• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Phòng trị bệnh cá bống tượng

Phòng trị bệnh cá bống tượng

Cá bống tượng nuôi trong ao hay trong lồng bè thường bị các loại bệnh phổ biến là đốm đỏ, trùng mỏ neo và bệnh tuột nhớt. Khi cá bị các bệnh này thì chữa trị như sau:

1. Bệnh đốm đỏ: Nguyên nhân là do môi trường sống bị thay đổi, cá bị sây sát trong quá trình vận chuyển, đánh bắt, vi khuẩn xâm nhập và gây ra bệnh. Cá kém ăn, bơi chậm chạp, các phần dọc theo thân, đuôi, tia vi xuất hiện các đốm đỏ, vết loét.

Trị bệnh: Dùng thuốc Sulphamit 10-16 g trộn vào thức ăn cho 100 kg cá, ăn 2-3 lần. Cũng có thể tắm cho cá bằng nước muối nồng độ 4%o trong 10 phút có sục khí.

2. Bệnh trùng mỏ neo: Trùng bám trên thân cá ở các gốc vây ngực, vây hậu môn; nếu nặng toàn thân trùng mỏ vào hút máu làm cho cơ thể cá tấy sưng.

Cách trị: Dùng lá xoan (sầu đông) bó thành từng bó để dưới đáy hoặc thùng bè, lều lồng với lượng 0,6 kg lá/kg cá. Cá sẽ chúi vào bó lá, nước lá xoan đắng sẽ làm cho trùng mỏ neo rời khỏi thân cá.

3. Bệnh tuột nhớt: Khi cá bị bệnh này thường chỉ thay đổi môi trường. Thay nước trong ao, di chuyển lồng nuôi sang nơi khác. Cũng có thể cách ly cá bị bệnh cho khỏi lây lan.

Phòng ngừa các bệnh trên:

- Khi chọn cá nuôi cần thận trọng, chỉ sử dụng những con khỏe mạnh và được rửa qua thuốc tím với nồng độ 20 g/m3 nước trong thời gian 15-30 phút để diệt nguồn gốc các mầm bệnh trước khi thả nuôi.

- Trộn thức ăn với ít muối hoặc 5 g thuốc kháng sinh cho 1 kg thức ăn và cho cá ăn 10 ngày một lần.

- Thường xuyên theo dõi cá, khi thấy cá có dấu hiệu của bệnh phải phân lập nuôi riêng và chữa trị.

Có thể dùng vôi bột, lá xoan để trong bao, treo ở cống cấp nước, chúng sẽ tan ra góp phần diệt một số nấm, khuẩn gây bệnh cho cá.

KS. Phương Thanh - Nông nghiệp VN, 12/03/2009

 

Một số bệnh phổ biến thường gặp ở cá bống tượng

1. Bệnh ngoại ký sinh:

- Nguyên nhân và triệu chứng: Bệnh do các sinh vật rất nhỏ bám vào mang, da của cá để hút máu hoặc chất dinh dưỡng gây nên những vết thương, xuất huyết. Khi bị bệnh màu sắc cá trở nên nhợt nhạt, cá thích tập trung ở nơi có đường nước chảy vào. Bệnh xuất hiện khi mật độ nuôi dầy, điều kiện vệ sinh kém, mưa kéo dài, thời tiết lạnh.

- Phòng trị bệnh:

+ Phòng: thả nuôi mật độ vừa phải, tránh để ao bị ô nhiễm.

+ Trị: dùng formol tạt xuống ao với nồng độ 20-25ml/m3.

2/- Bệnh đốm đỏ

- Nguyên nhân và triệu chứng: do vi trùng Pseudomonas punotata hay Aeromonas hydrophila. Thân và vùng bụng bị xuất huyết, vảy dựng lên, các gốc vây xuất huyết và ứ nước vàng. Bụng cá trương to, chứa dịch và đỏ bầm. Ở một số cá bệnh mắt, hậu môn lồi ra, một số vây cá bị rách xơ xác dần dần bị rụng, bên trong thịt ứ máu và mủ. Cá lội lờ đờ, chậm chạp, ít ăn hoặc bỏ ăn.

- Cách phòng: không nuôi mật độ quá dày, cho ăn đầy đủ về số lượng và chất lượng, môi trường ao nuôi luôn giữ ổn định và sạch sẽ. Định kỳ 15 ngày tạt vôi bột CaCO3với lượng 1-2kg/100m3 (vôi hoà tan trong nước tạt đều khắp ao).

- Trị bệnh: Sử dụng kháng sinh Neomycine 4g/100kg cá bệnh và Vitamine C 3g/100kg cá bệnh, thuốc được trộn vào thức ăn, cho ăn liên tục từ  5-7 ngày.

3/- Bệnh nấm thuỷ mi

- Triệu chứng: khi nấm mới ký sinh, mắt thường khó nhìn thấy, phần cuối của sợi nấm đâm sâu vào thịt cá, phần đầu sợi nấm lơ lửng trong nước. Khi bệnh phát triển nhiều trên thân cá xuất hiện những đám bông màu trắng. Cá có cảm giác ngứa ngáy, thân cá gầy, đen sẫm. Nấm ngày càng phát triển, tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn xâm nhập làm bệnh nặng thêm.

Phòng bệnh: tạo điều kiện sống thuận lợi cho cá, nhất là vào những lúc trời lạnh, giữ môi trường trong sạch, không để cá bị suy dinh dưỡng (thiếu ăn), không nuôi mật độ quá dầy hoặc làm cá bị xây xát.

- Trị bệnh:  Dùng thuốc tím (KMnO4) tạt xuống ao liều 3-5g/m3 nước, hoặc dùng dung dịch muối ăn 3% tắm cá trong 15 phút.

4/- Bệnh lở loét (Hội chứng lở loét)

- Nguyên nhân: do nhiều nguyên nhân kết hợp như siêu vi (virus), vi khuẩn, nấm thuỷ mi, nấm nội Aphanomyces,  giáp xác ký sinh, môi trường nước quá dơ bẩn, nhiệt độ thay đổi…

- Triệu chứng: Cá ít ăn hoặc bỏ ăn, hoạt động lờ đờ, bơi nhô đầu lên mặt nước, da cá nhợt nhạt và xuất hiện các vết loét dần dần lan rộng có thể ăn sâu đến xương. Cơ quan nội tạng hầu như không bị thương tổn.

- Phòng và trị bệnh:

+ Phòng bệnh: Luôn giữ môi trường sạch, định kỳ dùng vôi bột, các hoá chất xử lý đáy ao. Khi trong khu vực xảy ra dịch bệnh cần hạn chế thay nước hoặc nước phải được khử trùng trước khi đưa vào ao nuôi.

+ Trị bệnh: Dùng thuốc tím 3g/m3 kết hợp với muối ăn 0,3kg/m3 tạt xuống ao. Đồng thời trộn kháng sinh cho ăn liên tục từ 5-7 ngày với liều Oxytetracyline (hạn chế sử dụng) 2g/kg thức ăn, bổ sung vitamin C 3g/kg thức ăn.

5/- Bệnh mất nhớt

- Nguyên nhân và triệu chứng bệnh: dễ xuất hiện khi cá bị xây xát, bị sốc do đánh bắt vận chuyển hoặc do môi trường thay đổi đột ngột. Khi bị bệnh khắp da cá có một lớp nhớt dày bao phủ. Cá tách đàn, bơi lội yếu ớt. Cá kém ăn hoặc bỏ ăn. Trên thân từng vùng bị trắng. Bệnh nặng xuất hiện các vết loét ăn sâu vào cơ là cơ hội để nấm và ngoại ký sinh phát triển. Bệnh nặng cá chết chìm xuống đáy ao.

- Phòng bệnh: Tránh các yếu tố gây sốc cho cá, định kỳ hoặc trước những cơn mưa to tạt vôi bột CaCO3 với liều 1-2kg/100m3 vào ao nuôi.

- Trị bệnh: dùng formol 25ml cho 1m3 nước, ngâm cá để diệt nấm và ngoại ký sinh, sau 24 giờ thay 1/2 nước rồi dùng lặp lại thuốc với liều trên một lần nữa. Phối hợp trộn kháng sinh Rifamycin vào thức ăn với liều 4viên/100kg cá bệnh, dùng liên tục từ 5-7 ngày.

KS. Nguyễn Thị Thy Nga - Khuyến ngư Kiên Giang, 3/5/2006

Nhấn vào đây để xem các tin kỹ thuật nuôi cá bống tượng

Thảo luận về kỹ thuật nuôi:

Xem thêm các thông tin có liên quan:

- Kỹ thuật nuôi tôm, cá và các loại thủy sản khác

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Việt Linh: Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, việc làm thủy sản, việc làm nông nghiệp, tuyển dụng, tìm việc, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang