Ở Sóc Trăng, từ quãng năm 2001 đến nay, cái tên "trại rắn Năm Minh" hay "vua rắn Năm Minh" được nhiều người biết đến. Trong cái thời "cúm gia cầm và lở mồm long móng", ông anh rể và đứa em của tôi ở Vị Thanh-Hậu Giang quyết định sẽ chuyển qua nuôi rắn ri voi! Tôi vốn biết ông từ lâu và đã ghé nhiều lần (chủ yếu là để nhậu rắn) nên tự nguyện làm hướng dẫn viên...
Nhập môn
Cả trang trại rắn rộng hơn nửa công đất hiện giờ chỉ một mình ông trông coi vì hai con trai đều đang học đại học. Mới hơn 8 giờ sáng nhưng cuộc trò chuyện của chúng tôi với ông luôn bị gián đoạn vì những cú điện thoại hỏi thăm về rắn giống và kỹ thuật nuôi rắn. Bây giờ đang mùa bầy rắn dưới ao động dục, bắt cặp.
Ông bảo: "Từ rằm tháng 7 đến rằm tháng 8, ngày xưa ông bà mình kêu bằng mùa rắn hội. Những đêm trắng sáng tụi nó bò dọc bờ tường quấn với nhau có nùi, có nùi...". Lũ rắn ri voi chỉ ăn duy nhất những loài cá nào không có vảy. Đàn rắn con sau khi đẻ, ăn cá trê con và nòng nọc, hoặc nhái còn nhỏ.
Bầy rắn nái dưới ao của ông hiện nay khoảng 3.000 con. Ông tính trung bình mỗi con đẻ một lứa 25 con thôi (thực tế có thể lên tới 27-28 con) thì tổng đàn rắn giống sau khi dưỡng, nuôi, trừ rắn con yếu và chết, ông có chắc chắn 80.000 con giống trong tay... vậy mà đến thời điểm này số đơn đặt hàng đã lên tới con số trên 2 triệu. Ông cười... "Nghe điện thoại phần lớn là để từ chối đặt hàng rắn giống là chính...".
Theo ông, một trại rắn, hoặc chỉ là một ao nuôi rắn phải đảm bảo ít nhất 3 điều kiện! Thứ nhất là phải giống với điều kiện tự nhiên, càng nhiều càng tốt. Thứ hai là mực nước trong ao nên chỉ dao động từ 7 đến 1m và phải thả thêm lục bình hoặc trồng thêm rau ngổ chiếm 2/3 diện tích và phải phân bổ đều. Thứ ba là trong khu vực nuôi cần phải có những bờ đất đủ rộng cho đám rắn "diễu hành" lúc cần và trốn lạnh khi nhiệt độ xuống thấp.
Từ 25 độ C xuống tới 20 độ C, nó sẽ bắt đầu vô chu kỳ "ngủ đông", làm biếng hoạt động không ăn. Tới 18 độ C thì chết". Cả 3 anh em chúng tôi mới hiểu thêm được một điều là rắn ri voi còn có chuyện lủi hang, làm bọng trong bờ đất khi trời trở lạnh (tất nhiên là từ những cái hốc, cái hang của lũ cua hoặc lũ chuột làm sẵn, rắn ri voi phát triển ra cho rộng thêm)...
Rắn ri voi cũng rất sợ gió lùa nên những đám rau ngổ, lục bình phân tán đều trong ao hay trên bờ cũng là những chỗ "trốn gió" cho đám rắn và cũng là chỗ tránh nắng. Phải bằng phẳng vì nếu chúng tập trung đông quá chất thải sẽ làm bẩn môi trường, sẽ mắc bệnh ngay, nhất là bệnh về da khiến chúng không lột được.
Ngoài ra, rắn ri voi còn sợ cả nước rỉ từ tường xi-măng mới, kỵ nước giếng có chứa nhiều kim loại như sắt, kẽm. Xây bờ tường, xây ao không chú ý dọn sạch và tẩy rửa kỹ bằng nước phèn chua chỉ cần một đám mưa, bầy rắn lăn ra chết. Hai sát thủ của rắn ri voi là rắn trun và lươn. Khi lươn còn nhỏ thì rắn ri voi ăn lươn, nhưng khi lươn lớn và vô hang thì ngược lại, đặc biệt là lũ rắn con là một món khoái khẩu của lũ lươn.
Bạc tỉ cho người nuôi rắn
Như một nhà "rắn ri voi học"... Năm Minh khẳng định "chỉ có ở khu vực Sóc Trăng và Đồng bằng sông Cửu Long là phù hợp cho con rắn ri voi phát triển". Nghề nuôi rắn thích hợp với điều kiện eo hẹp của người nghèo, theo ông Minh, tỷ lệ tăng trưởng của rắn ri voi theo mức 1- 6 (1kg rắn ri voi cần 6kg thức ăn). 6kg cá tạp mua hết cỡ 40.000đ, 1kg rắn bán trung bình 300.000 đồng sau 6 tháng. 10 con rắn cho 10kg... Ăn đứt nuôi heo và nhàn nhã hơn nhiều.
Buổi học nghề của chúng tôi kết thúc bằng bản tổng kết năm 2005 của ông Năm Minh: "3.000 con rắn sinh sản trong vụ trước, tôi có 70.000 rắn con. Bán 15.000 đồng/con cũng được hơn một tỷ đồng. 5 tấn rắn thương phẩm với giá trung bình 300 ngàn đồng/kg rắn loại 1 (trên 500 gr/con) có thêm 1,5 tỷ đồng. Như vậy là tròm trèm 2 tỷ đồng trên tổng diện tích nuôi rắn của tôi chưa tới 2 công đất. Tiền lãi thì cứ chia 6/4".
Với mức thu nhập như trên, trang trại nuôi rắn ri voi của Năm Minh được xem không có đối thủ ở đất Sóc Trăng. Nói về thị trường tiêu thụ rắn ri voi, ông Năm Minh khẳng định: "Rắn ri voi hiện nay được tiêu thụ mạnh nhất là Trung Quốc. Gần như toàn bộ lượng rắn thương phẩm của tôi đều được các thương lái tận Lạng Sơn vào mua, vận chuyển sang Trung Quốc bán. Họ luôn đặt hàng với số lượng lớn, nhưng mình không đủ nguồn hàng để cung. Bởi vậy, các hộ mua rắn giống của tôi về nuôi, khi muốn bán rắn thịt tôi sẽ thu mua lại với giá thoả thuận".
Ông vốn là một y sĩ từ những năm 1980. Chính từ vốn kiến thức này và qua quá trình nuôi rắn ri voi gần chục năm nay, ông tích cóp kiến thức kha khá về tập tính cũng như quá trình sinh trưởng của loài rắn này. Ông vừa cười vừa nói với ông anh rể của tôi: "Tháng 7, tháng 8 bắt cặp, tới tháng 4 năm sau mới bắt đầu có rắn giống. Nếu các chú muốn nuôi thì hãy về chuẩn bị ao và trại nuôi, giống thì chắc chắn là không có, chỉ có cách là bắt rắn nái về nuôi, sau khi chuồng trại đã chuẩn bị xong".
Niềm tin vào nghề nuôi rắn của chúng tôi càng được củng cố khi trước khi chúng tôi ra về, ông "bật mí" là đang xây dựng 1 trang trại mới ở khu vực Cây Mét-cách đó hơn 1 km với diện tích hơn 5ha vì khu trại này đã nằm trong diện giải tỏa nay mai để xây dựng cầu Nhu Gia.
Chi cục Kiểm lâm Sóc Trăng cũng đã phối hợp với ông để đăng ký chính thức việc cung cấp rằn ri voi thương phẩm ra toàn cầu. Ông dự tính sẽ nuôi thêm những động vật hoang dã đặc thù của đất Nam Bộ như kỳ đà, le le...
Ông Năm Minh hiện có hai người con đang học ở ngành nuôi trồng thuỷ sản của Trường Đại học Cần Thơ. Với sự đầu tư bài bản về sức người, sức của... trại rắn Năm Minh chắc chắn sẽ không dừng lại ở con số lãi bảy - tám trăm triệu hàng năm như hiện nay...
Tienphong - ST, 14/09/2006
Nhấn vào đây để xem tất cả các thông tin kỹ thuật nuôi rắn ri voi
Việt Linh: Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, việc làm thủy sản, việc làm nông nghiệp, tuyển dụng, tìm việc, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.