Nghề đi bắt rắn hoang dã và nuôi rắn ở làng Vĩnh Sơn huyện Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc) đã có từ lâu đời, nên người dân ở tỉnh Vĩnh Phúc coi làng rắn Vĩnh Sơn là Lệ Mật của quê hương mình.
Thời kỳ bao cấp, Vĩnh Sơn đã xây dựng trại nuôi rắn với gần 20 lao động nuôi hàng ngàn con rắn các loại để bán cho Xí nghiệp dược phẩm Vĩnh Phúc SX dược liệu và rượu rắn. Song từ khi bước sang nền kinh tế thị trường trại nuôi rắn Vĩnh Sơn teo dần và nghề nuôi rắn hộ gia đình ở Vĩnh Sơn lại được khôi phục và phát triển. Lúc đầu chỉ có vài hộ nuôi rắn ở trong vườn nhà như gia đình ông Học, ông Tục, ông Ban, bà Son. Nuôi rắn trong vườn nhà ở Vĩnh Sơn vốn đầu tư không lớn nhưng hiệu quả kinh tế cao, vì chuồng nuôi rắn xây bằng gạch, thức ăn cho rắn là cóc, ếch, nhái bắt ở ngoài đồng còn rắn con mua ở trong làng cũng không đắt, nên đã có 850 hộ nuôi rắn ở Vĩnh Sơn, chiếm trên 70% số hộ trong xã Vĩnh Sơn. Nghề nuôi rắn không những góp phần phá thế SX thuần nông ở Vĩnh Sơn và nhiều hộ nông dân ở đây đã giàu lên từ nuôi rắn, số hộ có nguồn thu từ nuôi rắn cũng đạt từ 50 triệu đến 200 triệu đồng/năm.
Chu kỳ nuôi rắn thịt ở Vĩnh Sơn phải mất trên 2 năm rắn mới đạt trọng lượng từ 2 kg trở lên với giá bán từ 200.000-300.000 đ/kg. Bù vào chu kỳ nuôi rắn thịt dài như vậy, song mỗi con rắn mẹ lại đẻ một lứa trứng từ 20-28 quả, sau một thời gian ấp sẽ cho ra đời 20 con rắn con để bán. Thời gian nuôi rắn thịt và rắn sinh sản hộ nuôi rắn phải thường xuyên cho rắn ăn bằng cóc, ếch, nhái nên ở đây đã có chợ bán thức ăn cho hộ nuôi rắn. Trừ những tháng mùa đông rắn ngủ nên không tốn thức ăn. Nuôi rắn cũng giống như nuôi các con vật khác, hộ nuôi rắn phải thường xuyên theo dõi và phát hiện những bệnh ghẻ lở và bệnh phổi làm cho rắn chết dần đến thua lỗ. Bên cạnh việc bán rắn thịt ra, người nuôi rắn Vĩnh Sơn còn chế biến ra những loại rượu tam xà, ngũ xà với nhiều vị thuốc bổ phục vụ cho những khách hàng uống rượu rắn Vĩnh Sơn vừa thơm ngon, vừa tăng cường được thể lực và chữa được bệnh đau lưng, thấp khớp.Bình quân một năm làng rắn Vĩnh Sơn cung cấp cho thị trường gần 40 tấn rắn thịt, đem lại nguồn thu hàng tỷ đồng, chiếm gần 70% nguồn thu nhập của xã Vĩnh Sơn. Những năm vừa qua, giá bán rắn thịt giảm dần, nhưng nghề nuôi rắn ở Vĩnh Sơn vẫn được duy trì. Nguồn rắn thịt ở Vĩnh Sơn chủ yếu bán cho các thương gia ở Lào Cai, Lạng Sơn và Quảng Ninh để bán sang Trung quốc. Rắn ở Vĩnh Sơn đã được Chi cục Kiểm lâm Vĩnh Phúc cấp giấy chứng nhận là rắn nuôi, chứ không phải là rắn hoang dã. Đó là một thuận lợi cho nghề nuôi rắn Vĩnh Sơn, song thị trường tiêu thụ rắn không được thuận buồm xuôi gió. Đấy là điều băn khoăn của người nuôi rắn Vĩnh Sơn. Nghề nuôi rắn ở Vĩnh Sơn cũng lãi nhanh nhưng đây là một nghề nguy hiểm, vì nhiều người nuôi rắn ở đây đã bị rắn cắn nhất là rắn hổ mang.
Theo ông Nguyễn Văn Ban - một người nuôi rắn ở Vĩnh Sơn "Người nuôi rắn khi cho rắn ăn nếu không cẩn thận, rất dễ bị rắn cắn. Nếu bị rắn hổ mang cắn mà không chữa chạy kịp thời sẽ bị tử vong hoặc vết thương bị hoại tử, còn rắn cạp nong, cạp nia cắn thì dễ chữa hơn". Ông Lang Hạ vừa chuyên chữa rắn cắn bằng thuốc đông y ở Vĩnh Sơn cũng khuyến cáo tới các hộ nuôi rắn ở đây là cẩn thận không để cho rắn độc cắn. Nếu bị rắn độc cắn thì thuốc nam không thể chữa khỏi, mà phải đi chữa bằng thuốc tây.Nuôi rắn là nghề truyền thống ở Vĩnh Sơn đã được khôi phục và phát triển khá nhưng việc quy hoạch nuôi rắn và giải quyết đầu ra cho con rắn chưa có, các hộ nuôi rắn tự tìm tòi học tập kinh nghiệm nuôi rắn của nhau và tự lo đầu ra cho con rắn nên hiệu quả nuôi rắn ở Vĩnh Sơn chưa cao.
NNVN, 8/6/2004
Nghề săn rắn may mắn - rủi ro liền kề
Từ giữa tháng 10 đến cuối năm âm lịch, khi tiết trời trở đông hanh lạnh, loài rắn đổ xô về sông, suối, nơi có nguồn nước và thức ăn dồi dào để ẩn mình, lột da, huýt sáo gọi nhau giao phối duy trì nòi giống. Đây cũng chính là lúc những người bắt rắn vào mùa săn bắt.
Người săn rắn chuyên nghiệp không bao giờ đi săn một mình mà rủ nhau đi theo nhóm vài ba người, vừa ngừa rủi ro vừa thuận lợi khi đột nhập trúng ổ hoặc gặp rắn lớn. Trước khi đi, Tư Nghĩa lạnh lùng trấn an nhóm nghiệp dư chúng tôi: “Nhớ đi giữ khoảng cách, đừng thấy rắn hoảng quá bỏ chạy là thiệt thân. Ở đây năm nào cũng có người chết vì rắn hổ chúa”.
Suối Tượng Bang (Suối Kiết, Tánh Linh tỉnh Bình Thuận) được xem là đại bản doanh của các loại rắn vào mùa mưa bởi rừng ở đây khá nhiều lùm bụi. Đang đi, tất cả bỗng dừng lại khi Tư Nghĩa nhanh nhẹn đưa cây sắt lên giật mạnh xuống. Con rắn dài cả thước rưỡi chưa kịp phản ứng đã bị cán móc đè chặt. Bằng động tác hết sức điêu luyện, cổ rắn đã lọt thỏm trong bàn tay to bè của Tư Nghĩa, cái đầu hình tam giác ngo ngoe cựa quậy bất lực. Vuốt dọc thân con rắn hổ, Tư Nghĩa nói như đinh đóng cột: "Con này biết yêu sớm quá nên về chỉ làm thịt hoặc bán rẻ". Theo anh ta, trong bụng rắn ít nhất phải có hơn 10 cái trứng. Loại rắn có chửa bị các chủ vựa chê do thịt hết ngon!
Săn rắn có hội, có phường
Cả Tư Nghĩa lẫn hai cộng sự cũng như hàng trăm nhóm săn rắn khác đều là người làm ruộng, lúc nông nhàn chen nhau vào rừng tranh thủ săn rắn kiếm tiền. Dũng, người đi trong nhóm Tư Nghĩa, tâm sự: “Trong ngày, chỉ cần bắt nửa ký hổ chúa thu nhập đã cao hơn rất nhiều so với công đi cày ruộng”. Nghề bắt rắn tương đối đơn giản, lại kiếm tiền nhanh nên mỗi năm số lượng người gia nhập mùa săn càng tăng. Thử điểm qua giá cả của các loại rắn trên thị trường hiện nay cũng đủ biết: Hổ chúa được xem là có giá nhất, 400.000 – 500.000 đồng/kg; hổ mang, hổ mèo 70.000 – 100.000 đồng/kg; rắn nước 20.000 – 30.000 đồng/kg; riêng rắn lãi (loại chuyên bắt chuột) mùa này thị trường Trung Quốc tiêu thụ mạnh nên qua mặt một số rắn độc khác, giá thu mua từ 120.000 đến 150.000 đồng/kg.
Giá rắn cao nhưng thu nhập người bắt rắn ngày càng giảm. Tư Nghĩa than thở mấy năm trước mỗi ngày anh có thể kiếm được vài ba trăm ngàn đồng, có khi trúng mánh được cả tiền triệu. Bây giờ dân săn rắn quá đông, mỗi ngày chỉ chia nhau được vài chục ngàn, có hôm lùng sục rã giò cũng chẳng tìm được “một con rắn mồng năm”.
Rủi ro theo từng bước chân
Lần theo nhánh suối nhỏ nước đã gần kiệt, Dũng khoát tay ra hiệu và chăm chú nhìn vào đụn cát ngấn bùn. Dấu vết ngoằn ngoèo mới tinh còn in rõ, chứng tỏ có một con rắn vừa trườn mình ngang qua đây. Tư Nghĩa cười khoái trá rồi buông một câu cộc lốc: “Rắn hổ. Đi!".
Khi chúng tôi lên được trên bờ, ba người đàn ông đã bao vây con hổ mang đen rằn ri vào giữa. Con rắn ngóc cái đầu cao non thước, phùng mang phun phì phì, ngoắc đầu qua lại theo hướng nhử của các tay thợ săn. Trông cử chỉ của họ không có gì vội vã nhưng loáng một cái, con rắn cực độc đã nằm gọn trong bao lưới.
Theo những tay thợ săn, mái gầm, hổ mang bành, hổ đất đến các loại bạch xà dện, hổ sơn đen... đều xoay trở khá chậm chạp nên rất dễ bắt. Riêng rắn lãi và hổ chúa thì nhanh đáo để. Hổ chúa có những cú quăng mình rất xa và luôn tấn công phủ đầu để thoát thân. Nọc rắn hổ chúa có thể giết chết một người cao lớn chỉ trong vòng 10 phút. Mỗi mùa săn đều có người "bỏ cuộc chơi" do bị mái gầm hoặc hổ mang bành cắn phải. Với nọc độc của các loài rắn này, nếu bị cắn ít nhất phải tháo khớp xương, chịu tàn tật vĩnh viễn như anh Hiển ở Sông Dinh phải cưa chân đến tận đầu gối...
Hành trang mang theo để ngừa rủi ro của nhóm Tư Nghĩa chỉ là cái lưỡi lam đã gỉ sét, một nhúm hạt dưa chưa rang và mấy cái bông mồng gà khô quắt queo. Nếu chẳng may bị rắn cắn, cách sơ cứu duy nhất của họ là thắt garô phía trên vết cắn, dùng dao lam rạch vết thương, nặn máu ra càng nhiều càng tốt; sau đó nhai hạt dưa và hạt bông mồng gà rịt chặt vào chỗ cắn rồi cõng nạn nhân về. Tư Nghĩa cười buồn: "Còn chẳng may bị hổ chúa cắn thì chỉ có cách gửi gắm lại vợ con để... chờ chết!". Cuối tháng mười năm ngoái, anh T., dân nhập cư từ Thanh Hóa vào Suối Kiết, bắt được con hổ chúa vàng nặng hơn 3 kg. Bỏ vào bao chưa kịp rút tay ra, T. lãnh trọn cú đớp oan nghiệt. Con hổ chúa bán được gần hai triệu đồng chưa đủ mua hòm cho chàng thanh niên xấu số.
Giá rắn - Nguy cơ tuyệt chủng!
Thế nhưng hấp lực của giá tiền hổ chúa luôn làm các tay săn mờ mắt, chưa kể may mắn gặp được cặp hổ chúa “giao đầu" thì dư dả nghêu ngao vài tháng.
Cho tới nay, không ít người lầm tưởng hiện tượng rắn "giao đầu" là chuyện duy trì nòi giống của loài bò sát dài ngoằng này. Thật ra đó chỉ là chuyện bình thường: rắn lớn nuốt rắn bé, song các tay săn rắn đều thừa nhận hiếm khi gặp được. Nếu may mắn mục kích cảnh này, một đứa trẻ nhỏ cũng có thể khống chế dễ dàng cặp rắn lớn vì chúng không thể phản ứng, bởi đã "há miệng mắc quai".
Tư Nghĩa cho biết khi phát hiện chỉ đơn giản dùng dây cột chặt miệng con rắn lớn đang ngậm con nhỏ lại rồi đập đầu đem phơi khô! Nghe đâu có tay thợ săn ở Phan Thanh (Bắc Bình) bán được cặp hổ chúa giao đầu đến 20 triệu đồng! Đây được xem là "vật hên" mà những tay đề đóm, đánh bạc, buôn lậu lùng mua rất dữ để làm bửu bối!?
Chiều về, đội quân bắt rắn tập trung bán hàng tại các đại lý thu mua ở địa phương. Số rắn này sẽ bán đến các nhà hàng đặc sản, các lò ngâm rượu cao cấp và phần lớn theo đường bộ, đường sắt, đường hàng không xuất ngoại sang thị trường Trung Quốc.
Ở Bình Thuận có thể điểm một số đại lý cấp I chuyên thu mua rắn như: Ông S. ở Tánh Linh; ông Tư Q. ở Hàm Thuận Bắc hay ở Đồng Nai khu vực Căn cứ bốn có ông N. khét tiếng trong việc mua bán lẫn "quan hệ". Tất cả các đại lý này đều giống nhau là giàu rất nhanh và luôn tiếp đón những tay săn rắn bằng thuốc lá có cán, cà phê Trung Nguyên thơm phức trước khi phân loại, tính tiền.
Theo lời Thúy, một đại lý thu mua rắn lưu động, thì qua Tết, thị trường Trung Quốc sẽ dội hàng do rắn đã vào mùa sinh sản, thịt mất ngon. Vì thế từ nay đến giáp Tết, mùa săn rắn sẽ rất sôi động và nhộn nhịp.
Với những chiến dịch săn bắt đại trà, cân bằng sinh thái đang bị phá vỡ, loài rắn đang đứng trước nguy cơ không còn... nước mắt để khóc!
Phương Nam (PL-TPHCM) - Web Bình Thuận
Việt Linh: Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, việc làm thủy sản, việc làm nông nghiệp, tuyển dụng, tìm việc, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.