Những năm trở lại đây, phong trào chăn nuôi bò sữa đã và đang trở thành thế mạnh trong chăn nuôi, góp phần thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế - xã hội ở xã Vĩnh Thịnh (Vĩnh Tường - Vĩnh Phúc). Để mang lại hiệu quả kinh tế cao, bà con nông dân đã áp dụng nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật, trong đó chăn nuôi bê con bằng sữa bột là một trong những phương pháp mang lại hiệu quả cao, đã và đang được người dân áp dụng phổ biến.
Hiện nay toàn huyện có 13 xã, thị trấn phát triển chăn nuôi bò sữa với khoảng 800 hộ tham gia. Tổng đàn bò sữa hơn 3.500 con. Đối với chăn nuôi bò sữa, hai sản phẩm chính mang lại giá trị kinh tế cao cho nông hộ là sữa tươi của bò mẹ sản xuất ra và bê con. Vì vậy, muốn tăng sản lượng sữa hàng hóa bán ra thì các hộ phải chăn nuôi bò mẹ tốt để bò có nhiều sữa, đồng thời phải giảm lượng sữa tươi cho bê cái ăn. Có thể thay thế sữa tươi của bò mẹ bằng cách sử dụng sữa bột công nghiệp đúng kỹ thuật, đảm bảo chất lượng cho bê sữa cái ăn để bê sữa cái sinh trưởng và phát triển tốt.
Để khuyến khích các hộ chăn nuôi bò sữa ở Vĩnh Thịnh nói riêng và người chăn nuôi bò sữa trên cả nước nói chung tích cực áp dụng phương pháp chăn nuôi này, đồng thời giúp bà con có thêm nhiều kinh nghiệm trong việc chăm sóc đàn bê, chúng tôi xin giới thiệu tới bà con quy trình nuôi bê sữa cái bằng sữa bột công nghiệp cụ thể như sau:
1. Tuổi bê bắt đầu nuôi và thời gian nuôi
Trung bình là 07- 10 ngày tuổi (khi bê đã ăn hết sữa đầu)
Thời gian nuôi: Trung bình là 04 tháng.
2. Chuồng nuôi bê
Nuôi chuồng nuôi bê tốt nhất là nuôi cũi riêng từng con một. Nếu nuôi chuồng sàn thì bê con nuôi chuồng riêng không nuôi cùng bò sinh sản, bò hậu bị và có ngăn cách riêng từng bê. Chuồng nuôi bê phải đảm bảo khô, sạch, đông ấm, hè mát. Có đủ máng ăn, máng uống phù hợp với quy mô nuôi.
3. Thức ăn, nước uống
- Thức ăn nuôi bê, bao gồm: Sữa tươi (sữa đầu của bò mẹ), thức ăn thay thế là sữa bột công nghiệp Young Calf sản xuất tại Hà Lan, thức ăn tinh, thức ăn thô xanh và thức ăn bổ sung.
- Nước uống: Sử dụng nguồn nước sạch, đảm bảo, không có các nguyên tố kim loại nặng...
4. Chăm sóc nuôi dưỡng bê
- Dùng vải, khăn mềm sạch lau khô toàn bộ thân mình bê, móc hết dịch nhớt còn ở miệng, mũi bê. Nếu bê bị ngạt cần nhanh chóng cấp cứu ngạt, bóc móng cho bê dễ tập đi, sát trùng cồn iod 5% vào dây rốn bê, nhốt bê vào cũi hoặc chuồng nuôi có lớp đệm lót khô sạch và luôn theo dõi bê.
- Cho bê ăn đầy đủ lượng sữa đầu và thời gian cho ăn sau khi sinh càng sớm càng tốt (không quá 1giờ sau khi sinh).
- Tập và cho ăn sữa thay thế: Tập cho bê bú (ăn sữa) bằng tay ngay từ khi sơ sinh ăn sữa đầu. Trước khi ngừng ăn sữa tươi cần có thời gian tập cho bê làm quen thức ăn mới, theo cách giảm dần tỷ lệ sữa tươi và tăng dần sữa thay thế đến khi sử dụng hoàn toàn sữa thay thế, thời gian khoảng sau 10 - 15 ngày sau khi sinh.
