• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Chăn nuôi

Kỹ thuật nuôi chồn nhung đen

Chồn nhung đen là động vật thuộc họ gặm nhấm có xuất xứ từ Nam Mỹ. Đây là giống vật nuôi rất phù hợp với người nghèo bởi chúng chỉ ăn cỏ và các loại rau, củ, quả bình thường, nhưng lại cho thịt nhiều hàm lượng dinh dưỡng và được bán với giá khá cao.

Cho nhiều tiêu ít

Theo TS Võ Văn Sự (Viện Chăn nuôi), tại các nước Nam Mỹ, người nghèo thường nuôi chồn nhung đen để lấy thịt với 10% lượng thịt tại các nước này được sản xuất từ chồn nhung. Các nước Đông Phi, Châu Á như: Nigeria, Cameroon, Philippines, Trung Quốc… đã thử nghiệm thành công và phát triển loài chồn nhung đen đáp ứng nhu cầu cho người dân, mỗi năm cung cấp hàng trăm tấn thịt ra thị trường.

Tại Nam Nigeria, 10% gia đình nông dân nuôi chồn nhung đen, họ bảo nuôi chồn nhung còn dễ hơn cả nuôi gà vì chúng không phá phách, thời gian nuôi ngắn ngày, thức ăn lại dễ kiếm. Tiến sĩ Võ Văn Sự cho hay, chồn nhung đen được đưa về Viện Chăn nuôi năm 2005, sau nhiều năm nghiên cứu, thử nghiệm cho thấy loài vật nuôi này hoàn toàn phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện, môi trường tại nước ta. Hiện trên địa bàn cả nước đã có hàng trăm mô hình nuôi chồn nhung đen với quy mô vừa và nhỏ.

Tiến sĩ Phạm Công Thiếu - Giám đốc Trung tâm Thực nghiệm và Bảo tồn vật nuôi (Viện Chăn nuôi) cũng rất quan tâm tới việc phát triển loài chồn nhung đen. Theo ông, chồn nhung ăn tạp, thức ăn chủ yếu là các loại cỏ, thân cây ngô, dây lang, lạc, mía… rất phù hợp với người dân nông thôn Việt Nam trong thời buổi giá thức ăn chăn nuôi tăng cao và dịch bệnh tràn lan như hiện nay. Đặc biệt chúng rất hiền, không phá phách hoặc tiềm ẩn nguy cơ phá hại như rùa tai đỏ hay các sinh vật ngoại lai khác.

Thực tế, khi tham quan mô hình nuôi chồn nhung đen tại Viện Chăn nuôi, chúng tôi thấy chúng chỉ quanh quẩn trong chuồng cao chưa đầy 30 cm nhởn nhơ ăn cỏ voi mà không hề nhảy ra ngoài. Hình thù bên ngoài chồn nhung đen không khác gì một con thỏ, nhưng tai nhỏ, không có đuôi và luôn khoác lên mình bộ lông đen tuyền. Chồn nhung đen thương phẩm ngoài thị trường hiện nay được bán với giá từ 200.000 – 300.000 đồng/kg.

Kinh nghiệm nuôi chồn nhung đen

Sau nhiều năm nuôi nghiên cứu, nhân giống thành công loài chồn nhung đen, Viện Chăn nuôi đúc kết được một số kinh nghiệm nuôi như sau:

Chọn giống: Trong quá trình xây dựng đàn chồn mới hoặc gây giống từ đàn chồn gốc, người nuôi chú ý chọn những con khỏe mạnh, thể hình đầy đặn, béo tốt, xương cốt chắc chắn, toàn thân có lông màu đen tuyền bóng mượt, sạch sẽ, cử động linh lợi, hoạt bát. Đầu tròn đều, cổ, ngực, bụng săn chắc, tứ chi đầy đủ và không bị biến dạng. Mắt đen sáng, không bị ghèn mắt, mũi ươn ướt, không có hiện tượng rụng lông, hô hấp bình ổn, da mềm mại và có tính đàn hồi, không bị bệnh ngoài da...

Thức ăn: Như đã giới thiệu ở trên, thức ăn của chồn nhung đen rất phong phú, có thể là thức ăn xanh, thức ăn tinh, thức ăn củ quả hoặc có thể là phế phụ phẩm… Chính vì vậy, tuỳ điều kiện chăn nuôi mỗi nơi có thể áp dụng các khẩu phần ăn phù hợp với điều kiện thực tế. Do thức ăn của chồn là thức ăn xanh chứa khá nhiều nước nên nhìn chung nhu cầu nước uống tiêu thụ của chồn rất ít. Trung bình, mỗi ngày một con chồn trưởng thành tiêu tốn khoảng 40 gr nước.

Sinh sản: Chồn nhung đen có khả năng sinh sản khá cao, mỗi năm trung bình đẻ khoảng 4 lứa; mỗi lứa trung bình từ 3 - 4 con. Thời gian mang thai của chồn là 65 ngày, thời gian cai sữa cho chồn con là 20 - 21 ngày. Thường sau khi cai sữa xong từ 1 - 3 ngày, chồn cái lại động dục, đây là thời điểm người chăn nuôi có thể cho giao phối lần tiếp theo. Đối với chồn hậu bị chuẩn bị bước sang giai đoạn sinh sản, vào khoảng 50 - 60 ngày chúng có những biểu hiện động dục đầu tiên. Tuy nhiên, không nên để chồn tự do ghép đôi giao phối ở thời điểm này mà nên để chồn khoảng 70 - 80 ngày tuổi đối với con cái, 90 - 100 ngày tuổi đối với con đực mới cho giao phối vì thời điểm đó chồn mới phát triển thành thục các cơ quan sinh dục. Tỷ lệ ghép phối, đối với chồn được nuôi theo nhóm quần thể có thể ghép phối theo tỷ lệ 1 đực 4 cái.

Trước khi đẻ 2 - 3 ngày, chồn thường cắp những cọng rơm rạ lá khô để làm tổ. Chính vì vậy, cần tách riêng chồn mẹ và chuẩn bị nguyên liệu, chuồng trại sạch sẽ để chồn sinh con. Chồn con sau khi sinh đã mở mắt và rất nhanh nhẹn, khoảng nửa giờ đồng hồ chúng có khả năng chạy bình thường, 3 ngày tuổi chúng đã ăn một số loại thức ăn xanh mềm. Chú ý, thời gian này tránh thả lẫn con đực trưởng thành vào vì chúng có thể cắn chết chồn con.

Chuồng trại: Tuỳ điều kiện từng gia đình, chuồng chăn nuôi chồn không cần quá cầu kỳ đầu tư, có thể dùng những phòng cũ, chuồng lợn cũ cải tạo lại là sử dụng được. Chỉ cần chú ý xây dựng chuồng nuôi sao cho thoáng mát, mùa đông ấm, mùa hè mát, không bị ẩm ướt. Đặc biệt, chuồng nuôi phải yên tĩnh và chống được chuột. Đây là yêu cầu hết sức quan trọng, bởi 95% chồn con sau khi sinh bị chết là do chuột cắn. Bởi vậy, chuồng nuôi tốt nhất phải được làm bằng lưới mắt cáo cỡ nhỏ tránh chuột có thể vào cắn chết chồn con.

Ngoài ra, chồn nhung đen rất nhát gan, nên khi xây dựng chuồng trại phải lựa chọn nơi có môi trường xung quanh yên tĩnh. Tốt nhất, nên sử dụng chuồng lồng có nhiều tầng cách ly với mặt đất để nuôi theo nhóm vừa dễ bề theo dõi quản lý lại tăng khả năng bảo vệ cho đàn chồn con.

Vệ sinh, thú y: Chồn nhung đen là loại động vật rất ít bệnh tật, trong thực tế chúng thường mắc một số bệnh đơn giản sau: Bệnh kí sinh trùng đường tiêu hoá, bệnh xuất huyết truyền nhiễm, bệnh nổi hạch và ve, ghẻ ngoài da. Tuy nhiên, để phòng chống tốt hơn các bệnh này thì nên tiêm phòng định kì 6 tháng 1 lần với bệnh xuất huyết truyền nhiễm. Đồng thời vệ sinh sạch sẽ, thức ăn, nước uống, chuồng trại, môi trường chăn nuôi đề phòng các bệnh kí sinh trùng trên.

NGÔ VĂN HUÂN - Nông Nghiệp VN, 10/06/2011

Video: Kỹ thuật nuôi chồn lông nhung (Phần 1)

 

Video: Kỹ thuật nuôi chồn lông nhung (Phần 2)

 

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Việt Linh: Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, việc làm thủy sản, việc làm nông nghiệp, tuyển dụng, tìm việc, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang