• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Chăn nuôi

Kinh nghiệm nuôi vịt đẻ chạy đồng

Ở ĐBSCL không xa lạ với nghề nuôi vịt đẻ chạy đồng. Sau các vụ lúa đông xuân và hè thu, trên những cánh đồng ở miền Tây vừa thu hoạch lúa xong có nhiều đàn vịt đến để tận dụng nhặt hạt thóc còn sót lại, ăn cua ốc, cải tạo độ phì nhiêu của đất. Nghề nuôi vịt đẻ chạy đồng vất vả, người nuôi phải chịu cảnh ăn bờ, ngủ bụi, lăn lóc gió mưa sương nắng, thường chỉ có cái chòi tạm với vài tấm bạt vài trăm mét lưới là dựng chuồng. Có chuyến chạy đồng phải xa nhà vài tháng, thường người có sức khỏe lực lưỡng mới kham nổi nghề này... Nhưng bù lại, nếu người nuôi chăm sóc tốt, áp dụng đúng qui trình kỹ thuật, sau một vụ chạy đồng 3 – 4 tháng, lãi ròng từ 30 – 40 triệu đồng (đàn vịt trên 2 ngàn con), do đó nghề này có thu nhập khá cao (lãi ròng 50 – 60%), nhưng cũng có nhiều người điêu đứng vì nuôi vịt đẻ chạy đồng, mà ông bà ta thường bảo : "Muốn giàu nuôi cá, muốn khá nuôi heo, muốn nghèo nuôi vịt".

Theo anh Nguyễn Văn Hồng ở thị trấn Sa Rầy, huyện Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp, có đàn vịt 2 ngàn con đang chạy đồng thường xuyên vụ hè thu ở xã Thạnh Thới An, huyện Mỹ Xuyên – Sóc Trăng (mùa này ở Đồng Tháp lũ đang lên), người có thâm niên gần 15 năm nuôi vịt đẻ chạy đồng khắp các tỉnh miền Tây Nam bộ cho biết: Gia đình anh theo nghề này của ba anh để lại, lúc nhỏ theo ông chạy đồng khắp ĐBSCL từ Cà Mau đến Tiền Giang, nơi nào có đồng lúa ở đó có dấu chân của gia đình anh. Với đàn vịt hiện có, anh mua năm rồi hơn 50 triệu đồng, từ những người chuyên nuôi vịt con để tuyển chọn thành vịt đẻ, do lựa chọn được đàn vịt trưởng thành (dự bị) tốt, được tiêm phòng đủ an tâm, vịt đẻ rất tốt và sai, nếu được chăm sóc tốt và bổ sung thức ăn hỗn hợp (Con cò), mỗi năm chạy đồng vịt đẻ từ 250 – 260 trứng/năm (kể cả thời gian nghỉ thay lông), với giá bình quân 700đ/quả, mỗi con lãi ròng từ 70 – 75 ngàn đồng/con, chi phí chủ yếu vận chuyển để chạy đồng, mua đồng, thức ăn hỗn hợp, thuốc phòng bệnh... và tốt nhất là để vịt trống, mái theo tỷ lệ 1/100 con.

Theo anh, để cho đàn vịt đẻ chạy đồng tốt, cho hiệu quả nhất, trước hết cần loại ngay những con vịt có triệu chứng bệnh và cằn cỗi (thay lông sớm), trước khi mùa mưa và mùa nắng đến, khí hậu giao mùa ẩm ướt và khô, cũng là lúc tác nhân gây cho vịt dễ mắc bệnh. Bệnh thường gặp là tụ huyết trùng và dịch tả (phù đầu), cách phòng trị có hiệu quả nhất là tiêm ngừa vaccin theo lịch tiêm chủng và kháng sinh qua nước uống và thường xuyên bổ sung vitamin để đàn vịt có sức đề kháng tốt và thường xuyên vệ sinh chuồng thoáng, ấm vào mùa đông, mát vào mùa hè... Sau 8 – 9 tháng vịt đẻ thay lông một lần, để rút ngắn thời gian thay lông đồng loạt (giảm lượng thức ăn), ta nhổ hết lông cánh vỗ béo, sau 2,5 – 3 tháng vịt đẻ lại bình thường.

Hiện nay nghề nuôi vịt đẻ chạy đồng đang phát triển mạnh ở ĐBSCL, có xã 7 – 10 đàn lên đến hàng chục ngàn con, đã giải quyết việc làm ở nông thôn, thu nhập khá cao. Điều quan trọng hơn cả đàn vịt này đã nhặt hết lượng lúa rơi lại và giải quyết một lượng ốc bươu vàng giảm đáng kể...

NNVN, 15/9/2003

 

Nuôi vịt chạy đồng

Những năm qua, người dân đồng bằng châu thổ Cửu Long Giang, nhất là vùng Đồng Tháp Mười và khu Tứ giác Long Xuyên, không ai còn lạ gì với nghề nuôi vịt chạy đồng. Sau từng mùa vụ lúa ĐX và HT, trên những cánh đồng ở miền Tây Nam bộ mới vừa thu hoạch lúa xong là có nhiều đàn vịt (từ hàng trăm đến hàng ngàn con vịt) đưa mỏ rút rỉa vào từng gốc rạ, đống rơm để tìm những hạt lúa rơi rụng. Theo nhiều người nuôi vịt chạy đồng ở Đồng Tháp cho biết: Nghề nuôi vịt chạy đồng rất vất vả và cực nhọc. Người nuôi phải chịu cảnh ăn bờ, ngủ bụi, lăn lóc gió mưa, sương nắng và mỗi chuyến chạy đồng phải xa nhà cả tháng. Nếu người nuôi cần cù chăm sóc, áp dụng đúng quy trình kỹ thuật trong chăn nuôi và phòng ngừa bệnh cho vịt kịp thời, cho vịt ăn no đủ ..., sau khoảng trên dưới 3 tháng tuổi, tỷ lệ hao hụt do vịt chết từ 15% - 20%/tổng đàn vịt thì vẫn có lời. Tùy theo người nuôi ít hay nhiều, có người lời từ 1 - 2 triệu đồng đến vài chục triệu đồng.

Ước tính, ở huyện vùng sâu Tam Nông hiện có hơn 200.000 con vịt nuôi thả đồng, còn ở huyện Tháp Mười, Thanh Bình... tỉnh Đồng Tháp mỗi huyện cũng có khoảng trên dưới 250.000 con vịt nuôi thả đồng. Căn cứ vào thời vụ canh tác lúa mà nông dân chọn thời điểm nuôi thích hợp để tận dụng nguồn thức ăn tự nhiên. Nhiều người khi chuẩn bị thu hoạch lúa ĐX đã tranh thủ mua vịt con giống tốt đem về thả đồng, vừa tiêu diệt các loại côn trùng có hại trên ruộng lúa, giúp lúa sinh trưởng tốt, vừa tạo thêm nguồn thu nhập rất đáng kể. Anh Nguyễn Trọng Đức - ở ấp Tân Thuận thị trấn Thanh Bình có 16 công ruộng, mỗi năm canh tác 2 vụ lúa. Anh thả 1.200 con vịt vào ruộng lúa đúng các thời điểm thích hợp và luôn theo dõi quá trình tăng trưởng cũng như chăm sóc, phòng trị bệnh cho đàn vịt kịp thời. Nhờ đó, anh Đức có nguồn thu nhập từ nghề nuôi vịt chạy đồng hơn 15 triệu đồng...

Nghề nuôi vịt chạy đồng đã và đang giúp không ít hộ nghèo ở vùng quê Đồng Tháp có nguồn thu nhập đáng kể như gia đình anh Thanh ở xã Phú Thọ, vợ chồng anh Lượm - chị Lũy ở xã Tân Mỹ, anh Sáu Quý ở xã Tân Thạnh, anh Tư Thuận ở thị trấn Tràm Chim, anh Tự, anh Bòn ở thị trấn Thanh Bình... và còn nhiều hộ thoát nghèo vươn lên khá giả nữa...

NNVN, 20/11/2003

 

Nuôi vịt đẻ chạy đồng

Chăn nuôi vịt lấy trứng theo phương thức chạy đồng tiết kiệm chi phí chăn nuôi, giá thành thấp, vì vậy làm tăng thu nhập, lợi nhuận cho nông hộ. Tuy nhiên dịch bệnh là yếu tố rủi ro chính cho chăn nuôi vịt chạy đồng nên việc tiêm phòng để phòng bệnh và tiếp cận tốt các dịch vụ thú y tại địa phương là cần thiết cho hộ chăn nuôi ở ĐBSCL.

* Để chọn đàn vịt đẻ chạy đồng tốt, cho hiệu quả cao, trước hết cần loại ngay những con vịt có triệu chứng bệnh và cằn cỗi. Cần xác định mục đích lấy trứng (để giống hay thương phẩm) để chừa cồ vì tỷ lệ cồ cao sẽ tiêu tốn thức ăn nhiều mà không tăng lượng trứng. Vịt chạy đồng chuyên trứng thì trọng lượng cơ thể nhỏ (khoảng 1,5-1,8 kg), sản lượng trứng hàng năm của những giống chuyên trứng thường gấp 8-10 lần so với trọng lượng cơ thể của chúng. Những cá thể nhỏ con như vậy thường khả năng tiêu tốn thức ăn ít nhưng chúng lại đòi hỏi chất lượng thức ăn cao.

* Bình thường vịt đẻ xong 1 mùa (6-8 tháng) lượng trứng sẽ giảm dần (từ 90% xuống còn 40-50% hoặc thấp hơn) thì bà con chăn nuôi vịt đẻ thường cho vịt bứt lông để ngưng đẻ nhằm dưỡng sức cho mùa đẻ sau. Nếu không bứt lông thì đàn vịt vẫn tiếp tục cho trứng nhưng số lượng trứng giảm, chất lượng giảm, nhưng lượng thức ăn vẫn phải cung cấp đủ, cho nên bứt lông là một biện pháp kỹ thuật trong chăn nuôi vịt đẻ giúp đạt hiệu quả kinh tế. Tuy nhiên việc bứt lông nên làm thế nào phù hợp với sinh lý vịt đẻ, không quá thô bạo làm ảnh hưởng vịt.

Một số biện pháp:

+ Giảm ăn hoặc ngưng cho ăn 1 ngày đầu (chỉ cấp nước uống đầy đủ), ngày thứ 2 cho ăn bằng 1/2 ngày thường, ngày thứ 3 cho ăn bằng 2/3 ngày thường, ngày 4 cho ăn bình thường điều này tạo stress cho vịt bứt lông.

+ Kết hợp vừa giảm ăn vừa lùa vịt qua bãi lầy; bùn, sình dính vào lông vịt, sau 1 ngày thì lùa vịt qua chỗ nước trong (ao, sông sạch) vịt tự rỉa lông... làm vịt tự bứt lông và nghỉ đẻ.

+ Giảm ăn và bứt lông cánh từng con (chỉ bứt 1-2 lông cánh trên cánh mỗi con)… Kỹ thuật này cũng giúp vịt ngừng đẻ cùng lúc, nhưng tồn nhiều công và thời gian hơn, vịt cũng bị tác động nhiều hơn.

Sau đó cho vịt ăn giảm để cầm xác khoảng 1-2 tháng khi nào muốn cho vịt đẻ lại (lúc giá trứng cao hoặc giá thức ăn thấp, hoặc có đồng chăn thả) thì bổ sung khẩu phần tốt, vịt sẽ đẻ lại cùng lúc, tỷ lệ đẻ nâng dần lên. Điều này giúp lượng trứng sản xuất tập trung, thuận tiện cho việc chăm sóc bổ sung chất khi vịt đẻ trở lại, tiết kiệm chi phí trong giai đoạn vịt thay lông.

Thức ăn: Lúa, kết hợp mồi hoặc thức ăn hỗn hợp. Bổ sung canxi, phospho, vitamin: Calphovit, Olavit, B.complex C, Vimix plus… giúp vịt cho trứng đều, tỉ lệ đẻ cao, cho trứng bền, tốt, không dị dạng, dễ bể.

* Khi giao mùa, thời tiết thay đổi (nắng chuyển sang mưa hoặc mùa mưa hết chuyển sang đông) vịt dễ bị stress, có thể phát sinh nhiều bệnh nguy hiểm như: Tụ huyết trùng (toi vịt), dịch tả vịt (phù đầu, chảy nước mắt), E.coli, cúm gia cầm… Cần thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học:

- Phòng bệnh hiệu quả nhất là chủng ngừa vacxin theo lịch sau:

+ Tiêm phòng vacxin dịch tả vịt lần đầu lúc 7 ngày tuổi, lần 2 lúc 21 ngày tuổi.

+ Tiêm phòng vacxin bệnh cúm gia cầm (H5N1) lần đầu lúc 14-15 ngày tuổi, lần 2 lúc 42-45 ngày tuổi.

+ Tiêm phòng bệnh tụ huyết trùng lúc 60 ngày tuổi.

Lập lại cho vịt đẻ: Tụ huyết trùng, dịch tả 6 tháng/lần và cúm gia cầm 4 tháng/lần, mỗi loại vacxin tiêm cách nhau ít nhất 7 ngày.

- Định kỳ vệ sinh, tiêu độc sát trùng chuồng trại (ít nhất 1 tuần 1 lần), sử dụng: Vime –Iodine, Vimekon, vime-Protex... Và luôn đảm bảo chuồng luôn khô thoáng.

- Định kỳ phòng bệnh cho đàn bằng kháng sinh 2 tuần 1 lần, mỗi lần 3-5 ngày: Terra-Colivet, Vime-Gavit, Coli-Norgent, ETS, Genta-Colenro, Vime-Dilog, Vime-Baciflor…

Lưu ý:

Trong giai đoạn tiêm phòng, hoặc giai đoạn sử dụng kháng sinh cần bổ sung Vime C-Electrolyte, C120, Aminovit… để nâng sức giúp tăng sức đề kháng cho đàn, nâng cao hiệu quả vacxin. Sau khi qua lứa có thể cho vịt chạy đồng. Trong giai đoạn này vịt có khả năng tự kiếm mồi nên có thể dễ dàng nhiễm giun, sán từ môi trường cần tẩy giun cho vịt mau lớn, khoẻ mạnh: Levavet (dùng 1 lần), hoặc vime – Dazol (dùng liên tục 7 ngày).

Vitamin, Canxi, Phospho là những chất không thể thiếu trong khẩu phần của vịt đẻ vì vậy cần bổ sung định kỳ thường xuyên vào khẩu phần để xương, da, lông phát triển tốt, cơ thể vịt khoẻ mạnh thì vịt mới đẻ được trứng tốt và đều: Calphovit + Biotin HAD…

BS THÚ Y LÂM THỊ THU NGOAN - Nông Nghiệp Việt Nam, 20/10/2009

 Nhấn vào đây để xem tất cả các thông tin kỹ thuật nuôi vịt

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Việt Linh: Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, việc làm thủy sản, việc làm nông nghiệp, tuyển dụng, tìm việc, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang