Phần 1 - Sinh lý hô hấp của tôm
Tôm dùng oxy hoà tan trong nước để đồng hoá thức ăn và lớn lên, dị hoá chất dinh dưỡng để hoạt động bắt mồi, thở và bài tiết. Mang tôm lấy nước vào, nhận oxy hoà tan trong nước, và thải ra CO2 và NH3, NH3 tan trong nước thành ion NH4+, CO2 tan trong nước thành ion kiềm HCO3- và ra khỏi mang tôm.
Ngoài ra, tôm dùng oxy hoà tan trong nước để duy trì cân bằng nội môi. Như ta biết mọi loài động vật có xương sống đều có nguồn gốc từ sinh vật biển, dấu vết của nguồn gốc đó là môi trường trong cơ thể có độ mặn 9 phần ngàn. Và tôm cũng có môi trường trong cơ thể có độ mặn 9 phần ngàn.
Ở môi trường nước ao có độ mặn là 9 phần ngàn tôm sẽ đỡ mất năng lượng cho cân bằng nội môi, nên mau lớn rõ ràng hơn so với độ mặn cao hơn hoặc thấp hơn. Trong môi trường này, 1 kg tôm sẽ tiêu thụ 0.4 gam oxy trong một giờ hoặc 1 tấn tôm dưới ao sẽ tiêu thụ 300 lit oxy một giờ.
Nếu tôm sống ở độ mặn thấp 1-2 phần ngàn hay độ mặn cao 20-25 phần ngàn, thì lượng oxy tiêu thụ sẽ là 500-700 lit oxy một giờ cho 1 tấn tôm (tương đương 0.7 - 1 kg oxy).
Nếu tôm bị stress căng thẳng do môi trường xấu, NH4 lên cao, tảo dầy, hoặc nhiệt độ nước trên 30ºC, tôm sẽ hô hấp ở mức gấp đôi. Vậy ở tình huống xấu nhất, độ mặn quá cao hoặc quá thấp cộng với môi trường xấu, 1 tấn tôm sẽ hô hấp 1000 lit hay 1.4 kg oxy trong một giờ.
Phần 2 - Trao đổi chất – oxy - trong ao tôm
Trong ao tôm, ngoài tôm còn 3 hệ sinh vật khác cùng sống và cùng ăn cùng hô hấp.
Hệ sinh vật đáy: các giáp xác chân chèo, giun nhiều tơ, giun ít tơ, ốc, nghêu. Ở đây, ta nghiên cứu về sử dụng oxy nên hệ sinh vật này tác động một lượng nhỏ, không đáng kể vào nhu cầu oxy của ao.
Hệ phiêu sinh vật - tảo: như đã từng đề cập trong bài viết trước về tảo
Ở đây nói về nhu cầu oxy của hệ sinh vật này.
Ở tháng đầu trong ao chỉ xuất hiện tảo khuê có lợi, hàm lượng oxy trong nước ban ngày tăng do tảo quang hợp, ban đêm tảo đóng góp thêm một ít vào lượng oxy tiêu thụ.
Ở tháng thứ 2, tảo lục dày đặc, hàm lượng oxy trong nước ban ngày tăng mạnh do tảo quang hợp, ban đêm tảo cùng với tôm tiêu thụ gấp đôi lượng oxy.
Ở tháng thứ 3, nếu diệt hết tảo, nước màu bã trà thì bớt được 1 hệ sinh vật tiêu thụ oxy.
Nhưng nếu không diệt tảo, tảo dị dưỡng dày đặc, tảo tiêu thụ một lượng gấp 2 lượng oxy của tôm.
Hệ vi sinh biofloc: hệ vi sinh này phân giải chất thải của tôm, tạo ra các bông bùn biofloc, các bông bùn này trở thành thức ăn phụ cho tôm. Cái giá phải trả là ta cần 1 lượng oxy bằng với lượng oxy mà tôm tiêu thụ.
Tổng kết lại tôm, tảo và vi sinh, trong tình huống xấu nhất sẽ tiêu thụ 2500 lít oxy (hơn 3 kg) một giờ cho một tấn tôm
Vậy tùy theo bà con nuôi mật độ nào
Ví dụ 1: ao 2000 m2 nuôi 150 con/m2, về đích 50 con/kg. Khi gần về đích, ao có 6 tấn tôm. Khi đó phải đảm bảo lượng oxy cơ bản 10-20 kg oxy/giờ (10 kg oxy nếu môi trường tốt hoặc 20 kg oxy nếu môi trường xấu).
Ví dụ 2: ao 2000 m2 nuôi 300 con/m2, về đích 75 con/kg. Khi gần về đích, ao có 8 tấn tôm. Khi đó phải đảm bảo lượng oxy cơ bản 12-24 kg oxy/giờ.
Phần 3 - Tính toán kinh tế cho hệ thống oxy
1.- Quạt nuớc: dù công nghệ mới nào xuất hiện đi nữa, thì quạt vẫn là hình thức cung cấp oxy rẻ tiền nhất. Đầu tư 1 dàn quạt 3 ngựa – 2 kw mất 10 triệu, nhưng phần bảo trì sẽ tốn nhiều công, lội ao, sửa phao, thay phụ tùng, nhiều tiền như thay láp, hộp số, tạc đăng, mô tơ. Nếu ao không dạng hình tròn, hoặc hình vuông thì sẽ có nhiều vị trí bị tù đọng, thiếu oxy. Quạt lông nhím sẽ cung cấp 1.4 kg oxy khi tiêu thụ 1 kwh, nhưng quạt lông nhím không tạo dòng, để xoáy rác về xi phông. Quạt bản to tạo dòng, do chức năng tạo dòng, nên 1 kwh chỉ cung cấp 1 kg oxy. Như vậy với Ví dụ 1 ở trên, có 4 quạt tạo dòng 3 ngựa – 2 kw thì ta vẫn mới cung cấp được 8 kg oxy / giờ cho ao tôm, vẫn còn hơi thiếu.
2.- Máy sục khí: máy second hand 10 ngựa chạy 80 vỉ, giá khoảng 10-15 triệu, máy mới 30-50 triệu, có thể cung cấp 7 kg oxy / giờ, nhưng do không tạo dòng, nên nó phải dùng kết hợp với quạt
3.- Máy sục lủi: giá 3-4 triệu máy cũ hay 6-10 triệu máy mới, máy dễ di chuyển, dễ bảo trì, đẩy mạnh nước giàu oxy vào các góc chết, máy 2 ngựa cung cấp 2 kg oxy / giờ.
4.- Venturi: hệ thống venturi có khả năng trộn khí rất mạnh, tuy nhiên hiệu suất của nó phụ thuộc vào máy bơm nước. Một máy bơm lepono 4 ngựa giá 4tr6 + tiền ống venturi 1tr4, là 6 triệu. Một giờ đẩy được 80 m3 nước bão hoà oxy, tương đương với 0.4 kg oxy/giờ, mặc dù đầu tư thấp, nhưng chi phí tiền điện lại quá cao (gấp 5 lần quạt nước).
5.- Máy bơm DAF: đây là máy anh Công Chính gọi là micro bubble, máy sử dụng cho việc dùng bọt khí tuyển nổi rác thải trong nhà máy xử lý nước thải hoặc dùng tuyển nổi quặng khoáng sản. Máy này nếu dùng cho nuôi tôm thì trái ngành nghề, phí tiền, đầu tư mắc hơn venturi gấp rất nhiều lần, nhưng hiệu suất chỉ ngang venturi.
6.- Máy oxy nano: đây là một loại công nghệ mới còn phôi thai, chưa đại trà ra thị trường. Hiệu suất của nó tùy thuộc vào khả năng lọc oxy của hệ thống. Nếu khả năng lọc oxy thấp, rẻ tiền, thì hiệu suất của nó còn thua venturi mà đầu tư cũng rất tốn tiền. Loại này chỉ phù hợp cho hồ nhỏ nuôi thú cưng cá koi.
Vậy kết luận là kinh tế nhất vẫn phải dùng quạt nước, và phụ thêm bằng máy sục lủi hoặc máy sục khí.
Bảo Cần Giờ - 0931560170 © 14/3/2018
Nhấn vào đây để xem các kinh nghiệm nuôi tôm của ông Bảo Cần Giờ
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Việt Linh: Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, việc làm thủy sản, việc làm nông nghiệp, tuyển dụng, tìm việc, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.