• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Nuôi cá chình trong bể xi măng

Tuy An (Phú Yên): Nuôi cá chình bông bằng bể xi măng

Để đa dạng hóa đối tượng vật nuôi, tạo việc làm, tăng thêm thu nhập cho người dân, Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Tuy An đã chủ trì thực hiện dự án Nhân rộng mô hình nuôi cá chình bông thương phẩm bằng ao xi măng ngoài trời do kỹ sư Ngô Thị Mỹ Hạnh, cán bộ quản lý môi trường và nguồn lợi thủy sản xã An Ninh Tây (Tuy An) làm chủ nhiệm.

KỸ THUẬT NUÔI ĐƠN GIẢN 

Theo kỹ sư Ngô Thị Mỹ Hạnh, cá chình bông có khả năng sống được ở nhiều thủy vực nước mặn, nước lợ, nước ngọt. Cá thích bóng tối nên ban ngày thường chui rúc trong hang, dưới đáy bể; tối mới bò ra đi kiếm ăn và di chuyển nơi khác. Những lúc trời mưa, cá thường hoạt động mạnh. Cá chình bông phát triển tốt ở nhiệt độ từ 25 đến 27ºC, hàm lượng oxy hòa tan 2 đến 5mg/l. Là loài ăn tạp, nguồn thức ăn tự nhiên của cá chình bông là tôm, cá con, động vật đáy và các sinh vật thủy sinh. Khi còn nhỏ, thức ăn chính của chúng là động vật phù du và trùn ít tơ.

Cá chình bông là loài di cư: Cá mẹ đẻ trứng ở biển sâu, cá con sau đó trôi dạt vào vùng cửa sông kiếm ăn và lớn lên. Đến lúc trưởng thành, cá lại về biển đẻ trứng. Chính vì tập tính này mà hiện nay, việc sinh sản nhân tạo cá chình còn rất khó khăn và nguồn cá giống chủ yếu vẫn được đánh bắt trong tự nhiên. Ở Phú Yên, cá chình bông con thường được đánh bắt ở sông Bàn Thạch (Đông Hòa), đập Tam Giang (Tuy An).

Theo kinh nghiệm của kỹ sư Ngô Thị Mỹ Hạnh, để chuẩn bị nuôi cá chình bông, đầu tiên, cần làm tốt khâu chọn giống. Cỡ giống tốt nhất khoảng 100g/con, khỏe mạnh, đồng đều, màu sắc tươi sáng, không bị bệnh. Giống mua về để ổn định nhiệt độ trong khoảng 15 phút, sau đó thả vào trong bể nhỏ bơm sẵn nước (30cm), sục khí mạnh; tắm nhanh qua nước muối (30‰) từ 3 đến 5 phút rồi thả vào nơi đầu nguồn nước với mật độ 5 con/m2. Để cá chình phát triển tốt, cần chọn địa điểm nuôi có nguồn nước sạch, vị trí yên tĩnh, thuận tiện trong giao thông, ít chịu ảnh hưởng của lũ lụt, có nguồn thức ăn dồi dào. Bể nuôi có diện tích 60m2, chia thành 2 phần với vách ngăn cố định bằng tường xi măng để phân loại cá trong quá trình nuôi. Tường bên trong bể láng nhẵn. Đáy bể không tráng xi măng mà được phủ một lớp đất sét dày 5 đến 10cm với độ sâu từ 1,8m đến 2m. Thành bể cao hơn mức nước cao nhất 50cm đồng thời có ống cấp nước đặt cách mặt bể 50cm.

Bể sau khi xây xong, ngâm phèn chua (100g/m2) 2 lần (2 ngày/lần), sau đó chà sạch bằng bẹ chuối, cấp và xả nước 3 đến 4 lần kết hợp với phơi nắng trong 2 tuần. Bên trên bể nuôi cần thiết kế mái che bằng tre và lưới trủ nhằm đảm bảo các yếu tố trong môi trường bể nuôi ổn định. Người nuôi cần bổ sung vòi sục khí (10 vòi/bể), sàn ăn có kích thước 60cm x 80cm (bố trí gần nơi thoát nước), hệ thống máy bơm nước, máy tạo dòng và ống nhựa làm chỗ trú ẩn cho cá. Để hạn chế thất thoát cá vào mùa mưa, mỗi bể nuôi cần bố trí lưới bao ở bề mặt bể. Tóm lại, bể nuôi chình phải chắc chắn, đảm bảo các điều kiện cần thiết để cá chình phát triển tốt.

NHÂN RỘNG MÔ HÌNH

Theo kỹ sư Ngô Thị Mỹ Hạnh, huyện Tuy An nói chung, xã An Ninh Tây nói riêng có điều kiện thích hợp cho hoạt động nuôi trồng thủy sản. Những năm qua, huyện Tuy An chủ yếu phát triển các đối tượng nuôi nước lợ, đặc biệt là tôm thẻ chân trắng. Nghề này mang lại lợi nhuận cao cho người nuôi nhưng vẫn tồn tại nhiều hạn chế: rủi ro, dịch bệnh, ô nhiễm môi trường. Với mục đích đa dạng hóa đối tượng vật nuôi, tăng thêm thu nhập, nâng cao đời sống cho người dân, huyện Tuy An đã thực hiện nhân rộng mô hình nuôi cá chình bông thương phẩm trong bể xi măng ngoài trời.

Theo ông Nguyễn Văn Mỹ, Phó phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Tuy An: “Hiện nay, mô hình nuôi cá chình bông thương phẩm đã được nhân rộng ra nhiều hộ gia đình ở Tuy An. Mô hình này bước đầu đã cho thấy hiệu quả khả quan: Chình phát triển tốt, ít dịch bệnh, giá cả ổn định, đầu ra rộng mở. Đây hứa hẹn sẽ là vật nuôi mang lại nhiều lợi nhuận, góp phần ổn định đời sống của người dân”.

Ông Hồ Anh (An Ninh Tây, Tuy An), 1 trong 3 hộ dân tham gia nhân rộng mô hình nuôi cá chình bông cho biết: “Cá chình bông là vật nuôi mới, còn nhiều lạ lẫm với người dân chúng tôi. Ban đầu, khi tiếp cận với vật nuôi này, chúng tôi cũng gặp nhiều khó khăn nhưng dưới sự hướng dẫn tỉ mỉ của các cán bộ kỹ thuật, hiện tại, “trình độ” nuôi cá chình của các hộ dân chúng tôi phần nào đã vững vàng.

Tự tin vào tay nghề của mình nên năm sau tôi sẽ mở thêm một ao nữa. Với giá bán 400.000 đồng/kg như hiện nay, người dân chúng tôi sau một vụ nuôi 18 đến 24 tháng có thể thu lãi được 70.000 đến 80.000 đồng/con. Vụ này tôi chỉ nuôi 300 con để làm quen với kỹ thuật nuôi, nhưng khi đã nắm vững, tôi sẽ nuôi theo kiểu gối đầu để năm nào cũng có chình xuất bán. Như vậy lợi nhuận sẽ nhiều hơn”.

Theo thiết kế mô hình ban đầu, cả xã An Ninh Tây có 3 hộ tham gia nuôi cá chình bông thương phẩm nhưng hiện nay, chỉ riêng thôn Bình Thạnh (An Ninh Tây) đã có 5 hộ nuôi, nhiều hộ có vốn cũng đang dự định nuôi mới hoặc tăng thêm số ao nuôi. Do có lợi thế gần biển, nguồn thức ăn cho cá chình dồi dào mà kỹ thuật chăm sóc cũng không quá phức tạp nên trong thời gian tới, quy mô nuôi cá chình cũng như số hộ tham gia nuôi ở huyện Tuy An sẽ còn tăng lên.

THÁI HÀ, Báo Phú Yên, 18/11/2013

 

Ương và nuôi cá chình thương phẩm trong bể xi măng

Hội đồng Khoa học – Công nghệ Phú Yên vừa xét duyệt và cho triển khai đề tài Xây dựng mô hình ương và nuôi cá chình thương phẩm trong bể xi măng tại Phú Yên.

Đề tài do Trung tâm Khuyến ngư thực hiện, ông Nguyễn Minh Phát làm chủ nhiệm. Mục tiêu của đề tài nhằm hoàn thiện việc lắp đặt nơi trú ẩn của chình trong bể xi măng sao cho phù hợp với đặc tính sinh học để ương và nuôi tăng sản cá chình. Cụ thể là ương giống cá chình từ cỡ 300 con/kg lên 20 con/kg với tỉ lệ sống 60% trong thời gian 10 tháng, nuôi tăng sản cá chình từ cỡ 20 con/kg lên 1-1,3 kg/con với tỉ lệ sống 70% trong thời gian 14 tháng. Đề tài còn triển khai tìm ra loại thức ăn tự chế biến thích hợp cho cá chình khi ương và nuôi tăng sản. Đề tài thực hiện trong thời gian 21 tháng với kinh phí hơn 1,7 tỉ đồng.

MINH NGUYỆT (Phú Yên, 28/7/2008)

 

Kinh nghiệm nuôi cá chình bông trong bể xi măng

Qua 5 tháng nuôi, chỉ vài tháng đầu chình có chết một ít do chưa thích nghi, từ tháng 3 trở đi rất ổn định, lớn bình thường, chưa thấy bệnh tật gì. Anh Nguyễn Văn Nghịêp dự tính sau một năm chình sẽ đạt trung bình 1,2kg/con. Nếu với giá như hiện nay 250.000 - 320.000đ/kg thì anh thu về khoảng 300 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí thức ăn, công lao động, còn lại khoảng 200 triệu đồng - một con số không nhỏ đối với gia đình thuần nông như anh. Anh Nghiệp cho biết: cá chình thương phẩm không sợ không có đầu ra, có bao nhiêu các đại lý cũng mua hết, chủ yếu để xuất khẩu sang Hồng Kông, Đài Loan.

Thường trong mùa mưa - tháng 10, 11 - chình con giống bắt được trong tự nhiên nhiều nên giá hạ hơn mùa nắng. Thả giống trong mùa này chình dễ thích nghi, ít rủi ro hơn.

Sáng sớm khi cho nước vào bể, dưới giàn phun mưa, mình vàng ươm có đốm nâu tụ tập lại thành từng đàn như để hấp thụ chút không khí trong lành. Con nào con nấy sàn sàn như nhau, to hơn ngón chân cái một chút, có một số ít to bằng cái liềm. Anh Nguyễn Văn Nghiệp (Thôn 3 HTX nông nghiệp Bình Nghi 3, Tây Sơn, Bình Định) chủ nuôi cho biết: chình thả nuôi được 5 tháng nay, con lớn được khoảng 0,4kg. Cứ đà này đừng có dịch bệnh gì chừng 7 tháng nữa sẽ xuất bán chình thương phẩm, khả năng chình đạt trọng lượng 1,1-1,2kg/con.

Một dịp đến Ninh Thuận tình cờ anh Nghiệp thấy được mô hình nuôi chình bông rất có hiệu quả trong bể xi măng, anh về mạnh dạn đầu tư hơn 30 triệu đồng xây bể xi măng trong vườn nhà, có diện tích chừng 100 m vuông - đáy bể đổ bêtông cốt thép, thành bể xây gạch cù, cao chừng 1,8m. Đáy bể có ống xả thải, trong bể có xây hòn non bộ, đáy rỗng ngập trong nước, trong đó có thả chà (cành cây khô) để chình ẩn náu, có non bộ để vừa đẹp vừa là giàn mưa tạo oxy cho chình. Rải rác một bên bể có đặt những ống bêtông rỗng để chình cư trú. Mực nước nuôi trong bể luôn duy trì từ 1,1-1,2m. Nước bể nuôi ở dạng tĩnh nên ngoài tạo mưa từ hòn non bộ anh phải lắp thêm  giàn phun mưa để tạo thêm oxy mỗi buổi sáng. Trên bể có mái che, có lưới để giảm bức xạ, xung quanh có che chắn để ánh nắng không rọi vào nhiều.

Nước cung cấp cho bể nuôi lấy từ con suối tự nhiên bơm vào. Để tránh tạp chất gây ô nhiễm, anh cho qua một bể lọc (có cát, than, sỏi ...) hàng ngày có một vài lần bơm phun mưa tạooxy từ nước suối tự nhiên hay từ chính bể nuôi bơm tuần hoàn. Phân thải, thức ăn thừa lắng ở đáy mỗi ngày anh đều dùng bàn cào gom lại và xả ra ngoài để giữ môi trường nước nuôi trong lành.

Bể anh đang nuôi 1.000 con, giống mua gom từ các đại lý mua chình thịt trong tỉnh. Mỗi con trung bình 100 g. Tổng số tiền đầu tư con giống là 25 triệu đồng. Hiện nay chưa cho chình bông sinh sản nhân tạo, chỉ khai thác từ trong tự nhiên.

Nuôi chình không khó, nên giữ cho nước nuôi trong lành, tạo thêm oxy, cho ăn đầy đủ - chình tiêu thụ thức ăn không nhiều lắm. Mỗi ngày anh Nghiệp cho ăn chừng 4kg cá tươi mua ở chợ về (giá 50.000 đồng). Cá chỉ lọc lấy thịt, cho ăn vào buổi tối. Thời gian này là lúc chình ra khỏi hang đi ăn khắp bể, ban ngày thì chui vào hang  ẩn nấp. Ngoài ra còn cho ăn nhái bắt ngoài tự nhiên. Tuy vậy, nếu nuôi đại trà, quy mô lớn hơn thì nguồn giống sẽ hiếm. Như vậy, vấn đề đặt ra là làm sao để chình sinh sản nhân tạo được thì mới phát triển chình bông nuôi đại trà, tăng thu nhập cho người nông dân.

Hoàng Lân  (KHPT, 14/4/2006)

 

Kỹ thuật nuôi cá chình trong bể xi măng

Cá chình có giá trị kinh tế cao, (giá thương phẩm có lúc lên đến 240.000 đ/kg) thích hợp với nhiều mô hình nuôi. Nhiều tỉnh miền Trung đang phát triển hình thức nuôi trong bể xây bằng gạch hoặc xi măng cho năng suất cao. Đây là hình thức nuôi cao sản, vì vậy đòi hỏi phải có các điều kiện nhất định. Trung tâm Khuyến ngư Ninh Thuận có những khuyến cáo sau:

Phải có dòng nước chảy trong ao, nuôi bằng thức ăn công nghiệp chế biến riêng cho cá chình; được quản lý chăm sóc chu đáo; mật độ 20 - 25 con/m2, mật độ cao 300 - 350 con/m2. Bảo đảm các chỉ tiêu trên, năng suất có thể đạt được 30 - 45 tấn/ha (tức 3 - 4,5 kg/m2), năng suất cao có thể đạt 105 - 120 tấn/ha (tức 10,5 - 12 kg/m2).

Thức ăn nuôi cá chình phải có tỷ lệ đạm 45%, mỡ 3%, cellulose 1%, calci 2,5%, phosphor 1,3% cộng thêm muối khoáng, vi lượng, vitamin thích hợp. Nói chung tỷ lệ bột cá chiếm khoảng 70 - 75%, tinh bột 25 - 30% và một ít vi lượng, vitamin. Thức ăn của cá có tỷ lệ bột cá khá cao, mỡ nhiều nên dễ hút ẩm, dễ mốc, phải chú ý bảo quản tốt, thời gian bảo quản không quá 2 tháng. Với cá giống, khi cho ăn, thức ăn phải được thêm nước, thêm dầu dinh dưỡng trộn đều làm thành loại thức ăn mịn mới cho cá ăn. Các tỷ lệ thức ăn dầu, nước, phụ thuộc vào điều kiện nhiệt độ như sau :

Sau khi trộn đều 5 phút cho cá ăn ngay, khoảng 2/5 số thức ăn nổi trên mặt nước, 3/5 rơi xuống khay đựng thức ăn là được. Tỷ lệ thức ăn so với trọng lượng cá chình ở các giai đoạn như sau:

Cứ sau mỗi tháng phân cỡ một lần, tách con lớn, con nhỏ nuôi riêng để cá phát triển đồng đều. Trước khi phân cỡ để cá nhịn ăn từ 1 - 2 ngày, đùa ao để cá bài tiết hết thức ăn trong bụng. Dùng vợt phân loại chứ không bắt bằng tay. Có thể nuôi ghép cá chình với cá mè, cá trắm. Mật độ cá mè, cá trắm là 4.000 - 5.000 con/ha. Cho cá ăn 1 - 2% trọng lượng cá chình có trong ao. Khi nuôi ghép cần chú ý: Đáy ao là cát hoặc bùn. Bờ ao phải cao hơn mặt nước ít nhất 60 cm, ao không rò rỉ, pH>6,8 và ít bị ảnh hưởng của nước mưa. Không nuôi ghép trong ao cá giống. Cá chình giống khỏe mạnh, không dùng giống để lại của năm trước. Khi thu hoạch, thu cá mè, trắm trước bằng lưới sau đó tháo cạn nước, để lại 10 - 20 cm nước để thu cá chình. Lợi dụng đặc điểm hướng quang của cá, ban đêm thắp đèn sáng tập trung cá lại, dùng vợt hoặc có thể dùng lưới điện để thu hoạch.

Nuôi cá chình trong ao đất cần chú ý: Chọn ao có bờ cao hơn mặt nước lúc cao nhất 60 cm trở lên, phần trên bờ ao từ 60 - 80 cm, xây gạch hoặc có gờ lưới không cho cá vượt ra khỏi ao, đáy ao là cát hoặc cát bùn, bờ và đáy ao không thẩm lậu, rò rỉ, tháo và lấy nước thuận tiện, gần nguồn điện để chạy máy sục khí hoặc chế biến thức ăn cho cá. Số lượng cá giống lúc thả 120.000 - 150.000 con/ha, cỡ từ 10 - 15 g/con. Lượng thức ăn hằng ngày bằng 2 - 3% trọng lượng cá trong ao. Nuôi trong ao đất không cần phân cỡ như trong bể xây, quản lý chăm sóc hàng ngày như ao nuôi cá giống, năng suất trung bình 20 - 25 tấn/ha.

PHƯƠNG DUY (BPY, 23/3/2006)

Thảo luận về kỹ thuật nuôi:

Xem thêm các thông tin có liên quan:

- Kỹ thuật nuôi tôm, cá và các loại thủy sản khác

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Việt Linh: Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, việc làm thủy sản, việc làm nông nghiệp, tuyển dụng, tìm việc, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang