Vụ ĐX hằng năm thường trùng hợp với mùa sinh sản của trâu bò. Thế nhưng các điều kiện ngoại cảnh lại không phù hợp cho sự sinh trưởng phát triển của bê, nghé. Cụ thể: Mưa nhiều, ẩm ướt, rét lạnh, thức ăn khan hiếm (gây hiệu ứng giảm sữa ở trâu bò mẹ), các loại mầm bệnh dễ phát triển và lây lan, đặc biệt là các loại ký sinh trùng.
Giun đũa là loại ký sinh trùng gây tác hại nhanh, mạnh và rõ nhất trên bê, nghé. Trong điều kiện bất lợi ở vụ ĐX, tác hại của giun đũa lên bê nghé càng lớn và để lại những hậu quả nặng nề: Bê, nghé bị viêm ruột, ỉa chảy kéo dài, suy dinh dưỡng, còi cọc thậm chí gây chết bê, nghé.
Nguyên nhân và đặc điểm của bệnh:
Bệnh giun đũa bê, nghé do loài giun tròn Neoascaris Vitulorum ký sinh trong tá tràng của bê nghé gây ra. Ngoài ra, giun đũa cũng có thể ký sinh ở ruột của trâu bò trưởng thành, dê, cừu ... Bệnh lây lan qua đường tiêu hóa khi vật chủ nuốt phải ấu trùng giun. Đối với bê, nghé, bệnh có thể lây truyền từ mẹ qua nhau thai. Bệnh giun đũa có tính mùa vụ. Vào vụ ĐX, do điều kiện ngoại cảnh khắc nghiệt, giá rét, thức ăn nhiều, mẹ thiếu sữa nên bệnh phát sinh và gây hại nặng. Tuổi mắc bệnh phổ biến nhất của bê, nghé là vào lúc 25-35 ngày tuổi (chiếm tỷ lệ 64%) và sớm nhất có thể mắc vào lúc 14 ngày tuổi (23%).
Triệu chứng: Triệu chứng điển hình nhất của bê, nghé bị bệnh giun đũa là dáng vẻ lù đù, đầu cúi, đuôi cúp, lưng cong, lông xù. Theo dõi phân bệnh thấy chuyển từ đen sang vàng đất rồi trắng lỏng có mùi thối khắm đặc biệt. Kèm theo đó bê nghé thường xuất hiện từng cơn đau bụng quằn quại, sau đó có thể ngã vật ra mất cảm giác. Bệnh súc sốt 40-41 oC, gầy sút rất nhanh. Ở những thể bệnh này tỷ lệ chết của bệnh súc rất cao. Thời gian tiến triển của bệnh thông thường vào khoảng 11-30 ngày, bệnh súc thường chết vào giai đoạn 8-10 ngày sau khi mắc bệnh nếu không điều trị kịp thời.
Phòng bệnh:
- Cần giữ vệ sinh chuồng trại. Gom phân trâu bò để ủ nhằm tận dụng nhiệt độ cao khi ủ làm mất hiệu lực gây bệnh của trứng và ấu trùng giun đũa.
- Chú ý vệ sinh khi chăn thả, tránh các bãi chăn ẩm thấp, nhiều chất thải của trâu bò.
- Tẩy giun định kỳ cho trâu bò mẹ vào giữa mùa xuân (tháng 3 dương lịch) hằng năm để đề phòng bê nghé nhiễm giun qua nhau.
Điều trị:
* Đối với bê nghé dưới 2 tháng tuổi khi mắc bệnh sử dụng phác đồ điều trị sau:
- Levamisol: 1 ml/10 kg thể trọng, tiêm dưới da.
- Vitamin ADE: 3 ml/con, tiêm bắp thịt.
- Cafêin Natribenzoat: 5 ml/con, tiêm bắp thịt.
Sau 1 tháng tiêm lặp lại lần 2 để chống tái nhiễm.
* Đối với bê nghé trên 2 tháng tuổi có thể sử dụng Ivermectin với liều dùng 1 ml/12 kg thể trọng; tiêm dưới da để đồng thời tiêu diệt các loại ngoại ký sinh trùng khác như ve, bét, rận ... Kết hợp dùng các thuốc trợ sức Vitamin ADE, Cafêin Natribenzoat ...
NNVN, 10/2003
Nhấn vào đây để xem tất cả các tin kỹ thuật nuôi bê, trâu, bò, bò sữa
Việt Linh: Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, việc làm thủy sản, việc làm nông nghiệp, tuyển dụng, tìm việc, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.