu thế của công nghệ Internet. Các nhà khoa học không biết ND vướng ở đâu, còn ND vướng mắc lại chẳng biết hỏi ai. GS. Võ Tòng Xuân, hiệu trưởng ĐH An Giang, chia sẻ: "ND mình không có thời gian học. Chỉ có thể dạy họ kiến thức, kỹ năng cao nhất gắn với điều kiện sinh sống của họ. Muốn vậy, nhà khoa học và đội ngũ người thực hiện - gồm những quản trị trang web và cán bộ điểm BĐVHX - cần "bắt tay" chặt chẽ trong việc hướng dẫn ND".

Đáng tiếc tất cả mới chỉ là gợi ý!

 

Đề án mạng thông tin khoa học công nghệ khu vực đồng bằng sông Cửu Long

 
 

Tại hội thảo hợp tác và phát triển CNTT quốc gia tổ chức tại Kiên Giang tháng 8/2004, vấn đề ứng dụng CNTT-TT vào phục vụ phát triển sản xuất và đời sống nông thôn đã được quan tâm với sáng kiến: Xây dựng cổng thông tin điện tử (Mekong Portal) khoa học công nghệ (KHCN), phục vụ phát triển sản xuất và đời sống nhân dân đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).
Từ sáng kiến này, đề án e-Mekong đã được hình thành, đưa ra các mục tiêu:
- Xây dựng cổng thông tin điện tử cung cấp thông tin KHCN phục vụ phát triển sản xuất và đời sống nhân dân khu vực ĐBSCL
- Phổ cập tin học cho khu vực nông thôn để ND biết cách khai thác thông tin trên mạng
- Tổ chức các lớp huấn luyện trực tuyến hướng dẫn ND cách sản xuất (trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, dạy nghề tiểu thủ công nghiệp...) và cung cấp thông tin đời sống (y tế, pháp luật, xây dựng nhà ở và các công trình nông thôn, giáo dục, văn hoá...)
- Xây dựng các điểm Kiot Internet để người dân nông thôn tự đầu tư và nhân rộng tại các địa phương có nhu cầu.
Dự kiến Sở KHCN các tỉnh, thành khu vực ĐBSCL; các ĐH, các viện nghiên cứu nông nghiệp trong vùng sẽ cùng phối hợp thực hiện đề án.
Đề án được chia làm 02 giai đoạn, tổng kinh phí khoảng 178.000 USD. Trong đó, giai đoạn 1 nhằm thiết lập mạng thông tin, giai đoạn 2 để củng cố hệ thống thông tin KHCN, triển khai thí điểm mô hình mẫu (khoảng 26 điểm, mỗi tỉnh/thành chọn 2 điểm).
Đề án hiện đang chờ kinh phí từ: Bộ KHCN, UBND các tỉnh...

 

Hạnh Linh - Đại Nguyên, Tạp chí PCWorld B, tháng 6/2006
http://www.pcworld.com.vn/pcworld/magazine_b.asp?t=mzdetail&atcl_id=5f5e5d5e5b5a5b

Xem thêm các thông tin có liên quan:

- Tin Việt Linh

 

 

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh

Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]

TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn  vietlinh.vn
Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Việt Linh: Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, việc làm thủy sản, việc làm nông nghiệp, tuyển dụng, tìm việc, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang
DMCA.com Protection Status
DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Việt Linh: Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, việc làm thủy sản, việc làm nông nghiệp, tuyển dụng, tìm việc, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang