• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Chăn nuôi

Gà mới nở nên cho tiếp xúc với thức ăn ngay

Trong 3 thập kỷ qua, công tác chọn giống đã cải thiện đáng kể thành tích sản xuất của gà nuôi thịt (thường gọi là gà broiler): tăng trưởng nhanh hơn, hiệu quả sử dụng thức ăn cao hơn, khả năng sản xuất thịt tốt hơn, tỷ lệ thịt ngực cao hơn.

Tuy nhiên sự tăng nhanh về năng suất sản xuất đã không đi cùng với việc tăng khả năng miễn dịch, dẫn đến gà bị mắc nhiều bệnh về rối loạn chuyển hóa và nhiều bệnh truyền nhiễm, tỷ lệ chết tăng cao.

Nhiều báo cáo khoa học đã cho biết: gà con ở tuần tuổi đầu tiên sau khi nở thiếu đáp ứng miễn dịch một cách đầy đủ và do vậy nhậy cảm cao với các bệnh truyền nhiễm. Cần phải biết rằng sự phát triển hệ thống miễn dịch ở gà broiler và khả năng đáp ứng cao đối với những kháng nguyên khác nhau (vi khuẩn và các chất độc hại) rất quan trọng trong việc bảo vệ gà khi còn non.

Hệ thống miễn dịch của gia cầm

Đây là một hệ thống phức tạp, hoàn thiện cả về chức năng và cấu trúc, phân bố khắp cơ thể, bao gồm cơ quan, những yếu tố tế bào và những yếu tố dịch thể.

Cũng như ở động vật có vú, năng lực miễn dịch của gia cầm phát triển thông qua hệ thống lympho. Cơ quan của hệ miễn dịch được chia thành cơ quan lympho sơ cấp và thứ cấp.

Túi Fabricius (viết tắt là túi F) và tuyến ức là cơ quan lympho sơ cấp trong đó các tiền lympho bào phát triển thành các lympho bào miễn dịch.

Những tổ chức lympho thứ cấp là lách, tủy xương, tuyến Harderian, tuyến quả thông (pineal gland) và các mô lympho gắn với bề mặt niêm mạc như niêm mạc khí quản, niêm mạc ruột và những cụm biệt hóa của những tế bào lympho thuộc các cơ quan khác nhau.

Các tổ chức lympho này được đặt ở những vị trí quan trọng để khi những kháng nguyên như vi khuẩn bệnh đi vào cơ thể qua da hay qua các bề mặt niêm mạc có thể bị tóm gọn rồi bị tiêu diệt.

Sự phát triển của hệ thống miễn dịch xẩy ra chủ yếu trong quá trình phát triển của phôi. Các cơ quan miễn dịch và các globulin miễn dịch thành thục trong các cơ quan miễn dịch bị chi phối bởi nhiều yếu tố, ngoài yếu tố di truyền, yếu tố thức ăn là một yếu tố quan trọng.

Điều gì cản trở sự gà con mới nở tiếp xúc với thức ăn?

Trong chăn nuôi gà thương phẩm, quá trình nở của gà thường kéo dài 2 ngày và gà con chỉ được chuyển khỏi máy ấp khi đại đa số chúng đã sạch vỏ. Sau khi đưa ra khỏi máy ấp một số công việc khác còn tiếp tục như chọn đực cái, vaccine, đóng hộp trước khi vận chuyển đi các nơi.

Trong thực tế, một số gà con nở ra phải sau 36-48 giờ mới được tiếp xúc với thức ăn và nước uống. Đây là nguyên nhân làm cho gà yếu và chậm tăng trưởng. Như vậy từ khi nở tới khi bắt đầu nhận các chất dinh dưỡng của thức ăn là một thời kỳ khủng hoảng trong quá trình phát triển của gà.

Nguồn dinh dưỡng cho gà mới nở

Nhiều yếu tố ảnh hưởng đến sự phát triển sớm của hệ thống miễn dịch ở gà con mới nở, một trong yếu tố quan trọng đó là thức ăn. Ở gà con, lòng đỏ là nguồn cung cấp năng lượng và protein ngay khi mới nở. Sự hấp thu các chất dinh dưỡng và kháng thể mẹ từ túi lòng đỏ là yêu cầu quan trọng để sống sót trong giai đoạn đầu của đời sống.

Lòng đỏ lưu thường chỉ dùng được trong khoảng 4 ngày sau khi nở, nhưng những nghiên cứu gần đây xác định rằng lòng đỏ lưu sẽ được dùng nhanh hơn nhiều ở những gà được tiếp xúc sớm với thức ăn sau khi nở so với những gà bị nhịn đói 48 giờ (khối lượng lòng đỏ lưu giảm 26% nếu được tiếp xúc với thức ăn 24 giờ sau khi nở, nhưng giảm 46% nếu được tiếp xúc với thức ăn 48 giờ sau khi nở). Nguyên nhân là thức ăn có trong đường ruột đã thúc đẩy sự di chuyển lòng đỏ tới tá tràng.

Nuôi dưỡng sớm có lợi cho hệ miễn dịch

Như đã nói, thời gian từ khi nở tới khi nhận được thức ăn là thời kỳ khủng hoảng của gà con mới nở.

Khoảng 2-5% gà nở ra không sống sót trong thời kỳ này do dự trữ thức ăn trong cơ thể bị hạn chế, một số con khác có biểu hiện còi cọc, hiệu quả lợi dụng thức ăn kém, nghèo sản lượng thịt và kém sức đề kháng với bệnh.

Những hạn chế này có thể giảm nhẹ bằng cách áp dụng kỹ thuật “nuôi dưỡng sớm”, đó là kỹ thuật cung cấp chất dinh dưỡng cho gà trong nhà ấp ngay sau khi nở.

Cung cấp chất dinh dưỡng cân đối và cho tiếp xúc với thức ăn ngay sau khi nở có thể thúc đẩy sự sử dụng lòng đỏ, nâng cao sự phát triển của ống tiêu hóa, kích thích tụy tiết enzyme. Những yếu tố này giúp đồng hóa tốt chất dinh dưỡng, đóng góp cho tăng trưởng của cơ và cải thiện thành tích sản xuất của gà từ mới nở đến khi đạt thể trọng thương mại.

Thức ăn cũng cung cấp chất dinh dưỡng cho sự tăng trưởng và phát triển của cả cơ quan lympho sơ cấp và thứ cấp.

Hệ thống miễn dịch của gà mới nở, đặc biệt là hệ miễn dịch niêm mạc, cần thức ăn để phát triển nhanh. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng chậm tiếp xúc với thức ăn không chỉ cản trở đến sự phát triển của ruột mà còn cản trở sự phát triển của mô lympho gắn với ruột, với túi F…

Các tác giả A.K Panda và M.R Reddy (2007) đã nghiên cứu ảnh hưởng của kỹ thuật “dinh dưỡng sớm” đến sự phát triển của cơ quan miễn dịch trong 3 tuần đầu mới nở đã thấy rằng nếu gà được tiếp xúc với thức ăn sau 48 giờ thì khối lượng của túi F thấp hơn 21% so với những gà được tiếp xúc với thức ăn sau 24 giờ. Gà chậm tiếp xúc với thức ăn khối lượng lách cũng giảm thấp tương tự.

Tiếp xúc sớm với thức ăn cũng giúp gà con có đáp ứng nhanh với việc chích ngừa vacxin. Một trong những kết quả nghiên cứu của các tác giả nêu trên đã xác định rằng: titre kháng thể (lúc gà 21 ngày) đáp ứng với vaccine RD (kháng sinh phòng bệnh đường hô hấp) khi gà 5 ngày tuổi cao hơn rõ rệt ở những gà được ăn ngay so với những gà bị nhịn đói 24 giờ hay 48 giờ.

Kết luận

Thời gian từ khi nở tới khi được tiếp xúc với thức ăn là một thời kỳ khủng hoảng trong sự phát triển của gia cầm mới nở. Lòng đỏ lưu chỉ đủ để gà sống trong 3-4 ngày sau khi nở, nhưng không đủ chất dinh dưỡng cho tăng trưởng và phát triển tối ưu cơ quan miễn dịch và năng lực miễn dịch.

Dinh dưỡng cân đối và tạo cơ hội cho gà tiếp xúc sớm với thức ăn ngay sau khi nở có thể thúc đẩy sự lợi dụng lòng đỏ và kích thích sự phát triển của hệ miễn dịch.

Như vậy, dinh dưỡng sớm sẽ thu được những gà con khỏe mạnh ngay từ đầu đời, từ đó hạn chế được nhiều thiệt hại cho nhà sản xuất trong suốt cả quá trình chăn nuôi đàn gà.

GS. VŨ DUY GIẢNG - Nông nghiệp VN, 11/06/2009

 

Kinh nghiệm ấp trứng gà bằng đèn dầu

Đây là kinh nghiệm của các hộ chăn nuôi gà nhỏ lẻ, cho ấp trứng thủ công, chi phí thấp nhưng đạt hiệu quả trứng nở khá cao, dễ làm. Xin mách nhỏ để bà con tham khảo, áp dụng.

Chọn trứng: Chọn trứng tốt từ những đàn gà đã trưởng thành, khỏe mạnh, không có biểu hiện bị nhiễm bệnh. Trứng phải đạt khối lượng 60-70g/quả, hình trái xoan cân đối, vỏ chắc, bóng mịn, không bị dập nứt; không chọn những quả có vết bẩn của phân hay máu; không rửa hay lau chùi vết bẩn trên vỏ để tránh mất phấn (màng bảo vệ); khi soi qua ánh sáng hoặc đèn thấy lòng đỏ gọn và sẫm màu. Thu trứng ngay sau khi đẻ đem cho ấp luôn là tốt nhất. Nếu phải để lại thì xếp vào khay nhẹ nhàng, bảo quản nơi thoáng mát (nhiệt độ trong phòng không được quá 25độC sẽ giữ trứng được 3-5 ngày; nếu cao hơn 25độC, chỉ nên giữ trong 2 ngày rồi đem vào ấp, không được để lâu).

Dụng cụ và phòng ấp: - Lò ấp (hay còn gọi là pho nóng mẹ) được xây bằng gạch đơn dài từ 4-8m, rộng 1,5m, cao 0,9m, phía dưới lò có cửa nhỏ (30 x 20cm) để đặt các đèn dầu. Lớp sàn bằng tôn đặt cách đáy 30cm để đỡ các pho nóng con đồng thời nhận và tỏa nhiệt đều trong pho.

- Pho nóng con: Gồm các bồ, sọt được đan bằng nứa hay quây bằng cót có đường kính 60-80cm dùng để đựng trứng trong khi ấp. Các pho nóng con được đặt trong pho nóng mẹ bên trên giá tôn. Mỗi pho nóng con nên có 1 cửa nhỏ để đặt đèn dầu. Đèn dầu có tác dụng cung cấp, giữ và nâng nhiệt của các pho ấp lên nhiệt độ yêu cầu.

- Pho lạnh là các khay gỗ hình chữ nhật có thành cao 15-20cm, hoặc có thể dùng những chiếc nong có đường kính khoảng 2m. Pho lạnh được đặt trực tiếp trên nền nhà sau khi đã rải một lớp trấu khô 3-5cm và trải chiếu lên trên, xung quanh tủ trấu để giữ nhiệt. Trứng được ấp ở các pho nóng khoảng 12 ngày thì lấy ra xếp vào các khay pho lạnh.

- Túi lưới đựng trứng: Dùng các túi lưới bằng sợi hoặc nilon để đựng trứng (mỗi tuí khoảng 30 quả) để thuận tiện cho việc nhấc trứng ra, đưa trứng vào trong quá trình đảo trứng.

Kỹ thuật ấp: - Đem phơi trứng dưới nắng nhẹ 1 giờ để nhanh chóng có nhiệt độ cần thiết trước khi đưa vào lò ấp. Chú ý khi phơi nên dùng vải màn phủ lên mặt và đảo một vài lần để trứng nóng đều ở mọi vị trí. Cho trứng vào túi lưới (30 quả/túi) và đặt vào pho nóng con cho tới khi đầy. Chú ý không thắt miệng túi để khi đặt trứng vào pho nóng con, trứng sẽ dàn đều thành lớp. Đặt các pho nóng con vào pho nóng mẹ, cách thành 20cm, cách nhau 10cm. Đổ đầy trấu vào khoảng cách giữa các pho nóng con để giữ nhiệt. Phủ mền chăn bông lên miệng pho nóng mẹ để giữ nhiệt (chỉ nên để vài lỗ thông hơi trong pho).

- Đốt khoảng 20 cái đèn dầu cho cháy ổn định khi không còn khói đen thì đem đặt dưới các pho nóng con sao cho nhiệt tỏa đều từ dưới đáy lên miệng pho mẹ. Luôn giữ nhiệt độ trong pho từ 37,5-38độC. Cứ 4 giờ lại đảo trứng 1 lần, lớp dưới đưa lên trên, lớp trong đưa ra ngoài và ngược lại cho trứng nóng đều nhau. Sau 2 ngày đầu với mùa hè, 4 ngày với mùa đông, khi thấy nhiệt độ trong pho ổn định thì vặn nhỏ đèn. Đặt một số đĩa đựng bông có thấm nước hoặc khăn ướt bên cạnh các đèn dầu để luôn có độ ẩm ổn định từ 65-70%.

- Sau khi ấp được 12 ngày thì chuyển trứng sang pho lạnh, đặt nghiêng quả trứng 45độ, đầu to lên trên rồi phủ mền, chăn lên trên để luôn duy trì nhiệt độ từ 36,5-37độC. Làm mát trứng bằng cách đảo trứng 6 lần/ngày. Vào những ngày cuối, khi trứng sắp nở có thể phun thêm nước ấm 37độC để gà nở nhanh, không bị sát vỏ. Sau 21 ngày thì trứng nở, định kỳ 4-5 giờ bắt những con mới nở, khô lông ra 1 lần. Nhặt vỏ trứng, trứng ung không nở đưa ra khỏi pho. Cho gà con mới nở vào hộp chuyên dùng, mỗi hộp đựng từ 100-200 con. Sau khi nở 10-12 giờ có thể xuất bán được. Nếu chưa xuất bán, cần giữ gà con trong phòng kín, ấm áp, tránh bị gió lùa. Với phương pháp ấp thủ công bằng đèn dầu tỷ lệ gà nở đạt 75-80%.

KS. Cận - NNVN, 15/11/2007

Làm lồng ấp thủ công trong nuôi gà

 

Kỹ thuật làm lồng ấp

Vật liệu: Chuẩn bị cho một lò ấp khoảng 100 trứng:

– 1 thùng tôn lồng vào trong thùng xốp để giữ được nhiệt tốt. Kích thước thùng tôn khoảng 60 x 60cm, có nắp đậy.

– Một tấm lưới cắt bằng mặt trong của thùng tôn làm khay đựng trứng.

– Một bao may bằng vải thấm nước đựng một lớp trấu bên trong trải lên khay để đặt trứng lên gọi là đệm trứng.

– 3 đèn dầu hỏa có chân, có đủ bóng (đèn Hoa Kỳ)

– 1 nhiệt kế để ở khay trứng.

– Mấy viên gạch kê thùng lên cách mặt đất khoảng 20cm và kê khay trứng trong khoảng giữa thùng.

– Bình xịt nước phun sương tạo độ ẩm (nếu không có có thể phun bằng miệng).

Cách làm:

– Khoét 3 lỗ, ở đáy thùng cách đều nhau để lọt bóng đèn dầu hỏa để sưởi ấm vào bên trong. (Đèn đặt bên dưới, chỉ miệng bóng đèn chui vào thùng).

– Chọn trứng (khoảng 100 trứng) đều nhau và có trống đặt lên đệm trứng một lượt.

– Đốt 3 đèn dầu lên. Coi nhiệt kế để đạt được nhiệt độ 3705 – 380C (vịt 38,5 – 390C) rồi vặn nhỏ đèn – làm sao để luôn trong quá trình ấp đều giữ được nhiệt độ này nhờ vào bộ phận điều chỉnh của đèn. Nắp đậy chỉ sử dụng khi nhiệt độ chưa lên đủ mức cần thiết, sau đó mở hé ra cho thoáng.

– Về độ ẩm: Vài ngày cần phun sương nước một lần (độ ẩm khoảng 80%).

– Đảo trứng: Khi đảo nhớ đánh dấu các vị trí hiện tại bằng cùng 1 ký hiệu. Mỗi ngày đảo từ 6 – 7 lần trong 10 ngày đầu. Sau đó giảm dần chỉ cần 3 – 4 lần trong ngày. Nhớ khi đảo vị trí các mặt của trứng đồng thời cũng đảo vị trí giữa và bên cạnh đệm trứng.

– Sau 7 ngày cần soi trứng để loại bỏ những trứng không có phôi. Cách soi: Cầm trứng đặt trước một cái phễu giấy bìa trước ngọn đèn. Nếu trứng không có phôi sẽ không có đường dây máu phát triển. Thông thường những trứng hỏng sẽ có khoảng trống là một hình chéo.

Với gà ấp 19 – 20 ngày trứng sẽ nở, với vịt 28 ngày, ngan 40 ngày.

Chăm sóc nuôi dưỡng gà con không có mẹ.

Sau khi gà nở hết không nên cho ăn trong 24 giờ đầu để gà tiêu hết lòng đỏ. Tuy nhiên cần cho uống nước bằng cách đặt vài cái ly trong đựng đầy nước sạch úp ngược vào cái đĩa để nước rỉ ra dần và gà sẽ được uống nước sạch.

1. Nhiệt độ: Lúc gà ra khỏi lồng ấp gà vẫn cần duy trì nhiệt độ ấm hơn nhiệt độ môi trường bên ngoài. Tuần đầu 350C sau đó giảm dần. Cần đóng những chuồng úm diện tích khoảng 2m2, cao 1,5m. Tuần đầu lót lưới 5mm, tuần 2 lưới 1cm, tuần 3 lưới 1,5cm bên dưới rải báo và treo hai ngọn đèn khoảng 40 W. Tuần đầu dùng đèn cả ngày lẫn đêm. Tuần 2 chỉ dùng ban đêm. Tuần 3 chỉ dùng khi mưa gió rét, bão. Tuần 4, có thể thả gà xuống đất, chỉ nhốt vào ban đêm. Nếu không có điện có thể che chuồng thật kín gió và rải một lớp trấu để giữ nhiệt độ ấm hơn.

2. Thức ăn: Có thể cho ăn bằng thức ăn gà con (thức ăn công nghiệp) hoặc bằng tấm gạo, bắp xay, vừng. Có bổ sung ít bột cá nhạt hoặc đậu nành rang xay nhỏ, đầu cá vụn nấu chín hoặc giun, mối... Từ tuần 2 cho thêm rau xanh như rau muống, cải bắp... xắt nhỏ.

3. Quy trình phòng bệnh:

Để đề phòng bệnh viêm rốn và bạch lỵ có thể cho uống kháng sinh trong 4 ngày đầu tiên; Ampiseptin gói 5g, hoặc Ampicoli gói 5g; một gói hòa một lít nước.

Làm vacxin

– 5 ngày: Dùng vacxin Laxota nhỏ mắt mũi.

– 10 – 12 ngày: Chủng đậu và gumboro nhỏ mắt mũi.

– 21 ngày: Dùng Laxota lần 2.

– 35 ngày: Chích Imopest: 0,3cc/con. Lặp lại sau mỗi 3 tháng đối với gà nuôi đẻ và gà trống giống. Chích vacxin tụ huyết trùng 1cc/con cùng một lúc. Lặp lại sau mỗi 6 tháng đối với gà giống.

– Có thể bổ sung thường xuyên trong nước uống, vitamin, vitason liều 2g/lít nước.

Lịch xổ giun: Mỗi tháng xổ giun một lần với levamison liều một gói 5g/3kg gà nhỏ hoặc 5kg gà lớn.

Phòng bệnh cầu trùng: Khi có những triệu chứng cầu trùng ở những con đầu tiên (phân tiêu chảy, có máu trong phân) thì dùng Anticoc với liều 1g/lít nước, hoặc Rigecoccin gói 5g 1 gói/lít nước. Dùng thuốc 5 – 6 ngày.

Phòng trị bệnh Gumboro: Nếu thấy gà ủ rũ, tiêu chảy phân nhớt sau một đợt thời tiết không thuận lợi (quá nóng hoặc quá lạnh), dùng Vitamin C, đường Glucoza và Eleotrolyte. Liều lượng: 100gr Vitamin C, nửa kilôgam đường Glucoza và 2 gói Eleotrolyte cho 50 lít nước, dùng 3 – 5 ngày

 

Ấp trứng gà bằng tủ gỗ

Ông Trương Sĩ Tùng, 48 tuổi, ở thôn Liên Trì, xã Bình Kiến, thị xã Tuy Hoà mặc dù ngày ngày phải chống đôi nạng đi lại (bị tai nạn lao động thương tật cả hai chân), nhưng đã có sáng kiến độc đáo: ấp trứng gia cầm bằng tủ gỗ nóng, lạnh với công suất từ 1.500-2.500 trứng/lượt. Mỗi tủ ấp được đóng thành từng ngăn chứa trứng và thiết kế buồng hơi nóng với 24 bóng điện nhỏ (loại bóng trái ớt 11w) đảm bảo đủ nhiệt lượng cho trứng nở. Phương pháp ấp trứng kiểu này vừa tiện lợi, vừa đạt công suất lớn với tỷ lệ trứng nở trên 80%, nhờ vậy đã giảm chi phí và giá thành sản phẩm. Hiện ông Tùng có 10 tủ ấp trứng gà bằng gỗ, cửa kính với kinh phí từ 1,2-1,5 triệu/tủ.

Hiện nay, Trung tâm Giống và Kỹ thuật vật nuôi Phú Yên đã ký hợp đồng duy nhất với ông Tùng để ấp gà giống thả vườn sạch bệnh cung ứng với số lượng lớn cho người nuôi. Cứ 4 ngày, ông Tùng cho ra lò 1 lứa từ 2-2,5 ngàn con gà giống, với giá bán 4.000đ/con, rẻ hơn giá trên thị trường từ 500-1.000đ/con.

(Theo Nguyên Lưu, Báo Phú Yên 1658) - Web Phú Yên, 21/4/2004

 

 

 

 

 

[* Xem các video khác]

 

 

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Việt Linh: Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, việc làm thủy sản, việc làm nông nghiệp, tuyển dụng, tìm việc, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang