• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Chăn nuôi

Nam Định: Chủ động áp dụng các biện pháp kỹ thuật về an toàn sinh học trong chăn nuôi lợn

Nhằm hỗ trợ người chăn nuôi tiếp tục duy trì và phát triển đàn lợn, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nam Định vừa có văn bản hướng dẫn một số biện pháp kỹ thuật về an toàn sinh học trong chăn nuôi lợn.

An toàn sinh học trong chăn nuôi lợn là việc áp dụng các biện pháp kỹ thuật và quản lý nhằm ngăn ngừa không để mầm bệnh xâm nhiễm vào chuồng nuôi và vật nuôi để gây bệnh, bao gồm các yêu cầu về: Chuồng trại; con giống; thức ăn; nước dùng trong chăn nuôi; chăm sóc, nuôi dưỡng; xử lý chất thải; vệ sinh thú y; kiểm soát người, phương tiện vận chuyển, côn trùng; quản lý dịch bệnh và ghi chép trong chăn nuôi.

Cụ thể, đối với chuồng trại chăn nuôi lợn của nông hộ cần cải tạo hoặc xây mới chuồng nuôi đảm bảo cao ráo, thuận lợi cho việc thoát nước; thông thoáng, đủ ánh sáng; cách biệt với nhà ở, khu vực sinh hoạt của gia đình. Nền, tường chuồng nuôi cần phẳng để dễ quét dọn, cọ rửa, tiêu độc, khử trùng, không đọng nước; trước cửa chuồng có hố hoặc khay sát trùng. Diện tích chuồng nuôi phù hợp với quy mô chăn nuôi, lợn thịt 1,5-2m2/con, lợn nái, lợn đực giống 4-6m2/con. Có nơi nhốt cách ly lợn ốm, lợn mới nhập; nơi xử lý chất thải, đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường và lây lan dịch bệnh.

Đối với chuồng nuôi lợn của trang trại, gia trại cần cải tạo hoặc xây mới chuồng nuôi đảm bảo cao ráo, thuận lợi cho việc thoát nước; đủ ánh sáng, thông thoáng, cách xa khu dân cư, xa đường giao thông chính; có cổng, tường rào bao quanh; có nơi nuôi cách ly lợn ốm, lợn mới nhập về (xây mới hoặc cải tạo chuồng nuôi theo mô hình chăn nuôi tiết kiệm nước để giảm công lao động, hạn chế nước tắm cho lợn, nước rửa chuồng để phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi). Nền, tường chuồng cần phẳng để dễ quét dọn, cọ rửa, tiêu độc, khử trùng, không đọng nước; trước cổng ra vào trại chăn nuôi, khu chuồng nuôi và tại lối ra vào mỗi dãy chuồng nuôi phải bố trí hố sát trùng.

Diện tích chuồng nuôi phù hợp với quy mô chăn nuôi, chuồng nuôi lợn phải bố trí phù hợp với từng lứa tuổi của lợn và mục đích sản xuất. Có máng ăn riêng cho từng ô chuồng; không sử dụng chung dụng cụ chăn nuôi giữa các dãy chuồng. Có khu vực để chứa chất thải riêng biệt, hệ thống xử lý chất thải phù hợp với quy mô chăn nuôi đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường và lây lan dịch bệnh. Đường thoát nước thải từ chuồng nuôi đến khu xử lý chất thải đảm bảo kín, nước thải ở ô chuồng nào thoát riêng ô chuông đó ra đường thoát nước chung.

Có kho chứa thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y và các dụng cụ chăn nuôi. Con giống nhập về nuôi phải có nguồn gốc rõ ràng, khỏe mạnh; thực hiện nuôi cách ly ít nhất 2 tuần trước khi nhập đàn. Đối với lợn nhập trong tỉnh từ cơ sở đảm bảo an toàn dịch bệnh, có xét nghiệm âm tính với bệnh dịch tả lợn châu Phi; đối với lợn nhập từ tỉnh ngoài về phải có giấy chứng nhận kiểm dịch theo quy định.

Thức ăn cho lợn đảm bảo cả về số lượng, chất lượng, phù hợp với từng giai đoạn sinh trưởng, từng giống lợn; sử dụng các loại thức ăn có nguồn gốc rõ ràng, không bị hỏng, mốc và còn hạn sử dụng; không sử dụng thức ăn thừa trong máng ăn của đàn lợn đã bị dịch bệnh. Nên sử dụng chế phẩm sinh học trong thức ăn, nước uống, rắc hoặc phun trong chuồng để tăng khả năng tiêu hóa, sức đề kháng cho đàn lợn và giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Nước dùng cho lợn uống đảm bảo an toàn, đầy đủ; thường xuyên làm sạch hệ thống cấp nước; không nên dùng nước mặt để tắm cho lợn hoặc rửa chuồng. Trong chăm sóc, nuôi dưỡng, áp dụng phương thức “cùng vào - cùng ra” theo thứ tự ưu tiên: dãy chuồng, ô chuồng. Có quy trình chăn nuôi cho từng loại lợn theo từng giai đoạn sinh trưởng và phát triển. Nên áp dụng phương thức nuôi khô, đảm bảo các điều kiện về chuồng nuôi, vệ sinh chuồng trại, mật độ nuôi, sự đồng đều về lứa tuổi; đảm bảo điều kiện về thức ăn, nước uống, nhiệt độ…

Chất thải phải được thu gom, xử lý, để xa chuồng nuôi, nơi cấp nước. Hố hay khay chứa chất sát trùng phải được bổ sung hàng ngày đảm bảo số lượng và nồng độ. Vệ sinh máng ăn, uống hàng ngày; thiết bị, dụng cụ và phương tiện phục vụ trong chăn nuôi phải được tiêu độc, khử trùng thường xuyên. Định kỳ phun thuốc sát trùng toàn bộ khu chuồng nuôi và chung quanh khu vực chăn nuôi. Sau mỗi đợt nuôi phải tiến hành tổng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng toàn bộ chuồng nuôi.

Đối với hộ chăn nuôi, hạn chế tối đa người ngoài ra, vào khu vực chuồng nuôi; phải thay quần áo bảo hộ lao động, nhúng ủng hoặc giầy, dép vào hố sát trùng, sát trùng tay bằng xà phòng hoặc cồn 70 độ. Đối với gia trại, trang trại, ngoài việc hạn chế người ngoài ra, vào, người trước khi vào khu vực chăn nuôi phải cách ly ít nhất 72 tiếng, sử dụng các dụng cụ bảo hộ lao động được sát trùng; nên bố trí công nhân chăn nuôi lợn ăn ở tại trại tối thiểu 4 tuần sau đó mới thay đổi; không đưa thực phẩm tươi sống từ ngoài vào trại; bố trí người chăn nuôi, cán bộ kỹ thuật, phương tiện vận chuyển thức ăn cho từng khu sản xuất…

Có giải pháp để ngăn chặn, tiêu diệt ruồi, muỗi, các loại côn trùng xâm nhập vào chuồng nuôi. Tiêm vắc xin phòng bệnh cho lợn theo đúng quy trình. Người chăn nuôi phải quản lý, theo dõi sát đàn lợn, khi phát hiện lợn bị dịch phải báo ngay cho chính quyền địa phương và thực hiện đầy đủ các quy định hiện hành về phòng, chống dịch. Cách ly lợn ốm để có biện pháp xử lý kịp thời, ngừng xuất lợn giống và kiểm soát chặt việc xuất sản phẩm, vật tư trong khu chăn nuôi lợn ra ngoài.

Khi xảy ra dịch phải che bạt, bao vây kín ô chuồng hay cả chuồng và tiêu hủy ngay toàn bộ lợn trong ô chuồng hoặc cả chuồng xảy ra dịch; việc tiêu hủy phải đảm bảo đúng quy trình; không rửa ngay ô chuồng hoặc chuồng lợn bị bệnh, phun thuốc sát trùng liều gấp 2 lần bình thường, phun 1 lần/ngày và phun liên tục 3-4 ngày, sau đó quét dọn, thu gom chất thải và xử lý; rửa lại chuồng nuôi bằng nước sạch, tránh làm bắn nước sang ô chuồng kế bên, tiếp tục phun thuốc sát trùng từ 2-3 ngày. Toàn bộ bao bì, dụng cụ chứa đựng thức ăn của đàn lợn bị bệnh phải được tiêu độc, khử trùng.

Có sổ ghi chép và lưu trữ đầy đủ nhật ký quá trình chăn nuôi: thông tin về xuất, nhập giống; xuất, nhập và sử dụng thức ăn; các thông tin khi sử dụng kháng sinh; sử dụng vắc-xin, thuốc phòng bệnh./.

Văn Đại - Báo Nam Định, 15/11/2019

 

Nhấn vào đây để xem tất cả các tin kỹ thuật nuôi heo (lợn)

 

 

 

[* Xem các video khác]

 

 

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Việt Linh: Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, việc làm thủy sản, việc làm nông nghiệp, tuyển dụng, tìm việc, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang