Mới đây Trung tâm bảo vệ thực vật miền Trung (Cục bảo vệ thực vật) đã tổ chức Hội nghị đầu bờ đánh giá hiệu quả từ mô hình nhân nuôi bọ đuôi kìm, để phòng trừ sâu hại rau tại thôn 6, xã Nghĩa Dũng (thành phố Quảng Ngãi). Mục đích của mô hình là nhằm giúp nông dân không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất rau, góp phần bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khoẻ cho nông dân và người tiêu dùng.
Từ kết quả nghiên cứu của Trung tâm bảo vệ thực vật miền Bắc về sử dụng bọ đuôi kìm để làm tác nhân sinh học phòng trừ các loại sâu hại rau và kết quả điều tra, nghiên cứu, nhân nuôi bọ đuôi kìm tại Trung tâm bảo vệ thực vật miền Trung ở Quảng Ngãi, Trung tâm bảo vệ thực vật miền Trung đã tiến hành triển khai mô hình nhân nuôi bọ đuôi kìm sử dụng phòng trừ sâu hại rau tại xã Nghĩa Dũng. Trung tâm đã chọn 10 hộ dân ở thôn 6, xã Nghĩa Dũng tập huấn, chuyển giao kỹ thuật nhân, nuôi bọ đuôi kìm.
Sau 2 tháng nhân nuôi bọ đuôi kìm (với số lượng 5 chậu, trung bình mỗi chậu thả nuôi 5 cặp bố mẹ bọ đuôi kìm) thì các hộ nuôi thu được từ 187-286 con (trong đó thu được từ 55-87 con bọ đuôi kìm trưởng thành và từ 1-6 ổ trứng/chậu). Loại bọ đuôi kìm rất dễ nhân nuôi bằng thức ăn tổng hợp, có thể tạo ra một số lượng lớn trong thời gian ngắn. Qua theo dõi cho thấy, bọ đuôi kìm ăn cả rệp rau và sâu khoang tuổi nhỏ (với số lượng ăn trung bình là 111 con/ngày đêm, ăn nhiều nhất vào ngày thứ 3 là 132 con/ngày đêm).
Sau khi nhân nuôi thành công, cán bộ kỹ thuật Trung tâm đã hướng dẫn nông dân chọn bọ đuôi kìm thả ra vườn rau có rệp, sâu tơ, sâu khoang hại rau, để phòng trừ; mật độ thả 2-5con/mét vuông trên cây bắp cải trồng được 15 ngày. 14 ngày sau khi thả, trên bắp cải đã xuất hiện mật độ sâu khoang từ 76-92con/mét vuông. Kết quả sau một tuần theo dõi ở diện tích thả 2con/mét vuông thì tỷ lệ sâu khoang giảm còn 27 con; diện tích thả 5con/mét vuông tỷ lệ sâu khoang còn 15 con. Đối với diện tích đối chứng không thả bọ đuôi kìm còn 53 con/mét vuông.
Theo ghi nhận của nông dân, nếu thả bọ đuôi kìm có tỷ lệ nhiều hơn sẽ góp phần rất lớn trong việc diệt trừ sâu. Ông Cao Thanh Vân, ở xã Nghĩa Dũng - nông dân tham gia mô hình nhận xét: hiệu quả mô hình rất khả quan, nhưng nếu thả mật độ 10 con/ mét vuông thì nó diệt khoảng 75-80% sâu hại. Mô hình này nếu đưa ra đại trà sẽ có hiệu quả cao, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.
Đánh giá về hiệu quả mô hình, ông Nguyễn Văn Thơ - phó giám đốc Trung tâm bảo vệ thực vật miền Trung cho biết: Bước đầu nông dân đã tiếp nhận được quy trình nhân nuôi bọ đuôi kìm, đồng thời thấy được hiệu quả trong việc phòng trừ sau bệnh hại rau. Từ kết quả này nông dân có thể ứng dụng trong sản xuất rau an toàn, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật phòng trừ sâu bệnh, giảm chi phí đầu tư và bảo vệ sức khoẻ của người sản xuất, tiêu dùng. Đây cũng là cơ sở để Trung tâm tiếp tục triển khai chuyển giao mô hình cho các tỉnh trong khu vực.
QH - Báo Quảng Ngãi, 3/9/2010
- Kỹ thuật trồng cây ăn trái, rau màu, cây dược liệu và các loại cây khác
Việt Linh: Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, việc làm thủy sản, việc làm nông nghiệp, tuyển dụng, tìm việc, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.