Nhiều hộ nuôi thuỷ sản ở phía Bắc đã dùng một số loại cây thảo mộc để làm thuốc chữa bệnh thường gặp ở tôm, cá rất có kết quả, đỡ tốn chi phí, lại tạo được thực phẩm an toàn. Dưới đây, NTNN xin giới thiệu một số cây thuốc phổ biến.
Cây thuốc cá
Dùng cây thuốc cá để diệt cá tạp trong ao, đầm nuôi tôm: lấy rễ cây đập giập nát để ra chất nhựa trắng, sau đó đem ngâm nước, lấy nước đó té đều xuống ao, hoặc ngâm xuống ao với liều lượng 3 - 5kg rễ tươi/1.000m2 ao ở mức nước 15-20cm.
Cây xoan
Dùng lá xoan để diệt trùng mỏ neo và trùng bánh cho cá rất tốt: lấy cành lá xoan non bó thành bó ngâm trong lồng nuôi cá đang bị bệnh trùng mỏ neo, trùng bánh xe, hoặc ngâm trong cá nuôi ở phía đầu nguồn nước với lượng 150-200kg lá xoan/1.000m2 ao có mức nước 1,5 - 2m hoặc 20-25kg lá xoan/lồng cá 8m2.
Cây thàn mát
Quả khi già hạt có chứa 30-40% dầu và chất gây độc (như rotenon, sapotoxin) đối với cá. Có thể dùng hạt thàn mát để diệt cá tạp trong ao nuôi tôm.
Cách dùng: nghiền nát hạt rồi hoà vào nước, dùng nước đó tưới đều lên ao; hoặc đập nát cho vào bao tải ngâm ở ao, tác dụng chậm hơn. Liều lượng cứ 0,5-1kg hạt dùng cho một ao 1.000m2 ở mức nước 15-20cm.
Cây sở
Sở là cây ép lấy dầu, bã làm thành bánh (khô dầu sở) có chứa chất saponozit gây độc làm chết cá và có tác dụng diệt khuẩn. Khô dầu sở có tác dụng để cải tạo ao đầm nuôi tôm. Khi dùng, cần nghiền nát khô dầu sở rồi rải xuống ao, hay ngâm trong nước.
Cây bồ hòn
Quả bồ hòn có nhân, hạt rất độc. Người nuôi cá, tôm dùng hạt để diệt cá tạp khi cải tạo ao đầm. Khi dùng, giã hạt thật nhỏ, hoà tan với nước, dùng nước này té đều khắp ao với liều lượng 0,5-1kg hạt/1.000m2 ao có mức nước 15-20cm.
Cây thầu dầu tía
Lá thầu dầu có chất đắng, dùng để chữa bệnh loét mang, đốm đỏ cho cá rất hiệu quả: lấy lá thầu dầu bó thành từng bó ngâm xuống ao với lượng 250-300kg lá thầu dầu/ha ao, với mức nước sâu 1,5-2m.
Cây nghể
Nghể là cây có vị cay nóng, hắc. Dùng cây này chữa bệnh viêm ruột, loét mang cho cá trắm cỏ, rô phi, có hiệu quả nhất đối với cá giống: lấy thân cây và lá băm nhỏ, nấu kỹ lấy nước, sau đó trộn với thức ăn cho cá ăn, với liều lượng 3kg thân lá nghể tươi/100kg cá giống, cho cá ăn liên tục từ 3-6 ngày. Cũng có thể dùng lá nghể khô xay thành bột trộn với thức ăn cho cá, 1-2kg nghể khô/100kg cá giống.
Cây rau sam
Dùng rau sam để chữa bệnh viêm ruột do vi khuẩn đối với cá trắm cỏ. Khi dùng, rửa sạch rau rồi vô trùng bằng nước muối 3%, rải rau trong khung nổi ở ao hoặc trong lồng cá, mỗi ngày cho ăn một lần, liên tục trong 6 ngày với liều lượng 1,5-3kg rau sam/100kg cá. Đối với cá giống cần băm nhỏ rau, rắc đều trên mặt ao hoặc trong lồng cá.
Cây tía đỏ
Cây tía đỏ thường được dùng để chữa bệnh đường ruột cho cá trắm cỏ. Khi dùng, lấy thân và lá cây băm nhỏ, nấu kỹ, lấy nước trộn với thức ăn tinh rồi cho cá ăn lượng 0,2-0,5kg lá/kg thức ăn, cho cá ăn liên tục trong 3-5 ngày.
Cây tỏi
Tỏi được dùng chữa bệnh đường ruột cho cá nuôi. Khi dùng cần nghiền nát củ tỏi, trộn lẫn với thức ăn tinh cho cá ăn, liều lượng 0,5-1,5kg tỏi, trộn với thức ăn/100kg cá, cho cá ăn liên tục 6 ngày.
NTNN, 12/9/2003
Kinh nghiệm dùng một số thảo mộc phòng chữa bệnh cho cá
Để khắc phục tình trạng lệ thuộc vào dùng hóa chất, kháng sinh phòng trị bệnh cho cá nuôi, tiến tới phát triển nuôi theo hướng tạo sản phẩm bảo đảm an toàn thực phẩm, thời gian qua, nhiều gia đình nuôi cá ở huyện Anh Sơn (Nghệ An) dùng một số thảo mộc phòng chữa một số bệnh thường gặp ở cá đã có kết quả. Dưới đây xin giới thiệu cách dùng một số cây phổ biến.
1. Cây xoan: Tên khoa học Meliaazedarach L, còn có tên là cây thù đâu, thuộc loại cây thân gỗ, vỏ xù xì, rụng lá vào mùa đông, ra hoa, lá, quả vào mùa xuân. Vỏ và lá xoan có vị đắng, ngâm dưới nước có màu đen. Trong nuôi cá, dùng lá xoan để diệt trùng mỏ neo và trùng bánh xe đều đạt kết quả. Cách dùng như sau: Cành lá xoan non bó thành bó ngâm trong ao nuôi cá đang có bệnh trùng mỏ neo, trùng bánh xe, cũng có thể ngâm trong lồng nuôi cá ở phía đầu nguồn nước với lượng 150 – 200kg lá xoan/1.000m2 ao có mực nước 1,5 – 2m hoặc 20 – 25kg lá xoan/lồng 8m3.
2. Cây thầu dầu tía: Ricinus com–munisL, có tên khác là dầu ve (vì hạt có các vân như viên bi ve), cây đu đủ tía, cây tù ma. Là cây sống lâu năm, thường được trồng bằng hạt, hoặc mọc hoang ở các bãi ven sông. Quả thầu dầu có nhiều gai mềm (như gai quả chôm chôm), hạt có vỏ cứng màu đỏ tía, mỗi quả 3 – 4 hạt, hạt dùng để ép dầu. Lá thầu dầu có chất đắng, nhân dân dùng để chữa bệnh loét mang, bệnh đốm đỏ cho cá có kết quả cao. Cách dùng: Lấy lá thầu dầu bó thành bó ngâm xuống ao với lượng 250 – 300kg lá thầu dầu/ha ao nước sâu 1,5 – 2m. Đối với lồng nuôi cá ngâm 15 – 20kg lá thầu dầu/8–10m3 lồng.
3. Cây nghế: Polygomun hiđrôpiper L. Là loài cỏ mọc hoang dại ở nơi ẩm thấp (thường thấy ở các đầm lầy) sống quanh năm, thân cây có nhiều nhánh, lá hình lưỡi mác, có hoa đỏ mọc thành bông ở đầu cành hay kẽ lá. Cây có vị cay nóng, hắc. Nhân dân đã dùng cây này để chữa bệnh viêm ruột và bệnh loét mang cho cá trắm cỏ, cá rô phi có hiệu quả nhất là cá giống. Cách dùng: Lấy thân cây và lá băm nhỏ nấu kỹ lấy nước, sau đó trộn với thức ăn cho cá ăn. Liều lượng 3kg thân lá nghế tươi/100kg cá giống, cho cá ăn liên tục 3 – 6 ngày. Cũng có thể dùng lá nghế khô xay thành bột trộn với thức ăn cho cá, cứ 1 – 2kg nghế khô/100kg cá giống.
4. Cây rau sam: Portulacaoler–acea L. Cây thấp, có nhiều nhánh, thân cây có màu đỏ nhạt, lá hình bầu dục hơi dầy, hoa có màu vàng mọc ở đầu cành, có thể làm rau luộc, ăn hơi có vị chua. Nhân dân đã dùng rau sam chữa bệnh viêm ruột do vi khuẩn đối với cá trắm cỏ. Cách dùng: Rửa rau sạch rồi vô trùng bằng nước muối 3%, rải rau trong khung nổi ở ao hoặc trong lồng cá, mỗi ngày cho ăn 1 lần, liên tục trong sáu ngày với liều lượng 1,5 – 3kg rau/100kg cá. Đối với cá giống cần băm nhỏ rau rắc đều trên mặt ao hoặc trong lồng cá.
5. Cây tía đỏ: Pelilla frutescen L Brittvar, là loại thân thảo có lông, lá mọc đối, mặt trên lá có màu xanh, mặt dưới lá có màu đỏ tím (đỏ tía, lá có hình trứng, mép lá có răng cưa, hoa màu trắng nhạt, thân và lá có mùi thơm, dùng làm gia vị. Trong nuôi trồng thủy sản, nhân dân dùng cây này để chữa bệnh đường ruột cho cá trắm cỏ. Cách dùng: Thân và lá cây băm nhỏ nấu kỹ, lấy nước trộn với thức ăn tinh rồi cho cá ăn, lượng 0,2 – 0,5kg lá tía đỏ/1kg thức ăn, cho cá ăn liên tục 3 – 5 ngày.
6. Cây tỏi: Allium Sativum, dùng củ tỏi để chữa bệnh đường ruột cho cá. Cách dùng: Nghiền nát củ tỏi trộn với thức ăn tinh cho cá ăn, liều lượng 0,5 – 1kg tỏi trộn với thức ăn/100kg cá, cho ăn liên tục 6 ngày. Đối với nuôi cá lồng dùng 0,5 – 1kg tỏi nghiền nát ngâm với thức ăn xanh từ 15 – 30 phút mới thả thức ăn vào lồng cho cá ăn, cho ăn 3 – 5 ngày liên tục/tháng.
Kinh nghiệm dùng một số thảo mộc làm thuốc phòng trị bệnh cho cá tại địa bàn Anh Sơn (Nghệ An) đã có kết quả được nhân dân các địa phương tới tham quan và học hỏi kinh nghiệm.
NNVN, Số 245, 9/12/2003
Chữa bệnh cho cá bằng bài thuốc lá cây
Tây Nguyên mùa mưa, đất đỏ dính chặt, đôi dép nhựa nặng thêm mấy ký lô, sinh viên tình nguyện (SVTN) họ "thủy" (Trường ĐH Thủy sản Nha Trang) vẫn kiên trì leo đồi, hết ngọn này tới ngọn khác để đến tận nhà tư vấn trực tiếp cho bà con xã Đắk Môl, huyện Đắk Song, tỉnh Đắk Nông kiến thức, kỹ thuật nuôi cá nước ngọt ở ao hồ.
Thuyết phục những "bô lão"
Suốt mấy ngày liền, 15 SVTN Trường ĐH Thủy sản Nha Trang phải chia nhau ra làm nhiều tốp, cuốc bộ rã cả giò mới đến hết hơn 500 nhà để tiếp cận, khảo sát tình hình ao hồ và vận động bà con tham dự buổi tập huấn nuôi trồng cá nước ngọt. Lúc thông báo, ai cũng gật gật, hứa sẽ đến, vậy mà tại buổi tập huấn của ba thôn E 29 chỉ ngót nghét có 50 người tham dự. Ai cũng chần chừ vì tiếc một ngày công lên rẫy chăm cà phê. Kết thúc buổi tập huấn có người thở dài: "Cứ tưởng chúng nó mang về mô hình ao hồ làm giàu được ngay, chứ dạy kỹ thuật thì làm được cái gì". Bác Trần Đông Hải, trưởng thôn E 29-1 lắc đầu: "Nông dân là thế, không thấy được cái lợi trước mắt thì họ không làm theo đâu". Tiếc cho nguồn tài nguyên bị lãng phí, Phùng Thế Trung, đội trưởng SVTN khăng khăng: "Phải đi tư vấn đến khi nào bà con hiểu mới thôi".
Mỗi lần nhận được "đơn đặt hàng" tư vấn, ai nấy mừng ríu rít. Bác Phong Tỏa ở thôn E29-1 tâm đắc nhất là cách chữa bệnh cho cá bằng bài thuốc lá cây sẵn có trong tự nhiên. Nhìn các bạn lấy chày giã nát lá sầu đông, cúc quỳ, rồi lấy nước cốt đổ xuống ao để chữa bệnh nấm mang cho cá, bác Tỏa gật gù: "Đơn giản thế mà lâu nay không biết". Còn chú Cát cứ thắc mắc: "Sao cá nhà tôi đầu to hơn mình?". "Bác chỉ cần thả cá cùng thời điểm và cho cá ăn đều đặn, đủ bữa thì sẽ tránh được tình trạng còi xương ngay". Kiến thức chắc chắn từ giảng đường đã giúp các "chuyên gia ao hồ" thuyết phục được những "bô lão" khó tính nhất.
Ao cá tình nguyện
Nhắc đến nghề nuôi cá ở Đắk Song không ai không biết đến Vượng "liều", Bí thư Đoàn thôn E29-3 - chàng triệu phú 24 tuổi của xã Đắk Môl. Trần Văn Vượng "chết" với cái tên Vượng "liều" từ năm 2004, khi anh một mình chạy đầu này đầu nọ vay mượn bạc triệu đứng ra đấu thầu hồ nuôi cá rộng hơn 4,5 hecta của địa phương. Ai cũng bảo Vượng "điếc không sợ súng". Trước giờ với người dân Tây Nguyên, cà phê luôn là ưu tiên số một, có sống chết gì cũng gắn với cây cà phê. Vượng thì khác, anh nhìn thấy được giá trị, tiềm năng của ao hồ miền núi. Khí hậu ở đây ít biến động, nguồn thức ăn sẵn có phong phú, ao hồ tuy không lớn nhưng mật độ thưa, cá ít mắc bệnh lây lan chết hàng loạt. Nuôi cá không phải bỏ nhiều vốn, nhiều sức mà lại không rủi ro nhiều như trồng cà phê. Song anh xác định "liều" không thôi vẫn chưa đủ. Phải trang bị khoa học kỹ thuật thì mới chứng minh cho bà con thấy mình không liều một cách mù quáng. Mùa hè 2005, "ao cá tình nguyện" của SVTN Trường ĐH Thủy sản Nha Trang "đóng" đúng thôn anh ở. Không một buổi tập huấn, hội thảo đầu bờ nào vắng mặt, anh nghiền ngẫm đến "nát bấy" quyển sổ kỹ năng nuôi cá ao hồ của SVTN tặng. Như diều gặp gió, chưa đầy một tháng, màu nước của hồ cá dần chuyển sang màu xanh chuối non, cá ít nhiễm bệnh hơn, tỷ lệ thả ghép được điều chỉnh hợp lý hơn... Mới năm đầu, ao cá đã đem về cho anh 170 triệu đồng, trừ mọi chi phí ban đầu còn lời khoảng 70 triệu đồng. Vượng khẳng định: "Thành công của mình có 50% nhờ máu liều và 50% nhờ SVTN. Bây giờ mình nuôi cá nhàn hơn làm cà phê rất nhiều. Chỉ cần trang bị chút kỹ thuật sẽ nâng thu nhập lên rất cao".
Yên Thảo - TN, 09/08/2006
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Việt Linh: Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, việc làm thủy sản, việc làm nông nghiệp, tuyển dụng, tìm việc, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.