• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Chăn nuôi

Chống nóng cho gia súc, gia cầm

Kinh nghiệm chủ động chống nóng cho gia súc, gia cầm

Vào mùa hè thời tiết oi bức, nóng nắng nhiệt độ thường lên cao 35oC -38oC đó là một trong những yếu tố gây bất lợi trong chăn nuôi nhất là chăn nuôi tập trung, mật độ cao. Gia súc, gia cầm thường ăn ngủ kém, ốm yếu, sức đề kháng bị suy giảm mạnh, năng suất thịt, trứng giảm, các loại dịch bệnh như: Tiêu chảy, cảm nóng, cảm nắng, Ecoli, phó thương hàn, viêm phổi, dịch tả, tụ huyết trùng, cầu trùng…dễ phát sinh lây lan gây thiệt hại lớn về kinh tế cho người chăn nuôi. Để hạn chế những ảnh hưởng xấu của nhiệt độ cao, người chăn nuôi cần lưu ý một số điểm sau:

1- Đối với gia cầm:

- Chuồng trại thoáng mát, hướng đông nam, nên lợp mái ngói hoặc mái lá cọ, có hố chứa phân (để giảm sức nóng do phân bốc lên), nền chuồng sạch sẽ, có phên che chống nắng xung quanh, hàng ngày phun nước lên mái chuồng để hạ bớt nhiệt. Trong chuồng lắp đặt quạt điện, hệ thống thông gió. Xung quanh chuồng trồng cây xanh tạo bóng mát.

- Nhốt với mật độ vừa phải ví dụ: đối với gà: úm 50-60 con/m2, gà 0,5-1 kg nhốt 20-30 con/m2, gà 2-3 kg nhốt 7-10 con/m2. nếu quá nóng có thể thả gà ra vườn, gốc cây quanh chuồng.

- Đối với gà đẻ rất dễ chết vào những ngày nhiệt độ quá cao nên tránh nuôi quá béo bằng cách giảm bớt hàm lượng đạm trong khẩu phần, cho ăn thêm rau xanh

- Tăng sức đề kháng cho gia cầm bằng cách cho uống Bcomplex (đặc biệt là Vitamin C), chất điện giải…cho ăn các loại cám chất lượng tốt, phòng bệnh cho gia cầm bằng các loại vacxin: Dịch tả, tụ huyết trùng… để tăng khả năng miễn dịch chống lại các loại bệnh nguy hiểm xâm nhập.

- Chất độn chuồng trải mỏng, định kỳ thay chất độn chuồng.

2- Đối với lợn:

- Chuồng trại áp dụng như đối với gia cầm

- Mật độ nuôi nhốt đối với nái 3-4 con/m2, lợn thịt là 2m2/con

- Cần tắm cho lợn 1-2 lần / ngày, cho uống đủ nước cho uống Bcomplex, chất điện giải (đặc biệt là Vitamin C) vào thức ăn để giải nhiệt.

Tiêm phòng đầy đủ các loại vacxin: Phó thương hàn lợn con, dịch tả, tụ huyết trùng để tăng khả năng miễn dịch, chống bệnh xâm nhập vào cơ thể.

3- Đối với trâu, bò, dê:

- Buổi sáng đi chăn thả sớm: 6 giờ thả, 9 giờ về; buổi chiều chăn thả muộn: 4 giờ thả, 6 giờ về chuồng. Nên buộc ở những nơi có cây xanh bóng mát cho trâu bò nghỉ ngơi.

- Mật độ nuôi nhốt đối với trâu bò thịt: 4 - 5m2/con, dê 1,8 - 2 m2/ con.

- Cho uống đủ nước, bổ sung Vitamin C để giải nhiệt, cho ăn đủ no từ 30-35 kg thức ăn thô xanh, 0,5-1 kg thức ăn tinh, 20-30 gam muối ăn, để đảm bảo sức khoẻ tăng khả năng chống nóng, chống bệnh tật.

- Nên tắm trải cho trâu bò 1-2 lần/ ngày để giảm nhiệt cho cơ thể và định kỳ vệ sinh thân thể, phòng chống các bệnh ngoài ra dùng Dipterex, Virkon….

Nguyễn Thị Nhàn - Trung tâm KN Yên Bái (17/07/2008)

 

Tiêm phòng đầy đủ để hạn chế dịch bệnh trên vật nuôi mùa nóng

Nắng nóng gay gắt kéo dài, nước mặn theo các cửa sông chính xâm nhập vào đất liền trên diện rộng và rải rác những cơn mưa trái mùa là điều kiện không thuận lợi cho chăn nuôi. Ông Lê Tấn Hữu- Chi cục trưởng Chi cục Thú y cho biết: Dự báo thời gian tới, dịch bệnh sẽ diễn biến phức tạp. Nhiều dịch bệnh có nguy cơ xảy ra trên gia súc, gia cầm, nhất là các bệnh đường ruột. Ngoài ra, các bệnh như: tai xanh trên heo, lở mồm long móng trên gia súc, cúm gia cầm trên gà vịt, dại trên chó, mèo cũng có thể xảy ra nếu không có các biện pháp phòng chống tích cực.

Trong các bệnh ông vừa nêu, bệnh nào có nguy cơ lây lan sang người?

- Gia cầm nuôi không tiêm phòng vaccin dễ xảy ra bệnh cúm A/H5N1. Con người khi tiếp xúc, ăn thịt gia cầm bệnh có thể bị lây bệnh và gây tử vong.

Vào mùa nắng, nguy cơ phát sinh bệnh dại trên chó rất cao. Vật nuôi không được tiêm phòng, khi cắn người sẽ gây bệnh dại và dẫn đến tử vong.

Người chăn nuôi phải làm gì để hạn chế xảy ra dịch bệnh trên vật nuôi?

- Biện pháp thường xuyên và lâu dài để phòng bệnh vẫn là tiêm phòng cho vật nuôi. Theo dõi chặt chẽ tình trạng sức khỏe gia súc, gia cầm để sớm phát hiện các dấu hiệu khác thường và báo cáo cán bộ thú y để được tư vấn điều trị. Tăng cường chăm sóc dinh dưỡng, bổ sung các loại sinh tố vào trong nước uống hoặc trong thức ăn; tăng cường lượng rau xanh để nâng cao sức đề kháng cho vật nuôi.

Trong tình hình nước mặn xâm nhập sâu vào đất liền như hiện nay, người chăn nuôi phải có biện pháp trữ nước ngọt để dùng cho gia súc, gia cầm uống. Có thể trữ nước ngọt bằng cách đắp đập cục bộ trong mương vườn, ao hồ để bơm lên lắng lọc, xử lý hóa chất diệt khuẩn cho vật nuôi uống. Chuồng trại và khu vực chăn nuôi phải được vệ sinh tiêu độc thường xuyên.

Ngành thú y có những giải pháp gì để cùng người chăn nuôi hạn chế xảy ra dịch bệnh?

- Được sự chỉ đạo của UBND tỉnh và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục Thú y đã triển khai các giải pháp như: thông qua mạng lưới thú y cơ sở và chính quyền địa phương, tăng cường theo dõi, giám sát chặt chẽ đàn vật nuôi để sớm phát hiện dịch bệnh xảy ra, Chi cục Thú y phối hợp các trạm thú y huyện, thành phố tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh; cung cấp đầy đủ vaccin để tổ chức triển khai tiêm phòng sớm các bệnh cúm gia cầm. Đối với bệnh lở mồm long móng, ngành thú y triển khai tiêm phòng ở những vùng chăn nuôi có nguy cơ cao. Bên cạnh đó, Chi cục còn tăng cường kiểm soát các hoạt động mua bán, kinh doanh, vận chuyển, giết mổ động vật và sản phẩm động vật ở các địa phương để sớm phát hiện mầm bệnh, có biện pháp phòng chống, không để dịch bệnh lây lan trên diện rộng.

Ngành thú y cũng đã khuyến cáo hộ chăn nuôi tiêm phòng đầy đủ các bệnh: dịch tả, toi, phó thương hàn. Nếu hộ chăn nuôi thực hiện tiêm phòng đầy đủ cho vật nuôi thì sẽ hạn chế dịch bệnh xảy ra.

Ông có nói gì thêm với những hộ chăn nuôi?

- Tôi mong các hộ chăn nuôi hợp tác tốt trong việc tiêm phòng phòng chống dịch bệnh để hạn chế dịch bệnh xảy ra và thúc đẩy ngành chăn nuôi của tỉnh phát triển.

Xin cảm ơn ông!

Trần Quốc (thực hiện) - Đồng Khởi, 10/5/2010

 

Món ăn chống nóng cho vật nuôi

Mùa hè thời tiết nóng nực, nếu cho gia súc gia cầm ăn thêm những thức ăn phòng nóng thì rất có lợi đối với việc phòng chống oi bức cho gia súc gia cầm. Có một số món ăn có tác dụng giải nhiệt rất tốt cho vật nuôi gồm có:

Vỏ dưa hấu: 2 kg vỏ dưa hấu còn tươi cắt thành miếng nhỏ cho lợn ăn; vỏ dưa hấu có thể thái nhỏ cho gà ăn khoảng 50 gam/con/ngày, chia làm 3 lần, buổi trưa cho ăn riêng vỏ dưa hấu, buổi sáng và tối thì trộn lẫn vào thức ăn của chúng, có thể tăng sức kháng nhiệt cho gà.

Dấm hoặc nước dưa chua: Cho heo uống dấm hoặc nước dưa chua, sau một thời gian nhất định có thể khiến nhiệt độ cơ thể chúng hạ xuống, từ đó mà đạt được mục đích thanh nhiệt giải nóng cho heo. Tùy theo heo to hay nhỏ mà cho uống nước dưa chua từ 250 - 500 ml/lần/ngày.

Đậu trắng có tác dụng tiêu nóng, kích thích tiêu hóa, tùy vào cân nặng của heo có thể dùng 20 - 50 gam đậu trắng chế thành canh cho heo uống.

Đậu xanh: Là sản phẩm có tác dụng phòng nóng truyền thống. Lấy một lượng đậu xanh hợp lý, cho thêm 20 lần nước, nấu nhừ rồi để lạnh, nước thì cho vật nuôi uống, đậu cho vật nuôi ăn.

VĂN NGUYỄN - Nông nghiệp VN, 24/04/2009

Nhấn vào đây để xem các thông tin về chăn nuôi mùa nắng nóng, khô hạn

 

 

 

[* Xem các video khác]

 

 

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Việt Linh: Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, việc làm thủy sản, việc làm nông nghiệp, tuyển dụng, tìm việc, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang