• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Chăn nuôi

Giải pháp hiệu quả hạn chế tình trạng lợn chết do bệnh tai xanh

Bệnh tai xanh là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm đối với đàn lợn. Nguyên lý gây bệnh của tai xanh là mặc dù tấn công vào hệ thống miễn dịch của cơ thể lợn nhưng chỉ gây tỷ lệ lợn chết từ 1-5%. Tuy nhiên, nguy hiểm hơn là loại vi rút này chính là tác nhân châm ngòi cho các vi khuẩn khác kế phát làm cho bệnh nặng thêm, lây lan nhanh ra diện rộng, dẫn đến tỉ lệ tử vong cao nếu không có cơ chế ngăn chặn kịp thời.

Qua kinh nghiệm và quá trình trực tiếp xử lý nhiều ổ dịch trên địa bàn tỉnh Nam Định, ông Lã Viết Hiển - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Nam Định cùng các cộng sự đã tìm ra cơ chế gây chết lợn hàng loạt là do vi khuẩn gây viêm phổi dính sườn Actinobacillus Pleuropneumoniae. Từ đó, ông đã nghiên cứu và đưa ra giải pháp “Khống chế vi khuẩn viêm phổi dính sườn hạn chế lợn chết hàng loạt trong bệnh tai xanh” mang lại hiệu quả rất cao.

Hiện nay, mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm của cả nước nói chung và tỉnh Nam Định nói riêng vẫn còn phổ biến theo phương thức nhỏ lẻ, phân tán, quy mô hộ gia đình nên công tác tiêm phòng các loại vắc xin, đặc biệt vắc xin tai xanh cho đàn lợn chưa được tiến hành chủ động, toàn diện và triệt để. Theo điều tra của Cục Thú y, tỉ lệ dương tính của vi rút tai xanh trên đàn lợn tương đối cao, khi điều kiện thời tiết bất lợi chuyển mùa từ Xuân sang Hè và Thu sang Đông, từ những con lợn có vi rút tiềm ẩn cộng với sức đề kháng kém sẽ bùng phát bệnh tai xanh. Vi rút tai xanh là đối tượng nguy hiểm châm ngòi, tạo đà cho các vi khuẩn kế phát, đặc biệt là vi khuẩn gây viêm phổi, viêm phổi dính sườn dẫn đến lợn sẽ chết nếu không có biện pháp điều trị thích hợp.

Thông thường lợn mắc bệnh truyền nhiễm từ 2 nguyên nhân chính là do vi khuẩn và vi rút gây bệnh. Hiện nay, một số công ty thuốc thú y có đưa ra quy trình điều trị nhưng chưa có tính thuyết phục và hiệu quả điều trị chưa cao. Giải pháp “Khống chế vi khuẩn viêm phổi dính sườn hạn chế lợn chết hàng loạt trong bệnh tai xanh” của ông Lã Viết Hiển là giải pháp mới, có tính sáng tạo rõ rệt, dễ hiểu, có tính thuyết phục và kết quả điều trị cao khi được áp dụng trên địa bàn tỉnh Nam Định.

Trước đây, khi dịch bệnh tai xanh bùng phát, các cán bộ thú y gặp rất nhiều khó khăn trong việc điều trị lợn ốm hàng loạt. Mặc dù thời gian điều trị kéo dài từ 10 – 15 ngày song kết quả là lợn không khỏi bệnh mà sau đó chết trong tình trạng cơ thể suy hô hấp do viêm phổi dính sườn. Trước tình trạng đó, các hộ chăn nuôi hoang mang đã tìm cách bán chạy lợn ốm làm cho dịch bệnh ngày càng phát tán trên diện rộng. Giải pháp khống chế vi khuẩn gây viêm phổi dính sườn đã hạn chế hàng loạt lợn chết trong bệnh tai xanh đồng thời đã tìm ra nguyên nhân gây chết lợn giúp các cán bộ thú y lựa chọn được các loại kháng sinh theo chỉ định và điều trị bệnh tai xanh trên đàn lợn kịp thời. Ưu điểm của giải pháp là thời gian điều trị ngắn (chỉ trong vòng 3 ngày) lợn đã khỏi bệnh, trở lại ăn uống bình thường, giúp hộ chăn nuôi yên tâm sản xuất, dịch bệnh không phát tán tràn lan.

Theo ông Lã Viết Hiển, nguyên tắc quan trọng trong việc điều trị lợn tai xanh là phải phát hiện sớm lợn bị bệnh và điều trị khi lợn mới bỏ ăn từ 1 – 2 ngày. Việc phát hiện sớm giúp cho tỉ lệ điều trị khỏi bệnh lên tới 90 – 100%. Ngoài ra phải tuân thủ việc dùng đúng chủng loại kháng sinh theo chỉ định. Quy trình điều trị liên tục trong 3 ngày, mỗi ngày tiêm 2 lần vào buổi sáng và buổi chiều bằng 2 loại kháng sinh theo liều lượng chỉ dẫn là Flo-Doxin có tác dụng diệt các loại vi khuẩn và Lincomycin có tác dụng ngăn chặn các chứng viêm ở thời kỳ tiền viêm và các hiện tượng viêm dính, trong đó có viêm phổi dính sườn. Mỗi lần điều trị kháng sinh phải kết hợp với thuốc hạ sốt và điện giải để tăng thải độc tố và tăng sức đề kháng cho lợn. Tuy nhiên, không được lạm dụng thuốc kháng sinh để điều trị kéo dài, chỉ dùng kháng sinh điều trị trong 3 ngày còn những ngày sau có thể dùng các thuốc bổ để nâng cao thể trạng cho lợn.

Giải pháp “Khống chế vi khuẩn viêm phổi dính sườn hạn chế lợn chết hàng loạt trong bệnh tai xanh” đã được xây dựng, thử nghiệm mang lại hiệu quả cao trên địa bàn tỉnh Nam Định.Hhông chỉ được áp dụng rộng rãi trong mạng lưới thú y, giải pháp còn giúp các chủ gia trại, trang trại chủ động bảo vệ đàn lợn không bị thiệt hại khi dịch bệnh bùng phát. Ngoài khống chế dịch bệnh giúp người chăn nuôi ổn định sản xuất, giải pháp còn có làm lợi cho nhà nước khá lớn. Giá thành điều trị 1 ca bệnh cho một con lợn có trọng lượng khoảng 50kg khỏi bệnh trong thời gian điều trị 3 ngày là 93.000 đồng. Trong khi nếu không được điều trị, lợn chết phải đem đi tiêu huỷ trong thời điểm người dân được hỗ trợ 26.000 đồng/kg thì sẽ tốn 1.300.000 đồng/con. So sánh giá trị giữa điều trị khỏi lợn với giá hỗ trợ tiêu huỷ lợn chết là 7,2%. Như vậy, nếu lợn được điều trị khỏi bệnh, nhà nước sẽ không phải trích một khoản ngân sách lớn để hỗ trợ tiêu huỷ lợn chết. Ngoài ra, sau khi được tập huấn giải pháp, các cán bộ thú y chủ động, tích cực phát hiện, điều trị khống chế dịch trong phạm vi hộ, thôn, xóm giúp các hộ chăn nuôi yên tâm không bán chạy gia súc ốm, gây tình trạng dịch phát tán ra diện rộng. Hoạt động chăn nuôi tiếp tục phát triển và việc không phải tiêu huỷ gia súc chết cũng giúp cho môi trường không bị ô nhiễm. Nội dung giải pháp lại dễ hiểu, dễ tiếp thu, áp dụng rộng rãi cho mọi đối tượng chăn nuôi. Các cán bộ thú y cơ sở đều có thể áp dụng giải pháp để chủ động phát hiện và điều trị đàn lợn ở địa phương mình.

Giải pháp “Khống chế vi khuẩn viêm phổi dính sườn hạn chế lợn chết hàng loạt trong bệnh tai xanh” đã có một bước tiến lớn trong việc tìm ra cơ chế gây chết lợn hàng loạt trong bệnh tai xanh và chủ động đề ra quy trình phòng, chống tổng hợp có hiệu quả, không để dịch bệnh phát tán thành dịch lớn gây tổn thất về kinh tế và ảnh hưởng đến sinh hoạt của cộng đồng dân cư. Hiện nay, giải pháp đã được ứng dụng rộng rãi trong công tác phòng chống dịch hàng năm trên địa bàn tỉnh Nam Định. Giải pháp đã được tặng Bằng lao động sáng tạo của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam năm 2012 và đạt giải nhất Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Nam Định lần thứ IV năm 2013./.

Thuỳ Dung - Mard-13/12/2013

 

Kinh nghiệm khống chế bệnh tai xanh ở lợn

Bệnh tai xanh hay còn gọi là “Hội chứng rối loạn sinh sản và hô hấp ở lợn (PRRS) là bệnh do virus gây ra, nhưng lợn chết chủ yếu là do vi khuẩn bội nhiễm.

Cho nên nếu có biện pháp phòng bệnh tốt và khống chế kịp thời, đúng cách sẽ hạn chế tối đa thiệt hại do bệnh gây ra. Thực tế cho thấy, có những trang trại vùng đồng bằng nhưng biệt lập với khu dân cư, không tiêm vắc-xin tai xanh  vẫn không xảy ra bệnh, nhưng có nơi chăn nuôi tận vùng núi, xa khu vực dân cư  nhưng bệnh lại xảy ra. Điều đó phụ thuộc hoàn toàn vào thái độ cũng như cách thức phòng bệnh của người chăn nuôi. Dưới đây chúng tôi xin giới thiệu biện pháp tổng hợp đã được nhiều nơi áp dụng thành công.

Đối với vùng có nguy cơ xảy ra dịch:

Thực hiện việc “Cấm trại”: nghĩa là trong thời gian dịch, tất cả người lao động làm việc trong trại phải ở luôn tại đơn vị. Nếu có việc ra ngoài, trước khi vào làm việc trong trại cần ở cách ly 2 ngày tại khu tập thể. Không mua thịt lợn ngoài chợ về ăn.

Không cho bất kỳ phương tiện nào đi thẳng vào khu vực chăn nuôi. Phải sát trùng tiêu độc kỹ trước khi vào khu vực làm việc.

Tiến hành tiêm phòng vắc-xin tai xanh cho đàn lợn, ngoài ra cần tiêm phòng đầy đủ các loại vắc-xin  dịch tả, phó thương hàn, tụ dấu, suyễn lợn...

Sát trùng tiêu độc chuồng trại triệt để.

Cán bộ kỹ thuật làm việc trong trại không được đi điều trị bên ngoài.

Nâng cao sức đề kháng cho đàn lợn bằng cách dùng các loại thuốc trợ sức trợ lực như bcomlex, vitamin và hạn chế bệnh cơ hội bằng cách dùng các thuốc kháng sinh theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Kết hợp cho lợn ăn hoặc uống các men tiêu hóa để tăng cường khả năng tiêu hóa, hấp thu thức ăn.

Khi dịch bệnh xảy ra:

Nên hủy ngay những con ốm đầu tiên, con ốm nặng. Lợn con theo mẹ, lợn mới cai sữa điều trị không hiệu quả nên tiêu hủy.

Tiến hành sát trùng, tiêu độc toàn bộ khu vực chăn nuôi bằng các loại thuốc sát trùng như: Cloramin T, BKA...

Điều trị cho lợn ốm: để điều trị cho lợn ốm và khống chế dịch một cách hiệu quả, việc điều trị cần đạt các mục tiêu cơ bản sau đây:

Tiến hành hạ sốt, giảm đau cho lợn bệnh bằng cách cho uống hoặc tiêm thuốc hạ sốt (anagin, paracetamol...) trong suốt thời gian lợn ốm.

Nếu thời tiết oi bức có thể làm ướt nền chuồng, nhưng không được dội nước thẳng lên lợn ốm.

Dùng các chất điện giải, vitamin cho lợn uống hoặc ăn liên tục 5 – 7 ngày. Có thể truyền các loại dịch điện giải vitamin của thú y hoặc nhân y qua ven tai, tĩnh mạch bụng hoặc tiêm thẳng vào phúc mạc. Vị trí tiêm phúc mạc ở phần da mỏng hông đói, dùng tay kéo phần da lên liên tục trong suốt quá trình tiêm. Có thể tiêm 100 – 200ml/lần. Thường chỉ tiêm phúc mạc những nái yếu, còn lại cố gắng đuổi lợn vận động để chúng tự uống là tốt nhất.

Nếu đàn lợn có triệu chứng của bệnh đường tiêu hóa, cho cả đàn lợn ăn/uống kháng sinh liên tục 3 - 5 ngày.

Nếu đàn lợn có triệu chứng của bệnh đường hô hấp cho cả đàn ăn/uống kháng sinh liên tục 5 – 7 ngày.

Đối với con ốm nặng, ngoài việc cho ăn/uống cần tiến hành tiêm kháng sinh liên tục 3 – 4 ngày để diệt vi khuẩn bội nhiễm.

Ngoài thuốc kháng sinh cần tiêm thêm thuốc trợ lực, thuốc làm giảm ho, thông thở, thuốc kháng viêm để giảm viêm phổi, phù não...

Tăng cường chăm sóc nuôi dưỡng tốt (cho ăn thức ăn dễ tiêu hóa, giãn mật độ, đuổi lợn vận động, làm mát chuồng nuôi, vệ sinh sạch sẽ...).

Đây là bệnh do virut gây ra nên việc dùng kháng sinh là nhằm mục đích khống chế vi khuẩn bội nhiễm, bệnh kế phát. Do đó không nên lạm dụng kháng sinh, chỉ cần điều trị đủ liệu trình theo khuyến cáo. Để giúp lợn bệnh mau hồi phục cần tích cực dùng thuốc hạ sốt, thuốc bổ và tăng cường các biện pháp chăm sóc nuôi dưỡng để nâng cao sức đề kháng cho con vật.

Nái chửa dễ sẩy thai không giữ được, cứu con mẹ là chủ yếu. Nếu bào thai chết gây sẩy thai bằng cách tiêm F2-propharm với liều 2ml/nái, một mũi duy nhất.

Trong vùng dịch nếu lợn động dục bỏ qua một chu kỳ phối để bảo đảm  an toàn cho nái sinh sản.

Phòng bệnh:

Chỉ mua lợn giống ở những cơ sở an toàn dịch bệnh.

Tiêm vắc-xin phòng bệnh tai xanh và các bệnh khác cho đàn lợn. Bảo đảm chăn nuôi an toàn sinh học (xây hầm bioga, đốt xác lợn chết,...). Luôn thực hiện tốt các biện pháp được nêu trong mục “Vùng có nguy cơ xảy ra dịch.

BSTY  Lê Sĩ Thành (Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thanh Hóa) - Báo Thanh Hóa, 26/10/2013

 

Phòng, chống bệnh tai xanh

Biện pháp phòng dịch:

- Tiêm vácxin phòng bệnh tai xanh cho đàn lợn trong cơ sở chăn nuôi chưa có bệnh.

- Thường xuyên theo dõi sức khoẻ của đàn lợn trong các cơ sở chăn nuôi lợn sinh sản để sớm phát hiện; cách ly xử lý kịp thời và gửi mẫu bệnh phẩm đi xét nghiệm.

- Nhập lợn giống từ các cơ sở chăn nuôi an toàn. Lợn mới mua về phải nuôi cách ly ít nhất 3 - 4 tuần lễ, không có dấu hiệu lâm sàng của bệnh tai xanh cũng như các bệnh truyền nhiễm khác mới cho nhập đàn.

- Bảo đảm thức ăn đủ dinh dưỡng và nguồn nước sạch cho lợn.

- Giữ chuồng trại và khu chăn thả lợn luôn khô sạch, thoáng mát mùa hè, kín ấm mùa đông và phải phun thuốc sát trùng định kỳ 2 tuần/lần để diệt mầm bệnh.

Biện pháp chống dịch:

- Các gia trại và trang trại phải thống kê lợn ốm, lợn chết báo cáo ngay với chính quyền và cơ quan thú y địa phương để xử lý theo đúng lệnh công bố dịch và hướng dẫn phòng chống bệnh tai xanh của Cục Thú y (tiêu huỷ toàn bộ lợn bị ốm) và đề nghị Nhà nước hỗ trợ thiệt hại. Trong trường hợp gửi mẫu bệnh phẩm đi xét nghiệm mà chưa có kết quả, nhưng nếu lợn có dấu hiệu lâm sàng bệnh tai xanh thì vẫn phải tiêu huỷ.

- Chính quyền và cơ quan thú y địa phương tổ chức bao vây ổ dịch, thành lập các chốt kiểm dịch, cấm vận chuyển lợn khỏi ổ dịch.

- Không bán chạy lợn, không mổ lợn và bán thịt lợn trong vùng dịch khi chưa công bố hết dịch.

- Cách ly đàn lợn khoẻ để nuôi dưỡng, chăm sóc tốt và tổ chức tiêm thuốc trợ lực, nâng cao sức đề kháng của đàn lợn.

- Vệ sinh triệt để chuồng trại và khu chăn thả đã có lợn ốm và phun thuốc sát trùng 2 lần/tuần trong suốt thời gian có dịch.

- Chỉ nuôi lợn trở lại khi đã công bố hết dịch và đã để trống chuồng 4 tuần; đồng thời phun thuốc sát trùng theo đúng quy định.

 

Báo Bắc Giang, 14/4/2010

 

Cách nhận biết và phòng bệnh heo tai xanh

Hiện nay, bệnh heo tai xanh đang lan nhanh ra các tỉnh, thành trong cả nước, gây thiệt hại rất lớn cho người chăn nuôi. Một trong những nguyên nhân khiến dịch lan ra diện rộng là do người dân còn lơ là trong cách nhận biết và phòng dịch.

1/ Đặc điểm, triệu chứng của bệnh tai xanh

- Heo mắc chứng rối loạn sinh sản và hô hấp (PRRS) còn gọi là bệnh heo tai xanh. Đây là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm đối với heo do virus gây ra, song bệnh heo tai xanh không lây truyền sang các gia súc khác và người. Bệnh heo tai xanh được phát hiện đầu tiên ở Mỹ vào năm 1987. Năm 1997, bệnh lây lan vào Việt Nam trên đàn heo giống nhập từ Mỹ về.

Áp dụng kỹ các quy trình phòng bệnh sẽ giảm khả năng bùng phát dịch heo tai xanh. - Heo nái bị bệnh tai xanh thường có các biểu hiện như: sảy thai vào giai đoạn cuối, thai chết lưu ở giai đoạn hai hoặc heo sơ sinh bị chết yểu. Khi heo nái bị bệnh sốt cao 40-420C, viêm phổi nặng, ỉa chảy, tai chuyển từ màu hồng đỏ sang đỏ thẫm, xanh đến tím đen và dẫn đến tử vong. Heo nái đang mang thai, nuôi con còn có biểu hiện lười uống nước, mất sữa, viêm vú, da biến màu, đẻ sớm...

- Heo con mắc bệnh tai xanh thể trạng yếu, khó bú, mắt có gèn màu nâu, da có nhiều vết phồng, bị tiêu chảy nhiều, ủ rũ, viêm phổi và khả năng chết rất cao.

- Heo choai, heo thịt bị bệnh sốt cao trên 400C, biếng ăn, ủ rũ, ho, khó thở, những phần da mỏng gần tai, bụng lúc đầu màu hồng nhạt dần dần chuyển màu hồng thẫm và tím nhạt.

- Heo đực giống bị bệnh tai xanh thường sốt, bỏ ăn, đờ đẫn hoặc hôn mê, giảm hưng phấn, mất tính dục, lượng tinh dịch ít. Heo ở các lứa tuổi đều có thể nhiễm virus và mắc bệnh tai xanh, tuy nhiên heo con và heo nái mang thai dễ mắc bệnh và chết hơn. Hiện nay, bệnh heo tai xanh đã phát triển thành động lực cao nên nếu không phát hiện, xử lý kịp thời rất dễ lây lan và gây hàng loạt.

2/ Điều kiện để bệnh lây lan

- Virus có trong dịch mũi, nước bọt, tinh dịch, phân, nước tiểu và phát tán ra môi trường. Ở heo mẹ mang thai, virus có thể lây nhiễm qua bào thai ở giữa thai kỳ trở đi và virus cũng được bài thải qua nước bọt và sữa. Heo trưởng thành có thể bài thải virus trong 14 ngày, còn heo con, heo choai bài thải virus kéo dài 1-2 tháng.

- Virus có khả năng phân tán thông qua các hình thức: vận chuyển heo mang bệnh (virus có thể theo gió đi xa đến 3km), bụi, nước bọt, dụng cụ chăn nuôi và dụng cụ bảo hộ lao động bị nhiễm bệnh, thụ tinh nhân tạo, do một số loại chim hoang.

3/ Các biện pháp phòng dịch heo tai xanh

- Hiện nay, vẫn chưa có thuốc đặc trị bệnh heo tai xanh, vì thế các phương pháp hữu hiệu là phòng bệnh. Trong đó, tăng cường công tác giám sát đến cơ sở, hộ chăn nuôi để phát hiện kịp thời heo bệnh có triệu chứng tai xanh, tiến hành tiêu hủy ngay không chờ kết quả xét nghiệm, đồng thời lấy mẫu heo bệnh gửi xét nghiệm trước khi tiêu hủy.

- Thiết lập các chốt, trạm kiểm dịch tại các đầu mối giao thông chính gồm lực lượng công an, quản lý thị trường, thú y hoạt động 24 giờ trong ngày để kiểm soát việc vận chuyển heo, sản phẩm heo đưa vào tỉnh. Tiêu hủy và xử phạt nặng các trường hợp vận chuyển heo, sản phẩm từ heo trái phép.

- Giao trách nhiệm giám sát, phát hiện và báo bệnh cho chính quyền cấp xã, đồng thời huy động các đoàn thể phối hợp với ngành nông nghiệp để theo dõi dịch bệnh trên đàn heo tới từng hộ chăn nuôi, tránh tình trạng giấu dịch bán chạy heo bệnh. Bên cạnh đó, người chăn nuôi không được vứt xác heo chết bừa bãi ra kênh rạch làm dịch bệnh lây lan ra diện rộng.

- Chuồng trại chăn nuôi heo phải đảm bảo vệ sinh thú y, thoáng mát, che nắng, che mưa. Bà con chú ý quét dọn, tiêu độc khử trùng bằng hóa chất thông dụng như: vôi bột, Bencocid, Lodine, CloraminB... Chăm sóc tốt cho heo để nâng cao sức đề kháng, heo giống mới mua về rõ nguồn gốc, phải cách ly 2-3 tuần trước khi nhập đàn. Ngoài ra, tiêm đầy đủ vaccine phòng bệnh dịch tả, phó thương hàn, tụ huyết trùng, lở mồm long móng, tai xanh cho đàn heo. Nếu có điều kiện, người nuôi nên thực hiện quy trình "cùng nhập - cùng xuất" ở mỗi dãy chuồng. Hạn chế người ra vào trại nuôi heo, thường xuyên diệt các loại côn trùng trong và xung quanh trại. Các phương tiện vận chuyển, dụng cụ chăn nuôi, nước uống phải được sát trùng cẩn thận. Trước mỗi dãy chuồng nuôi phải có hố nhúng chân sát trùng.

- Tuy chưa có kháng sinh đặc trị bệnh heo tai xanh, song người chăn nuôi có thể dùng kháng sinh hạn chế bội nhiễm các bệnh vi khuẩn sẽ phòng ngừa bệnh tai xanh. Nên định kỳ trộn kháng sinh vào thức ăn cho heo để tiêu diệt mầm bệnh vi khuẩn, giúp ngăn chặn bệnh hô hấp, đồng thời giảm tổn thương phổi do virus PRRS.

Nguyệt Hạ - Báo Đồng Nai, 12/08/2010

 

Phòng chống bệnh heo tai xanh

Dịch bệnh heo tai xanh (Hội chứng rối loạn sinh sản và hô hấp - PRRS) đang diễn biến hết sức phức tạp. Để phòng tránh, ngăn ngừa dịch bệnh, xin hướng dẫn một số biện pháp phòng chống sau đây:

- Khi có dịch xảy ra, các gia trại và trang trại phải thống kê heo bệnh, heo chết và báo với chính quyền, cán bộ thú y địa phương để xử lý theo đúng quy định. Trong trường hợp gửi mẫu bệnh phẩm đi xét nghiệm mà chưa có kết quả, nhưng nếu heo có dấu hiệu lâm sàng bệnh tai xanh thì vẫn phải tiêu hủy.

- Chính quyền và tổ chức thú y địa phương tổ chức bao vây ổ dịch, thành lập các chốt kiểm dịch, ngăn cấm không cho vận chuyển heo khỏi ổ dịch và cũng không mang heo từ ngoài vào ổ dịch.

- Không bán chạy heo ra ngoài, không mổ heo và bán thịt heo trong vùng dịch khi chưa công bố hết dịch.

- Cách ly đàn heo khỏe để nuôi dưỡng và tổ chức tiêm thuốc trợ sức, nâng cao sức đề kháng của đàn heo.

- Tổ chức làm vệ sinh chuồng trại và khu chăn nuôi đã có heo bệnh. Phun thuốc sát trùng 2 lần/tuần trong suốt thời gian có dịch.

- Tổ chức tiêm vắc-xin phòng bệnh tai xanh ở các vùng chưa có dịch, nhưng bị dịch uy hiếp, nếu có thể.

- Tuyên truyền về bệnh tai xanh và các biện pháp phòng chống trên các phương tiện truyền thông để người chăn nuôi nâng cao ý thức áp dụng các biện pháp chống dịch.

- Chỉ nuôi heo trở lại khi đã công bố hết dịch và đã để trống chuồng 4 tuần; đồng thời, phun thuốc sát trùng theo quy định.

Chấn Hưng - Báo Bạc Liêu, 15/5/2010

Nhấn vào đây để xem tất cả các tin kỹ thuật nuôi heo (lợn)

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Việt Linh: Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, việc làm thủy sản, việc làm nông nghiệp, tuyển dụng, tìm việc, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang