• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Chăn nuôi

Trại vịt thời... H5N1!


Dịch cúm gia cầm đang làm hàng vạn người nuôi vịt lao đao, nhưng anh Ba Tấn lại “phất” lên với trang trại vịt vài chục ngàn con. Đây là trang trại vịt quy mô lớn ở ĐBSCL hiện nay!

“Mê” vịt!

Trang trại vịt của Ba Tấn (Nguyễn Ngọc Tấn) rộng trên 1ha nằm ở xã Thạnh Đông, huyện Tân Hiệp, tỉnh Kiên Giang. Vừa bước vào đã thấy 4 dãy chuồng rộng thoáng mát để vịt nghỉ ngơi và đẻ trứng. 4 hầm lớn là nơi vịt tắm, bơi, ăn uống. Xung quanh là hàng trăm cây xoài che mát… đảm bảo chỗ ở từ 5 - 8 ngàn con vịt. Cạnh đó, 3 lò ấp với công suất từ 300- 400 ngàn con vịt/năm. Ba Tấn tiết lộ “tính sơ sơ ngốn hơn 1 tỷ đồng”.

Ba Tấn là nông dân “nòi”, từ nhỏ đến lớn bám chặt với cây lúa. Năm 1990, phong trào nuôi vịt chạy đồng phát triển mạnh, anh bàn với vợ mua chiếc đò để chở thuê vịt chạy đồng cho bà con trong xã. Lân la với vịt rồi “mê” hồi nào hổng hay. Chạy đò được bao nhiêu tiền, anh đổ hết vào nuôi vịt. Thời gian đầu, chưa nắm vững kỹ thuật và cách chăm sóc, nên những lúc thời tiết thay đổi khiến đàn vịt bị bệnh chết hàng loạt, Ba Tấn lỗ trắng tay. Vợ con cằn nhằn “muốn nghèo nuôi vịt”- câu nói xưa nay bộ ông không sợ hay sao mà nhảy vào (!?). Cứ trở về làm ruộng và chạy đò thuê là dư sống rồi, đeo đuổi nghề nuôi vịt làm chi cho cực. Ba Tấn suy nghĩ lung lắm... nhưng rồi cũng quyết làm.

Rút kinh nghiệm, Ba Tấn chọn mua con giống thật kỹ, áp dụng chích ngừa đều đặn và tuân thủ chặt chẽ quy trình nuôi theo hướng dẫn của ngành thú y. Nhờ siêng năng chăm sóc nên đàn vịt lớn nhanh, tỷ lệ hao hụt giảm, tới lứa vịt đẻ trứng rất đều. Sau mấy đợt “trúng” liên tục, anh được vợ con ủng hộ. Thừa thắng xông lên, anh nâng quy mô đàn vịt từ vài trăm con lên cả ngàn con và áp dụng nuôi quanh năm. Chưa chịu dừng lại, anh quyết định mở thêm lò ấp vịt để chủ động nguồn giống và kinh doanh kiếm lời. Nếu như những lò ấp lân cận thường sử dụng giống địa phương để ấp nở nên chất lượng vịt không cao. Ba Tấn chọn cho mình hướng đi riêng bằng cách đầu tư vào giống vịt siêu thịt chất lượng cao.

Để lai tạo được con giống tốt nguyên chủng, anh phân ra thành nhiều đàn cho ăn ở riêng biệt. Sau 7 tháng nuôi, anh cho vịt giống đẻ “một lèo” từ 12 - 16 tháng, sau đó loại bỏ đàn giống đem đi bán thịt. Và cho đàn khác đẻ tiếp… Quan điểm của anh là không để vịt giống đẻ nhiều đợt, bởi các đợt sau chất lượng thường không cao. Ngoài ra, anh liên tục thay đổi vịt giống để tránh bị trùng huyết.

Mô hình nuôi công nghiệp hiện đại

Hỏi chuyện cúm gia cầm đang bùng phát nhiều nơi có ảnh hưởng gì đến trang trại? Ba Tấn cười ngất: “Mấy năm đầu còn lo, chớ bây giờ chẳng đá động gì. Cúm thì cúm còn mình nuôi vẫn nuôi, không hề hấn?”. Ba Tấn giải thích: Toàn bộ quy trình từ đầu vào đến đầu ra đều được quản lý chặt chẽ. Con giống cực tốt và chích ngừa thường xuyên. Trứng chọn kỹ lưỡng trước khi đưa vào lò ấp. Khi vịt con nở ra tiếp tục chọn những con khỏe mạnh để nuôi hoặc bán ra bên ngoài, những con kém loại bỏ ngay.

Trong quá trình nuôi, áp dụng ăn uống chu đáo không thả lan… tới đợt là tiêm phòng bất kể có dịch hay không. Trung bình vịt thịt nuôi từ 70 - 75 ngày tuổi đạt khoảng 2,5kg/con, nếu nuôi tiếp sẽ đạt đến 4 - 4,5kg/con. Với cách làm công nghiệp, kiểm soát chặt như vậy nên dịch cúm gia cầm bùng phát nhiều nơi nhưng trang trại vịt Ba Tấn vẫn phát triển rầm rộ.

Mặc dù, không sợ cúm nhưng Ba Tấn đã mấy phen “lâm nợ” vì… cúm. Anh kể: “Năm 2004 và 2005, dịch cúm xảy ra liên tục nên nhà nước cấm bán gia cầm, trứng… Trong khi 6.000 con vịt giống của anh hàng ngày đẻ liên tục, buộc các lò ấp hoạt động hết công suất. Vịt con nở ra không bán được, đành phải “ôm sô” trọn gói; “ôm” riết lên đến trên 25.000 con. Qua mấy đợt cúm gia cầm, anh gom đàn vịt lại đi bán thịt lỗ mấy trăm triệu đồng? Năm 2006, tình hình cúm lắng dịu, nhu cầu nuôi vịt tăng cao, trang trại của Ba Tấn ấp nở liên tục để cung cấp nguồn giống cho khách hàng các nơi.

Thương hiệu vịt siêu thịt của Ba Tấn ngày càng lan rộng từ Kiên Giang sang các tỉnh ĐBSCL, với 3 lò ấp không đủ cung cấp. Ông Đinh Công Thận, Chi cục trưởng Chi cục Thú y Kiên Giang thừa nhận: “Mô hình sản xuất con giống và quy trình nuôi vịt theo hướng công nghiệp của Ba Tấn vượt yêu cầu mà ngành thú y đề ra. Tất cả được quản lý chặt chẽ nên không hề xảy ra dịch cúm. Chúng tôi đang tổ chức cho các huyện đến tham quan, học hỏi cách làm này và nhân rộng ra toàn tỉnh”.

Khi thăm trang trại Ba Tấn, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Bùi Bá Bổng cho rằng: “Cúm gia cầm tái đi tái lại là do chúng ta nuôi nhỏ lẻ còn phổ biến, chưa quản lý được nguồn giống, tiêm phòng, vận chuyển… Do đó, mô hình nuôi công nghiệp theo hướng tập trung có kiểm soát sẽ hạn chế thấp nhất dịch cúm xảy ra. Bộ đang khuyến khích phát triển theo hướng này vừa dễ quản lý và hạn chế tối đa dịch bệnh”.

Ngoài nguồn thu từ vịt bán thịt, cung cấp con giống, trứng… anh còn tận dụng nuôi cá dưới hầm. Ba Tấn tiết lộ: “Sẵn sàng hướng dẫn kỹ thuật nuôi và sản xuất con giống chất lượng để các nơi áp dụng. Tuy nhiên, ngành thú y phải có biện pháp ngăn những lò ấp không đạt tiêu chuẩn nhằm tránh ảnh hưởng uy tín những cơ sở đầu tư lớn làm ăn thực thụ”.

Ba Tấn vừa đầu tư thêm 150 triệu đồng làm hàng rào bao quanh, bờ kè và khu vệ sinh. Nhìn hàng ngàn con vịt trắng mịn, sạch sẽ vừa ăn vừa tắm… Ai cũng thán phục lòng say mê và quyết tâm theo nghề nuôi vịt công nghiệp của Ba Tấn.

“Hồi tôi quyết định đầu tư hơn 1 tỷ đồng vào trang trại vịt, ai cũng bảo tôi khùng điên, mang tiền đổ sông đổ biển. Có người kêu tôi, ôm 1 tỷ quăng vào ngân hàng rồi ngồi không lấy lãi sống “đế vương”! Tội gì mà đeo nghề vịt lời ít - rủi cao?”.- Ba Tấn tâm sự.

HUỲNH PHƯỚC LỢI - SGGP, 28/06/2007

 

Ông Năm giỏi nghề nuôi vịt đẻ

Đa số dân nuôi vịt ở xã Hiệp Phước, huyện Nhà Bè (TPHCM) đều công nhận ông Trần Văn Năm là một trong số ít người nuôi vịt thành công và hiện có đàn vịt lên đến hàng ngàn con.

Năm 1994, ông Năm thuê 4.000m2 đất ấp 3, xã Hiệp Phước để nuôi vịt đẻ. Thoạt đầu ông chỉ nuôi 700 con vịt giống Tàu thường. Vịt giống mới mua về là vịt tơ 6 tháng tuổi, nuôi khoảng một tuần thì bắt đầu đẻ trứng. Do chưa có kinh nghiệm, nên những tháng đầu đàn vịt của ông đẻ chỉ đạt tỷ lệ cao nhất 70% (trung bình 100 con có 70 con đẻ trứng) và khoảng 4 tháng sau giảm xuống chỉ còn 60%. Trong một lần cho vịt ăn (chủ yếu là còng), thấy thức ăn còn dư thừa, ông đổ cho đàn vịt ăn hết, không ngờ ngày hôm đó tỷ lệ đàn vịt đẻ trứng tăng lên hơn 80%. Hôm sau, ông thử cho đàn vịt ăn nhiều hơn đến no mới thôi, tỷ lệ vịt đẻ trứng tăng lên hơn 90% và kích cỡ quả trứng cũng to hơn so với lúc trước. Từ đó ông mới biết, cho vịt ăn càng nhiều thì vịt đẻ càng sai và trứng càng to. Thấy nghề nuôi vịt đẻ có hiệu quả, ông tăng đàn vịt lên 1.500 con, 3.000 con, 4.500 con và hiện nay là 6.000 con, gồm hai giống Tàu thường và Tàu Hà Lan. Hiện nay trung bình mỗi ngày đàn vịt của ông đẻ tối thiểu 4.500 trứng (tỷ lệ 75%) và có mối lái đến tận nơi mua, chớ không còn phải chở đi bán dạo như trước. Tùy theo giá cả trứng vịt trên thị trường lên xuống, nhưng lúc nào trứng vịt của ông cũng được mối lái mua với giá cao hơn nơi khác từ 50 – 100 đồng/trứng, do ông biết kỹ thuật pha trộn thức ăn cho vịt đẻ trứng có nhiều tròng đỏ được người tiêu dùng ưa chuộng hơn. Tính bình quân giá thị trường mỗi trứng vịt 800 đồng, mỗi ngày ông thu được 3,6 triệu đồng, trừ tiền thức ăn (lúa, cám hiệu Con Cò, vỏ tôm) khoảng 2,7 triệu đồng còn lời 900.000 đồng. Ngoài ra, mỗi năm ông còn thả hơn 100 kg cá phi giống Đài Loan để ăn phân vịt, mỗi năm thu hoạch được hơn 1,3 tấn cá thịt bán được hơn 13 triệu đồng. Tính chung mỗi năm ông thu nhập gần 230 triệu đồng từ trứng vịt và cá phi.

Sau khi nuôi vịt đẻ thành công, ông Năm tham khảo sách báo tự thiết kế 3 lò ấp vịt lộn. Hiện nay mỗi ngày gia đình ông ấp gối đầu hơn 3.600 trứng lộn, bán cho các chủ vựa giá 1.050 – 1.100 đồng/trứng, cao hơn trứng thường từ 250 – 300 đồng/trứng. Ngoài 2 vợ chồng và 2 đứa con, gần đây ông còn thuê thêm 2 nhân công chuyên lựa trứng để ấp trứng lộn bán sỉ cho các chủ vựa vịt ở TPHCM và các tỉnh. Ông Năm nói: “Nuôi vịt đẻ coi dễ chớ không phải dễ nếu không chú ý ao, chuồng xung quanh. Mỗi khi thấy vịt ít đẻ nên chú ý nước dưới ao có dơ hoặc có xì phèn hay không, nếu có phải thay nước hoặc hạ phèn ngay. Tôi còn dự định sang năm sẽ đầu tư vốn xây dựng thêm cơ sở chế biến thức ăn cung cấp cho các hộ nuôi vịt đẻ trong vùng để phát triển thêm đàn vịt ở địa phương”.

TRẦN CÔNG TẠO, SGGP 14/7/2003

 Nhấn vào đây để xem tất cả các thông tin kỹ thuật nuôi vịt

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Việt Linh: Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, việc làm thủy sản, việc làm nông nghiệp, tuyển dụng, tìm việc, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang