PHẦN THỨ NHẤT: VẬN ĐỘNG VÀ KHUYẾN KHÍCH
Trước khi bàn đến vấn đề này, tôi tưởng cũng cần nói rõ với người đọc là tôi vận động và khuyến khích bà con ta nuôi loại ong nào? Vì ONG MẬT cũng có nhiều loài:
Theo các nhà Sinh học thì trên thế giới hiện nay có 4 loài ONG MẬT:
1- Apis florea (Ong ruồi )
2- Apis dorsata (Ong khoái).
Hai loại ong này còn mang tính cổ đại nghĩa là chúng chỉ xây tổ bám vào các cành cây rậm rạp và chỉ có một bánh tổ duy nhất, nên cho đến nay chưa có nơi nào nuôi được.
3- Apis cerana (Ong nội - Ong trong nước). Có nơi còn gọi là Indica - Ong Ấn, vì chúng phát tích từ Ấn độ rồi lan khắp các nước châu Á và một phần nước Nga.
4- Apis melliphica (Loại ong này phát tích từ vùng Địa trung hải rồi lan dần sang các nước châu Âu, châu Phi). Do chúng lai tạo (tự nhiên) với các giống ong địa phương nên các nhà khoa học đã chia chúng ra thành 12 giống, sau khi đã so sánh từng chút một như tầm vóc, độ dài của cánh, của vòi, v.v... Trong số này có 3 loài được nuôi phổ biến nhất là:
Giống ong ngoại mà nhiều người ở nước ta nuôi hiện nay là ong Ý (Apis melliphica Ligustica) đã được Ông Quách Đại Cương nhập về từ Đài loan trước năm 1975.
Theo tôi được biết: còn có một loài ong mật nữa là loài ONG DÚ (nó cũng cho mật, phấn như các loài ong kia).
Từ ngàn xưa, ông cha chúng ta cũng đã biết khai thác để dùng và rất được coi trọng vì xem mật, phấn của loại ong này là một trong những dược liệu quý hiếm. Hiện nay ở tỉnh Khánh hòa (Nha trang) đã có nhiều người nuôi. Họ bán phấn, mật với giá trên dưới một triệu đồng 1 kg đấy!
Ở các nước Thái lan, Úc họ cũng nuôi rất nhiều loại ong này (Có lẽ ở các nước ở châu Âu, châu Phi không có loài ong tý tẹo này nên các nhà sinh học trên không nói đến!)
Về phần tôi, tôi chỉ vận động và khuyến khích bà con nuôi ONG MẬT - GIỐNG NỘI ĐỊA (Apis cerana) mà thôi!
Vì sao lại như vậy? Xin thưa : Tôi chuyên nuôi ong nội, thì nói về ong nội (biết thì thưa thốt mà). Ong ngoại chỉ biết chút ít nên không dám “múa rìu qua mắt thợ”. Đến đây chắc có người hỏi : Sao ông không học nuôi ong ngoại để trở thành tỷ phú như nhiều người rêu rao trên mạng? Tôi không nuôi ong ngoại vi tôi là một giáo viên, không thể rày đây mai đó cùng với đàn ong theo hoa lấy mật được. Sau khi nghỉ dạy thì tôi lại không có số vốn lớn đế gây dựng nên một trại ong ngoại. Với thời điểm hiện nay, muốn lập một trại ong ngoại, it nhất cũng phải vài ba trăm triệu trở lên. Nhiều người có điều kiện còn bỏ ra tiền tỷ nữa đấy, để mau hốt vào tiền tỷ, nhưng cũng có người hốt vào những vỏ thùng không!
Với những lời trình bày trên, chắc các bạn đã thấy được mình nên chọn loại ong nào để nuôi, khỏi cần phải phân vân, tính toán mệt óc.
Chúng ta vừa bàn qua nên chọn loại ong nào, giờ đây ta hãy tìm xem loại ong này đem lại lợi ích gì?
Con người chúng ta khi đến tuổi trưởng thành ai ai cũng phải tìm một nghề để nuôi sống bản thân, gia đình mình và đôi khi may mắn thành đạt, khá giả còn có thể giúp ích cho xã hội nữa. Tuy nhiên, vi điều kiện gia đinh, tùy hoàn cảnh xã hội, tùy trình độ văn hóa, tùy sức khỏe cá nhân, v.v... nên mỗi người đều tìm lấy một nghề khác nhau, kẻ may mắn thì tìm được nghề thích hợp, công việc nhẹ nhàng, người rủi ro thì chọn phải nghề không thích hợp, thường phải đổi nghề, cuộc sống tất nhiên sẽ gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên sự việc này một phần cũng là do ta thiếu suy nghĩ chín chắn, phần đông thường chạy theo phong trào, không lượng sức mình nên đến khi gặp thất bại thì chán nản, bỏ cuộc!
Tất cả chúng ta đều làm việc vì lợi nhuận. Điều đó là tất nhiên. Vì có lợi nhuận thì chúng ta mới nuôi sống bản thân được chứ. Tim được một nghề có lợi nhuận cho ta mà không gây hại, không ảnh hưởng xấu gì đến ai là một điều tốt, nhưng nếu ta chọn được một nghề giúp ta có thu nhập cao, hợp với sức khỏe và hoàn cảnh của mình mà còn giúp những người chung quanh ta được hưởng lợi thì càng tốt biết chừng nào?
Đó chính là nghề NUÔI ONG MẬT - Giống Nội địa (Apis cerana). Con ong nội đem về cho ta mật, sáp. Chừng ấy thôi vì ong nội tuy vẫn tạo được sữa chúa, nhưng vì nhỏ con, sức kém và chưa được thuần hóa nên khai thác sữa ong chúa không có lợi nhiều. Phấn hoa cũng thế: Ong nội rất tinh ranh, khi ta gạt phấn, chúng tìm mọi cách để khi chui vào tổ vẫn mang theo được 2 cục phấn ở chân, bằng cách lần lượt co chân bên này, rồi bên kia, để đem an toàn 2 cục phấn vào, hoặc chúng ngưng hẳn việc đi lấy phấn. Do đó ta chỉ khai thác được rất ít! Để bù lại những bất lợi trên, ong nội địa mới thực sự là loài ong giúp người nông dân thụ phấn cho cây trồng. Vì quanh năm ta chỉ đặt chúng tại địa phương, hoặc có di chuyển đi lấy mật thì cũng chỉ quanh quẩn đâu đó mà thôi. Trái lai, con ong ngoại, chỉ có thời gian ngắn ngủi đến đặt ở các vườn nhãn, vườn chôm chôm để lấy mật, chúng mới có thể giúp cho việc thụ phấn. Ngoài ra, nhiều tháng trong năm, chúng được chuyển đến các rừng tràm, rừng cao su, rừng keo lai ở miền Trung…thì thụ phấn được gì cho các loại cây ăn trái ở vườn nhà?
Đến đây tôi thấy cũng cần nói rõ về lợi ích thụ phấn cho cây trồng do Con Ong Mật đem đến cho người nông dân:
Thú thật, hầu hết chúng ta ở đây đều biết rất mù mờ về lợi ích này do con ong đem lại! Vì ở nước ta có nơi nào, có cơ quan nào nghiên cứu, thí nghiệm, để rồi cân đo đong đếm, so sánh và đưa ra kết quả bằng những con số cụ thể đâu. Tất cả những người, từ các ông Tiến sĩ, kỹ sư trong ngành ong, các chuyên gia trong ngành nông nghiệp, các người viết sách về kỹ thuật nuôi ong mật và ngay cả tôi nữa đã thao thao bất tuyệt: Nào là ong thợ, ong đực, ong chúa, mỗi loại, từ ngày đẻ trứng đến ngày nở là bao nhiêu ngày, chúng sống được bao lâu, tầm hoạt động của chúng bao xa, ong chúa mỗi ngày đẻ bao nhiêu trứng, v.v và v.v… Tất cả đều là “nói nhép”, nói theo những gì mà các nhà nghiên cứu, nhà thực nghiệm từ nhiều nước phát triển trên thế giới đã dày công nghiên cứu và đưa ra kết quả chứ chúng ta không có chút công lao nào trong đó cả! Chúng ta chỉ làm công việc “dội lại “ như hẻm núi dội lại tiếng một người nào đó đã phát ra. Vậy mà những phát biểu ấy vẫn luôn luôn lập lờ.
Không bao giờ nói những kiến thức mà họ có được ấy là từ đâu. Phải chăng là họ cố ý bỏ qua, để nhiều người đọc lầm tưởng đây là những kiến thức sâu rộng của nhưng nhà “thông thái” chúng ta trong ngành nuôi ong mật. Tuy nhiên chúng ta cũng hiểu cho rằng: Ở nước ta, đến nay chưa có đủ trình độ chuyên môn và trang bị máy móc như các nước phát triển mà trước đây mấy chục năm, họ đã có thể đếm được số tinh trùng con ong chúa nhận được trong ngày bay đi giao phối đầu tiên, như ngày nay chúng ta đã đếm được số lượng siêu vi B, C của mấy người viêm gan vậy. Một điều nữa là cho đến nay nước ta chưa có một nông trường nào rộng hàng ngàn hecta và chuyên canh một loại cây trồng nào để có đủ điều kiện thực nghiệm.
Để người đọc hình dung được phần nào các con số mà các nhà nông nghiệp trên thế giới đã thu được, tôi xin dẫn bài vè mà tôi đã viết trong kỳ tôi đi dự Hội chợ nông nghiệp tại Cần thơ năm 2003. Các số liệu này tôi dựa vào quyển Ong mật phục vụ con người của N.P.loiris, do nhà xuất bản MIR Maxcova – Liên xô phát hành và Ông Nguyễn Đình Chính dịch. Nhân đây tôi xin được phép thưa là bài vè này tôi đã đọc trong video clip về chủ đề Ba Liêm truyền nghề Nuôi ong mật năm 2014. Như thế, phải chăng là một sự vô tình lặp đi lặp lại? Thưa không. Đây là sự cố ý của tôi. Vì tôi nghĩ rằng đối tượng mà tôi muốn trao đổi là những người nghèo, ít học, hoặc là những người ở nơi núi rừng hoang vắng ít người lui tới, ít có cơ hội chuyện trò với người khác miền, hơn nữa tôi có thói xấu là nói quá nhanh, e rằng những người ấy nghe không kịp và nếu nghe thí chẳng khác nào “cỡi ngựa xem hoa”- nghe thoảng qua rồi quên mất . Vì vậy chắc có nhiều lần lặp lại nữa, mong các bạn thông cảm bỏ qua cho sự luộm thuộm này. Bài vè ấy là: VÈ NÔNG NGHIỆP.
Nhấn vào đây để về trang: Ba Liêm "luận" về con ong mật
Nhấn vào đây để về trang chính: Ba Liêm nuôi ong mật
Việt Linh: Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, việc làm thủy sản, việc làm nông nghiệp, tuyển dụng, tìm việc, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.