Nuôi trăn
I. Giống và đặc điểm giống:
Trăn thường sống theo cặp, nơi râm mát, ẩm ướt… ngủ nghỉ ban ngày, ban đêm hoạt động và kiếm ăn. Mùa đông, trăn thường tìm nơi ấm áp để ngủ đông, các mùa khác kiếm ăn, sinh trưởng, phát triển và sinh sản. Thức ăn của trăn bao gồm các loại động vật máu nóng. Trăn có tập tính ăn mồi cử động, bắt mồi bằng cách đớp, ngoạm, rồi cuộn ép con mồi cho đến chết mới nuốt. Răng trăn cong vào trong và nhờ cấu tạo của xương hàm mở rộng nên có thể nuốt được những con mồi lớn. Quá trình sinh trưởng, phát triển phải trải qua những lần lột da. Sự lột da không diễn ra theo một chu kỳ nhất định. Trăn lột da nhằm rũ bỏ lớp da cũ, già cỗi, chật chội, tạo điều kiện cho tế bào mới phát triển tốt hơn. Khi sắp lột da, trăn không ăn mồi, tính trở nên hung dữ, da chuyển từ màu sẫm sang màu trắng, thích chỗ yên tĩnh hay trầm mình trong nước. Lớp da mới mang màu sắc đẹp, mềm bóng. Sau 20 ngày da trăn trở lại bình thường, trăn khỏe và lớn nhanh...
II. Chọn giống:
Căn cứ gia phả: Về khả năng sinh trưởng, phát triển, sinh sản, về thức ăn và chăm sóc nuôi dưỡng… của thế hệ trước.
Căn cứ bản thân: Về khả năng sinh trưởng, phát triển, sinh sản, về thức ăn và chăm sóc nuôi dưỡng… của bản thân cá thể. Chọn những con lớn nhất, lanh lợi, siêng bắt mồi, thân hình dài, màu sắc đẹp, da bóng…
III. Chuồng nuôi:
Chuồng nuôi thường là hình hộp chữ nhật, có bộ khung bằng gỗ hoặc sắt thép, xung quanh là lưới thép, có lỗ nhỏ hơn đầu trăn, cửa ra vào ở mặt trước chuồng và có khoá. Kích thước của chuồng có chiều dài tối thiểu bằng chiều dài tối đa của trăn, chiều rộng và chiều cao có tỷ lệ tương ứng cho phù hợp với sự hoạt động của trăn và việc chăm sóc nuôi dưỡng. Chuồng nuôi cách mặt đất 30-50cm để dễ dàng vệ sinh... Với kích thước chuồng 3m x 1m x 1m, có thể nuôi 10 con trăn từ 1-2 tháng tuổi cho tới lúc bán thịt, thường là 1-2 năm, hiệu quả kinh tế cao. Nếu nuôi lâu hơn, trăn lớn hơn thì tăng thêm kích thước chuồng nuôi. Chuồng nuôi phải có máng nước cho trăn uống.
Cũng có thể rào lưới thép hoặc xây tường xung quanh một khoảng vườn. Trong vườn chia làm 3 phần: Một phần nhà có mái che mưa nắng, nền chuồng láng xi măng dốc từ 4-6 độ, thay cho hang động tự nhiên để trăn trú ngụ, một phần có cây xanh bóng mát, một phần là hồ nước có độ sâu 20-40cm để trăn ngâm mình tắm mát và uống nước.
IV. Thức ăn và khẩu phần ăn:
Thức ăn cho trăn bao gồm các loại động vật máu nóng như chó mèo, gà, vịt, ngan, ngỗng, thỏ, chuột... hoặc thịt gia súc, gia cầm hay phế phụ phẩm giết mổ gia súc, gia cầm, trong đó chuột là mồi trăn thích nhất. Trăn có tập tính ăn mồi cử động, muốn trăn ăn mồi không cử động thì phải tập hay dùng que đung đưa mồi thì trăn mới ăn (đớp).
Khẩu phần thức ăn: Trăn dưới 6 tháng tuổi, định lượng thức ăn bằng 30% trọng lượng cơ thể/tháng, chia làm 7-10 lần; trăn trên 6 tháng đến 1 năm tuổi, định lượng thức ăn bằng 20% trọng lượng cơ thể/tháng, chia làm 5-6 lần; trăn trên 1 năm tuổi, định lượng thức ăn bằng 10% trọng lượng cơ thể/tháng, chia làm 2-4 lần.
Nước uống: Tốt nhất nên cung cấp đầy đủ nước sạch và mát cho trăn tắm và uống tự do.
V. Chăm sóc nuôi dưỡng:
Trăn đực, trăn cái phải nuôi riêng để tiện theo dõi, quản lý, chăm sóc nuôi dưỡng…
Quá trình sinh trưởng, phát triển phải trải qua những lần lột da. Sau khi lột da nếu được cung cấp thức ăn đầy đủ, chăm sóc nuôi dưỡng tốt, tốc độ tăng trưởng của trăn có thể tăng nhanh hơn 2-3 lần.
Tuổi thành thục sinh dục của trăn trên hai năm. Trăn động dục theo mùa, thường từ tháng 3-8 âm lịch, trăn nuôi nhốt có thể muộn hơn… Khi động dục, trăn cái, bò tới bò lui tìm chỗ trống chui ra tìm đực, đồng thời tiết ra chất dịch có mùi đặc trưng để báo hiệu và quyến rũ trăn đực. Đây là thời điểm phối giống thích hợp, cho trăn đực và trăn vào chung một chuồng, chúng sẽ quấn quýt, xoắn chặt với nhau và giao phối 2-3 giờ liền.
Trăn mang thai trên 3 tháng thì đẻ trứng. Trước khi trăn đẻ, phải chuẩn bị ổ đẻ (bằng rơm rạ, vải vụn…), chuồng nuôi phải sạch sẽ, yên tĩnh, tránh mùi lạ... Trăn đẻ 10-100 trứng, trăn lớn đẻ nhiều, trăn nhỏ đẻ ít nhưng kích thước và trọng lượng quả trứng thường tương đương nhau, trung bình mỗi trứng nặng 100-130g, thời gian đẻ kéo dài một vài giờ đến một vài ngày.
Đẻ xong, trăn cái khoanh tròn thành ổ, đầu ngóc lên chính giữa vừa ấp trứng vừa quan sát trong suốt thời gian ấp. Trong thời gian ấp, cho trăn ăn từ từ, không cho ăn nhiều một lúc, thức ăn dồn cục khó tiêu.
Trứng được ấp liên tục 60 ngày thì nở, tỷ lệ nở 40-80%. Khi trứng đến thời kỳ nở, chúng ta có thể lấy ra cho vào khay nở tự tạo. Khay nở tự tạo có nhiệt độ tương đương với nhiệt độ của ổ ấp để trứng tiếp tục nở. Khi nở, trăn con dùng đầu và thân tách khỏi vỏ trứng chui ra. Trứng chưa nở không nên xé vỏ, xé vỏ sớm trăn nở ra khó nuôi.
Trăn con mới nở có trọng lượng trung bình 100g, dài 40-60cm. Sau khi ra khỏi vỏ trứng, trăn con bắt đầu vận động và làm quen với môi trường sống mới. Sau khi nở 10-15 ngày có thể cho trăn con ăn hỗn hợp thức ăn xay nhuyễn (thịt heo, bò, vịt, gà, cá, các loại khoảng 100g, 25g sữa, một quả trứng và sinh tố (nếu có), bơm vào miệng cho trăn (đầu bơm phải gắn ống cao su mềm), mỗi ngày vài ba lần. Trên 10 ngày tuổi có thể băm nhỏ mồi rồi dùng tay đút cho trăn ăn. Khi cho trăn ăn, một tay nắm phần cổ lần lần tới phần đầu, bóp nhẹ cho hàm răng trăn con mở ra, tay kia cầm thức ăn đưa vào miệng giữ yên một lúc, khi trăn con há miệng lần nữa thì tiếp tục đẩy thức ăn vào thật sâu để trăn con không nhả thức ăn ra. Sau 1 tháng trăn bắt đầu tập săn mồi nhỏ như ếch, nhái, chuột con… Nếu được chăm sóc nuôi dưỡng tốt, ăn uống đầy đủ, một năm trăn có thể đạt chiều dài 2-2,5m, nặng 5-10kg. Tuổi thọ trung bình của trăn 15-20 năm.
Trong mỗi chuồng nuôi trăn nên để một máng nước sạch và mát cho trăn uống, đồng thời tăng thêm độ ẩm khi thời tiết hanh khô, vì nếu hanh khô quá trăn chậm lớn và da bị hỏng.
Ðịnh kỳ 5-7 ngày vệ sinh chuồng trại một lần, lau chùi sạch sẽ những chất thải cho khỏi hôi hám, ruồi nhặng không bu bám đem theo mầm bệnh. Trời ấm thì phun nước tắm rửa cho trăn, cọ chuồng sạch sẽ, trời lạnh và ẩm không nên tắm cho trăn, chỉ vệ sinh khô, mùa đông cần che chắn xung quanh chuồng cho trăn ấm.
Có thể dùng xà bông để vệ sinh chuồng trại nhưng phải xả lại nhiều lần bằng nước sạch để không còn mùi lạ. Nếu nuôi thả trong vườn thì phải dọn dẹp lá cây khô, cỏ dại thường xuyên. Khi vào chuồng trăn phải luôn đề phòng trăn tấn công…
VI. Công tác thú y:
Trăn là động vật hoang dã mới được thuần hóa, sức đề kháng cao, ít dịch bệnh. Tuy nhiên, trăn cũng thường bị một số bệnh như:
- Viêm tấy hàm răng: Mới đầu thấy răng đen, có rỉ, viêm tấy nhỏ màu đỏ, sau chuyển thành màu trắng, có mủ, rụng răng, hàm sưng không ăn được rồi chết. Dùng thuốc tím rửa chỗ sưng tấy và chích kháng sinh tổng hợp như Ampicyline, Tetracyline hoặc (Peniciline + Streptomycin)…
- Sưng phổi: Trăn biếng ăn, bỏ ăn rồi chết. Điều trị bằng kháng sinh tổng hợp.
- Táo bón: Dùng thuốc tẩy dạng dầu bơm vào lỗ huyệt, có khi phải dùng ngón tay móc phân cục ra. Cho ăn thức ăn nhuận tràng…
- Viêm cơ dưới da: Dưới lớp da nổi những mụn nước nhỏ bằng hạt ngô, hạt đậu, trăn biếng ăn, không ăn rồi chết. Dùng thuốc tím rửa chỗ sưng tấy và chích kháng sinh tổng hợp…
- Ký sinh trùng đường ruột: Trăn còi cọc, chậm lớn, trong phân có ấu trùng giun, sán. Đây là bệnh phổ biến gây tác hại nhiều, nguyên nhân do cho ăn uống không hợp vệ sinh. Dùng thuốc xổ sán lãi cho trăn uống.
- Ký sinh trùng ngoài da: Ve (bét) bám trên da hút máu và truyền bệnh cho trăn. Dùng thuốc sát trùng chuồng trại sạch sẽ.
- Chấn thương cơ học: Chấn thương nhỏ thì bôi thuốc sát trùng, chấn thương lớn phải khâu, da trăn có khả năng tái sinh nhanh sẽ chóng lành.
Phòng bệnh tổng hợp là biện pháp phòng bệnh tốt nhất cho trăn: Chăm sóc nuôi dưỡng tốt, ăn uống sạch sẽ, thức ăn đảm bảo thành phần và giá trị dinh dưỡng, chuồng trại luôn sạch sẽ, không lầy lội, không nóng quá, lạnh quá, không có mùi lạ, tránh ruồi nhặng và các loài côn trùng khác gây hại cho trăn. Đặc biệt, khi môi trường sống thay đổi phải chăm sóc nuôi dưỡng thật chu đáo để phòng và chống stress gây hại cho trăn.
Báo Nông nghiệp (12/10/2006)
Kinh nghiệm nuôi trăn
Anh Nguyễn Sơn - chủ cơ sở nuôi trăn ở số 7/9 đường DT 743, ấp Bình Quới, xã Bình Chuẩn, huyện Thuận An, Bình Dương - nhiều năm qua thường có những đơn đặt hàng mua da trăn xuất khẩu sang các nước Á - Âu. Trại trăn của anh hiện nuôi gần 1.500 con trăn đủ cỡ loại. Trong số đó, có 200 con trăn đang đẻ, 50 con trăn giống.
Anh cho biết, giống trăn đất lớn con, dễ nuôi và đẻ sai. Trăn gấm có giá trị hơn trăn đất vì dễ xuất khẩu. Nhiều chuồng được xây chồng lên nhau để tiết kiệm diện tích trại. Anh chia sẻ: "Nuôi trăn phải nhớ 5 điều: Trăn đực và trăn cái phải nhốt riêng; trăn nuôi chung phải cùng lứa để không cắn nhau; trăn cái đã phối giống phải nhốt riêng để trăn ấp trứng; tuyệt đối không được thiếu nước uống cho trăn; thường xuyên tắm trăn hàng ngày. Mỗi tháng cho trăn ăn từ hai, đến ba lần. Lượng thức ăn cho trăn phải tương xứng với trọng lượng từng con (bằng 2/10 trọng lượng trăn)".
Người nuôi trăn nên lưu ý mỗi khi đưa tay vào chuồng bắt trăn: Tay phải rửa sạch sẽ không còn dính hơi thức ăn để chúng không cắn. Trăn cái rất dữ, lúc động dục chúng thường bò tới bò lui khắp chuồng. Lúc này phải thả trăn đực vào chuồng ngay để phối giống và bốn ngày sau mới bắt trăn đực ra nuôi riêng. Thời gian trăn cái ấp trứng từ ngày đẻ đến ngày trứng nở từ 55 - 60 ngày. Khi trứng trăn sắp nở, vòng ấp ổ trứng của trăn mẹ ngày càng được nới lỏng ra và lúc này ta phải đem ổ trứng ra khỏi chuồng trăn mẹ. Trăn con khẻ mỏ chui ra vỏ trứng và trong chuồng nuôi trăn con phải có bóng đèn tròn sưởi ấm cho chúng. Trăn con bắt đầu biết ăn khi lột da lần đầu, có nghĩa là gần nửa tháng sau khi nở, trăn con mới bắt đầu ăn.
Trại trăn của anh còn cung cấp trăn giống cho các cơ sở nuôi trăn trong cả nước. Ngoài da trăn (chiều dài trên 1 mét) được xuất khẩu sang Trung Quốc, Nhật, Đài Loan, Hồng Kông và Ý, trại trăn anh Sơn còn sản xuất những sản phẩm như mỡ trăn, mật trăn và cao trăn. Anh Nguyễn Sơn mong muốn mở rộng mặt bằng trại nuôi trăn và trang bị thêm những thiết bị cần thiết để tăng sản lượng da trăn sơ chế dành cho xuất khẩu.
Mỹ Phương - Báo Đồng Nai, 20/07/2010
Nuôi trăn làm giàu
Khởi nghiệp nuôi trăn từ năm 1992, đến nay anh Nguyễn Văn Lâm ở ấp Đông Thạnh, xã Thành An (Mỏ Cày, Bến Tre) đã có hơn 15 năm kinh nghiệm nuôi trăn. Trong những năm gần đây và hiện nay, mỗi năm anh thu về hơn 100 triệu đồng.
Anh Lâm cho biết: “Nuôi trăn không khó, mua trăn con về nuôi phải chọn con có trọng lượng ít nhất 120 g. Không nên cho trăn ăn quá nhiều, ví dụ con trăn 10 kg thì ăn 1,5 kg mồi, sau 3 ngày cho ăn trở lại. Chuồng trại phải làm kỹ, khóa cẩn thận để trăn không thoát ra ngoài. Không nên cho trẻ em đến gần trăn. Trăn con 120 g nuôi sau 1 năm được 15 kg là đạt yêu cầu”. Để có nguồn thức ăn ổn định cho trăn, anh Lâm đã liên hệ với 15 cơ sở ấp gà vịt, lò mổ heo, các hộ chuyên sản xuất heo con để mua heo con ngộp chết, gà, vịt con ấp không đạt. Anh còn thay đổi khẩu vị cho trăn bằng chuột.
Theo VŨ HOÀNG - KHPT, 11/07/2008
Chăm sóc trăn đẻ
Phân biệt trăn đực-cái: Trăn cái trông mập mạp, cựa 2 bên hậu môn ngắn, thụt vào trong hốc, khi ấn tay cơ quan giao cấu không lộ ra ngoài; ngược lại, trăn đực có thân mình thon dài, cựa 2 bên hậu môn dài, lộ khá rõ ra ngoài, khi ấn tay vào 2 bên thì cơ quan giao cấu lộ ra ngoài, có thể quan sát được dễ dàng.
- Thường trăn giao phối vào tháng 4-9 (miền Bắc) và 10-12 (miền Nam). Sau khi giao phối khoảng 10 tuần thì trăn cái đẻ. Số lượng trứng mỗi lần đẻ 20-60 quả, kích thước trung bình 7-10cm.
- Sau khi đẻ, trăn cái dùng đuôi vun trứng thành đống rồi cuốn lấy ổ trứng và ấp trong 10 tuần thì trứng nở. Khi nở, trăn con thò đầu ra ngoài trứng qua lỗ nhỏ, khi có tiếng động thì thụt đầu vào. Trăn con thập thò như vậy khoảng 2-3 ngày thì chui hẳn ra ngoài.
Cần giúp đỡ cho trăn con khi ăn, cho đến khi trăn con được đầy tháng tuổi, cho ăn 4-5 lần/tháng.
Trong quá trình nuôi, trăn con có thể mắc bệnh táo bón vào thời kỳ 1-3 tháng tuổi. Trăn ăn nhưng không bài tiết được, phần cuối ống ruột phồng lên, phân khô cứng nằm chặn ở hậu môn, để lâu trăn có thể bị chết. Để phòng trị bệnh, chú ý cho trăn uống nước đầy đủ, thỉnh thoảng thay đổi thức ăn cho trăn. Khi bị táo, dùng kẹp sắt gắp phân ở hậu môn bỏ ra ngoài rồi dùng tay khẽ vuốt lên bụng trăn để dồn phân xuống phía dưới.
NTNN, 19/10/2005
Việt Linh: Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, việc làm thủy sản, việc làm nông nghiệp, tuyển dụng, tìm việc, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.