Lượng sữa thay thế Young Calf sử dụng như sau:
+ 01 tuần lễ đầu: Ăn sữa tươi (sữa đầu) theo nhu cầu của bê và lượng sữa bò mẹ
+ Tuần thứ hai đến tuần thứ ba: 04- 06 lít/con/ ngày
+ Tuần thứ tư đến tuần thứ chín: 06 - 07 lít/con/ngày
+ Tuần thứ mười đến tuần thứ mười hai: 04- 05 lít/con/ngày
+ Các tuần sau đó giảm dần và kết thúc cũng là giai đoạn mà bê đã sử dụng quen thức ăn thô xanh và ăn được thức ăn tinh khoảng 01 kg/con/ngày.
* Kỹ thuật cho ăn: Đun sôi nước sạch, chờ nhiệt độ nước giảm dần đến 450C, đổ nước vào xô chứa rồi từ từ đổ sữa bột vào, khuấy mạnh tới khi tan hết. Tỷ lệ pha sữa thay thế với nước là 1: 8. Sữa đã pha cho bê ăn ngay. Lượng sữa đã pha chỉ sử dụng trong ngày. Về mùa đông thời tiết lạnh, cần phải nâng nhiệt độ của sữa để tránh gây rối loạn tiêu hóa cho bê.
- Tập và cho bê ăn thức ăn thô xanh:
Theo phản xạ tự nhiên và cũng tiến hành tập cho bê ăn thức ăn thô xanh từ cuối 01 tuần tuổi, thức ăn là cỏ khô ngon chất lượng cao, tăng dần số lượng theo tuần tuổi và nhu cầu của bê.
- Tập và cho bê ăn thức ăn tinh:
Theo phản xạ tự nhiên và cũng tiến hành tập cho bê ăn thức ăn tinh ngay từ ngày thứ ba sau khi sinh. Thức ăn tinh có thể là thức ăn công nghiệp chuyên dùng hoặc tự chế đảm bảo chất lượng, giàu dinh dưỡng, thơm ngon, khô, mịn. Những lần ăn đầu chưa quen có thể phải tập ăn bằng tay cho bê: Cho ngửi, xoa ít vào mồm bê. Khi ăn quen cho thức ăn vào các xô, chậu và treo vào chuồng bê. Tăng dần lượng thức ăn tinh theo tuần tuổi và nhu cầu của bê, đến khi bê ăn được khoảng 01kg/ngày là có thể cắt hoàn toàn việc dùng sữa nuôi bê.
- Nước uống: Phải cung cấp đầy đủ nước uống hàng ngày theo nhu cầu của bê. Nguồn nước uống phải đảm bảo sạch sẽ không nhiễm tạp chất, kim loại nặng. Mùa đông thời tiết lạnh cần cho bê uống nước ấm.
- Thức ăn bổ sung: Cần chú ý bổ sung thêm premix khoáng, vitamin...
- Vận động tắm nắng cho bê: Hàng ngày khi thời tiết bên ngoài nắng ấm, nên cho bê ra ngoài vận động, tắm nắng từ 1- 2 giờ, giúp cho bê được hấp thụ Vitamin D; kích thích tiêu hóa và giúp cho hệ vận động phát triển.
Hàng ngày cần chủ động cung cấp đầy đủ các loại thức ăn, nước uống cho bê; vệ sinh sạch sẽ chuồng, cũi nuôi bê, vệ sinh máng ăn, máng uống, vệ sinh thân thể bê, không để bê liếm mút lông nhau, theo dõi tình hình sinh trưởng, phát triển của bê, theo dõi phát sinh bệnh tật...
5. Phòng, chữa bệnh cho bê
- Thường xuyên quét dọn chuồng trại, vệ sinh máng ăn, máng uống tẩy uế cống rãnh, tắm trải cho bê sạch sẽ.
- Định kỳ phun thuốc khử trùng tiêu độc môi trường chăn nuôi bằng các hóa chất như: Benkocid, BKA, Han- Idodine, vôi bột...
- Tiêm phòng văcxin cho bê theo quy định
- Định kỳ tẩy giun sán cho bê.
Nguyễn Thị Kim Liên - Trung tâm ƯD tiến bộ KN&CN Vĩnh Phúc, Khuyến nông VN, 11/07/2014
Nuôi bê con bằng sữa bột mang lại hiệu quả kinh tế cao
Phát huy tiềm năng, lợi thế về diện tích đất bãi, những năm qua, phong trào chăn nuôi bò sữa đã và đang trở thành thế mạnh trong chăn nuôi, góp phần thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế - xã hội ở xã Vĩnh Thịnh (Vĩnh Tường - Vĩnh Phúc). Để mang lại hiệu quả kinh tế cao, bà con nông dân đã áp dụng nhiều biện pháp khoa học kỹ thuật tiến bộ. Chăn nuôi bê con bằng sữa bột là một trong những phương pháp mang lại hiệu quả cao, đã và đang được người dân áp dụng phổ biến trong một vài năm trở lại đây.
Theo số liệu thống kê, hiện toàn xã Vĩnh Thịnh có 601 hộ nông dân chăn nuôi bò sữa, với tổng đàn bò sữa là 2.588 con; trong đó, có 210 con bê ở độ tuổi 6 tháng, còn lại là bò khai thác và bò hậu bị. Anh Đặng Văn Hoạt, cán bộ Thú y xã Vĩnh Thịnh cho biết: Nếu như những năm trước kia, các hộ chăn nuôi bò sữa ở địa phương đều áp dụng phương pháp chăm sóc bê con truyền thống (cho bê con bú mẹ đến khi cai sữa); thì đến nay, hầu hết các gia đình đã phổ biến phương pháp cho bê con ăn bằng sữa bột sau 1 tháng đầu bú mẹ. Theo anh Hoạt, chăn nuôi theo phương pháp truyền thống sẽ làm giảm chất lượng, sản lượng sữa thương phẩm của bò mẹ; ảnh hưởng tới thu nhập của người chăn nuôi. Do vậy, áp dụng phương thức chăn nuôi bê con bằng sữa bột sẽ giúp người nông dân tiết kiệm được rất nhiều chi phí đầu tư ban đầu mà vẫn đảm bảo được chất lượng, sức khỏe của bê con, từ đó tăng lượng sữa thương phẩm của bò mẹ, nâng cao hiệu quả kinh tế.
Được biết, năm 2012, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư Vĩnh Phúc đã phối hợp với Trạm Khuyến nông huyện Vĩnh Tường triển khai thực hiện thí điểm mô hình “Nuôi bê sữa cái sử dụng sữa bột thay thế sữa bò tươi” tại xã Vĩnh Thịnh, với sự tham gia của 10 hộ chăn nuôi theo tập quán truyền thống, cho bê sơ sinh ăn sữa bò mẹ đến khi cai sữa. Sữa bột thay thế là loại sữa Young Calf, được sản xuất tại Hà Lan, đảm bảo về chất lượng và an toàn vệ sinh. Kết quả cho thấy, sau khoảng 5 tháng, chăn nuôi bê con theo phương pháp mới, đối chứng với đàn bê con được bú mẹ hoàn toàn thì đàn bê con chăm sóc bằng phương pháp cho ăn sữa bột công nghiệp vẫn phát triển bình thường, có sức đề kháng tốt và cân nặng đạt tiêu chuẩn theo yêu cầu với một số chỉ tiêu như: Tỷ lệ bê sữa sống đạt 100%, với mức tăng thể trọng trung bình tương đương với mức tăng thể trọng của đàn bê được nuôi bằng sữa bò tươi. Nói về ưu điểm của phương pháp này, anh Hoạt cho biết thêm: “Áp dụng phương thức chăn nuôi bê con bằng sữa bột Young Calf đã mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt cho bà con nông dân. Nếu làm phép tính so sánh sẽ nhận thấy người nông dân tiết kiệm được nhiều chi phí ban đầu. Trong 4 tháng, 1 con bê cần được cho bú khoảng 480 lít sữa bò tươi, với giá thành trung bình 14.000 đồng/lít sữa, người nông dân phải bỏ ra chi phí khoảng 6,7 triệu đồng/con bê. Nhưng nếu chăm sóc bằng phương pháp cho ăn sữa bột công nghiệp, với giá thành trung bình 50.000 đồng/bao (25 kg), chỉ mất khoảng 5 triệu đồng/con bê. Vì vậy, hiện nay, ở địa phương, có tới gần 80% số hộ áp dụng phương pháp chăn nuôi bê con bằng sữa bột.
Thăm quan mô hình chăn nuôi bê con bằng sữa bột của gia đình anh Lương Hữu Ước ở thôn Khách Nhi Xuôi, anh Ước cho biết: “Gia đình tôi không có điều kiện về nguồn vốn đầu tư nên chỉ mua bê sữa sơ sinh của các hộ khác rồi chăm sóc theo phương pháp cho ăn bằng sữa bột. Sau khi được tham gia lớp tập huấn, hướng dẫn quy trình chăn nuôi bê con bằng sữa bột thay thế sữa bò tươi do Trung tâm Khuyến nông tỉnh và Trạm Khuyến nông huyện phối hợp tổ chức tại địa phương; gia đình đã mạnh dạn áp dụng phương pháp này. Đến nay, đàn bê sữa của gia đình anh Ước vẫn đang phát triển rất tốt so với đàn bê sữa của các hộ xung quanh chăn nuôi theo phương pháp truyền thống. Trong chuồng trại của gia đình luôn duy trì đều đặn từ 5 - 6 con bê sữa. Sữa bột Young Calf được bán tại các điểm thu mua sữa thương phẩm nên gia đình hoàn toàn yên tâm về chất lượng, nguồn gốc xuất xứ. Với giá thành bê sữa con trung bình từ 15 - 20 triệu đồng/con như hiện nay, sau từ 3 - 4 tháng chăm sóc và cho ăn bằng sữa bột thay thế, gia đình anh Ước thu lãi trên dưới 100 triệu đồng mỗi năm.
Tuy nhiên, theo anh Đặng Văn Hoạt, phương pháp chăn nuôi bê con bằng sữa bột giúp người dân giảm bớt chi phí đầu vào, tăng nguồn sữa thương phẩm của bò mẹ; song lại chỉ phù hợp với những gia đình có lượng sữa thương phẩm ít. Bởi lẽ, so với chăn nuôi theo phương pháp truyền thống, thì việc áp dụng phương pháp cho bê con ăn sữa bột thay thế sẽ phần nào làm bê con bị “dộc”, chất lượng bê sữa con cũng sẽ bị ảnh hưởng. Do yêu cầu nguồn vốn đầu tư ban đầu khá cao (giá một con bò sữa khai thác hiện nay khoảng 70 - 80 triệu đồng/con) nên hầu hết bà con nông dân trong xã đang áp dụng phương pháp chăn nuôi bê con bằng sữa bột. Điều cần lưu ý khi áp dụng phương pháp cho bê con ăn bằng sữa bột đó là phải pha sữa bằng nước sôi để nguội, tránh pha bằng nước lã và pha với tỷ lệ vừa phải, không đặc quá, nếu không bê con ăn vào sẽ khó hấp thụ và rất dễ bị bệnh đường ruột. Đặc biệt không nên để lưu lại lượng sữa bột thừa cho bữa sau vì như thế sữa sẽ bị lên men.
Để khuyến khích người nông dân Vĩnh Thịnh tích cực áp dụng phương pháp chăn nuôi này, đồng thời giúp bà con có thêm nhiều kinh nghiệm trong việc chăm sóc đàn bê hiệu quả; thời gian tới, Trạm Khuyến nông huyện Vĩnh Tường tiếp tục tăng cường công tác phối hợp với cấp ủy, chính quyền và các tổ chức, đoàn thể địa phương tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao kỹ thuật. Thông qua đó, giúp bà con nhận thấy hiệu quả kinh tế của phương pháp cho bê con ăn bằng sữa bột thay thế. Đồng thời, giúp bà con nắm vững hơn về kỹ thuật chăn nuôi bò sữa từ giai đoạn sơ sinh đến khi cai sữa; giảm chi phí đầu vào và tăng thu nhập cho các hộ chăn nuôi; góp phần thúc đẩy ngành chăn nuôi trên địa bàn huyện Vĩnh Tường phát triển bền vững.
Việt Sơn - Báo Vĩnh Phúc, 26/04/2014
Nhấn vào đây để xem tất cả các tin kỹ thuật nuôi bê, trâu, bò, bò sữa
Việt Linh: Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, việc làm thủy sản, việc làm nông nghiệp, tuyển dụng, tìm việc, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.