• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Chăn nuôi

Kỹ thuật nuôi cừu

I. ĐẶC ĐIỂM SINH HỌC CỦA CỪU

 

Giống cừu Phan Rang là một giống cừu được hình thành hơn 100 năm nay. Trải qua những điều kiện khí hậu nắng nóng gần như quanh năm, dưới sự tác động của chọn lọc tự nhiên và nhân tạo, giống cừu Phan Rang đã thích nghi cao với điều kiện sinh thái của Ninh Thuận, là giống cừu duy nhất ở Việt Nam hiện nay.

Tuổi trưởng thành bình quân con cái nặng 39kg, con đực 43kg. Khoảng cách lứa đẻ 8 tháng (3 lứa trong 2 năm).  

1. Những đặc điểm của cừu cái tốt:

+ Đầu rộng hơi dài mình nở rộng, ngực sâu và dài, vẻ linh hoạt.

+ Lưng thẳng bụng to vừa phải, hong rộng, lông mịn.

+ Bộ phận sinh dục nở nang.

+ Chân trước và sau cứng cáp thẳng đứng, các khớp gọn thanh.

+ Bầu vú phát triển, vú thuộc loại vú da (bóp thấy bên trong mềm nhão nhưng khi căng sữa tiết ra nhiều). Gân sữa (tĩnh mạch) nổi rõ càng nhiều càng tốt.

2. Cừu con:

+ Hai tuần tuổi đầu thức ăn chủ yếu là sữa mẹ.

+ Từ tuần tuổi thứ 2 cừu con bắt đầu bứt ngọn cỏ để ăn lúc này dạ cỏ mới phát triển và phát triển mạnh từ tuần tuổi thứ 5.

Sau thời gian này phải có cỏ tươi cho cừu con ăn để kích thích bộ máy tiêu hoá phát triển (đặc biệt là dạ cỏ), cừu con sẽ chuyển nhanh sang giai đoạn tự dưỡng nhờ nguồn thức ăn bên ngoài, đồng thời bù đắp lượng dinh dưỡng thiếu hụt do sữa mẹ cung cấp không đầy đủ.

+ Con vật có tốc độ sinh trưởng nhanh, khả năng tích lũy cao đầu tư thức ăn thời kỳ này sẽ mang lại hiệu quả cao.  

II.THỨC ĂN

Tổ chức cho ăn và nuôi dưỡng cừu đúng cách là điều kiện quan trọng nhất cải tiến phẩm chất giống và nâng cao năng suất của đàn cừu.

+ Cừu có thể ăn được nhiều loại thức ăn như: các loại cỏ tươi và khô, rơm, các loại dưa, bí, cà rốt, củ cải và ngô ủ tươi... mỗi ngày cừu có thể ăn một lượng thức ăn tinh 0,1-0,3kg/ngày.

+ Nhu cầu về khoáng và Vitamin:

Trong các loại thức ăn tốt thường có đủ các chất trên. Tuy nhiên vào mùa khô hàng năm thức ăn bị hiếm làm cho cơ thể cừu thiếu đi một số chất nhất là Canxi và một số Vitamin như: A,D,...ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến sức sống: đẻ con yếu, sau khi đẻ ít sữa đẻ non, niêm mạc mắt khô, mờ mắt.

Đối với cừu yêu cầu lượng Canxi hàng ngày trung bình 5,5 - 9,0g và 2,9 - 5,0g phốt pho, khoảng 3500-11000 UI Vitamin D... Hiện nay có tảng liếm để bổ sung khoáng có bán trên thị trường.

+ Cần phải có đủ nước sạch để cừu uống tại chuồng. Không nên cho cừu uống nước tù đọng để tránh cừu bị nhiễm giun sán.   

III. KỸ THUẬT CHĂM SÓC VÀ PHÒNG BỆNH

1. Với cừu mẹ:

a.Trước khi đẻ:

+ Chu kỳ động dục của cừu cái 16-17 ngày. Sau khi cho phối giống qua thời gian trên mà không có biểu hiện động dục lại là có triệu chứng có chữa.

+ Căn cứ vào ngày phối giống để kịp thời đỡ đẻ cho cừu (Cừu mang thai 146-150 ngày), tránh đẻ bất ngờ làm chết cừu sơ sinh.

+ Có thể bồi dưỡng thêm thức ăn tinh và rau cỏ non cho cừu chửa nhưng tuyệt đối tránh thức ăn hôi mốc.

+ Khi có dấu hiệu sắp đẻ như: bầu vú căng, xuống sữa, sụt mông, âm hộ sưng to, có lớp dịch trên niêm mạc âm hộ, cào bới sàn, nên nhốt ở ô chuồng riêng có ổ rơm hoặc đi chăn gần và tránh đồi dốc cao.

b. Cừu đẻ: 

Thông thường cừu mẹ nằm đẻ nhưng cũng có một số trường hợp cừu đứng đẻ, khi đó nên đỡ để cừu con sơ sinh khỏi bị rớt mạnh.

+ Sau khi đẻ, cừu mẹ tự liếm cừu con cho khô. Tuy nhiên vẫn lấy khăn sạch lau nước nhầy ở miệng, ở mũi cho cừu con sơ sinh dễ thở. Xong lấy dây sạch buộc cuốn rốn (cách rốn 5-6cm) dùng kéo hoặc dao cắt cách nơi buộc 2-3cm. Bôi cồn Iốt để sát trùng.

+ Cần giúp cho cừu con sơ sinh đứng lên bú được sữa đầu (chứa nhiều chất bổ dưỡng giúp cừu sơ sinh chống được bệnh tật).

+ Đẻ xong cừu mẹ khát nước nhiều nên cho cừu mẹ uống nước thoải mái (nước có pha đường 1% hoặc muối 0,5%).

2. Nuôi cừu con:

+ 10 ngày đầu sau khi đẻ, cừu sinh ra cho bú mẹ tự do.

+ Từ 11-21 ngày tuổi, cừu con bú mẹ 3 lần trong ngày (sáng, trưa, chiều), nên tập cho cừu con ăn thêm thức ăn tinh và cỏ non, đến 80-90 ngày tuổi có thể cai sữa cừu con.

+ Cừu thịt: gốm các cừu đực đã cai sữa và con giống thải loại, trước khi xuất chuồng 2 tháng cần có ô chuồng nhốt riêng để bổ sung thức ăn (vỗ béo) nhằm tăng được trọng lượng lúc xuất bán. Thức ăn bổ sung có thể là: thức ăn tinh, cỏ xanh, củ, quả, phụ phẩm nông nghiệp...

3. Chuồng trại:

+ Cao ráo, thông thoáng, sáng sủa, không có gió lùa, tránh được mưa, nắng hắt trực tiếp vào, mùa hè mát, mùa đông ấm, có sân chơi bằng phẳng và có máng uống.

+ Diện tích cần bảo đảm cho mỗi đàn cừu là: đực giống 1,5-2,0m2, cái sinh sản 1,3-1,5m2, cái tơ 0,6m2.

+ Nên làm chuồng kiểu sàn, mặt sàn cách mặt đất chừng 0,6-1,0m đủ chiều cao để quét dọn dễ dàng, khe hở mặt sàn 1,5cm. Bố trí máng ăn sát mặt ngoài sàn để cừu thò đầu ra ăn (mặt trước chuồng). 

* Những điều cần nhớ:

+ Hạn chế chăn thả khi thời tiết xấu, mưa dầm, tại chuồng có sẵn thức ăn trong thời gian này.

+ Định kỳ tiêm A, D, E và Canxi cho cừu sinh sản trong mùa khô hạn.

+ Cừu được nuôi bán thịt phải nhốt riêng tránh quậy phá đàn, hư hỏng chuồng trại.

+ Tỷ lệ đực cái: 1 đực/25 cái. Đồng thời thường xuyên (1,5 năm) thì thay đổi đực để tránh đồng huyết.

Tuỳ theo điều kiện thể trạng của cừu, giai đoạn nuôi mà có sự bổ sung thức ăn cho hợp lý, mang lại hiệu quả kinh tế cao.  

4.Vệ sinh phòng bệnh:

  + Chuồng nuôi bảo đảm vệ sinh, quét dọn phân hàng ngày. Tẩy uế 1 tháng 1 lần bằng vôi hoặc Dipterex.

  + Tuyệt đối không sử dụng các loại thức ăn hôi mốc.

  + Định kỳ tắm chải cho cừu sạch sẽ (mùa hè 2-3 lần/tháng, mùa đông khi nắng ấm).

  + Máng nước uống phải sạch sẽ và đủ nước sạch.

  + Định kỳ tẩy giun sán 1 năm 3 lần.

  + Thực hiện chế độ tiêm phòng:

- Lở mồm long móng: 2 lần/năm.

- Tụ huyết trùng: 2 lần/năm và một số bệnh khác.

  + Thường xuyên kiểm tra phát hiện một số bệnh: loét miệng, ghẻ, đau mắt...kịp thời điều trị.

Web Ninh Thuận

 

Nuôi cừu

Nếu để ý sẽ thấy, hình như chỉ có đàn cừu là chịu được cái nóng rát mặt ở Ninh Thuận. Ngay ở gần khu mỏ nước khoáng Vĩnh Hảo, núi trơ trụi, cây xương rồng cũng khó nhô lên được, thế nhưng, đàn cừu vẫn tha thẩn, lặng lẽ đi kiếm ăn dưới bầu trời nắng hừng hực. Khó có loài nào chịu được như chúng.

Nguồn gốc của con cừu là từ vùng tiểu Á và bắc Ấn Độ. Nó đã được thổ dân ở đây thuần dưỡng từ ngàn xưa. Tới nay, nó đã được nuôi rộng rãi suốt từ Bắc Âu tới tận các nước vùng nhiệt đới.

Ở Việt Nam, cừu đã được đưa vào nuôi từ thời Pháp thuộc. Có lẽ các giáo sĩ đã đưa chúng từ nước ngoài vào. Chúng có nguồn gốc từ Ấn Độ, Pakistan và một số nước châu Phi. Sau hàng chục năm sống ở Việt Nam, nó đã trụ lại được ở Phan Rang (Ninh Thuận). Vì vậy, chúng ta gọi chúng là cừu Phan Rang.

Thịt cừu là một loại đặc sản. Rất nhiều nước trên thế giới ăn thịt cừu. Họ rất mê thịt cừu. Do đó, thịt cừu rất đắt, đắt hơn thịt lợn và thịt bò nhiều.

Cừu dễ nuôi, mau lớn, ít tốn công chăm sóc, ít bệnh tật và chuồng trại lại đơn giản và rẻ tiền. Người nghèo cũng có thể tổ chức nuôi được cừu. Nhiều nước trên thế giới có nghề nuôi cừu rất phát triển như: Ấn Độ (170 triệu con), Trung Quốc (120 triệu con), Mông Cổ (28 triệu con), Inđônêxia (13 triệu con)... Ở Việt Nam, nuôi cừu chưa thấm vào đâu. Đây còn là một nghề đầy triển vọng.

Năm 1997, Trung tâm Nghiên cứu dê và thỏ Sơn Tây đã đưa giống cừu Phan Rang ra nuôi thử ở miền Bắc. Đến nay, đã qua 4-5 thế hệ nhưng chúng tỏ ra cũng thích ứng được cả với khí hậu miền Bắc. Từ 35 con ban đầu, nay nó đã sinh sôi ra hàng trăm con. Rõ ràng, ở miền Bắc cũng có thể nuôi được cừu.

Cừu là loài nhai lại. Giống như trâu, bò, ngựa, hươu, nai... Chúng ăn các loại cây cỏ. Khi căng bụng, chúng tìm tới chỗ nào mát mẻ và nằm. Lúc đó, chúng mới ợ thức ăn lên để nhai nhại cho kỹ và tiêu hóa. Chúng rất chịu khó đi kiếm ăn và ăn đủ thứ. Ngay cây xương rồng đầy gai nhưng chúng cũng có thể ăn được. Thức ăn chủ yếu của chúng là cỏ và lá cây. Ngoài ra, các loại thức ăn ủ tươi, các loại củ quả, vỏ chuối, lá dứa, bã đậu nành, bã mì, bã mía, men bia khô, xơ mít v.v. chúng đều ăn tốt.

Nếu bạn nuôi cừu mà có điều kiện thì nên tổ chức trồng cỏ và các loại cây họ đậu để chủ động cung cấp thức ăn cho chúng. Các loại cỏ voi, cỏ Stylo, cây bình linh, keo dậu, chè khổng lồ, đậu Sơn Tây, cỏ sả, cỏ Ruzi v.v. đều nên trồng.

Vào mùa khô, thức ăn khan hiếm, ta có thể cho chúng ăn thêm thức ăn tinh như cám, bột ngô, bột sắn, Premix, khoáng và vitamin. Ta nên để tảng liếm để chúng tự bổ sung khoáng cho mình. Đảm bảo có nước sạch cung cấp cho cừu uống thường xuyên.

Tùy từng ngưỡng tuổi mà cho chúng ăn với khẩu phần khác nhau. Nên cho ăn nhiều bữa trong ngày. Tránh hiện tượng bội thực hoặc chướng hơi dạ cỏ do thức ăn tinh bị lên men.

Để nuôi cừu, ta phải làm chuồng. Chuồng cừu nên xây ở nơi cao ráo, thoáng mát và được chiếu sáng đầy đủ. Chuồng nên ở gần nhà để tiện trông coi. Cừu cần ở nhà sàn. Sàn cách mặt đất khoảng 1-1,2m. Nan sàn có thể làm bằng gỗ hoặc tre nhẵn. Các nan cách nhau 1,3 cm, đủ để cho phân cừu lọt xuống nền phía dưới. Ta phải làm cầu thang cho chúng lên chuồng. Chuồng là nơi chúng lên nghỉ ngơi, nằm nhai lại thức ăn, vui chơi với nhau, phối giống, đẻ và nuôi con. Vì vậy, chuồng phải có mái để che mưa, che nắng. Xung quanh chuồng nên rào bằng then gỗ. Các then cách nhau khoảng 20 cm. Dưới gầm chuồng phải bố trí chỗ hứng phân và nước tiểu. Nên xây nền gầm dốc về một phía để tiện thu gom phân, rác. Hàng tuần phải thu dọn chuồng cho sạch sẽ.

Cừu thích được nuôi chăn thả hơn nuôi nhốt. Thời gian được đi kiếm ăn càng lâu càng tốt. Chúng rất cần cù kiếm ăn. Những đám cỏ li ti nhưng chúng cũng kiên trì đứng vặt sạch. Vì vậy, nên luân chuyển bãi chăn thả để cho cây cối kịp mọc.

Nếu không có điều kiện nuôi chăn thả mà phải nuôi nhốt thì phải có sân chơi cho chúng ra chạy nhảy.

Cừu cái khoảng 5-6 tháng tuổi đã động dục. Ta bỏ lần động dục đầu. Từ lần thứ hai mới cho chúng phối giống. Chu kỳ động dục của chúng khoảng 20 ngày.

Cừu mang thai 5 tháng. Cần ghi chép cụ thể để đón trước ngày cừu sinh con. Chuẩn bị sẵn bông băng, kéo, dây cột rốn, cồn iốt để sát trùng... Ta phải đỡ đẻ cho chúng. Cần bố trí ngăn riêng để cừu mẹ nằm đẻ và nuôi con.

Nếu con nào không biết bú mẹ thì phải tập cho chúng bú. Sau 1 tháng, bắt đầu tập cho chúng ăn cỏ, lá non hoặc chuối chín, bột ngô, cám mịn... Đến 3 tháng tuổi là có thể cai sữa.

Cừu đực nuôi để lấy thịt thì tới 6 tháng đem bán là tốt nhất. Ngay từ khi 4 tháng ta đã nên nhốt riêng chúng ra. Nếu không chúng sẽ quậy phá và giao phối vô tội vạ với cừu cái, rất dễ dẫn tới hiện tượng đồng huyết.

Nuôi cừu cũng nên đề phòng một số bệnh như: Chướng hơi dạ cỏ, tiêu chảy, viêm loét miệng, tử cung và âm đạo, viêm phổi, viêm mắt và bệnh sán lá. Cần đề phòng và chữa trị kịp thời.

NGUYỄN LÂN HÙNG - NNVN, 16/5/2006

 

Nuôi cừu Phan Rang

Cừu Phan Rang là giống cừu Việt Nam duy nhất hiện nay, được nuôi dưỡng hơn 100 năm trở lại đây, đã thích nghi cao với điều kiện sinh thái của tỉnh Ninh Thuận và những địa phương có đặc điểm khí hậu tương tự. Tuổi trưởng thành, con cái nặng 39- 40kg, con đực 43- 44kg, khoảng cách lứa đẻ của cừu cái là 8 tháng/lứa.

Chuồng trại

Nên làm chuồng kiểu sàn: mặt sàn cách mặt đất 0,8-1 m tạo độ thoáng và đủ độ cao để vệ sinh quét dọn dễ dàng, khe hở mặt sàn 1,5 cm. Máng ăn bố trí sát mặt ngoài sàn (ở phía trước chuồng) để cừu thò đầu ra ăn. Chuồng nuôi phải bảo đảm vệ sinh, quét dọn phân hằng ngày. Mỗi tháng tẩy uế chuồng 1 lần bằng vôi bột hoặc Dipterex.

Thức ăn, nước uống

Cừu ăn được nhiều loại thức ăn như cỏ tươi, rơm, các loại dưa, bí, cà rốt, củ cải, ngô ủ chua... Để tăng cường dinh dưỡng cho cừu, ngoài thức ăn thô xanh, hằng ngày cho ăn thêm 0,1 - 0,3 kg thức ăn tinh (bột ngô, khoai, sắn...).

Vào mùa thức ăn tươi đầy đủ, trong thức ăn thường đầy đủ các yếu tố khoáng và vitamin, song vào mùa đông khô và rét, thức ăn tươi hiếm, khẩu phần ăn cần bổ sung canxi và các vitamin A, D..., tránh tình trạng dê nuôi bị thiếu dinh dưỡng, đẻ non, đẻ con yếu, ít sữa nuôi con, niêm mạc mắc khô, mắt mờ... Hằng ngày nên bổ sung 6- 9g canxi, 3-5 g phốtpho, vitamin D 4.000 – 10.000 đơn vị/ngày. Có thể mua (hay làm lấy) tăng urê-mật rỉ để bổ sung khoáng và các chất dinh dưỡng cần thiết cho cừu.

Cần có đủ nước sạch để cừu uống tại chuồng. Không cho cừu uống nước tù đọng tránh cừu bị nhiễm giun sán.

Kỹ thuật chăm sóc

Đối với cừu mẹ: Một con cừu cái tốt có đặc điểm đầu rộng hơi dài, mình nở, ngực sâu, lưng thẳng, hông rộng, lông mượt, bộ phận sinh dục nở nang, bầu vú phát triển, vú có da mềm nhão nhưng khi bầu vú căng sữa sẽ tiết sữa nhiều, gân sữa nổi rõ trên bầu vú. Tỷ lệ đực/cái trong đàn nên duy trì 1/25, thường xuyên thay đổi đực để tránh thụ tinh đồng huyết.

Chu kỳ động dục cừu cái là 16-17 ngày. Sau khi phối giống, qua 16-17 ngày không thấy động dục trở lại là cừu cái có chửa. Cừu mang thai 146-150 ngày. Căn cứ vào ngày phối giống để chú ý đỡ đẻ cho cừu, tránh đẻ bất ngờ làm chết cừu con.

Cừu cái chửa cho ăn thêm thức ăn tinh, rau cỏ non. Khi có dấu hiệu sắp đẻ như bầu vú căng, xuống sữa, âm hộ sưng to, cào bới sàn... thì nhốt riêng, chuẩn bị ổ cho cừu đẻ.

Sau khi cừu đẻ, dùng khăn mềm, sạch, ẩm để lau nước nhầy ở miệng, mũi cho cừu con, lấy dây chỉ sạch buộc rốn (cách rốn 5- 6cm), rồi dùng kéo cắt cách vết buộc 2 cm. Bôi cồn iốt để sát trùng. Đẻ xong, cừu mẹ khát nước nhiều, pha nước đường 1% + muối 0,5% cho cừu mẹ uống thoải mái.

Nuôi cừu con: Sau khi sinh ra, cừu con cần được bú sữa đầu là sữa chứa nhiều dinh dưỡng và giúp cho cừu sau này chống chịu được bệnh tật. Trong 10 ngày đầu sau đẻ cho cừu con bú mẹ tự do; từ 11-20 ngày tuổi, cừu con bú mẹ 3 lần/ngày, đồng thời tập cho cừu con ăn thức ăn tinh, rau cỏ xanh; 80-90 ngày tuổi, cho cừu con cai sữa.

Đối với cừu nuôi thịt: Gồm các cừu đực đã cai sữa và con giống loại thải. Cừu nuôi bán thịt phải nhốt riêng, tránh quậy phá đàn, hư hỏng chuồng trại. Trước khi xuất chuồng hai tháng cho ăn khẩu phần tăng cường để tăng trọng lượng lúc bán. Thức ăn bổ sung có thể là thức ăn tinh, cỏ, rau xanh, củ quả, phụ phẩm nông nghiệp...

Phòng trị bệnh

Cừu thường bị mắc một số bệnh sau:

Bệnh đậu cừu: Do virus gây nên. Bệnh làm xuất hiện các nốt phỏng to bằng hạt đậu trên các vùng da mỏng, sau vỡ thành mụn nước mầu rỉ sắt, khô đi thành vẩy rồi thành sẹo. Con vật ngứa ngáy, có thể ỉa ra máu và chết. Bệnh tiêm phòng bằng vaccine.

Bệnh viêm miệng lở loét: Rửa miệng và các vết loét bằng nước muối rồi chấm iốt. Nếu bị bệnh nặng, con vật có thể có biến chứng ở phổi và đường ruột. Điều trị bằng kháng sinh Penixilin và Streptomycin. Cho cừu uống nước ấm, ăn thức ăn mềm, bổ sung tinh bột.

Bệnh viêm phổi cấp tính: Bệnh có thể gây tử vong. Cần giữ chuồng ấm, sạch, cho ăn tốt. Khi con vật bị bệnh, tiêm Penixilin hay cho uống Tetracyclin.

Bệnh giun sán đường tiêu hóa: Để phòng trị, cho uống Phenothiazin lúc 5-12 tháng tuổi với liều 0,5-1g/kg thể trọng. Sau khi uống thuốc, nhịn ăn 3 giờ.

Ngoài ra, cừu còn mắc một số bệnh khác như bệnh thối móng, ỉa chảy, bệnh giun phổi... Cần theo dõi, phát hiện và chữa trị kịp thời, bảo đảm cừu ăn uống, sinh trưởng và phát triển bình thường.

Theo Nông thôn ngày nay - ND, 8/9/2005

 

 

 

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Việt Linh: Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, việc làm thủy sản, việc làm nông nghiệp, tuyển dụng, tìm việc, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang