Chim trĩ là loài chim quí hiếm, được một số nông dân miền núi và vùng Đông Nam bộ nuôi nhiều trong vài ba năm trở lại đây. Trong lúc nhiều mặt hàng nông sản khác tiêu thụ bấp bênh thì chim trĩ luôn cho hiệu quả kinh tế ổn định ở mức cao. Hiện tại, một số nông dân vùng đồng bằng sông Cửu Long đã chú trọng đầu tư nuôi giống chim này.
Chim trĩ thích nghi tốt ở nhiều điều kiện địa hình và vùng khí hậu. Việc làm chuồng trại nuôi chim trĩ khá đơn giản. Tùy mục đích, quy mô sản xuất bà con có thể lựa chọn cách thiết kế chuồng sao cho phù hợp nhất với điều kiện sẵn có mà vẫn đảm bảo được yếu tố kỹ thuật trong việc quản lý và chăm sóc chim. Nền chuồng nên rải trấu hoặc mạt cưa với độ dày 5–8 cm, có khu đổ cát để chim tắm cát. Điều quan trọng là chuồng phải có lưới quây để cho chim khỏi bay đi.
Chim trĩ nuôi bình quân 8 tháng tuổi là có thể đẻ trứng. Thời gian đẻ thường từ đầu tháng 1 âm lịch đến khoảng tháng 4 âm lịch. Bình quân mỗi năm 1 chim mái có thể đẻ từ 68 - 80 trứng. Chim trĩ trong tự nhiên không tự ấp trứng mà thường đẻ nhờ vào tổ chim khác. Vì vậy khi đưa vào nuôi trong môi trường nhân tạo, người nuôi thường dùng tác nhân phụ để ấp trứng cho chim như cho ấp chung với gà hoặc ấp bằng máy ấp trứng. Việc ấp nở chim trĩ dễ dàng như ấp gà, vịt nên khả năng nhân rộng tổng đàn chim trĩ của các hộ nuôi là không mấy khó.
Với hiệu quả kinh tế khá cao, ngoài tiêu thụ như đặc sản tại các nhà hàng lớn, nhứt là khu vực thành phố Hồ Chí Minh, thì chim trĩ còn là đối tượng chim cảnh được nhiều người yêu thích. Việc nhân nuôi chim trĩ là hướng chọn lựa nhiểu triển vọng. Song để đảm bảo hiệu quả đầu tư, bà con nông dân cũng nên tham khảo, nắm vững kỹ thuật nuôi cũng như tìm hiểu các qui định của Nhà nước về nhân nuôi động vật hoang dã, để việc sản xuất kinh doanh chim trĩ thuận lợi hơn sau này.
Tiến Triển, VTV Cần Thơ, 08/02/2014
Là một cán bộ từng tham gia kháng chiến, rồi làm việc trong ngành giáo dục suốt 40 năm, về hưu, ông Văn Công Linh, ngụ ở phường Xuân An, thành phố Phan Thiết (tỉnh Bình Thuận), suy nghĩ tìm cho mình một công việc phù hợp. Với sự hỗ trợ từ internet, ông đã tìm đến với nghề nuôi chim trĩ.
Đó là loài chim đẹp, đầu có mào lông, lông đuôi dài, nhiều màu sắc. Có giống bộ lông màu hung đỏ, gọi là chim trĩ đỏ; có giống bộ lông màu xanh mướt như công, gọi là chim trĩ xanh. Ông cũng đã tìm hiểu nguồn thực phẩm bổ dưỡng từ trứng và thịt chim trĩ. Trứng và thịt chim trĩ rất tốt cho sức khỏe mọi người, nhất là đối với những cháu bé suy dinh dưỡng, những thai phụ, những người sau giai đoạn điều trị bệnh. Thịt chim trĩ lại rất ngon. Ông đã vào Vũng Tàu để tìm hiểu kỹ, mua trứng, mua chim giống. Ông cho xây dựng các dãy chuồng theo cách mà những trang trại nuôi chim ở Vũng Tàu, đã xây. Mỗi chuồng ông nuôi một bộ chim, gồm 1 chim trống và 3 chim mái, thử nghiệm.
Ông nuôi lứa chim đầu tiên từ năm 2015 ở trại chim trĩ Nguyên Khôi, hẻm 277 Hải Thượng Lãn Ông, phường Phú Tài, TP. Phan Thiết.
Thành công bước đầu
Lồng ấp trứng đã mua không giúp ông ấp trứng chim trĩ thành công. Ông đã suy nghĩ, mày mò, tìm cách tự chế tạo thùng ấp trứng.
Ông dùng thùng xốp loại lớn, gắn đèn bóng tròn, cùng với nhiệt kế để đo được độ nóng của thùng ấp (thường từ 35 - 370C). Để bảo đảm 24 ngày ấp một lứa 100 trứng, thùng xốp do ông tự làm còn có đèn báo hiệu gắn bên ngoài báo nhiệt độ trong thùng ấp, để ông khỏi phải mở thùng ra trong suốt thời gian ấp. Tỷ lệ nở đạt từ 80% trở lên.
Thức ăn được ông chuyển đến máng ăn cho chim 2 lần trong ngày để đảm bảo thức ăn được khô, sạch.
Chim trĩ con mới nở, ông phải chăm sóc riêng 4 tuần để chim thật cứng cáp, trong thùng xốp thứ hai, với nhiệt độ phù hợp.
Chim trĩ tơ, năm thứ nhất đẻ khoảng từ 120 đến 150 trứng/năm. Năm thứ hai, đẻ từ 100 đến 120 trứng. Giá trứng và chim trĩ làm giống hiện nay đã thay đổi nhiều so với trước đây. Trứng để ấp giá 20.000 đồng/trứng. Trứng dùng để ăn giá 15.000 đồng/trứng. Chim giống 1 tháng tuổi, giá khoảng 120.000 đồng/con. Chim trĩ giống đã nuôi từ 6 - 7 tháng chuẩn bị đẻ: chim xanh giá 600.000 đồng/con; chim đỏ giá 500.000 đồng/con. Chim trĩ đang sinh sản: chim xanh giá 900.000 đồng/con; chim đỏ giá 700.000 đồng/con. Chim nuôi lấy thịt: Giá 300.000 đồng/kg (với trọng lượng chim từ 1,5 - 1,7 kg/con).
Việc tiêu thụ trứng và chim trĩ giống của trại chim trĩ Nguyên Khôi rất nhanh. Với giá trị dinh dưỡng cao của trứng, rất tốt cho sức khỏe, trứng được tiêu thụ phần lớn trong ngày, trong tuần.
Còn chim giống, trại Nguyên Khôi cung cấp cho các huyện, thị trong tỉnh, nhất là ở các huyện Hàm Thuận Nam, Hàm Thuận Bắc, Phú Quý. Chim giống được cho vào các thùng giấy lớn, có lỗ thông gió, vận chuyển đi các nơi, mà hoàn toàn không dùng lồng sắt. Vì nếu vận chuyển bằng lồng sắt, chim dễ bị thương, xây xát.
Hướng tới của cơ sở
Điều quan tâm lớn của chủ trại chim trĩ Nguyên Khôi đó là tiêu thụ chim thịt. Sau 2 năm đẻ trứng, chim trĩ cần được đưa ra thị trường, làm thực phẩm. Đã có nhà hàng đề nghị hợp tác với trại để ký hợp đồng tiêu thụ chim thịt. Ông Linh còn đang tính toán các bước phù hợp cho hợp đồng này, phù hợp với quy mô của trại. Với việc nuôi chim trĩ, ông Văn Công Linh đã có những thành công bước đầu. Phần thu nhập từ trang trại góp phần làm cuộc sống gia đình ông khá hơn.
Ông Linh đang có kế hoạch mở rộng chuồng trại, tăng số chim trĩ nuôi, tiêu thụ chim thương phẩm, liên kết với các trang trại ở các tỉnh bạn, huyện bạn để bổ sung nguồn chim giống…
Dương Thế Thuật - Báo Bình Thuận, 28/09/2018
Chúng tôi rất ấn tượng khi đến tham quan trang trại nuôi chim trĩ lớn nhất tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu của anh Phan Minh Châu (36 tuổi), ở tổ 2, thôn Sơn Hòa, xã Xuân Sơn (H. Châu Đức, T. Bà Rịa Vũng Tàu) bởi tận mắt thấy hàng trăm con chim trĩ đang sinh sống trong những dãy lồng. Trao đổi với chúng tôi, anh Châu cho hay, vào ngày 15/7/2009, anh đã phải lặn lội đến H. Gò Công Đông (T. Tiền Giang) mua 15 con chim trĩ 1 kg/con (5 trống và 10 mái). Đến nay anh đã bán được 200 triệu đồng mà đàn chim trĩ vẫn còn hơn 150 con.
Chuồng nuôi chim trĩ được anh Châu chia thành nhiều ô khác nhau để tiện cho công tác quản lý và theo dõi bệnh tật cũng như quá trình sinh trưởng và phát triển của chúng: rộng 3,5 m x dài 6 m x cao 2,5 - 2,8 m, được chia làm 7 ô, mỗi ô nuôi 1 con trống và 2 con mái. Tường vây có thể xây hoặc dùng lưới B40, lưới mắt cáo. Trên mái lợp sử dụng các loại tấm lợp fibro xi măng hoặc vật liệu rẻ tiền sẵn có tại địa phương, miễn sao đảm bảo chim không thoát ra ngoài.
Chim trĩ là loài chim sinh sản nhanh nhưng không có khả năng ấp trứng, nếu nuôi nhiều phải mua máy ấp trứng. Mỗi năm chim trĩ đẻ khoảng 90 trứng, nhiệt độ ấp trứng là 37,5 độ, ngoài ra phải phun nước nhiều vào những ngày gần nở. Trứng chim trĩ ấp 25 ngày là nở. Với chim non từ 1 - 3 ngày tuổi gần như không cho ăn mà chỉ cho uống colitera: nuôi, úm trong chuồng lưới mắt cáo hoặc rải trấu, hạn chế tiếp đất, nuôi ở nơi kín gió và đảm bảo tốt nhất về công tác vệ sinh và cách ly phòng ngừa bệnh dịch. Chim non nuôi 8 tháng sau sẻ sinh sản. Thức ăn chủ yếu là bắp, lúa hoặc cám gà, ngoài ra phải bổ sung rau, giá và các loại côn trùng. Đặc biệt, phải tiêm vaccin phòng bệnh. Ngoài ra chim thường mắc các bệnh hô hấp, tiêu chảy, đỏ mắt và gumboro, tất cả rất đơn giản, chỉ cần mua thuốc cho uống là khỏi. Thường xuyên vệ sinh chuồng trại định kỳ 2 - 3 lần/tuần. Phun thuốc khử trùng định kỳ...”, anh Châu chia sẻ.
Khoa học phổ thông, 14/04/2013
Mô hình nông trại “Vườn chim Việt” của anh Trần Nhữ Giáp ở xóm Đòng, xã Nhân Thịnh, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam.
Hàng trăm cá thể được anh nhân ra theo từng ô chuồng để nuôi công, trĩ đỏ, vẹt, gà lôi, vịt uyên ương và rất nhiều loài mới được đưa từ nước ngoài về.
Riêng về trĩ đỏ, anh có hàng trăm con. Mỗi ô chuồng, anh nuôi 30-40 con. Đàn trĩ mượt mà, lông sặc sỡ, trông rất thích. Nhưng nó đâu chỉ để ngắm hoặc làm cảnh. Nhiều nhà hàng cao cấp ở Hà Nội thường xuyên gọi điện xuống để mua trĩ về làm thịt cho khách. Giá thịt trĩ đâu có rẻ, khoảng 300.000 đồng/kg. Thế mà những con trống có thể nặng từ 1,5-2kg/con. Bạn thử tính xem, nếu ta nuôi 100 con trĩ đỏ trên diện tích chuồng khoảng 50m2, ta có thể thu được một khoản tiền bằng canh tác cả... hecta! Rõ ràng, đây là một hướng làm ăn không thể coi thường được.
Trĩ có con trống, con mái. Lúc nhỏ, ta khó phân biệt. Nhưng đến khi được 2-3 tháng tuổi thì trống, mái rất khác nhau. Con trống thường lớn hơn và có màu lông sặc sỡ. Trên cổ của nó xuất hiện một vòng lông cổ màu trắng (nên nó còn được gọi là trĩ đỏ khoang cổ trắng). Còn con mái thì nhỏ hơn và màu lông xỉn hơn. Con trống có thể nặng từ 1,5-2kg và đuôi dài từ 0,4-0,6m. trong lúc con mái chỉ nặng khoảng 0,7-1,3kg và đuôi ngắn.
Nên mua trĩ tại các cơ sở có uy tín và có kinh nghiệm nuôi. Đặc biệt, tránh mua phải các cặp trĩ đồng huyết. Cũng không nên mua con giống còn quá nhỏ. Ta nên mua loại đã được 3-5 tháng tuổi hoặc chim hậu bị.
Chỗ nuôi có thể tận dụng các nhà kho, các chuồng nuôi gà, vịt hoặc làm mới. Ta phải đảm bảo chuồng luôn sạch sẽ, thoáng mát nhưng kín đáo. Phía trên trần phải có lưới che để tránh chim bay đi mất. Xung quanh có thể ngăn bằng lưới B40, lưới mắt cáo, hoặc tre, nứa. Dưới nền, khi nhỏ ta lót rơm khô, lúc lớn ta đổ cát vàng. Chim rất thích tắm cát và đẻ trứng ngay trên cát. Nó không biết ấp. Ta thả trứng và đưa cho gà hoặc máy ấp hộ.
Mật độ thả chim tùy thuộc vào lứa tuổi. Dưới 30 ngày tuổi thả 15-40 con/m2; khi 30-60 ngày tuổi thả 6-12 con/m2, lúc được 2-3 tháng ta thả 2-4 con/m2. Còn khi đã từ 3 tháng tuổi trở lên ta thả 1-2 con/m2.
Ta nên chia thành nhiều ô để nuôi. Với cỡ chuồng rộng 3,5m, dài 6m, cao 2,5-2,8m ta có thể nuôi 20-25 cá thể bố mẹ hoặc 30-40 cá thể chim hậu bị.
Nên đảm bảo tỷ lệ thả là 1 trống + 3 mái. Ta gác 1 số cây ngang để chúng nhảy lên đỗ (giống như gà).
Thức ăn của chim giống như gà, gồm cám, thóc, rau xanh. Với các lứa tuổi, ta chọn thức ăn của gà cùng lứa tuổi để cho chim ăn. Nuôi khoảng 8 tháng thì chim bắt đầu đẻ trứng. Mỗi con có thể đẻ 60-80 trứng/năm. Ta thu và đem đi ấp.
Ta tiến hành phòng và chữa bệnh cho trĩ đỏ như đối với gà nhưng liều lượng thuốc nên gấp đôi.
Phải đề phòng tránh chó, mèo, chuột và các loại côn trùng gây bệnh. Phải tránh gió lùa, mưa tạt và làm vệ sinh thường xuyên.
Nguyễn Lân Hùng - Dân Việt, 04/02/2012
Việt Linh: Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, việc làm thủy sản, việc làm nông nghiệp, tuyển dụng, tìm việc, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.