Ảnh: Ủ vỏ cà phê.
Sau khi cho cà phê vào máy chà xát cho tróc vỏ, phần hạt được lấy ra để đem đi phơi, rang chiếm khoảng 30-35% khối lượng, 65-70% phần còn lại là vỏ trái (bao gồm lớp vỏ mỏng bên ngoài, lớp thịt trái, nhớt, vỏ trấu và vỏ lụa). Đây là một nguồn nguyên liệu rất lớn, có thể dùng để sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh chất lượng cao; nhà vườn có thể tự làm, tiện lợi và giá thành rẻ.
Nguồn nguyên liệu tốt và rất lớn:
Theo nhà sản xuất phân bón, vỏ cà phê là nguồn nguyên liệu rất tốt để chế biến phân hữu cơ vi sinh chất lượng cao bởi dinh dưỡng trong một kilôgam vỏ cà phê tương đương ba kilôgam phân chuồng loại tốt.
Một cách giải thích chi tiết hơn, doanh nghiệp chế biến phân bón hữu cơ vi sinh cho rằng: Do thịt trái cà phê chín chứa nhiều đường (sóc, cầy hương, voi... rất thích ăn) nên phần vỏ cà phê tươi (và cả khi đã khô) rất giàu dinh dưỡng, nhưng cũng sẽ là môi trường cho ruồi đục trái cây, nấm mốc phát triển.
Khuyến nông các tỉnh, huyện có trồng cà phê đã từng thông báo: Hiện nay nhà vườn dùng vỏ trái cà phê sống không được ủ hoai mục bón vào gốc cà phê, với một lớp dày có thể che phủ cỏ dại, giữ ẩm, nhưng lượng dinh dưỡng cây hấp thu được rất ít, đất được cải thiện độ tơi xốp nhưng phải mất nhiều năm. Điều đáng lo ngại khi dùng vỏ cà phê khô bón vườn là dễ phát sinh một số vi sinh vật gây hại như nấm gây bệnh rỉ sắt, bệnh đốm mắt cua, nấm hồng...rất khó chữa trị và có thể làm chết cây. Nhiều trường hợp gom vỏ cà phê đốt lấy tro rất lãng phí.
Rất cần phát động nhà vườn ủ vỏ cà phê làm phân bón chất lượng cao vừa sạch làng vừa tốt ruộng. Đó là khẳng định của khuyến nông các tỉnh trồng cà phê. Chương trình chuyển giao kỹ thuật ủ các loại nguyên liệu tự nhiên, phụ phẩm nông nghiệp, chất thải sinh hoạt làm phân hữu cơ, ưu tiên cho vùng đồng bào nghèo vùng sâu vùng xa đã và đang được thực hiện.
Theo ông Bùi Văn Hùng chủ vườn cà phê ở Lâm Hà (Lâm Đồng): Cà phê chín đồng loạt, hái đến đâu phơi đến đấy, khi vườn hái hết trái tiến hành xay lấy hạt, loại vỏ một lần. Bã (vỏ) cà phê được trút ra từ những cỗ máy xay cà phê chất đống ngay sau thời điểm thu hoạch. Trên các vườn cà phê thường có mặt bằng rộng rãi dễ thực hiện việc chế biến phân từ bã cà phê. Mặt khác việc chăm sóc vườn cà phê chất lượng cao đều rất cần phân bón, nhất là phân hữu cơ nên hầu hết nhà vườn muốn tự ủ phân từ vỏ cà phê bón cho vườn nhà.
Ông Hùng chia sẻ: Ở vùng cà phê, nhà vườn đến từ nhiều địa phương trong cả nước, một số người già biết cách ủ phân hữu cơ từ thân cây chuối sau thu quày, bèo (lục bình), cây phân xanh, phân trâu bò, tro trấu theo kiểu vun đống trát bùn. Việc ủ vỏ cà phê làm phân hữu cơ vi sinh theo phương pháp mới phải thêm nhiều loại phân hóa học và còn phải thêm men mong được khoa học giải thích tính ưu việt. Thay mặt nhà vườn, ông Hùng đưa ra yêu cầu: Tốt nhất nhà khoa học chỉ giúp liều lượng các vật liệu, cách làm để bà con cứ thế mà áp dụng.
Phương pháp ủ:
Theo TS Nguyễn Đăng Nghĩa và các chuyên gia đất phân, điều quan trọng trong ủ vỏ cà phê làm phân hữu cơ là phải làm cho vỏ cà phê mục nhanh một cách chủ động, sản phẩm sạch nấm bệnh và đạt yêu cầu chất lượng mong muốn.
Chất lượng phân hữu cơ vi sinh thành phẩm sẽ phụ thuộc vào các vật liệu pha trộn như phân bò, urea, lân, rỉ đường hay mật mía và cách thức ủ. Bất luận áp dụng phương pháp nào đều cần đến “men ủ phân hữu cơ”. Các vật liệu pha trộn sẽ tác động đến thời gian ủ.
Vỏ cà phê có thành phần chính là xenlulo, một hợp chất bền, trong điều kiện tự nhiên tồn tại 2-3 năm, muốn phân hủy hoàn toàn và nhanh chóng cần có men vi sinh (chứa EM...); nấm trichoderma với vai trò đối kháng sẽ loại trừ sự hiện diện của các loài nấm hại cây trồng.
Để đảm bảo tốc độ phân hủy nhanh và chất lượng phân hữu cơ thành phẩm thích ứng với cà phê, công thức ủ phân khuyến cáo: Ủ 1.000 kg vỏ cà phê cần trộn thêm 50 kg lân Văn Điển, 0,5 kg urê, 01 kg rỉ đường hay đường mía, 200-300kg phân heo, trâu bò, gà và 1 kg men vi sinh ủ phân (nhiều thương hiệu trên thị trường).
Sau khi chọn được bãi bằng phẳng hoặc nhà kho trống, trộn đều tất cả các nguyên liệu. Trong khi trộn cần tưới nước cho hỗn hợp có độ ẩm với mức độ nước trong đống trộn không chảy ra ngoài. Dùng cuốc, cào kéo nguyên liệu lên luống hoặc đống ủ cao 1-1,5m. Sau đó dùng bạt, manh bao chỉ xanh đắp hình vẩy cá nhiều lớp sao cho kín đống ủ nhằm giữ nhiệt và hơi nước.
Nhiệt độ đống ủ đạt 30-50 độ C các nguyên liệu rất mau hoai mục. Nếu đống ủ rất lớn cần làm ống tre thông đốt (lòng ống) khoan lỗ xung quanh ống tre cắm ở tâm đống ủ để điều hòa nhiệt độ và tưới bổ sung nước 10 ngày/lần. Mỗi hai mươi ngày sau đó mở bạt, manh bao đảo trở đống trộn, tưới nước rồi đắp lại cho tập đoàn vi sinh gia tăng hoạt động. Lượng nước tưới ít, nhiều ảnh hưởng độ ẩm đóng ủ và quá trình phân hủy xenlulo.
Với nguyên liệu là vỏ cà phê, đống ủ sẽ hoàn toàn hoai mục dưới dạng bột đen trong khoảng thời gian 75- 90 ngày sau ủ và có thể mang đi bón cây hoặc hong khô rồi đóng bao để dành xài từ từ.
Cách bón phân vi sinh cho cà phê
Bón lót phân hữu cơ vi sinh công thức nói trên với 2-3 kg/cây và duy trì mỗi năm đối với vườn cà phê giai đoạn kiến thiết cơ bản. Đối với vườn cà phê giai đoạn cho thu hoạch bón 4-6 kg/cây, duy trì mỗi năm và tăng thêm 1-2 kg/năm khi cây lớn và cho thu hoạch nhiều quả.
Thời điểm bón phân tùy vào chế độ canh tác. Nếu vườn cà phê có nước tưới thường xuyên, đất giữ độ ẩm thì duy trì 3 tháng/lần bón. Trường hợp phụ thuộc nước trời thì bón phân 2-3 lần/năm vào mùa mưa.
Phân hữu cơ vi sinh ủ theo phương pháp nói trên, ngoài chất lượng dinh dưỡng còn có mật độ vi sinh vật sống cao giúp tiếp tục phân giải các loại vật chất hữu cơ trên vườn làm cho giữ nước, giữ phân bón cho cây, đất giàu dinh dưỡng hơn, tơi xốp hơn do vi sinh hoạt động. Phân hữu cơ vi sinh còn giúp phòng chống nấm hại cây trồng, đặc biệt đối với nấm phytothora gây bệnh thối rễ vàng lá.
Tạ Minh Tuấn - Khoa Học Phổ Thông, 20/05/2017
Nhấn vào đây để xem tất cả các thông tin ứng dụng sinh học - hữu cơ
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Việt Linh: Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, việc làm thủy sản, việc làm nông nghiệp, tuyển dụng, tìm việc, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.