• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Chăn nuôi

Bệnh cúm gà ở gia cầm

Cảnh báo dịch cúm gia cầm và biện pháp phòng dịch

Từ đầu năm đến nay, dịch cúm gia cầm H5N1 đã tái phát trên đàn gia cầm và lây lan nhanh, ở một số tỉnh thành trong nước.

Khu vực đồng bằng sông Cửu Long có các tỉnh Đồng Tháp, Tiền Giang, Long An, TP. Cần Thơ và Vĩnh Long cũng đã xuất hiện dịch cúm gia cầm, làm chết hàng loạt đàn gia cầm.

Tại Bến Tre, tính đến thời điểm này gần 3 năm liên tục không phát sinh ổ dịch cúm gia cầm, đây là kết quả đáng ghi nhận trong công tác phòng dịch. Tuy nhiên, hiện nay, dịch cúm gia cầm xảy ra ở một số tỉnh trong khu vực, đặc biệt Tiền Giang trong khoảng thời gian ngắn đã xảy ra 2 đợt dịch vào tháng 4 và tháng 7 trên đàn chim trĩ và chim cút. Mặt khác, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu nên thời tiết thay đổi bất thường, mật độ chăn nuôi cao, môi trường chăn nuôi ô nhiễm, các ổ dịch cũ đang là nguy cơ bùng phát dịch bệnh.

Trước nguy cơ dịch cúm gia cầm đang đe dọa, Chi cục khuyến cáo người chăn nuôi cần quan tâm hơn đến công tác phòng chống dịch bệnh, như:

- Nhập mới đàn phải có nguồn gốc rõ ràng, nên chọn con giống từ những cơ sở chăn nuôi an toàn, sạch bệnh và tốt nhất chọn từ đàn bố mẹ có tiêm phòng vắc-xin cúm gia cầm.

- Thực hiện tiêm phòng đầy đủ các loại vắc-xin phòng những bệnh nguy hiểm như cúm gia cầm, niu-cat-xơn, gumboro, tụ huyết trùng, dịch tả vịt;…

- Chăm sóc, nuôi dưỡng tốt đàn gia cầm như: chăn nuôi gia cầm với mật độ nuôi phù hợp, nuôi riêng biệt theo từng lứa tuổi, áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, vệ sinh môi trường, tiêu độc sát trùng chuồng trại, dụng cụ chăn nuôi thường xuyên nhằm hạn chế tối đa mầm bệnh lưu hành ngoài môi trường; đồng thời, cung cấp đủ nước sạch và thức ăn đầy đủ chất dinh dưỡng; bổ sung vitamin để tăng cường sức đề kháng.

- Chủ nuôi khi phát hiện có gia cầm mắc bệnh, chết bất thường không rõ nguyên nhân, phải báo ngay với nhân viên thú y xã hoặc chính quyền địa phương để được hướng dẫn, hỗ trợ xử lý kịp thời, nhanh chóng dập tắt dịch tránh lây lan diện rộng. Tuyệt đối không bán chạy gia cầm mắc bệnh, không vứt xác gia cầm bệnh, chết xuống kênh rạch, ao hồ làm ô nhiễm môi trường và lây lan mầm bệnh.

- Để phòng lây nhiễm bệnh cúm gia cầm cho người, khi tiếp xúc với gia cầm, đặc biệt là gia cầm bệnh, người tiếp xúc phải sử dụng bảo hộ lao động, tối thiểu phải đeo khẩu trang, găng tay. Tuyệt đối không giết mổ gia cầm bệnh, chết làm thực phẩm, không ăn tiết canh gia cầm.

Lê Ngọc Thuận, Đồng khởi, 26/9/2013

 

Bệnh cúm ở gia cầm

Xem thêm: Tamiflu và bệnh cúm gà H5N1 trên người

Phòng, trị cúm gia cầm hiệu quả

Nhận biết bệnh cúm gia cầm

Tuỳ theo loài nhiễm bệnh mà triệu chứng bệnh cúm gia cầm thể hiện khác nhau.

- Ở gà: Thời gian ủ bệnh từ vài giờ đến 3 ngày, gà nhiễm trùng huyết, viêm đường hô hấp và xuất huyết ở nội tạng và tổ chức dưới da. Gà bị nhiễm H5N1 chết nhanh, trong vòng 48 giờ tỉ lệ chết có thể lên đến 90% và trong 3 - 4 ngày sau khi nhiễm, có thể chết hết toàn đàn. Đàn gà nhiễm bệnh có các triệu chứng như xù lông, tiêu chảy và có âm hô hấp. Trước khi chết gia cầm nhiễm bệnh có biểu hiện triệu chứng thần kinh gồm bại liệt và xoăn vặn cổ. Bệnh tích có thể quan sát được là phổi xung huyết trầm trọng, lách sưng to, mề, tiền mề và ruột xuất huyết. Xuất huyết dưới da của ống chân, phù quanh mí mắt, mào và tích tụ huyết xanh tím.

Bệnh tích xuất huyết niêm mạc dạ dày cơ và dạ dày tuyến rất dễ nhầm với bệnh Newcastle ở gà; gan xung huyết, phù nề có các điểm hoại tử rất dễ nhầm với bệnh tụ huyết trùng ở gia cầm.

- Ở vịt: Triệu chứng thể hiện nhẹ hơn gà, đa số vịt mang trùng không thể hiện triệu chứng và chết thể cấp tính với biểu hiện triệu chứng thần kinh, co giật. Bệnh tích viêm nhẹ mí mắt và xuất huyết nội quan của vịt, bệnh cũng rất giống với bệnh dịch tả vịt.

Triệu chứng ở các loài gia cầm khác như chim cút, ngan, ngỗng chỉ thể hiện ủ rũ và chết đột ngột với tỉ lệ cao.

Phòng bệnh cúm ở gia cầm:

- Đổi mới phương thức chăn nuôi: Chăn nuôi tập trung, cách xa khu dân cư theo quy trình chăn nuôi khép kín là điều kiện hàng đầu trong phòng bệnh. Chủ động tiêm phòng cho đàn gia cầm của mình với tỉ lệ 100%.

- Kiểm soát giết mổ: Xây dựng các lò giết mổ gia cầm tập trung để kiểm soát nguồn gốc và tình hình dịch bệnh của gia cầm giết mổ, áp dụng dây chuyền giết mổ tự động và đóng gói sản phẩm khi đưa ra tiêu thụ.

- Không buôn bán gia cầm sống tại các chợ và khu vực đông dân cư.

- Tiêm phòng bằng vắc-xin H5N1 cho gà và vịt. Gà 2-5 tuần tuổi tiêm 0,3ml/con, trên 5 tuần tiêm 0,5ml/con, sau đó 4 tháng tiêm nhắc lại 1 lần. Vịt 2-5 tuần tuổi tiêm 0,5ml/con, sau 28 ngày tiêm nhắc 1ml/con, sau đó 4 tháng tiêm nhắc lại 1 lần.

- Tăng cường dinh dưỡng: Trong khẩu phần ăn hàng ngày của gia cầm đầy đủ dưỡng chất có thể giúp gia cầm tăng cường miễn dịch, giảm nguy cơ nhiễm bệnh.

- Tiêu độc sát trùng: Phun thuốc sát trùng 2 lần/tuần bằng các loại thuốc thông dụng như nhóm aldehyde (formol, glutaraldehyd), phenol, các phức hợp chứa Iodine, các loại hóa chất gây oxy hóa (sodium dodecyl sulfate) đều có hiệu quả trong diệt trừ mầm bệnh ở ngoài môi trường, từ áo quần, dụng cụ chăn nuôi, phương tiện vận chuyển.

- Giám sát chặt chẽ sức khoẻ đàn gia cầm hàng ngày, phát hiện nhanh những biểu hiện bất thường như giảm ăn, giảm đẻ, gia cầm chết đột ngột đều phải được lấy mẫu xét nghiệm.

- Thực hiện các biện pháp nhằm ngăn ngừa sự tiếp xúc của gia cầm nuôi, chim và gia cầm hoang dã, đồng thời thực hiện các biện pháp ngăn ngừa lây truyền bệnh qua các nhân tố trung gian như thức ăn, nguồn nước, phương tiện vận chuyển, khách tham quan...

- Khi có kết quả xác định bệnh cúm phải thực hiện tiêu huỷ toàn đàn và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo hướng dẫn của cơ quan thú y.

Báo Bắc Giang, 4/3/2009

 

Bệnh cúm gà

Bệnh cúm gà là bệnh truyền nhiễm do virus cúm typ A thuộc họ Orthomyxoviridae gây ra.

Đặc điểm bệnh

- Loài mắc bệnh gồm các loại gia cầm: gà, gà tây, ngan, ngỗng, vịt, chim câu, chim cút, đà điểu, các loài chim...

- Thời gian nung bệnh từ vài giờ đến 3 ngày (phụ thuộc vào số lượng virus, con đường xâm nhập, loài mẫn cảm).

- Tỉ lệ mắc và chết phụ thuộc vào loại vật mắc và độc lực của virus gây bệnh. Trường hợp virus gây bệnh có độc lực cao, gà có thể mắc và chết 100%.

Biểu hiện

- Con vật sốt cao, có những biểu hiện không bình thường ở hệ thống tiêu hoá, hô hấp, sinh sản, thần kinh.

- Gia cầm giảm hoạt động, giảm tiêu thụ thức ăn, gầy yếu, tăng số gia cầm ấp ở đàn đang đẻ, giảm sản lượng trứng.

- Trường hợp nặng biểu hiện ở gia cầm là ho, thở khó, chảy nước mắt, đứng túm tụm một chỗ, lông xù, phù đầu và mặt, những chỗ da không có lông bị tím tái, chân bị xuất huyết, rối loạn thần kinh, ỉa chảy, một số con biểu hiện co giật hoặc đầu ở tư thế không bình thường.

- Những triệu chứng trên có thể gặp cùng một lúc hoặc riêng rẽ trên gia cầm.

- Xác gia cầm chết bệnh tím tái, mổ xác thấy dạ dày tuyến, dạ dày cơ (mề) xuất huyết, phổi tích máu, thận và gan sưng to.

Bệnh tích

Bệnh tích thường gặp: mào và tích sưng to, phù quanh mí mắt. Có thể phù ở niêm mạc khí quản, có thể viêm dính buồng trứng với xoang bụng. Xuất huyết đốm ở trên bề mặt niêm mạc và tương mạc nội tạng. Viêm xuất huyết hầu hết đường tiêu hoá, nhất là ở manh tràng, dạ dày tuyến nơi tiếp giáp với mề.

Khả năng lan truyền của bệnh cúm gà

- Virus cúm gà có thể sống ít nhất 3 tháng ở nhiệt độ thấp, trong phân. Ở môi trường nước, virus có thể sống 4 ngày ở 22oC hoặc hơn 30 ngày ở 0oC.

- Virus cúm gà có thể được lan truyền từ trại nuôi này đến trại khác bởi những vật nuôi nhiễm dơ bẩn như bánh xe, thức ăn, phân, chuồng, lồng, quần áo, đặc biệt là giày dép, trên chân và cơ thể gia cầm, vật nuôi.

Vì vậy, khi thấy trong đàn gà có các triệu chứng và bệnh tích của bệnh cúm gà phải áp dụng ngay các biện pháp khẩn cấp, biện pháp tốt nhất là tiến hành tiêu huỷ toàn bộ số gà bệnh (theo hướng dẫn của Cục Thú y mà NTNN đã đăng tải) để tránh mầm bệnh lây lan, truyền nhiễm sang các loại gia cầm, vật nuôi và người.

NTNN - Agroviet, 04/02/04

 

Biện pháp phòng chống dịch cúm gia cầm

Bệnh cúm gia cầm do virus gây ra. Đây là bệnh truyền nhiễm cấp tính, lây lan nhanh, tỷ lệ chết rất cao (100%), gây thiệt hại lớn về kinh tế. Các loài gia cầm: Gà, vịt, ngan, ngỗng, gà tây, chim cút, bồ câu, đà điểu, các loài chim hoang dã đều có thể mắc bệnh. Bệnh có thể lây sang người và một số động vật khác.

Cách nhận biết qua triệu chứng và bệnh tích: Gia cầm bị bệnh cúm có các triệu chứng: Sốt cao, ho, khó thở, phù đầu và mặt, mắt đỏ, mào và tích sưng to, da tím tái, da chân xuất huyết, chảy nước mắt, nước dãi, ỉa chảy rất nặng, phân xanh vàng. Mổ khám gia cầm bệnh thấy máu không đông; xoang bụng tích nước hoặc viêm dính; xuất huyết trên bề mặt các cơ và các cơ quan nội tạng, đặc biệt là ở dạ dày tuyến và ruột; xoang mũi và khí quản xuất huyết, chứa đầy dịch nhầy.

Biện pháp phòng bệnh:

- Chỉ chọn mua gia cầm ở những cơ sở giống tốt, bảo đảm không có bệnh cúm. Chỉ chọn những con khoẻ mạnh, nhanh nhẹn.
- Chuồng nuôi bảo đảm thoáng, mát, khô, có ánh nắng mặt trời chiếu vào. Sân chơi và ao nuôi phải có hàng rào bao quanh.
- Chăm sóc, nuôi dưỡng tốt. Thức ăn cần đảm bảo dinh dưỡng, không ẩm mốc. Nước uống sạch và phải được thay thường xuyên.
- Thường xuyên thay dọn chuồng. Hàng ngày quét, dọn phân, có hố thu gom phân và chất thải để xử lý.
- Phải có hố sát trùng trước khu vực chăn nuôi. Không cho người ngoài vào khu chăn nuôi. Ngăn không cho gia cầm tiếp xúc với bồ câu, chim trời, chuột.
- Sau mỗi đợt nuôi phải thu dọn phân, cọ rửa sạch các dụng cụ chăn nuôi. Rắc vôi bột hoặc quét nước vôi mới tôi xung quanh, bên trong chuồng nuôi, nền chuồng và sân chơi. Để trống chuồng từ 10 đến 15 ngày. Cũng có thể sát trùng bằng cách phun foocmol 2-3%, iodin 0,5%, cloramin T 0,5-2%,… toàn bộ nền và tường chuồng nuôi.

Biện pháp chống dịch

Khi có bệnh xảy ra phải:

1. Thông báo ngay cho cán bộ thú y cơ sở

2. Không bán chạy, không ăn thịt gia cầm trong đàn bị bệnh, không vứt xác chết bừa bãi.

3. Bao vây ổ dịch, tiêu huỷ toàn bộ gia cầm chết, mắc bệnh và các gia cầm khác trong đàn, bằng cách:
- Đốt bằng củi hoặc xăng dầu. Nếu có điều kiện thì đốt trong các lò chuyên dụng.
- Đào hố chôn sâu, toàn bộ đáy và thành hố được lót nilông. Gia cầm tiêu huỷ đựng trong bao dầy, có chất sát trùng, buộc chặt miệng, sau đó cho xuống hố. Đảm bảo bề mặt gia cầm chôn cách mặt đất tối thiểu 1m. trước khi lấp đất, rải một lớp vôi bột hoặc phun một trong hai dung dịch: foocmol 5%, xút (NaOH) 3-5%.

4. Vệ sinh tiêu độc ổ dịch:
- Phun sát trùng, tiêu độc toàn bộ khu vực chăn nuôi liên tục 2-3 lần trong tuần đầu. Riêng chuồng nuôi phải để nguyên trạng, phun thuốc sát trùng và ủ 5-7 ngày;
- Quét dọn, thu gom và tiêu huỷ phân rác, chất độn chuồng;
- Rửa sạch chuồng trại và các dụng cụ chăn nuôi, để khô, sau đó phun sát trùng 2 lần, cách nhau 10-15 ngày bằng một trong các dung dịch: Nước vôi tôi 10%, xút 2-3%, foocmol 2-3%, crezin 5%. Nước rửa chuồng trại và dụng cụ chăn nuôi phải được thu gom vào hố và trước khi đưa ra ngoài phải được xử lý bằng cách cho vôi vào đạt nồng độ 10%.

Theo SNNPTNT Lâm Đồng

 

Phòng chống bệnh cúm gia cầm

Đồng Nai là tỉnh có đàn gà lên đến trên 8 triệu con, vào dịp cuối năm thời tiết lạnh, ẩm sẽ là điều kiện thuận lợi để bệnh cúm gia cầm phát sinh gây hại. Dưới đây là một số cách nhận biết bệnh và phương pháp phòng trừ bệnh cúm gia cầm.

1/ Đặc điểm của bệnh

- Bệnh cúm gia cầm là một bệnh truyền nhiễm do virus cúm type A thuộc họ Orthomyxoviridae gây ra. Virus cúm A gây bệnh cho gia cầm, một số loài động vật có vú và người. Bệnh cúm gia cầm động lực cao (HPAI) được Tổ chức Thú y thế giới (OIE) xếp vào danh mục bảng A. Virus cúm gia cầm hiện nay được xác định thuộc type H5N1. Trước đây, loại virus này chỉ gây bệnh cho gia cầm, song hiện nay lại gây bệnh cho cả thủy cầm và động lực của nó rất mạnh. Type virus này có tính biến dị cao, có thể kết hợp với các type khác sinh ra đại dịch. Virus lây lan mạnh trong điều kiện độ ẩm cao và nhiệt độ lạnh. Virus cúm cư trú trên các loài thủy cầm di cư như: cò ngỗng trời, vịt trời... nên khả năng lây lan bệnh rất rộng và khó kiểm soát.

2/ Triệu chứng của bệnh

- Loài mắc bệnh: gà, gà tây, vịt, ngan, ngỗng, đà điểu, các loài chim...

- Thời gian ủ bệnh từ vài giờ đến 21 ngày, có trường hợp kéo dài đến 28 ngày.

- Gà bị bệnh cúm thường sốt cao, chảy nước mắt, đứng tụm một chỗ, lông xù, phù đầu và mắt, da tím tái, chân xuất huyết, chảy nước dãi, mào và yếm tím tái.

- Tỷ lệ mắc bệnh cúm và chết tùy thuộc vào loài vật mắc bệnh, động lực của virus gây bệnh cũng như tuổi mắc và điều kiện môi trường. Trường hợp virus gây bệnh có động lực cao, gà có thể chết 100%.

- Ngoài ra, khi gà bị cúm còn có thêm biểu hiện ăn ít, giảm sản lượng trứng, một số con còn có biểu hiện bị co giật.

3/ Đường lây truyến

- Bệnh cúm gia cầm có thể truyền trực tiếp từ con nhiễm bệnh cho con khỏe.

- Bệnh cúm gia cầm còn truyền gián tiếp thông qua không khí, dụng cụ chăn nuôi, xe cộ, phân rác, thức ăn, nước uống có chứa mầm bệnh.

4/ Phòng bệnh

- Các trại chăn nuôi gia cầm áp dụng các biện pháp an toàn sinh học để ngăn chặn mầm bệnh lây lan vào trại.

- Với các dụng cụ chăn nuôi, phương tiện vận chuyển, dụng cụ bảo hộ lao động và người vào trại phải được tiêu độc khử trùng. Thức ăn nước uống, chất độn chuồng phải đảm bảo không chứa mầm bệnh. Ngoài ra người chăn nuôi nên đăng ký với trạm thú y trên địa bàn để thẩm tra điều kiện vệ sinh thú y và cấp chứng nhận cho phép chăn nuôi. Đăng ký với trạm thú y để tiến hành lấy mẫu huyết thanh xét nghiệm virus cúm theo quy định.

- Thường xuyên sát trùng chuồng trại, khu vực chăn nuôi, vệ sinh thức ăn, nước uống, dụng cụ chăn nuôi. Hạn chế tối đa người ra vào trại, phương tiện vận chuyển trước khi vào trại phải qua hố sát trùng ở cổng, đồng thời thường xuyên thay thuốc sát trùng tại các hố trước cổng để ngăn chặn virus từ bên ngoài xâm nhập vào qua các phương tiện vận chuyển.

- Cho gia cầm ăn đầy đủ khẩu phần các loại cám có chất lượng tốt và ổn định, cho uống thêm B. Complex giúp cho gia cầm khỏe mạnh tăng sức đề kháng với bệnh. Ngoài vaccine cúm gia cầm tiêm theo sự hỗ trợ của Nhà nước cần tiêm phòng định kỳ, đầy đủ các loại vaccine thông thường như: Marek gà; Gumboro gà; đậu gà; tả gia cầm; tụ huyết trùng gia cầm theo lịch của cơ quan thú y địa phương, giúp cho gia cầm miễn dịch với các bệnh này.

- Chỉ nên mua gia cầm khỏe mạnh được tiêm phòng đầy đủ và có nguồn gốc rõ ràng để nuôi. Lưu ý khi mua gia cầm về nên nhốt riêng cách xa đàn gia cầm gia đình đang nuôi, cho uống thuốc bổ trong vòng 10 - 15 ngày bằng cách dùng nước sạch hòa với B.complex cho uống 2 lần/ngày vào sáng và tối, sau thời gian cách ly thấy gia cầm khỏe mới thả vào nuôi chung với đàn gia cầm đang nuôi.

- Những ngày thời tiết lạnh, thả gia cầm muộn và nhốt sớm. Duy trì nhiệt độ chuồng nuôi và nhốt gia cầm theo ngày tuổi, tháng tuổi. Giữ chuồng luôn khô sạch, vệ sinh chuồng trại định kỳ bằng các loại thuốc sát trùng có hiệu quả dài ngày (loại thuốc có thành phần Iot như Han Iodine 10%), khoảng 7 - 10 ngày phun/lần sau khi dọn chất độn chuồng.

- Có thể cho gia cầm ngửi khói quả bồ kết định kỳ 5 - 7 ngày/lần, làm mũi gà thông thoáng, phòng hiệu quả các bệnh về đường hô hấp và tiêu diệt virus cúm, giúp gia cầm khỏe mạnh chống lại bệnh.

- Khoảng 2 - 3 ngày cho gà uống nước tỏi pha loãng/lần. Đập dập 2 - 3 củ tỏi sống, để trong không khí 15 - 20 phút sau đem hòa với 10 - 15 lít nước đem cho gà uống, bã tỏi rải quanh chuồng cho gà ngửi mùi. Các chất kháng sinh thực vật có trong tỏi tiêu diệt mạnh virus cúm gia cầm.

Nguyệt Hạ - Báo Đồng Nai, 26/11/2010

 

Cách phòng cúm gia cầm

Tháng 2-3 thời tiết thường có mưa phùn làm cho ẩm độ không khí tăng cao, thời tiết lại thay đổi thất thường mỗi khi có các đợt gió mùa đông bắc tràn về, đây là điều kiện thuận lợi cho bệnh cúm gia cầm phát sinh và lây lan mạnh.

Hiện nay theo thông báo của Cục Thú y, bệnh cúm gia cầm đang bùng phát trở lại ở một số tỉnh phía Bắc nước ta. Cúm gia cầm là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm nhất hiện nay đối với chăn nuôi gia cầm, bệnh diễn biến phức tạp, thường ở thể quá cấp và cấp tính gây chết nhanh chóng, làm thiệt hại lớn cho người chăn nuôi.

Biện pháp phòng bệnh có hiệu quả nhất với bệnh cúm gia cầm là tiêm vacxin. Nhưng việc tiêm vacxin cúm gia cầm chi phí rất tốn kém, phụ thuộc vào sự hỗ trợ của nhà nước và tiêm theo lịch, theo đợt trong năm, thường là thụ động. Như vậy sẽ có không ít đàn gia cầm ở nhiều nơi, nhất là vùng sâu, vùng xa không được tiêm vacxin.

Xin giới thiệu kinh nghiệm chăm sóc làm tăng sức đề kháng cho gia cầm chống lại bệnh cúm xâm nhập, kinh nghiệm này áp dụng tốt cho cả gia cầm đã tiêm và chưa tiêm vacxin cúm gia cầm.

- Cho gia cầm ăn đầy đủ khẩu phần các loại cám có chất lượng tốt và ổn định, cho uống thêm B.Complex giúp cho gia cầm khoẻ mạnh tăng sức đề kháng với bệnh. Ngoài vacxin cúm gia cầm tiêm theo sự hỗ trợ của nhà nước cần tiêm phòng định kỳ, đầy đủ các loại vacxin thông thường như: Marek gà; Gumboro gà; đậu gà; tả gia cầm; tụ huyết trùng gia cầm theo lịch của cơ quan thú y địa phương, giúp cho gia cầm miễn dịch với các bệnh này.

- Những ngày giá lạnh, thả gia cầm muộn, nhốt sớm. Duy trì nhiệt độ chuồng nuôi, nhốt theo nhu cầu sinh lý ngày tuổi, tháng tuổi của gia cầm. Giữ cho chuồng luôn khô sạch, vệ sinh chuồng trại định kỳ bằng các loại thuốc sát trùng có hiệu quả dài ngày (loại thuốc có thành phần Iot như Han Iodine 10%), khoảng 7-10 ngày phun/lần sau khi dọn chất độn chuồng.

- Cho gia cầm ngửi khói quả bồ kết định kỳ 5-7 ngày lần, làm mũi gà thông thoáng, phòng hiệu quả các bệnh về đường hô hấp. Tiêu diệt virus cúm, giúp gia cầm khoẻ mạnh chống lại bệnh.

- Khoảng 2-3 ngày cho gà uống nước tỏi pha loãng/lần. Đập dập 2-3 củ tỏi sống, để trong không khí 15-20 phút sau đem hoà với 10-15/lít nước đem cho gà uống, bã tỏi rải quanh chuồng cho gà ngửi mùi. Các chất kháng sinh thực vật có trong tỏi tiêu diệt mạnh virus cúm gia cầm.

- Cho gà uống sản phẩm “Vườn sinh thái” với nồng độ 0,03% (5ml/15lít nước) đều đặn 2 ngày/lần. Sản phẩm “Vườn sinh thái” là loại thuốc bổ sạch, sử dụng làm tăng năng suất, cải thiện chất lượng trứng, thịt, con giống cho vật nuôi. Các chủng vi sinh hữu ích, các Enzim sinh hoá có trong sản phẩm ức chế có hiệu quả các bệnh tiêu chảy, làm tăng khả năng tiêu hoá, hấp thu tốt dinh dưỡng giúp cho cơ thể gia cầm khoẻ mạnh chống lại virus cúm xâm nhập.

KS NGUYỄN - Nông nghiệp VN, 02/03/2010

 

Hướng dẫn quy trình xử lý ổ dịch cúm gia cầm

Cúm gia cầm là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm lây lan và làm chết hàng loạt gia cầm, bệnh có khả năng lây nhiễm và gây tử vong cho người và nhiều loài gia súc, gia cầm, vì vậy khi xuất hiện dịch cúm gia cầm, việc phát hiện sớm, bao vây nhanh, tiêu diệt gọn ổ dịch và khử trùng, tiêu độc môi trường là hết sức quan trọng nhằm khống chế, dập tắt dịch; hạn chế thấp nhất thiệt hại do dịch gây ra.

Chi cục Thú y Bắc Ninh xây dựng quy trình xử lý ổ dịch cúm gia cầm như sau:

1- Khi phát hiện gia cầm có biểu hiện của bệnh cúm như: ốm chết hàng loạt, ho, khó thở; đầu, mặt, mào sưng tím tái; lông xù, da có màu đỏ sẫm, chân xuất huyết, tiêu chảy phân có lẫn máu... chủ hộ chăn nuôi phải báo ngay cho ban thú y xã, phường hoặc cơ quan thú y gần nhất để được kiểm tra, xác minh và hướng dẫn xử lý. Tuyệt đối không tiếp xúc với gia cầm bệnh, không ăn thịt gia cầm bệnh.

2- Thú y cơ sở khi phát hiện có gia cầm bị cúm phải báo cáo ngay về trạm thú y huyện và UBND xã. Trạm thú y huyện lập tức báo cáo bằng điện thoại về Chi cục Thú y và UBND huyện để kịp thời khoanh vùng bao vây ổ dịch, ngay sau đó báo cáo bằng văn bản về diễn biến tình hình dịch và các biện pháp xử lý ổ dịch.

3- Nghiêm cấm bán chạy, sơ tán, giết mổ hoặc vứt xác gia cầm ốm chết ra đường, ra sông, hồ, ao, mương máng... làm ô nhiễm môi trường và lây lan dịch bệnh.

4- Tại thôn xuất hiện ổ dịch: Toàn bộ số gia cầm ốm chết, số gia cầm còn sống trong đàn có dịch, các đàn quanh ổ dịch và những đàn chưa tiêm phòng vaccin cúm gia cầm phải thu gom, giết hủy.

Biện pháp tiêu hủy gia cầm nhiễm bệnh:

Dùng bao tải có túi ni lon cho gà tiêu hủy vào bao buộc kín, phun thuốc sát trùng chở đến nơi tiêu hủy.

- Đào hố sâu 2,5-3m, (chiều dài, rộng tùy thuộc vào số lượng gia cầm tiêu hủy) trải 1 lớp nilon (hoặc vải bạt không thấm nước) trên toàn bộ đáy và xung quanh thành hố, đổ bao chứa gà xuống hố, phun thuốc sát trùng lên bề mặt sau đó đổ vôi bột lên trên và lấp đất. Khoảng cách từ xác chết đến mặt đất tối thiểu từ 0,8-1,0m, nén đất thật chặt.

- Đốt gia cầm ngay trên miệng hố bằng dầu hỏa; (5 lít dầu/100 kg gia cầm, đốt xong gom xác gia cầm xuống hố sau đó lấp đất lại, trải vôi lên trên và phun khử trùng xung quanh mộ.

- Gia cầm bệnh vận chuyển đi hủy phải được che bạt kín. Phun đẫm hóa chất vào xe và bạt, xe chở gia cầm đi trước, máy phun thuốc khử trùng đi sau.

Việc đốt hủy gia cầm phải bảo đảm không gây ô nhiễm môi trường. Những người thực hiện việc tiêu hủy gia cầm bệnh phải có khẩu trang và đồ bảo hộ lao động.

5- Hố chôn gia cầm phải bảo đảm các yếu tố: Xa nguồn nước, xa khu dân cư, xa đường giao thông và xa bãi chăn thả gia súc, gia cầm.

6- Toàn bộ phân, chât thải, thức ăn thừa, chất độn chuồng của gia cầm bệnh và vật rẻ tiền phải được thu gom đốt, hủy ngay trên nền chuồng, sau đó đem chôn sâu dưới đất. Phát quang thu dọn chất phế thải, rác ở xung quanh khu vực chuồng nuôi, đốt hủy rác, chất phế thải...

7- Chuồng và khu vực xung quanh chuồng nuôi phải được phun thuốc sát trùng lên toàn bộ bề mặt nền chuồng, tường, vách, trần, máng ăn, máng uống, mỗi ngày 1 lần trong 3 ngày liền. Sau đó cách 2-3 ngày lại phun 1 lần cho đến khi tình hình dịch chấm dứt.

Tại thôn có dịch, đình chỉ việc mua bán, giết mổ, vận chuyển gia cầm và sản phẩm gia cầm. Vệ sinh tẩy uế và phun thuốc sát trùng môi trường mỗi ngày 1 lần liên tục trong 3 ngày liền sau đó 2 ngày 1 lần.

8- Khu vực vành đai ổ dịch, các thôn xung quanh thôn có ổ dịch đình chỉ việc mua bán, giết mổ, vận chuyển, cho tặng gia cầm hoặc sản phẩm gia cầm, không chăn thả gia cầm, thực hiện nuôi nhốt tại chuồng để tránh lây nhiễm.

9- Trên các tuyến giao thông ra vào ổ dịch phải lập các chốt kiểm dịch tạm thời có barie, có biển báo, có thuốc sát trùng và cử người trực 24/24h để kiểm soát ngăn chặn gia cầm và sản phẩm gia cầm ra ngoài ổ dịch.

10- Nghiêm cấm người không nhiệm vụ vào ổ dịch. Người có nhiệm vụ khi vào ổ dịch phải có bảo hộ lao động như khẩu trang, găng tay, quần áo bảo hộ, ủng... khi ra khỏi ổ dịch phải được khử trùng tiêu độc quần áo, giày, dép...

Báo Bắc Ninh, 19/02/2009

 

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Việt Linh: Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, việc làm thủy sản, việc làm nông nghiệp, tuyển dụng, tìm việc, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang