• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Một số bệnh trên cá chép

Trước tình hình thời tiết đầu năm 2013 ở Miền Bắc nước ta diễn biến phức tạp nhiều ngày rét đậm kéo dài kết hợp với mưa phùn. Đây chính là cơ hội thuận lợi cho các tác nhân gây bệnh như nấm, vi khuẩn, vi rút… trong môi trường nước và đáy ao nuôi phát triển và gây bệnh cho động vật thủy sản.

Trong đó đặc biệt nguy hiểm và gây thiệt hại lớn cho người nuôi đó là một số bệnh xảy ra trên cá chép như bệnh xuất huyết, bệnh vi rút. Sau đây xin giới thiệu đến các hộ nuôi thủy sản biện pháp phòng và trị bệnh trên cá chép:

1. Bệnh xuất huyết

* Dấu hiệu bệnh:

-Dấu hiệu bên ngoài: Vây, đuôi bị cụt dần, vảy tróc, mình bầm tím, tơ mang bị sơ rách gọi là xuất huyết ngoài.

-Dấu hiệu bên trong: ruột chướng hơi xuất hiện các bong bóng khí bên trong ruột,gan và mật sưng lên. Khi cá bị bệnh nặng thường nội tạng nhũn ra gọi là xuất huyết trong.

* Biện pháp phòng bệnh:

-Vào những ngày thời tiết mưa phùn mùa xuân cần phải tạt vôi với liều lượng 1 –2kg vôi bột cho 100m3 nước ao nuôi.

-Định kỳ 15 ngày dùng các chế phẩm sinh học như Biobacter, Biopower tạt 1kg cho 8.000 – 10.000m3 nước ao nuôi sẽ xử lý nước đục, nước nhờn, váng nhớt, làm sạch nước, ổn định pH, hấp thụ độc tính, khử mùi hôi thối, phân hủy nhanh xác động thực vật, thức ăn dư thừa, mùn bã hữu cơ.

-Bổ sung thêm vitamin C từ 200 – 300g cho 100kg thức ăn, thời gian cho ăn 2 – 3 ngày liên tiếp.

-Nuôi ghép với mật độ thưa, bình quân một sào ao bắc bộ thả 40 – 50 con cá chép.

* Biện pháp trị bệnh

-Xử lý môi trường nước ao bằng BioIodine với liều lượng 1 lít cho 5.000m3 nước ao nuôi hoặc xử lý bằng Vicato 1kg cho 3000m3 nước ao.

-Dùng kháng sinh trộn vào thức ăn như Amoxicillin, Sunfamid, Biogan 100g cho 1 –2 tấn cá và cho ăn 5 – 7 ngày liên tiếp. Lưu ý ngày thứ 2 trở đi liều lượng giảm đi một nửa so với ngày thứ nhất.

2. Bệnh virut mùa xuân trên cá chép

* Dấu hiệu bệnh

-Bên ngoài da sậm màu, mắt lồi, mang nhợt nhạt có hiện tượng xuất huyết điểm ở da và mang.

-Bên trong: Xoang bụng có dịch, ruột sưng to đôi khi có dịch, tụy bị sưng và có hiện tượng xuất huyết ở bong bóng. Trong đó xuất huyết ở bong bóng được xem là dấu hiệu đặc trưng ở bệnh này.

* Phòng và trị bệnh

- Áp dụng biện pháp phòng bệnh như bệnh xuất huyết trên cá chép. Bệnh chưa có thuốc trị.

 Kiều Minh Khuê, Khuyến nông Hà Nội - 10/03/2013

 

Bệnh do vi khuẩn và virus nguy hiểm ở cá chép (cyprinus carpio)

Cá Chép là một đối tượng nuôi nước ngọt phổ biến và truyền thống của Việt Nam do chúng có đặc điểm chất lượng thịt thơm ngon, ngoại hình đẹp và có sức chống chịu bệnh tật tốt hơn các đối tượng nuôi khác. Song trong tình hình nuôi hiện nay cá Chép cũng thường mắc một số bệnh do vi khuẩn, virus gây nhiều thiệt hại cho người nuôi. Về bệnh do vi khuẩn trên cá chép phải kể đến bệnh nhiễm khuẩn do vi khuẩn Aeromonas spp. còn bệnh do virus hiện nay đã xuất hiện bệnh KHV (Koi Herpesvirus) đó là 2 bệnh nguy hiểm nhất hiện nay đối với cá Chép nuôi.

1. Cá Chép bị nhiễm khuẩn Aeromonas spp.

Vi khuẩn Aeromonas spp. thường gây bệnh cho động vật thủy sản trong nước ngọt, đặc biệt là gây viêm, xuất huyết và hoại tử trên cá Chép. Vi khuẩn gây bệnh gồm 3 chủng A. hydrophila, A. sobria và A. caviae có dạng trực khuẩn ngắn, hai đầu tròn, bắt màu gram âm, có khả năng di động và chúng thường có mặt trong môi trường nuôi cá (trong nước, trong bùn), song ở những thủy vực nhiều mùn bã hữu cơ, nguồn nước bị ô nhiễm thì số lượng và độc lực của vi khuẩn tăng lên. Vi khuẩn gây bệnh thuộc dạng tác nhân gây bệnh cơ hội, chúng chỉ gây bệnh cá Chép khi có các yếu tố khác gây stress cho cá như đánh bắt sây sát, thả cá với mật độ dầy, môi trường nuôi bị ô nhiễm.

Biểu hiện của cá Chép khi bị nhiễm khuẩn: trên cơ thể xuất hiện một đám lớn màu đỏ, cá thường bị hoại tử vây, đuôi. Các vết loét thường nông, bề mặt trở nên có màu nâu khi nó bị hoại tử hoặc thối rữa. Cá bị tuột vảy, tổn thương phần miệng, mắt bị mờ hoặc lồi, bụng trướng to, xung huyết và tắc nghẽn các nội quan, xuất huyết ở gốc vây, xương nắp mang, xung quanh hậu môn. Bệnh thường gặp vào cuối xuân, đầu hè.

Phòng và xử lý bệnh: Bệnh xảy ra do tác nhân cơ hội do vậy công tác phòng bệnh cần tập trung vào việc phòng bệnh tổng hợp cho cá nuôi: vệ sinh, khử trùng ao đầm trước khi thả cá, đối với cá giống phải đảm bảo khoẻ mạnh, tránh làm sây sát cá. Khi đánh bắt, vận chuyển cá giống cần làm vào thời điểm mát trong ngày, cần luyện cho cá trước khi đánh bắt, vận chuyển, cần cung cấp đủ nước sạch và ô xy trong quá trình vận chuyển, tránh tích đọng mùn bã hữu cơ trong các ao nuôi thông qua việc sử dụng thức ăn phù hợp tránh dư thừa thức ăn, tránh các nguồn chất thải đổ vào ao nuôi và thường xuyên sử dụng chế phẩm sinh học làm sạch môi trường nuôi.

Vì là bệnh nhiễm khuẩn nên khi bệnh xảy ra cần khử trùng nước ao nuôi sau tiến hành trộn kháng sinh cho cá ăn trong vòng 5 ngày liên tục. Cần lưu ý sử dụng một trong các kháng sinh diệt khuẩn gram âm đủ liều, kháng sinh cần bao bọc cẩn thận vào thức ăn tránh tan mất kháng sinh trước khi cá sử dụng, không sử dụng kháng sinh bị cấm (Theo quy định Bộ NN&PTNT), liều lượng kháng sinh từ 50-70 mg/kg cá/ngày. Sau khi dừng sử dụng kháng sinh 3-5 ngày cần bổ sung chế phẩm sinh học nhằm gây lại vi sinh có lợi để cân bằng môi trường nuôi.

2. Virus gây bệnh nguy hiểm cho cá Chép

Đối với cá Chép nuôi ở Việt Nam trong những năm qua đã xuất hiện bệnh KHV, bệnh gây ra do một loại virus có tên là Herpesvirus.

Herpesvirus được phân loại thuộc dạng virus có nhân là chuỗi xoẵn kép ADN thuộc họ virus Herpesviridae. Virus chỉ gây bệnh cho cá Chép, cá Chép cảnh mà không gây bệnh trên cá Trắm cỏ.

Cá Chép bị bệnh thường ở nhiệt độ nước từ 18-29oC với biểu hiện mang nhợt nhạt, cá thường biểu hiện nổi đầu trên bề mặt do thiếu khí. Khi bệnh xảy ra tỷ lệ chết cao 80-100%, trong vòng 24-48 giờ do virus tấn công chủ yếu mang nên các bệnh tích trên mang thể hiện rõ các đốm hoại tử và chết nhanh. Ngoài ra virus gây viêm thận và làm tăng tiết dịch nhầy (mucous) trên bề mặt cơ thể nên sờ vào cá bệnh cảm giác thấy nhiều nhớt. Do gây viêm, hoại tử và tăng tiết dịch nhầy nên rất dễ bội nhiễm nấm, vi khuẩn và ký sinh trùng. Bệnh thường xảy ra ở cá Chép giống hơn cá trưởng thành.

Phòng bệnh thông qua quản lý tốt môi trường nuôi, lưu ý khi nhập giống mới cần nuôi cách ly tối thiểu 2 tuần mới cho nhập đàn.

Đối với bệnh này khi xảy ra bệnh chưa có thuốc xử lý mà chủ yếu là quản lý môi trường tốt tránh gây stress làm tăng tỷ lệ chết và bổ sung Vitamin C vào thức ăn nhằm tăng sức đề kháng tự nhiên. Riêng đối với cá Chép cảnh có thể áp dụng biện pháp nâng hoặc hạ nhiệt độ nước cũng có thể làm giảm tỷ lệ chết, nhưng không diệt được virus trong cá bệnh. Khử trùng nước thải bằng Chlorin 200 mg/L hoặc dùng BKC nhằm tránh lây lan sang các thủy vực khác.

ThS. Kim Văn Vạn, ĐH Nông Nghiệp Hà Nội - Công ty TNHH UV Việt Nam.

 

Một số biện pháp phòng, trị bệnh thường gặp trong nuôi trồng thủy sản vụ Đông - Xuân

Vụ Đông-Xuân thường xảy ra 3-4 đợt rét đậm-rét hại, tập trung vào tháng 12 và tháng 01.

1. Bệnh nấm thuỷ my ở động vật thuỷ sản nước ngọt

- Tác nhân gây bệnh: Một số loài thuộc các giống: Leptolegnia; Saprolegnia và Achlya. Đây là các nấm dạng sợi, thuộc nhóm nấm bậc thấp.

- Dấu hiệu bệnh lý:

+ Khi cá bị bệnh nhẹ rất khó phát hiện bằng mắt thường. Ban đầu trên da cá xuất hiện các vùng trắng xám, sau vài ngày tại đó mọc lên các sợi nấm mảnh và phát triển lên thành từng búi nấm trắng như bông.

+ Cá bị bệnh bơi hỗn loạn, thích cọ xát vào các vật thể trong nước, làm tróc vẩy trầy da.

- Phân bố và lan truyền bệnh:

+ Xảy ra ở nhiều loài cá nước ngọt như: “cá Chép, Mè, Trắm Cỏ, Trôi, Baba, Ếch…”

+ Thường phát triển vào mùa Đông-Xuân , thích hợp ở nhiệt độ nước từ 18-250C.

+ Bệnh phát triển thuận lợi trong các ao nuôi có mật độ cao, nước bị ô nhiễm.

- Phương pháp phòng và trị bệnh:

* Phòng bệnh cho cá

+ Thực hiện kỹ thuật dọn ao trước khi mỗi vụ nuôi: Vét bùn đáy, phơi nắng đáy ao, dùng vôi bột để sát trùng, diệt tạp và cải thiện pH.

+ Nuôi cá với mật độ thích hợp và tránh các tác động cơ học hoặc do kí sinh trùng làm cá tổn thương.

+ Cần quan tâm tới vấn đề dinh dưỡng đầy đủ để cá chống rét và duy trì sức đề kháng. Cần kích độ sâu nước ao, hoặc phủ bèo tây trên 2/3 mặt ao.

+ Đối với đàn cá bố mẹ, thường xuyên kiểm tra bôi thuốc sát trùng lên các vết thương tổn đề phòng sự phát triển của nấm “Cồn iốt, thuốc tím 1%”.

* Phòng bệnh cho trứng cá

+ Nuôi vỗ cá bố mẹ, nhất là cá Chép theo đúng kỹ thụât để cá bố mẹ có chất lượng tuyến sinh dục tốt.

+ Đối với cá Chép cần lựa chọn giá thể và sát trùng giá thể bằng thuốc sát trùng trước khi cho vào bể đẻ. Khi trứng bám vào giá thể, ngâm giá thể có trứng trong dung dịch nước muối 2% trong vòng 10-15 phút từ 1-2 lần/ngày.

* Phương pháp trị bệnh

+ Dùng Methylen 2-3 ml/l; lặp lại 2 lần trong 1 tuần.

+ Đối với trứng cá thường dùng các loại hoá chất sau: Dung dịch muối 2-3%; Methylen 2-3 ml/l; Formol với nồng độ 1/500-1/1000 tắm trong thời gian 5-15 phút, 02 lần/ ngày.

+ Hoặc dùng Oxy già, tuỳ theo nhiệt độ nước mà lựa chọn nồng độ cho thích hợp.

2. Bệnh trùng loa kèn

- Tác nhân gây bệnh: Một số loài thuộc các giống Zoothamnium; Vorticela; Epistylis; Apisoma.

- Dấu hiệu bệnh lý: Kí sinh trên da, mang hoặc các phần phụ của vật nuôi thuỷ sản. Gây ảnh hưởng hô hấp, sinh trưởng của các động vật là ký chủ.

- Phân bố và lan truyền bệnh: Phân bố ở nước ngọt, mặn. Chúng kí sinh ở tất cả các động vật thuỷ sản, mỗi loại kí sinh trùng khác nhau có những kí chủ khác nhau. Bệnh hay xuất hiện vào mùa Xuân ở miền Bắc.

- Phòng và trị bệnh

+ Dùng CuS04 tắm cho cá với nồng độ 5-7 mg/l; hoặc phun xuống ao với nồng độ 0.5-0.7 mg/l; tắm nước muối 2-4% cho cá nước ngọt bị bệnh.

+ Đối với vật nuôi thuỷ sản nước mặn dùng Formol 100-200 ml/l; tắm cho cá, tôm trong 30 phút hay tẳm bằng nước ngọt hoặc nước Oxy già với nồng độ 100-150 ml/l với thời gian 15-30 phút.

3. Bệnh xuất huyết mùa xuân do virus ở cá Chép

- Tác nhân: Do virus gây ra; bệnh còn có tên khác như: “Bệnh phù của cá Chép; Đốm đỏ, Viêm bóng hơi”.

- Dấu hiệu: Cá ngạt thở, tách đàn, bơi tầng mặt hoặc chết chìm xuống đáy, mắt và da có hiện tượng xuất huyết, bụng trướng to. Bên trong bề mặt nội tạng bị xuất huyết, lá lách sưng to, xoang bụng có chứa nhiều dịch nhờn.

- Phân bố và lan truyền bệnh: Chủ yếu gặp ở cá Chép, ngoài ra còn gặp một số loài cá khác như cá Mè trắng; Diếc, Mè hoa. Bệnh xảy ra vào màu có nhiệt độ thấp, thường cuối Đông đầu Xuân

- Biện pháp phòng bệnh

+ Nuôi cá ở nhiệt độ ấm áp > 200C, tăng mực nước trong ao nuôi lên khoảng 1.4-1.8 m và phủ bèo tây chiếm khoảng trên 2/3 diện tích mặt ao.

+ Mua con giống những giòng cá Chép có sức đề kháng bệnh xuất huyết virus

+ Hoặc phòng bệnh bằng Vacine, tuy nhiên chi phí sản xuất cao khó áp ứng trong nuôi thương phẩm đại trà.

+ Tăng cường biện pháp phòng bệnh tổng hợp trong quá trình nuôi.

4. Bệnh nhiễm trùng máu và xuất huyết ở cá

- Tác nhân gây bệnh: Rhabdovirus có dạng hình que

- Dấu hiệu chính của bệnh

+ Thời kỳ cấp tính: Bơi lờ đờ, hôn mê, bơi tách đàn, bụng trướng to, mắt cá bị lồi, dưới da và vây xuất hiện dịch, mang cá nhợt nhạt. Bên trong có hiện tượng tích dịch bên trong cơ thể, xuất huyết ở các mô mỡ, gan, ruột, bóng hơi. Hiện tượng chết ở thời kỳ này rất nhanh và tỷ lệ chết 80%.

+ Thời kỳ mãn tính: Bơi xoắn, bơi vòng tròn, da cá cũng chuyển màu đen tối, mang cá nhợt nhạt. Có thể chết rải rác.

+ Thời kỳ thần kinh: Bơi lội không giữ được thăng bằng. Các dấu hiệu bên ngoài của thời kỳ mãn tính biến mất. Cá ít xảy ra hiện tượng chết.

- Phân bố và lan truyền bệnh: Xảy ra ở nhiều loài cá biển khác nhau. Bệnh thường xảy ra vào mùa có nhiệt độ thấp < 150C.

- Biện pháp phòng bệnh: Áp dụng phương pháp quản lý chung. Hoặc có thể dùng Vacine hoặc chất kích thích miễn dịch được xem là một giải pháp có hiệu quả trong sản xuất.

* Lưu ý: Nếu phát hiện tôm, cá nhiễm bệnh hoặc chết bất thường, yêu cầu “đóng kín cửa cống, kiểm tra lại bờ ao, không được xả thải ra ngoài”. Đồng thời thông báo ngay cho cơ quan chức năng: Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư; Chi cục Thú y; Phòng Nuôi trồng thủy sản (Sở NN&PTNT) và cán bộ địa phương để có biện pháp hướng dẫn xử lý kịp thời.

Khi mua thuốc, hoá chất, chế phẩm sinh học phục vụ trong quá trình nuôi; bà con nên đến các cơ sở, đại lý có uy tín, tin cậy. Tuyệt đối không mua những sản phẩm không rõ xuất xứ, chào hàng bán rong.

Bùi Trọng Khiêm (Phòng NTTS-Sở NN&PTNT Hải Phòng) - Báo Hải Phòng

 

Bệnh xuất huyết mùa xuân ở cá chép

1. Dấu hiệu bệnh lý

- Bên ngoài: Cá trong ao có hiện tượng ngạt thở, bơi lên tầng mặt, cá bơi không định hướng và mất thăng bằng. Nhìn bên ngoài thấy da có màu tối và xuất huyết. Mang có màu nhợt nhạt xuất huyết, mắt cá hơi lồi ra. Vây, đuôi bị cụt, vảy tróc, mình bầm tím (xuất huyết ngoài).

- Bên trong: Ruột chướng hơi, gan và mật sưng lên, khi cá bị bệnh nặng thường nội tạng nhũn ra (xuất huyết trong).

2. Tác nhân gây bệnh: Bệnh xuất huyết do vi rút Rhabdovirus carpio gây ra, chúng có dạng hình que, một đầu tròn như viên đạn, chiều dài 90-180nm, rộng 60-90 nm.

3. Phân bố và lan truyền bệnh

- Bệnh chủ yếu gặp ở cá chép, virus gây bệnh từ giai đoạn cá giống đến cá thịt. Ngoài ra còn gặp ở một số loài cá khác như mè trắng, mè hoa, cá diếc, cá nheo.

- Bệnh thường lây lan mạnh. Virus từ cá bệnh có thể theo phân cá, dịch nhớt trên thân và các chất thải khác của cá bệnh vào môi trường nước, chúng xâm nhập vào cá khoẻ qua mang, da và miệng.

- Bệnh xảy ra vào mùa có nhiệt độ thấp, thường vào cuối đông đầu xuân ở các tỉnh phía Bắc, ao nuôi cá thịt, cá bố mẹ đều gặp bệnh này. Đây là loại bệnh cấp tính nên phát bệnh rất nhanh và có tỷ lệ chết rất cao.

4. Phòng và trị bệnh

- Phòng bệnh:

+ Xử lý đáy ao bằng vôi bột 7-10kg/100mét vuông, trong quá trình nuôi 2-3kg/100mét vuông. Thả giống đúng thời vụ, không nuôi mật độ dày, tắm cá giống qua nước muối 2-4g/lít nước trước khi thả. Thay nước hoặc đảo nước trong ao khi thời tiết thay đổi.

+ Định kỳ dùng chế phẩm sinh học như EMC, Bio-DW tạt xuống ao 1-2lít/1.000m³, hoặc dùng EMC-tỏi, trộn với thức ăn tinh cho cá ăn 3-4 ngày/tháng.

+ Tạt muối xuống ao (2kg/1.000m³ nước, những ao rộng có thể treo túi vôi hoặc muối tại điểm cho ăn).

- Trị bệnh: Trộn thuốc kháng sinh thích hợp vớo liều lượng 2g/kg thức ăn cho cá ăn liên tục 3-5 ngày. Đã có vaccine cho bệnh này, tuy nhiên hiệu quả còn thấp trong khi giá thành quá cao.

Trang thông tin điện tử NN và PTNT Vĩnh Phúc.

Thảo luận về kỹ thuật nuôi:

Xem thêm các thông tin có liên quan:

- Kỹ thuật nuôi tôm, cá và các loại thủy sản khác

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Việt Linh: Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, việc làm thủy sản, việc làm nông nghiệp, tuyển dụng, tìm việc, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang