Chủ đề I:
Hướng dẫn cách làm thùng nuôi ong mật (giống nội địa) bằng xi măng
Nhận thấy hiện nay nhiều bà con nuôi ong mật giống nội dịa (nghiệp dư – để tại nhà) đang gặp khó khăn về thùng nuôi ong. Vì cây gỗ ngày càng khan hiếm, giá quá đắt. Thùng thường để ngoài trời mưa nắng, nên chỉ vài năm là mục nát, mối ăn. Lại nữa gần đây, đến mùa có mật nhãn, những người nuôi ong Ý (ong ngoại) đem về quá nhiều, để khắp nơi. Do số lượng quá lớn, lại đem về cùng một lúc, ong thiếu mật, đã đến cướp phá các đàn ong nội địa. Vì nhỏ con, sức yếu, thùng bị hư mục, hở hang, nên bị ong Ý cướp tan hoàng, nhiều người nuôi ong phải trắng tay về nạn này! Vì thế, tôi muốn đem chút kinh nghiệm của mình chỉ dẫn bà con làm thùng nuôi ong bằng xi măng, vừa rẻ tiền, dễ làm, không hư mục lại chống được nạn ong Ý cướp mật.
Vật liệu gồm có: Xi măng + cát và một ít mảnh ván 1cm x 3cm
Cách làm: Trước hết ta lấy các mảnh gỗ đóng thành nhiều khung để đúc các tấm xi măng ráp thùng.
1) Khung thứ nhất: (để ráp 2 miếng thành thùng) khung hình thang; có kích thước bên trong 43cm x 26cm x 25cm.
2) Khung thứ hai: (Để ráp mặt sau) khung hình chữ nhật có cạnh 30cm x 26cm.
3) Khung thứ 3: (Để ráp mặt trước) khung hình chữ nhật có cạnh 30cm x 25cm (Đúc xong cắt ở góc 1 ô chữ nhật để làm cửa ong ra vào)
4) Khung thứ 4: (Để ráp đáy) hình chữ nhật có kích thước 46cm x 31cm.
5) Khung thứ 5: (Để làm nắp) hình chữ nhật có kích thước 48cm x 33cm
6) Khung thứ 6: Làm thanh lợi có kích thước 27cm x 1,5cm.
II. Đúc các tấm xi măng
Trộn xi măng và cát theo tỉ lệ 1 xi măng + 2 cát, trộn đều, phả cho thật bằng mặt, để nhiều ngày cho khô cứng mới ráp (trước khi ráp thùng phải gắn 2 miệng lợi vàovà các tấm sau, trước).
III. Các ráp lại thành thùng
Lấy gỗ ghép một cái hộp hình chữ nhật (hoặc cưa khúc cây hay ráp các cục gạch) có kích thước 29cm x 20cm x 15cm.
Đặt hộp này trên tấm đáy thùng chiều dài nằm theo chiều ngang tấm đáy, chiều cao 20cm và rộng là 15cm, dựng 2 tấm thành trền tấm đáy, và dựa vào hộp này. Tiếp theo dựng 2 tấm trước và sau, cũng để trên mặt đáy và dựa vào đầu 2 tấm thành, lấy một dây cao su đã được cột thành khoanh tròn quàng qua 4 tấm này. Sau khi chỉnh sửa ngay ngắn lấy hồ xi măng đã trộn sẵn tỉ lệ 1 xi măng + 1 cát, dùng cọ quét hồ vào đáy và 4 góc. Khi thấy đã vững, lấy hộp ra và quét lại cho trơn láng. Thế là xong.
Cách làm chân thùng ong:
Chân thùng ong cũng làm bằng xi măng, để khỏi hư mục ngã đổ.
Cách làm như sau:
Cũng lấy xi măng trộn cát tỷ lệ 1 xi măng + 2 cát đúc nhiều khối như hình viên gạch ống nhỏ và các khúc vuông khác có cạnh 1dm và dài 4dm để làm trụ.
Lấy 3 viên gạch đặt châu đầu vào nhau, đổ hồ vào giữa, dựng trụ lên, tô thêm vào chân trụ. Vì 3 ngày sau xi măng cứng, ta lấy 3 viên nhỏ khác cũng đặt châu đầu như vậy, đổ xi măng vào giữa dựng nguyên trụ có gắn 3 viên nhỏ hôm trước và tô thêm xi măng ở chân trụ.
Như thế từ nay ta đã có thùng và chân xi măng dùng mãi mãi khỏi lo tốn tiền mua sắm.
Một điều lợi quan trọng nữa là thùng xi măng có thể chống lại nạn ong Ý cướp mật bằng cách: Khi có ong Ý về, ta cắt một miếng cacton (thùng giấy) đặt trên nắp thùng rồi mới đậy nắp lại để được kín. Cửa ong ra vào ta dùng đất dẻo bịt kín rồi dùng chiếc đũa dùi vài ba lổ nhỏ, ong ta ra vào được còn ong Ý lớn con không ra vào được. Thế là ổn phải không các bạn.
Chúc các bạn thành công!
Tiền Giang, ngày 20 tháng 08 năm 2013. Liêm Bình.
Đôi nét về tác giả
Tôi tên là: HỒ LIÊM – chủ trại ong mật Liêm Bình.
Chuyên nuôi: Ong mật giống nội địa (Apis Cérana), từ những năm 70 của thế kỷ trước.
Địa chỉ: 668 Lý Thường Kiệt, Phường 5, TP.Mỹ Tho, Tỉnh Tiền Giang, Việt Nam
Tôi sinh năm Giáp Tuất, như thế tính theo tuổi ta, năm nay (2013) tôi đã được 80 tuổi – tuổi đời tưởng cũng đã khá nhiều!
Từ năm 1990 đến 2010 tôi về ở 186/8 đường Nguyễn Súy, Phường Tân Quý, Quận Tân Phú, TP.HCM, Việt Nam.
Và từ năm 2010 đến nay tôi về ở Ấp 6, xã Tam Hiệp, Huyện Châu Thành, Tỉnh Tiền Giang, Việt Nam để làm vườn, nuôi ong mật an hưởng tuổi già. (Nhà tôi gần đoạn đường cao tốc TP.HCM – Trung Lương. Từ Tp.HCM về miền tây, vừa qua khỏi đoạn đường cao tốc, đến đoạn nối Thân Cửu Nghĩa – Ngã tư Đồng Tâm, gần đến chợ Bưng, cách vòng xoay Thân Cửu Nghĩa khoảng 1,5km, có một con đường nhựa nhỏ 3m xuyên ngang qua. Nếu từ TP.HCM về thì rẽ trái, theo con đường này vào khoảng 1km là đến nhà tôi).
Kính mời vị nào muốn tìm hiểu gì về cách nuôi và chữa bệnh bằng ONG MẬT (giống nội địa), ghé lại nhà tôi, tôi sẵn sàng tiếp đón và chỉ dẫn tận tường.
Nhiều năm qua, vì tuổi cao sức yếu, tôi muốn an phận tuổi già. Mãi đến gần đây tôi mới mua được cái máy vi tính để đọc báo, nghe nhạc… không phải đi đâu xa và cũng khỏi phải phiền lụy ai. Nào ngờ khi truy cập đến đề tài châm cứu trị bệnh bằng nọc ong, tôi mới thấy nhiều cái hay, cái lạ và cũng lắm cái chướng tai gai mắt, không cho phép tôi – một người đã theo đuổi nghề này trên 40 năm (từ năm 1972) và dùng ONG MẬT, châm cứu trị bệnh.
Nếu còn gì thắc mắc, các bạn hãy liên lạc với tôi qua số điện thoại 01675.942.354 hoặc 0907.615.754 từ 11 giờ đến 13 giờ và từ 18 giờ đến 20 giờ mỗi ngày. Không cần cho biết tên, không cần cho biết địa chỉ, bạn chỉ cần nêu vấn đề và đặt câu hỏi. Tôi sẽ trả lời ngay với những gì tôi biết. Chừng nào còn sống, tôi sẽ luôn luôn ở bên cạnh các bạn.
Thân ái,
Chúc mọi người mạnh khỏe, yêu đời.
Hồ Liêm
Việt Linh: Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, việc làm thủy sản, việc làm nông nghiệp, tuyển dụng, tìm việc, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.