• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Trồng trọt

Dùng thuốc thảo mộc diệt ốc bươu vàng

Từ các loại cây cỏ có sẵn trong tự nhiên, lần đầu tiên các nhà khoa học thuộc Viện Bảo vệ thực vật đã nghiên cứu và chế tạo thành công một loại chế phẩm mới để diệt trừ ốc bươu vàng trên cây lúa.

Loại chế phẩm này được đặt tên là thuốc thảo mộc với công dụng diệt trừ ốc bươu vàng nhanh, hiệu lực cao mà không ảnh hưởng tới môi trường.

Hiểm họa từ ốc bươu vàng ngày càng lớn

Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, hiện nay ốc bươu vàng đang phát triển khá mạnh và phổ biến ở nước ta, nhất là các tỉnh đồng bằng. Diện tích bị gây hại hằng năm do ốc bươu vàng khoảng trên 222.000 ha, trong đó có 1.000 ha bị hại rất nặng, 22.000 ha bị hại nặng.

Theo dự báo của Viện Bảo vệ thực vật thì trong những năm tới đây, ốc bươu vàng sẽ trở thành cư dân thích nghi cao, lâu dài trong hệ sinh thái lúa nước ở nước ta như các dịch hại khác.

Đối tượng gây hại của chúng chủ yếu vẫn là các vùng trồng lúa sử dụng phương pháp gieo sạ là chính, nhưng không chủ động nước, đặc biệt là các tỉnh vùng ĐBSCL - nơi có diện tích lúa bị ngập trong mùa lũ lớn.

Trong khi đó, ở một số vùng thuộc các tỉnh phía bắc, kể cả miền núi, ốc bươu vàng sẽ phát triển mạnh hơn trước do việc thay đổi phương thức canh tác ngày càng nhiều từ lúa cấy mạ già sang lúa cấy mạ non hoặc gieo thẳng, nhất là diện tích lúa lai. Biện pháp che phủ nilon mùa rét đã rất thành công trong chống rét cho mạ vụ xuân, song cũng thúc đẩy mạnh việc gieo cấy mạ ít ngày tuổi ở phía bắc là điều kiện thuận lợi cho ốc bươu vàng phát triển và gây hại.

Chế phẩm TICTACK 13.2 BR. Thảo mộc, phương pháp hữu hiệu để diệt trừ ốc bươu vàng

Loại BUORBO 8.3 BR được dùng cho ruộng sạ khô với lượng 15-20kg/ha sau khi làm đất sạ lúa hoặc sau khi sạ lúa. Còn loại TICTACK 13.2 BR dùng trước bừa lần cuối 2-3 ngày hoặc sau gieo cấy 1-15 ngày với mực nước trên ruộng khoảng 5-10cm, lượng dùng từ 10-15kg/ha. Sản phẩm này được dùng có hiệu quả trừ ốc bươu vàng cả trên ao, hồ với lượng 10gr/m3 nước.

Để diệt trừ ốc bươu vàng, biện pháp phổ biến được nông dân sử dụng hiện nay là bắt bằng tay, thu gom nghiền làm thức ăn cho cá. Nhưng do số lượng quá lớn, nên bà con bắt không xuể. Một biện pháp khác là sử dụng các loại thuốc hoá học, nhưng nhìn chung hiệu quả không cao, chi phí lại lớn, nguy hại đến môi trường. Vì vậy, việc sản xuất ra loại thuốc thảo mộc vi sinh để diệt trừ đang là đối tượng nghiên cứu của các nhà khoa học thuộc Viện Bảo vệ thực vật.

TS Nguyễn Trường Thành - Trưởng nhóm nghiên cứu cho biết, để làm ra các loại thuốc thảo mộc trừ ốc bươu vàng, chúng tôi đã phải tiến hành nghiên cứu khoảng 28 loại cây có độc tính trừ ốc bươu vàng cao. Từ đó, chúng tôi đã tạo ra 40 loại chế phẩm rồi thử hiệu lực trừ loài sinh vật gây dịch hại này. Ba sản phẩm chính từ thảo mộc diệt ốc bươu vàng là BUORBO 8.3 BR, TICTACK 13.2 BR dạng bột khô và CH-01 dạng nước chiết. Theo TS. Thành, nguyên liệu để sản xuất ra loại thảo mộc này là cây sở, chẩu và thàn mát, có thể khai thác ngay tại các vùng rừng núi trong nước, đủ để đáp ứng cho sản xuất lớn.

Cả ba chế phẩm đều đã được đưa vào sử dụng trên đồng ruộng tại Đồng Tháp và Lạng Sơn, những nơi có mật độ ốc bươu vàng dày đặc tới 100-200 con/m2. Kết quả cho thấy, chỉ sau 2 ngày rắc thuốc, hiệu quả diệt ốc bươu vàng của các chế phẩm trên ruộng lúa đạt 79-92%, không gây chết cá và các động vật thủy sinh khác. Mặt khác, các hoạt chất trong chế phẩm sẽ được phân hủy sau khoảng vài ngày, nên không gây ảnh hưởng đến sự an toàn của nông sản. Mỗi vụ, bà con nông dân chỉ cần sử dụng một trong ba chế phẩm để diệt trừ ốc bươu vàng theo từng đối tượng gây hại khác nhau.

Theo TS. Thành, việc sử dụng thuốc rất đơn giản, có thể trộn lẫn thuốc với phân bón hoặc rắc bình thường trên đồng ruộng. Liều lượng sử dụng mỗi lần là 10-20kg/ha với chi phí 160.000-200.000 đồng, thấp hơn so với sử dụng thuốc hóa học. Hơn nữa, thuốc cũng dễ bảo quản trong mọi điều kiện môi trường. Tuy nhiên, nhược điểm của các sản phẩm này là khối lượng sử dụng lớn từ 10 - 50kg/ha, do đó bà con cần sử dụng đúng phương pháp để nâng cao hiệu quả của thuốc và an toàn với cây trồng.

TS. Nguyễn Trường Thành cho biết: Hiện,Viện Bảo vệ thực vật đã hoàn thành công nghệ sản xuất thuốc thảo mộc, nhưng do số lượng nhu cầu tiêu thụ quá lớn, nên Viện đã tiến hành việc chuyển giao công nghệ sản xuất thuốc cho một công ty tại phía nam. Tuy nhiên, bà con có thắc mắc gì xin liên hệ với Bộ môn Nghiên cứu Thuốc, Cỏ dại và Môi trường, Viện Bảo vệ thực vật. Địa chỉ: Đông Ngạc, Từ Liêm (Hà Nội).

Theo Nông thôn ngày nay - ND, 22/8/2006


 

Phòng trừ ốc bươu vàng bằng thuốc thảo mộc

Trong thời gian qua, từ nguồn nguyên liệu là các loại cây thảo mộc (thàn mát, mác vắt, sở, cau…) sẵn có trong thiên nhiên, các nhà khoa học thuộc Viện BVTV đã nghiên cứu bào chế được một số loại chế phẩm có hiệu lực trừ ốc bươu vàng (OBV). Đó là các chế phẩm CB-03, CE-02, CH-01. Vụ xuân 2003, tại tỉnh Đồng Tháp trên ruộng sạ khô, chế phẩm CB-03 (liều lượng 50kg/ha) đạt hiệu quả trừ OBV cao nhất (93%), tiếp đến là CE-02 (liều lượng 15kg/ha) đạt 86%. CH-01 cho hiệu quả thấp nhất (40 – 53%) sau 5 ngày xử lý. Vụ xuân hè 2003 tại Lạng Sơn, trên ruộng lúa nước, xử lý chế phẩm vào thời điểm 1 – 5 ngày sau cấy với mực nước trên ruộng từ 5 – 10cm. Xử lý chế phẩm CE-02 (10kg/ha) và CH-01 (15-20l/ha) đạt hiệu lực trừ OBV 100% sau 3 – 5 ngày xử lý.

Do hồ là nơi cư trú và nguồn lây lan OBV quan trọng. Nhóm nghiên cứu đã thử hiệu lực của thuốc đối với OBV sống trong ao. Thử nghiệm được thực hiện trong bể rộng 30m2, mực nước sâu 0,5m với mật độ 100 cá rô phi, 200 OBV. Ngoài ra trong bể còn có các loại cá trôi, chép, trê, cá nhỏ cùng một số loại động vật thủy sinh khác. Xử lý thuốc CE-02 với liều lượng 150g (10g/m3). Kết quả sau 7 ngày xử lý, tỷ lệ OBV bị chết là 98% trong khi các loại cá trong bể đều không bị chết, riêng ốc vặn bị chết 29,50%. Tại 2 xã Sơn Hà và Minh Hoa thuộc huyện Hữu Lũng, Lạng Sơn, trên ruộng lúa mật độ OBV đã lên tới 100 – 200 con/m2, sau khi xử lý chế phẩm CE-02 và CH-01, tỷ lệ OBV chết lên tới 79 – 92%.

Như vậy, hiệu lực của một số chế phẩm thảo mộc trên đây đối với OBV là tương đối rõ. Ngoài ra các chế phẩm còn có ưu điểm là dễ sử dụng, chóng phân hủy, an toàn với môi trường, dễ bảo quản, giá thành thấp hơn so với sử dụng thuốc hóa học. Nhược điểm chính của chế phẩm là khối lượng sử dụng lớn (10 – 50kg/ha).

NNVN, 30/8/2004

 

 

 

 

Trồng trọt mùa mưa, bão, lũ

 

 

 

 

 

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Việt Linh: Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, việc làm thủy sản, việc làm nông nghiệp, tuyển dụng, tìm việc, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang