Bào ngư là loài có giá trị kinh tế bởi vì hàm lượng dinh dưỡng trong thịt của chúng rất cao. Bào ngư có khoảng gần 100 loài, tất cả đều thuộc giống Haliotis. Bào ngư có mặt ở nhiều vùng trên trái đất, một số loài hiện nay đang được nuôi như Haliotis disversicolor, H. asinina, H. oliva…
1. Phân bố
Các loài Bào ngư phân bố rộng khắp thế giới nhưng chúng phát triển phong phú về số lượng ở vùng ôn đới. Bào ngư thích sống ở vùng biển cạn, môi trường nước xáo động mạnh và hàm lượng oxy hòa tan cao. Vì vậy, chúng thường phân bố ở nền đáy cứng, trên các mõm đá. Bào ngư không phân bố ở các vùng cửa sông bởi vì cửa sông nồng độ muối thấp, có nhiều bùn, nhiệt độ cao và oxy hòa tan thấp. Bào ngư thích nghi trong khoảng nhiệt độ từ 10-35oC và nồng độ muối từ 25-35%o.
Ở Việt Nam Bào ngư phân bố ở đảo Cô Tô, Hạ Long, các đảo ở Bắc và Trung Bộ. Ở Nam Bộ Bào ngư có ở đảo Phú Quốc.
2. Phương thức sống
Phương thức sống của Bào ngư có liên quan đến cấu tạo của chân. Bào ngư dùng chân để bò từ nơi này đến nơi khác giống như những loài ốc khác. Nhưng chân của Bào ngư không thích hợp để bò hoặc bám trên cát. Trên mặt cát chúng dễ bi lật ngửa và dễ bị địch hại tấn công. Vì vậy, chỉ thấy bào ngư phân bố ở vùng đáy đá.
Khi gặp kẻ thù, Bào ngư dùng chân bám chặt trên đá và hạ thấp vỏ xuống để che đậy phần cơ thể và chân. Chân của bào ngư có thể bám chắc trên đá, khi chúng nhận thấy bị đe đọa thì chúng bám rất chắc và khó có thể tách chúng ra khỏi mặt đá.
Bào ngư sợ ánh sáng nên chúng thường ẩn nấp trong các hốc đá vào ban ngày và ban đêm thì bò ra để tìm mồi.
3. Thức ăn
Bào ngư là loài ăn thực vật. Thức ăn của Bào ngư thay đổi theo giai đoạn phát triển. Trong giai đoạn đầu của chu kỳ sống thì ấu trùng của Bào ngư sống trôi nổi. Chúng dường như không ăn trong giai đoạn ấu trùng. Ở Mỹ người ta đã thành công ương ấu trùng trong nước vô trùng (sterile water). Tuy nhiên, theo qui trình truyền thống của Nhật Bản thì ấu trùng Bào Ngư được ương trong môi trường có cung cấp tảo sống và cho kết quả tốt hơn. Một nghiên cứu khác cho rằng ấu trùng có thể hấp thu chất dinh dưỡng trực tiếp từ môi trường ngoài cho hoạt động sống của chúng.
Khi kết thúc giai đoạn ấu trùng phù du chúng chuyển sang sống bám. Ấu trùng bám dùng lưỡi sừng để cạp các tảo san hô (coralline) hoặc lớp chất nhầy trên bề mặt đá (slime) lấy thức ăn. Chất nhầy trên mặt đá bao gồm các tảo đơn bào và vi khuẩn tạo thành.
Giai đoạn trưởng thành thức ăn của Bào ngư là rong biển (seaweed). Bào ngư thích ăn rong đỏ (red algae), loại rong nâu (brown algae) và vài loại rong lục (green algae).
Nhiệt độ có ảnh hưởng đến cường độ bắt mồi của bào ngư. Ở 8oC bào ngư không bắt mồi, 12oC bào ngư ăn với lượng thức ăn là 6% trọng lượng cơ thể, 20oC bào ngư ăn với lượng bằng 15% trọng lượng cơ thể.
Bào ngư ăn nhiều rong nâu Laminaria (53%), một ít rong lục (6% Ulva, 2% Porphyra). Bào ngư bắt mồi tích cực về đêm, đặc biệt là lúc mặt trời sắp lặn và sắp mọc.
4. Sinh trưởng
Bào ngư sinh trưởng tương đối chậm, bào ngư Vành tai (Haliotis asinina) đạt 3,5cm sau 6 tháng, 55cm trong 1 năm và 7,5 cm trong 3 năm. Bào ngư Nhật (H. discus) đạt 3 cm trong năm đầu, 5,5 cm, 7,5 cm và 9,5 cm cho năm thứ 2, 3 và măm thứ 4.
Bào ngư sinh trưởng đều, không thay đổi tỉ lệ hình học theo thời gian (b=3). Các yếu tố di truyền, môi trường, thức ăn… ảnh hưởng đến sinh trưởng của bào ngư.
5. Sinh sản
Bào ngư phân tính đực, cái riêng biệt và chúng ta có thể phân biệt dựa vào màu sắc của chúng trong mùa sinh sản. Con cái thường có màu xanh đen, con đực có màu vàng. Trứng của Bào ngư thụ tinh ngoài, cho nên tỉ lệ thụ tinh rất thấp. Tuy nhiên Bào ngư cũng có một tập tính sinh sản đặc biệt nhằm làm tăng tối đa khả năng gặp nhau giữa tinh trùng và trứng. Khi sinh sản chúng thường tập trung thành từng đàn trên trong một nơi với mật độ cao, như vậy đảm bảo trứng có cơ hội thụ tinh cao.
Trong tự nhiên Bào ngư thường thành thục sinh dục ở một thời điểm nhất định trong năm. Thí dụ ở Australia loài Bào ngư Haliotis rubra (blacklip abalone) thành thục vào cuối mùa hè đầu mùa thu, thời gian còn lại trong năm thì không thành thục. Ở Việt nam Bào ngư thường thành thục từ tháng 4-8. Bào ngư khoảng 2 tuổi có thể thành thục tham gia sinh sản lần đầu.
Bào ngư thường đẻ vào lúc chiều tối và rạng sáng, con đực thường phóng tinh trước sau đó con cái mới đẻ trứng. Sản phẩm sinh dục cũng có vai trò kích thích các cá thể khác trong quần thể sinh sản.
Tế bào trứng có đường kính khoảng 150-180mm (H. asinina), trứng chưa chín khi đẻ ra sẽ không có màng tế bào hay màng keo (không thụ tinh). Tinh trùng có đầu hình lưỡi mác, đuôi dài 8-50 mm và có khả năng thụ tinh trong 2 giờ sai khi được phóng thích ra môi trường nước, trứng bắt dầu phân cắt 10 phút sau thụ tinh. Trứng bào ngư phân cắt hoàn toàn không đều theo kiểu xoắn ốc.
Ts. Trương Quốc Phú - Bộ môn Thủy sinh học ứng dụng, Khoa Thủy sản, Đại học Cần Thơ
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Việt Linh: Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, việc làm thủy sản, việc làm nông nghiệp, tuyển dụng, tìm việc, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.