• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Chăn nuôi

Nuôi rắn hổ mang

I. Giống và đặc điểm giống

- Tên gọi:

Tên Việt Nam gọi là rắn hổ mang; Tên Latin là Naja naja; Họ rắn hổ Elapidae; Bộ có vảy Squamata; Nhóm: Bò sát

- Vóc dáng:

Rắn cỡ lớn, đầu không phân biệt với cổ, không có vảy má. Rắn có khả năng bạnh cổ khi bị kích thích, khi đó ở phía trên cổ trông rõ một vòng tròn màu trắng. Rắn hổ mang ở Việt Nam, hai bên vòng tròn thường có giải màu trắng (gọi là gọng kính). Lưng có màu nâu thẫm, nâu đen, vàng lục, hoặc đồng màu hoặc có những dải hoa văn như những vạch ngang đơn hoặc kép sáng màu hơn. Chiều dài cơ thể trung bình 2m hoặc hơn.

- Tập tính sinh hoạt và môi trường sống:

Rắn hổ mang thường sống trong những hang chuột ở đồng ruộng, làng mạc, vườn tược, bờ đê, dưới gốc cây lớn, trong bụi tre… Rắn trưởng thành hoạt động kiếm ăn chủ yếu vào ban đêm, còn rắn non thường kiếm ăn ban ngày.

- Phân bố:

Ở Việt Nam phân bố trên khắp mọi miền đất nước từ Bắc đến Nam. Trên thế giới ở Nam trung Á, Nêpan, Ấn Độ, Xrilanca, Mianma, Trung Quốc, Thái Lan, Lào, Campuchia, Philippin, Malaixia, Inđônêxia…

- Thực trạng và giải pháp:

Số lượng rắn hổ mang hiện nay suy giảm rất nhiều, do bị săn bắt triệt để. Cần có biện pháp bảo vệ như: Cấm săn bắt rắn trong mùa sinh sản từ tháng 3 đến tháng 8 và tổ chức nuôi…

- Giá trị và thị trường:

Rắn hổ mang là nguồn dược liệu quý:

- Mật rắn hổ mang pha rượu uống có tác dụng bổ khỏe và tinh thần sảng khoái, hay dùng để xoa bóp các vết thương tụ máu, nơi có các khớp bị sưng đau… tác dụng tương đương mật gấu.

- Huyết rắn pha với rượu uống có tác dụng bổ khỏe, tinh thần sảng khoái và chữa các bệnh chóng mặt, hoa mắt…

- Nọc độc của rắn dùng làm thuốc tê, thuốc chữa đau các khớp xương, tê thấp…

- Rắn hổ mang cùng với rắn cạp nong, rắn ráo ngâm rượu, thành rượu tam xà chữa bệnh tê thấp và viêm đau khớp xương… Ngoài ra, rắn sống còn là mặt hàng xuất khẩu có giá trị kinh tế cao.

Rắn dễ nuôi, hiệu quả kinh tế cao:

Rắn là động vật hoang dã mới được thuần hóa, sức đề kháng cao, ít dịch bệnh, có khả năng thích ứng với điều kiện nuôi dưỡng. Nuôi rắn có thu nhập cao trong khi việc chăm sóc lại rất đơn giản, bởi rắn là loài rất ít khi bị bệnh, thức ăn của rắn là chuột, cóc… Hơn nữa, rắn chỉ ăn 2 lần trong 1 tuần, mỗi vụ nuôi rắn thịt chỉ kéo dài 5 đến 6 tháng (thường từ tháng 5-11) nên không tốn nhiều thời gian. Nuôi rắn sẽ giúp cho bà con làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương.

Thị trường tiêu thụ phong phú và đa dạng:

Trước đây, nhiều người dân đi bắt rắn hoang dã để bán, không những vi phạm luật, mà hiệu quả kinh tế cũng thấp, đồng thời lại gây nên nạn chuột phá hại mùa màng trên diện rộng. Nhưng, nay nghề nuôi rắn đã làm cho nhiều hộ chuyển sang bắt chuột để bán, làm giảm đáng kể nạn “giặc chuột”.

Hiện nay, thịt rắn đang là món “đặc sản” được các nhà hàng, quán nhậu tiêu thụ rất mạnh. Rắn hổ mang, giá bán khoảng 200 -300 000 đ/kg, có khi hơn, nhất là khi chế biến thành món ăn có thể bán với giá cao hơn nhiều. Chế biến cũng đơn giản: bỏ đầu, vảy, ruột là được. Thịt rắn hổ mang trắng, thơm, ngon và bổ dưỡng…

- Cách phân biệt rắn đực, rắn cái:

Việc phân biệt một con rắn đực với một con rắn cái thật không đơn giản vì chúng có hình dạng và màu sắc gần giống nhau, mặt khác chúng lại có cơ quan sinh sản nằm bên trong cơ thể nên rất khó phân biệt. Thường rắn đực có đuôi dài hơn và phần đầu của đuôi (nơi tiếp giáp với hậu môn) hơi phình ra, trong khi ở con cái thì hơi thắt lại. Kích thước và trọng lượng của rắn đực cũng thường nhỏ hơn rắn cái…

- Rắn đực: Thân thon dài, có 2 cựa dài ở hai bên hậu môn lộ ra ngoài. Vẩy quanh hậu môn nhỏ xếp sít nhau, ấn mạnh tay vào hai bên huyệt thấy cơ quan giao cấu lộ ra.

- Rắn cái: Thân to mập, cựa hai bên hậu môn ngắn, nằm ẩn sâu bên trong. Vẩy quanh hậu môn to, xếp không sít nhau, không thấy có cơ quan giao cấu.

II. Chọn giống và phối giống

1.Chọn giống:

- Căn cứ nguồn gốc: Về khả năng sinh trưởng, phát triển và sinh sản… của thế hệ trước.

- Căn cứ bản thân: Về khả năng sinh trưởng, phát triển và sinh sản… của bản thân cá thể. Chọn những con lớn nhất, lanh lợi, siêng bắt mồi, thân hình dài, màu sắc đẹp, da bóng…

2. Phối giống:

Thông thường rắn sống đơn độc, chỉ đến mùa sinh sản rắn đực và rắn cái mới tìm đến nhau. Rắn động dục và sinh sản theo mùa, thường từ tháng 3-8 âm lịch, rắn nuôi nhốt có thể muộn hơn… Khi động dục, rắn cái, bò tới bò lui tìm chỗ trống chui ra (tìm đực), đồng thời tiết ra chất dịch có mùi đặc trưng để báo hiệu và quyến rũ rắn đực… Đây là thời điểm phối giống thích hợp nhất.

III. Chuồng nuôi

Về chuồng trại, phải xây kiên cố bằng gạch, chia thành từng ô, mỗi ô nuôi 1con/m2. Đảm bảo mát về mùa hè, ấm về mùa đông vì rắn là loài máu lạnh.

Chuồng nuôi thường là hình hộp chữ nhật, có bộ khung bằng gỗ hoặc sắt thép, bốn phía xung quanh là lưới thép, có lỗ nhỏ hơn đầu rắn, cửa ra vào ở mặt trước chuồng và có khoá cẩn thận.

Kích thước chuồng nuôi (0,5-1m x 0,5-1m x 1m), có thể nuôi một con rắn sinh sản hay 1 con rắn thịt từ 3-4 tháng tuổi cho tới lúc bán thịt, thường là 5-6 tháng, hiệu quả kinh tế cao.

IV. Thức ăn và khẩu phần thức ăn

Thức ăn của rắn non chủ yếu là ếch, nhái, cá, tép, sâu bọ, côn trùng… Cứ 3-5 ngày lại cho rắn con ăn một lần. Số lượng thức ăn tăng dần theo tuổi…

Thức ăn của rắn trưởng thành chủ yếu là chuột, cóc, ếch, nhái... Ngoài ra, chúng còn ăn trứng bọ cánh cứng, bướm và các côn trùng khác như sâu, giun, dế…

Rắn có tập tính ăn mồi cử động, muốn rắn ăn mồi không cử động thì phải tập hay dùng que đung đưa mồi thì rắn mới ăn. Rắn bắt mồi bằng cách đớp, ngoạm… Răng cong vào trong và nhờ cấu tạo của xương hàm mở rộng nên có thể nuốt được những con mồi lớn…

Khẩu phần thức ăn: Rắn dưới 6 tháng tuổi, định lượng thức ăn bằng 30% trọng lượng cơ thể/tháng, chia làm 7-10 lần; rắn trên 6 tháng đến 1 năm tuổi, định lượng thức ăn bằng 20% trọng lượng cơ thể/tháng, chia làm 5-6 lần; rắn trên 1 năm tuổi, định lượng thức ăn bằng 10% trọng lượng cơ thể/tháng, chia làm 2-4 lần.

Nước uống: Tốt nhất nên cung cấp đầy đủ nước sạch và mát cho rắn uống và tắm tự do.

V. Chăm sóc nuôi dưỡng:

Rắn đực, rắn cái phải nuôi riêng để tiện theo dõi, quản lý, chăm sóc nuôi dưỡng…

Quá trình sinh trưởng, phát triển phải trải qua những lần lột da. Sự lột da không diễn ra theo một chu kỳ nhất định. Rắn lột da nhằm rũ bỏ lớp da cũ, già cỗi, chật chội, tạo điều kiện cho tế bào mới phát triển tốt hơn. Sắp lột da, rắn không ăn mồi, tính trở nên hung dữ, da chuyển dần sang màu trắng, thích ở chỗ ẩm ướt và yên tĩnh. Lớp da mới mang màu sắc đẹp, mềm bóng, sau 2-3 tuần da rắn trở lại bình thường.

Sau khi lột da nếu được cung cấp thức ăn đầy đủ, chăm sóc nuôi dưỡng tốt, tốc độ tăng trưởng của rắn có thể tăng nhanh hơn 2-3 lần.

Tuổi thành thục sinh dục của rắn hổ mang thường trên hai năm. Thông thường rắn sống đơn độc, chỉ đến mùa sinh sản rắn đực và rắn cái mới tìm đến nhau. Rắn động dục và sinh sản theo mùa, thường từ tháng 3-8 âm lịch, rắn nuôi nhốt có thể muộn hơn… Khi động dục rắn cái bò tới bò lui tìm chỗ trống chui ra (tìm đực), đồng thời tiết ra chất dịch có mùi đặc trưng để báo hiệu và quyến rũ rắn đực.

Trước mùa phối giống 1 tháng cần cho rắn sinh sản ăn no, đủ dinh dưỡng để phối giống và tạo trứng.

Khi chuẩn bị đẻ, con cái bò đi bò lại trong chuồng, tìm chỗ trũng, có rơm, cỏ khô để đẻ. Có thể làm ổ đẻ cho rắn bằng bao xác rắn đựng trấu cài đặt vào một góc chuồng, nơi yên tĩnh, tránh gió lùa…

Rắn hổ mang mang thai hơn hai tháng thì đẻ trứng, thường đẻ 10-20 trứng, có khi hơn, kích thước trứng thường từ 59-62/25-30mm và có hiện tượng con cái canh giữ trứng. Trong tự nhiên, sau khi đẻ hết trứng vào ổ, rắn cái tự cuộn tròn lại trên trứng để ấp, tỷ lệ nở khoảng 40-80%.

Trứng rắn sau khi ấp 55-60 ngày nở ra rắn con. Rắn con tự mổ vỏ trứng chui ra vận động và làm quen với môi trường sống mới. Trứng nào chưa nở, ta hỗ trợ bằng cách xé vỏ trứng dài 1cm, cho rắn con ra. Rắn con mới nở dài 200-350mm, nặng 30-50g và có khả năng bạnh cổ.

Rắn con sau khi nở có thể tự sống 3-5 ngày bằng khối noãn hoàng tích ở trong bụng. Sau thời gian này, bụng rắn con xẹp lại, da nhăn nheo và lột xác đầu tiên.

Thức ăn của rắn non chủ yếu là ếch, nhái, cá, tép, sâu bọ, côn trùng… Cứ 3-5 ngày lại cho rắn con ăn một lần. Số lượng thức ăn tăng dần theo tuổi…

Loài rắn hổ mang hoang dã có đặc tính hung bạo, khi con cái ấp nở thì con đực ở ngoài rình chờ con nở ra ăn thịt. Rắn hổ mang con phải lanh lẹ, khôn ngoan mới có thể thoát khỏi miệng rắn bố.

Trong điều kiện chăn nuôi, ấp trứng nhân tạo, cần kiểm tra trứng vài lần, nếu thấy các quả trứng to đều, trắng, khô ráo, vỏ láng bóng là trứng tốt; những quả quá to hay quá nhỏ, vỏ xỉn vàng… là trứng hỏng phải loại bỏ. Tổ chức ấp trứng nhân tạo đạt được kết quả tốt hơn. Tuy nhiên, khó nhất là nuôi sao cho rắn hổ mang chịu bắt cặp, vì nuôi nhốt trong chuồng trại chúng rất “lười biếng”, ít chịu giao phối.

Trong mỗi chuồng nuôi rắn nên để một máng nước sạch và mát cho rắn uống hoặc tắm (nhất là giai đoạn lột da), đồng thời tăng thêm độ ẩm khi thời tiết hanh khô, vì nếu hanh khô quá rắn chậm lớn và da bị hỏng.

Thường ngày phải dọn sạch phân trong chuồng, số phân hàng ngày thải ra không nhiều, phân khô, ít gây mùi thối.

Định kỳ, 5-7 ngày vệ sinh chuồng trại một lần, lau chùi sạch sẽ những chất thải cho khỏi hôi hám, ruồi nhặng không bu bám đem theo mầm bệnh. Trời nắng nóng thì phun nước tắm rửa cho rắn, trời lạnh và ẩm không cần tắm, chỉ vệ sinh khô, mùa đông cần che chắn xung quanh chuồng cho rắn. Tránh mùi lạ cho rắn… Khi vào chuồng rắn phải luôn đề phòng rắn tấn công…

VI. Công tác thú y

Rắn là động vật hoang dã mới được thuần hóa, sức đề kháng cao, ít dịch bệnh. Tuy nhiên, phòng bệnh tổng hợp là biện pháp phòng bệnh tốt nhất cho rắn: Chăm sóc nuôi dưỡng tốt, ăn uống sạch sẽ, thức ăn đảm bảo thành phần và giá trị dinh dưỡng, chuồng trại luôn sạch sẽ, không lầy lội, không nóng quá, lạnh quá, không có mùi lạ, tránh ruồi nhặng và các loài côn trùng khác gây hại cho rắn. Đặc biệt, khi môi trường sống thay đổi phải chăm sóc nuôi dưỡng thật chu đáo để phòng và chống stress gây hại cho rắn.

Địa chỉ mua bán rắn giống:

- Cơ sở nuôi rắn hổ mang của anh Phạm Hoàng Nam - Quản đốc khu du lịch sinh thái Lâm ngư trường Sông Trẹm (xã Biển Bạc, huyện Thới Bình, tỉnh Kiên Giang).

- Trại nuôi rắn hổ mang của ông Nguyễn Văn Quyết thuộc làng nuôi rắn xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc. ĐT: 0211 838183-838577.

- Trại nuôi rắn hổ mang của ông Nguyễn Văn Bình, Lê Hữu Trung thuộc làng nuôi rắn, thôn Nghĩa Dũng, xã Cẩm Phong, huyện Cẩm Thuỷ, tỉnh Thanh Hoá.

- Trại nuôi rắn của ông Thái Hữu Triều, thuộc làng nuôi rắn, xóm 7, xã Tăng Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An.

- Trại thuỷ sản Thịnh Phát, 14/3, ấp Thới Tây 1, xã Tân Hiệp, huyện Hóc Môn. ĐT: 0909994694 – 0908591810.

- Cơ sở nuôi trăn, rắn ri voi của ông Nguyễn Văn Minh (Năm Minh), 44 ấp khu 3, xã Thạnh Phú, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng ven quốc lộ 1, cách thị xã Sóc Trăng 20km. ĐT: 079.853884.

- Trại nuôi rắn ri voi của ông Võ Văn Đương, thuộc làng nuôi rắn ấp Hòa Bình, xã Nguyễn Văn Thảnh, huyện Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long.

(NNVN, 28/11/2006)


Nuôi rắn hổ mang

" Nuôi rắn hổ mang có hiệu quả kinh tế cao, mà lại không tốn thời gian", đó là nhận xét của anh Lê Hữu Trung, một người nuôi rắn tại thôn Nghĩa Dũng ( Cẩm Phong, Cẩm Thuỷ, Thanh Hoá). Tháng 6/ 2002, anh Trung mua 10 con rắn hổ mang để nuôi, hết 1,9 triệu. Đến tháng 11/ 2002, anh bán được 25kg rắn thịt, với giá 200 nghìn/ kg, thu được 5 triệu, trừ chi phí lãi được 2 triệu. Tuy mới chỉ nuôi thử nghiệm, nhưng đàn rắn đã mang về cho anh bình quân 500 nghìn/ tháng, số tiền đó cao hơn nhiều so với làm ruộng ở quê. Nhận thấy hiệu quả lớn từ nghề này, vào vụ nuôi 2003, anh mạnh dạn đầu tư 4 triệu mua 30 con rắn giống. Anh Trung cho biết: Đến tháng 11 sẽ bán lứa rắn này, dự kiến thu hơn 10 triệu đồng. Như vậy, chỉ sau 5 tháng ( từ tháng 5 đến tháng11), trừ chi phí anh thu lãi được 5 triệu đồng từ nuôi rắn.

Anh Trung cho biết thêm: Nuôi rắn có thu nhập cao trong khi việc chăm sóc lại rất đơn giản, bởi rắn là loài rất ít khi bị bệnh ( từ khi anh nuôi chưa một con rắn nào mắc bệnh ), thức ăn của rắn là chuột và cóc. Hơn nữa, rắn chỉ ăn 2 lần trong 1 tuần, mỗi vụ nuôi lại chỉ kéo dài 5 đến 6 tháng nên không tốn nhiều thời gian. Về chuồng trại, phải xây kiên cố bằng gạch, chia thành từng ô, mỗi ô nuôi một con ( Một chuồng rắn nuôi 30 con của anh Trung chỉ đầu tư hết 800 nghìn ). Và chuồng nuôi phải đảm bảo mát về mùa hè, ấm về mùa đông vì rắn là loài máu lạnh.

Hiện tại, ở Nghĩa Dũng có 10 hộ nuôi rắn, nhà nuôi ít nhất là 16 con và nhiều nhất là anh Nguyễn Văn Bình nuôi 70 con. Theo anh Bình vụ nuôi năm nay sẽ đem về cho anh khoản lợi hơn 20 triệu đồng. " Nhận thấy nuôi rắn có hiệu quả kinh tế cao nên từ năm nay gia đình tôi đã chuyển từ làm ruộng sang nuôi rắn chuyên nghiệp" – anh Bình cho biết thêm. Còn ông Tạ Ngọc Vĩnh, Bí thư chi bộ, kiêm trưởng thôn thì hồ hởi "Nuôi rắn sẽ giúp cho bà con trong thôn làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương".

Trước đây ở Nghĩa Dũng và nhiều thôn khác trong huyện, có rất nhiều người dân đi bắt rắn hoang dã để bán, không những vi phạm luật, mà hiệu quả kinh tế cũng thấp, đồng thời lại gây nên nạn chuột phá hại mùa màng trên diện rộng. Nhưng, nay nghề nuôi rắn đã làm cho nhiều hộ chuyển sang bắt chuột để bán, làm giảm đáng kể nạn "giặc chuột". Tuy nhiên, rắn giống ở Nghĩa Dũng bây giờ vẫn có nguồn gốc tự nhiên, làm cho bà con không dám mở rộng sản xuất vì sợ vi phạm luật. "Chúng tôi cũng đã nhiều lần thử ấp trứng rắn, nhưng do thiếu kĩ thuật và kinh nghiệm nên không thành công" – anh Trung bức xúc tâm sự. Theo anh Trung ở nhiều địa phương nuôi rắn vùng Bắc bộ như: Hải Dương, Hưng Yên... họ vẫn có thể gây giống từ trứng rắn. Vì vậy, nếu được các cơ quan chức năng hỗ trợ về kĩ thuật, mô hình nuôi rắn hổ mang sẽ được mở rộng và phát triển tạo điều kiện làm giàu cho bà con nơi đây. Hơn nữa nguồn rắn hoang dã đang dần cạn kiệt cũng sẽ được bảo vệ.

NÔNG NGHIỆP VIỆT NAM, 05/11/2003 - Số 221

 

Khu nuôi rắn hổ mang giống lớn nhất các tỉnh phía Bắc

Xã Vĩnh Sơn (Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc) có nghề nuôi rắn truyền thống với 850 hộ làm nghề. Năm 2006, xã được Sở KH-CN tỉnh đầu tư xây dựng một khu nuôi rắn hổ mang giống lớn nhất các tỉnh phía Bắc, gồm khu nuôi rắn bố mẹ (qui mô 1.000 con); khu nuôi rắn tuổi 1, tuổi 2, và rắn thương phẩm tuổi 3, khả năng xuất bán từ 3 đến 4 tấn rắn hổ mang giống Naja naja/năm.

SGGP, 16/06/2006

 

 

 

 

[* Xem các video khác]

 

 

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Việt Linh: Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, việc làm thủy sản, việc làm nông nghiệp, tuyển dụng, tìm việc, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang