• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Đỡ đẻ cho cá hô

Cá hô là loài cá nước ngọt đã được Ủy ban Sông Mékong đưa vào sách Đỏ, vì có nguy cơ tuyệt chủng. Lần đầu tiên các nhà khoa học ở Trung tâm Quốc gia Giống thủy sản Nam Bộ thuộc Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản II ở An Thái Trung (Cái Bè, Tiền Giang) thuần dưỡng và cho sinh sản thành công.

Sáng thứ bảy, nhưng ở các bể ươm cá giống và những ao nuôi cá bố mẹ của Trung tâm Quốc gia Giống thủy sản Nam Bộ vẫn đông người làm việc. Ông thạc sĩ “cá hô” Huỳnh Hữu Ngãi, và tiến sĩ - Giám đốc Trung tâm Quốc gia Giống thủy sản Nam Bộ Phạm Văn Khánh, chủ nhiệm dự án thuần dưỡng, tái tạo và phát triển cá hô, đang chăm chú xem xét những đàn cá bột trong các bể ươm, chuẩn bị xuất ao 10.000 con cá hô giống cho một công ty ở TPHCM.

“Ép” cá hô đẻ kiểu... cá chép

Tiến sĩ Khánh nói: “Chúng tôi nuôi cá hô từ năm 2003 và cho sinh sản thành công từ năm 2005, năm nay thấy chắc ăn mới dám đưa cho dân nuôi thử và bán cá giống ra thị trường”. Sau nhiều năm phối hợp với Ủy ban Sông Mékong thực hiện các dự án quốc tế về nghiên cứu môi trường sống của các loài cá bản địa, ông Khánh và các cộng sự xác định cá hô trên sông Cửu Long ngày càng hiếm, nên đã chọn giống cá này làm đối tượng thuần dưỡng, cho sinh sản phát triển.

Thạc sĩ Ngãi kể: Năm 2003 triển khai dự án chúng tôi phải lên An Giang, Đồng Tháp đặt hàng những người làm nghề chài lưới trên sông Tiền, sông Hậu tìm cá giống nhưng... không có. Túng thế, trung tâm tung người đi các tỉnh dò hỏi và phát hiện có một nguồn cá giống trong dân, tuy không nhiều.

Những con cá hô này theo nước vào ao của nông dân từ lúc còn nhỏ và được họ giữ lại, thuần dưỡng làm cá kiểng. Vậy là trung tâm “mở chiến dịch” năn nỉ thu mua cá hô từ Tiền Giang qua Vĩnh Long, Đồng Tháp. Kết quả “chúng tôi đã mua được 84 con cá hô có tổng trọng lượng khoảng 1,2 tấn với giá bình quân 100.000 đồng/kg, mang về thuần dưỡng trong ao”.

Giải quyết được khâu cá bố mẹ, thì nhóm thực hiện dự án lại đứng trước một khó khăn mới: không có tài liệu nào đề cập đến quá trình sinh sản của cá hô. Loay hoay tìm kiếm khắp nơi, kể cả trên mạng Internet, cuối cùng các nhà khoa học của trung tâm xác định cá hô cùng loài với họ cá chép nên thử “ép” cho cá hô... sinh sản theo kiểu cá chép.

Sau khi đưa cá hô lên bể tiêm kích dục tố, vuốt trứng cho thụ tinh nhân tạo giống như cá chép, các nhà khoa học hồi hộp chờ kết quả và bất ngờ vì... thành công. Tuy nhiên, tỉ lệ cá bột ương nuôi lúc đầu chỉ đạt 1% trong ao và khoảng 13% trên bể, nên những người thực hiện dự án không công bố thông tin cho cá hô đẻ thành công mà tiếp tục tìm tòi nghiên cứu.

Mở ra nghề nuôi cá hô

Thạc sĩ Ngãi nói rằng sau thành công khiêm tốn của năm 2005, nhóm nghiên cứu phát hiện tỉ lệ cá hô bột ương nuôi đạt thấp do nguồn nước không tốt, cá bố mẹ nuôi vỗ chưa hoàn chỉnh, thức ăn cho cá con chưa phù hợp và những người thực hiện dự án chưa có kinh nghiệm. Năm 2006, cá hô bố mẹ nặng từ 8 kg/con trở lên được cho vào ao nuôi riêng từ đầu vụ, đến tháng 5 bắt đầu cho đẻ và mọi việc trở nên xuôi chèo mát mái.

Các nhà khoa học trong nhóm thực hiện dự án ước tính năm 2006 có thể cho ra đời 400.000 cá hô giống. Ông Ngãi cho biết thêm, hiện trung tâm chỉ lấy được 50% lượng trứng của cá hô mẹ vì đây là một thao tác rất khó do cá quá lớn, thực hiện không khéo có thể gây chết cá. Các nhà khoa học cũng thử nghiệm cho cá hô sinh sản tự nhiên trong bể nhưng tỉ lệ cá con đạt rất thấp, có lẽ do cá quá lớn trong khi bể ương chật hẹp.

Việc thuần dưỡng và cho sinh sản thành công cá hô của Trung tâm Quốc gia Giống thủy sản Nam Bộ đã mở ra tương lai nuôi cá hô thương phẩm trong dân. Thạc sĩ Ngãi và những “ông cá hô” của dự án cho biết, từ tháng 3-2006 Trung tâm Quốc gia Giống thủy sản Nam Bộ đã đưa cá hô giống cho các chủ bè, chủ đăng quầng ở các tỉnh nuôi thử nghiệm.

Sau 3 tháng nuôi, trọng lượng cá hô nuôi bè, đăng quầng đạt bình quân 0,5 kg/con. Tiến sĩ Khánh và thạc sĩ Ngãi phấn khởi: “Tỉ lệ phát triển như vậy là tốt. Hiện nay nhu cầu mua cá hô giống trong dân khá lớn, hy vọng nghề nuôi cá hô thương phẩm sẽ phát triển mạnh trong tương lai vì đây là loại cá thịt ngon, bán có giá”. Theo tiến sĩ Khánh, cá hô có thể nuôi đạt trọng lượng vài chục ký đến hơn 100 kg/con như cá sống trong môi trường tự nhiên, nếu có điều kiện về ao nuôi. Tuy nhiên, nuôi cá đạt trọng lượng từ 10 kg/con trở lên là đã có thể xuất bán thương phẩm. “Phát triển mạnh nghề nuôi cá hô thì loài cá này sẽ không còn bị đe dọa tuyệt chủng” - tiến sĩ Khánh kết luận.

Sẽ xuất hiện đều đặn trong mâm cơm các gia đình?

Cá hô (tên khoa học Catlocarpio Siamensis) thuộc loài cá chép, là giống cá quý hiếm của sông Mékong, thường sống ở nơi nước chảy xiết, ăn tạp các nguồn thực vật trong tự nhiên, thịt rất ngon. Canh chua cá hô nấu với cơm mẻ, bắp chuối là món ăn đặc sản ở các nhà hàng tại ĐBSCL truớc đây. Có thời các nhà hàng đặc sản ở Long Xuyên, Châu Đốc thu mua thịt cá hô với giá 120.000 đồng/kg, riêng đầu cá hô giá 240.000 đồng/kg. Cá hô có thể đạt trọng lượng trên 100 kg/con (con cá hô lớn nhất mà ngư dân An Giang bắt được trên sông Vàm Nao có trọng lượng hơn 130 kg). Từ 6-7 năm tuổi, cá hô bắt đầu sinh sản. Tuy nhiên những năm gần đây, cá hô ngày càng vắng bóng trên sông Tiền, sông Hậu. Dù các nhà khoa học còn đang nghiên cứu quá trình sinh trưởng của loài cá này nhưng hy vọng trong tương lai không xa, nếu thuận buồm, xuôi gió, bóng dáng con cá hô sẽ xuất hiện đại trà ở các chợ và bữa ăn của nhiều gia đình.

HÙNG ANH (NLĐ, 28/8/2006)

 

ĐBSCL phát triển nuôi cá hô

Sáng 7-7, Trung tâm Quốc gia giống thủy sản nước ngọt Nam bộ (huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang) cho biết: Trung tâm đã cho sinh sản thành công đợt thứ 5, giống cá hô trong môi trường nhân tạo. Cá bố mẹ sau 10 năm nuôi, đạt trọng lượng 20 - 25kg sẽ cho sinh sản. Hiện nay, trung tâm có khoảng 80 con cá bố mẹ trọng lượng 25kg/con và gần 200 con cá hô hậu bị với trọng lượng từ 8 - 10kg/con.

Ngoài tự nhiên, cá hô chỉ có ở lưu vực sông Mekong. Riêng ở nước ta, cá thường xuất hiện ở sông Vàm Nao thuộc huyện Phú Tân, tỉnh An Giang nhưng với số lượng rất hiếm. Cá lớn có thể đạt trọng lượng 70 đến 100kg. Tuy nhiên, do bị khai thác triệt để nên giống cá này ngày càng trở nên cạn kiệt. Với quá trình nghiên cứu, từ năm 2005 đến nay, trung tâm đã đạt kết quả cho cá hô sinh sản với tỷ lệ thành công ngày càng cao hơn. Quy trình này đang tiếp tục được nghiên cứu mở ra nhiều triển vọng cho việc khôi phục giống cá quý hiếm này ở ĐBSCL.

MINH TRƯỜNG (SGGP, 07/07/2007)

 

Bạc Liêu: Nuôi thử nghiệm cá hô lần đầu tiên

Để thực hiện chủ trương đa dang hóa vật nuôi, góp phần bảo tồn và phát triển một số loài động vật thủy sản quý hiếm. Bằng nguồn vốn tự có của đơn vị mình, Trại thưc nghiệm giống thủy sản nước ngọt đặt tại xã Vĩnh Mỹ B, huyện Hòa Bình, Bạc Liêu thuộc Trung Tâm Khuyến nông - Khuyến ngư Bạc Liêu lần đầu tiên đưa một đối tượng giống mới là cá hô về nuôi thử nghiệm. Cá hô có tên khoa học là catlocarplo siamensis, thuộc loài cá chép khổng lồ quí hiếm. Mô hình này nhằm theo dõi khả năng tăng trưởng, tính thích nghi của đối tượng này với điều kiện khí hậu thời tiết và môi trường Bạc Liêu. Ngoài ra, thông qua việc nuôi thử nghiệm này, Trung tâm hy vọng sẽ rút kinh nghiệm và hoàn thiện qui trình nuôi, đồng thời nếu khẳng định được tính thích nghi sẽ khuyến cáo nhân rộng trong thời gian sắp tới.

Nguyễn Đẳng - TTKNKN Bạc Liêu (Khuyến ngư VN, 31/07/2009)

Triển vọng nghề nuôi cá hô

Cá hô là loài cá có trong Sách Đỏ thế giới, còn Việt Nam thì xếp vào loài “có nguy cơ tuyệt chủng”. Điều đáng mừng là hiện nay có một chủ trại giống cá thát lát cườm ở ấp 4B, xã Tân Thuận, huyện Châu Thành A (Hậu Giang) - ông Trần Hồng Ưng (Ba Ưng) đang thả nuôi hàng trăm con cá hô, không chỉ được đánh giá là khá thành công, mà còn đầy triển vọng cho bà con phát triển nghề nuôi con cá này, khi ông còn dự định sản xuất con giống... 

Chuyện ông Ba Ưng có thả nuôi 700 con cá hô đang rất thời sự trong giới nuôi thủy sản ở Châu Thành A. Theo ông Ba Ưng, trong một lần đi đám cưới ở một nhà hàng (TP.Hồ Chí Minh). Ông thấy người ta đem ra đãi khách một con cá chiên xù hơn kí lô. Thoạt nhìn giống cá chép, nhưng khi ăn thì thịt nó rất ngon, không có xương nhỏ như cá chép. Hỏi ra mới biết đó là cá hô và đĩa cá đó rất đắt. Thế là trong đầu ông nảy sinh ý tưởng nuôi và sản xuất cá hô giống nhân tạo. Nhưng vấn đề khó là con giống và cách cho sinh sản, vì trước tới giờ ở Hậu Giang chưa có ai sản xuất con giống và cũng chưa có ai bán con giống, trong khi nguồn cá hô trong tự nhiên thì đã cạn kiệt từ lâu. Qua các nguồn thông tin, ông Ưng biết được Trung tâm Quốc gia Giống thủy sản nước ngọt Nam bộ thuộc Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản II ở An Thái Trung (Cái Bè, Tiền Giang) đã lai tạo thành công loài cá hô. Ông liền nhờ người quen làm ở trung tâm, đặt mua 1.000 con, nhưng cả năm trời mới mua được 700 con giống bằng ngón tay cái, giá tới 7.000 đ/con. 

Theo những người dân sống cố cựu ở Châu Thành A, trước giải phóng, nhiều người đã bắt được cá hô 20-50 kg trên kênh xáng Xà No và các kênh lớn khác. Riêng ngư dân ở các tỉnh An Giang, Kiên Giang... thì bắt được nhiều con cá hô nặng 100-160 kg. Nhưng khoảng 10 năm trở lại đây, loài cá này gần như tuyệt chủng. Ông Ba Ưng cam đoan rằng ở xứ Châu Thành A này có lẽ chỉ có bà Năm Lượng (bà Lê Thanh Tuyết, ở ấp 1B, thị trấn Một Ngàn) còn nuôi một con cá hô nặng gần 30 kg. Chuyện Bà Năm còn sót lại một con cá hô cũng là hy hữu, nhưng qua đó càng giúp cho ông tự tin trong quyết định phát triển con cá quý hiếm này. Theo lời bà Năm kể: “Sau giải phóng, ông Năm đi giăng lưới ở kênh Một (con kênh này khá sâu, ăn thông ra kênh xáng Xà No) được 4 con cá hô con đem về thả nuôi trong mương vườn gần nhà. Lúc ông Năm còn sống, đi đốn trà quít, nào nhè trà nó rớt xuống mương, con cá hô thấy động rướn vào chết phình bụng lên. Con cá đó khoảng 15 kg, ổng vớt đem chôn. Còn một con lúc sang hầm, mấy đứa nó ẵm trên tay con cá rất bự khoảng 22 kg nên nó vùng vẫy rớt trúng gốc cóc, sống không nổi. Hai con còn lại lúc còn sống ổng nói nuôi để ổng dưỡng già. Vừa rồi mừng tuần 100 ngày cho ổng, mấy đứa nó mần một con trước cúng, sau ăn. Con cá đó cũng trên 20 kg. Con còn lại năm nay không dưới 30 kg, năm rồi sang hầm thả chung với các loài cá khác, bỏ nó vào bao hai giạ vậy mà chật ních, ló cả khúc đuôi ra ngoài...”. 

Dẫn chúng tôi đến tham quan trại cá, ông Ưng cho biết, bầy cá hô lớn nhanh như thổi, hơn 2 tháng trước bé xíu bằng ngón tay, nhưng bây giờ nó bằng bắp tay. Hình dáng cá gần giống như cá chép, nhưng miệng rộng hơn. Theo đúng tài liệu hướng dẫn, đối với cá nuôi, nếu theo đúng quy trình kỹ thuật mỗi năm cá sẽ tăng trọng lượng lên khoảng 3 kg và hao hụt rất ít. Kỹ thuật chăm sóc cũng khá đơn giản, chủ yếu là tuân theo thói quen của cá như: Cá chỉ nổi lên mặt nước ăn vào buổi tối, ao nuôi cá phải được đào sâu khoảng 3 m... Thức ăn để nuôi cá cũng dễ kiếm, chủ yếu là thực vật như bèo cám, rau cải xanh, đọt mì, đọt lang... Nếu không có thời gian rảnh để cắt rau, thì người nuôi có thể dùng thức ăn công nghiệp để nuôi cá. Về đầu ra cho con cá, ông Ba Ưng cho rằng không cần phải bận tâm, vì trung tâm giống cũng đã cam kết mua lại hết cá thịt với giá thấp nhất là 160.000 đ/kg/con; còn đối với cá trên 1 kg, thì mua từ 180.000 đ/kg trở lên.

Ông Ba Ưng khẳng định rằng: Đây là loài cá triển vọng, rất thích hợp với nguồn nước ở địa phương. Hiện ông Ba Ưng mua được cặp cá hô sắp trưởng thành, ông dự định nhờ người quen ở Trung tâm Quốc gia Giống thủy sản nước ngọt Nam bộ thụ tinh nhân tạo cho cá hô khi chúng trưởng thành. Hơn nữa, cán bộ trung tâm này cũng đã hứa sẽ hướng dẫn đầy đủ kỹ thuật để sinh sản. Bởi vì loại cá này nếu nuôi tập trung thì không thể sinh sản được. Muốn nhân giống, thì cách duy nhất là phải có sự can thiệp của con người. Thường thì cá có trọng lượng từ 3 kg trở lên là có thể kích thích cho sinh sản. Hiện ông Ba Ưng dự tính, thu hoạch xong đợt này, sẽ tự nhân giống nuôi tiếp, không chỉ dưới ao, mà thả cá xuống ruộng, để cá có thể sinh sống trong điều kiện tự nhiên, khi đó mức tăng trọng của cá sẽ cao hơn...

Theo tài liệu của Trung tâm Quốc gia Giống thủy sản nước ngọt Nam bộ thuộc Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản II ở An Thái Trung (Cái Bè, Tiền Giang): Cá hô là loài cá thuộc họ với cá chép nhưng to hơn, từ 5 đến 6 tuổi mới trưởng thành và nặng trung bình gần 10 kg. Ở môi trường tự nhiên, cá nặng 20 kg trở lên. Sau 3 năm sưu tầm, lai tạo, thuần chủng cá, đến nay, trung tâm này đang nuôi giữ 40 con cá hô trưởng thành và đã lai tạo thành công thế hệ cá F1. Bên cạnh đó, trung tâm đã lai tạo thành công gần 10.000 con cá hô bột được gửi nuôi tại các hộ ở Đồng Nai và cá đang phát triển tốt.

Ngoài việc lai tạo thành công giống cá hô, trung tâm còn có một ngân hàng tinh trùng của các loại cá. Ngân hàng này hiện đang lưu giữ gen của 30 loài cá nước ngọt Đồng bằng sông Cửu Long, trong đó có nhiều loại cá đã nằm trong Sách Đỏ Việt Nam và thế giới...

KIỀU DIỄM - NHẬT THY (Báo Hậu Giang, 8/1/2008)

 

Nuôi vỗ, cho đẻ và ương nuôi cá hô

Cá hô bố mẹ được thu thập từ tự nhiên thuộc các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Tiền Giang và được đưa vào nuôi thuần dưỡng trong đăng quầng tại Trung tâm giống thủy sản Đồng Tháp, nuôi vỗ tại Trung tâm Quốc gia giống thủy sản nước ngọt Nam bộ.

Cá được cho ăn bằng thức ăn công nghiệp là chủ yếu với hàm lượng đạm 25-28%, ngoài ra còn bổ sung thêm trái cây vụn như ổi. Mùa vụ thành thục sinh dục và sinh sản nhân tạo của cá hô kéo dài từ tháng 3 đến tháng 10. Chất kích thích sinh sản được sử dụng là não thùy thể và HCG hoặc LH-Rha, tuy nhiên sự kết hợp giữ não thùy thể và HCG thì kết quả sinh sản sẽ tốt hơn. Cá hô là loài cá đẻ trứng bán trôi nổi, có thời gian phát triển phôi là 12-12h30 phút. Ương từ cá bột lên cá hương 30 ngày trên bể đạt tỷ lệ sống 43,44-57,32%, từ cá hương lên cá giống 60 ngày trong ao đất ở mật độ từ 80-100 con/m2, đạt tỷ lệ sống 15,18%.

Thử nghiệm nuôi đơn với mật độ 2 con/10m2, sau 2 năm cá đạt khối lượng từ 2-4kg/con. Khi nuôi ghép với cá tra, ba sa, chép… với mật độ 5con/100m2, sau 2 năm cá đạt khối lượng từ 2-6kg/con.

Nông nghiệp Việt Nam (20/10/2008)

 

Nuôi cá hô đăng quầng

Trước đây cá hô có rất nhiều, nhưng việc đánh bắt quá mức và tận diệt cùng sự ô nhiễm môi trường đã làm cá hô ngày càng vắng bóng trên sông Tiền, sông Hậu. Trước nguy cơ tuyệt chủng của loài cá quý này, Trung tân giống thủy sản Nam bộ đã thuần dưỡng và cho sinh sản thành công cá hô, mở ra triển vọng cho nghề nuôi cá hô thương phẩm trong dân. Trung tâm quốc gia giống thủy sản Nam bộ đã đưa cá hô giống cho các chủ bè và chủ đăng quầng ở các tỉnh An Giang và Đồng Tháp nuôi thử nghiệm và bước đầu đã đem lại kết quả rất tốt. 

Cá hô (Catlocarpio siamensis) là loài cá có kích thước lớn nhất trong họ cá chép (Cyprinidae), thường thấy sống ở các sông Mae Klong, Mekong và Chao Phraya ở Đông Nam Á. Được Ủy ban sông Mekong đưa vào Sách đỏ vì có nguy cơ tuyệt chủng, cá hô là một loài cá di cư, thường sinh sống ở những hồ lớn cạnh bờ những dòng sông lớn, nhưng chúng cũng có thể bơi vào kênh, rạch để kiếm thức ăn. Cá hô non có thể sống ở các chi lưu nhỏ, hay ở các đầm. Chúng bơi đến nơi ưa thích để tìm thức ăn hay sinh sản. Chúng di chuyển không nhanh, với thức ăn chính là các loài rong và hoa quả, ít khi là động vật sống. Ở sông Mekong, người ta thường thấy giống cá này xuất hiện vào khoảng tháng 10. Cá hô có phần đầu khá to so với thân, và không có râu tuy thuộc họ cá chép. Người ta đã thấy có con cá hô dài tới 3 m, nặng 300 kg. 

Vị trí nuôi 

Chọn nuôi ven các bờ sông và kênh lớn, ít ảnh hưởng đến giao thông thủy (kênh cụt, bãi bồi), quan tâm đến các yếu tố về dòng chảy, bờ kênh (không bị xói lở, tốt nhất là có bãi bồi sau sông), chất đáy (ổn định), tốc độ nước chảy (0,5 m/giây), độ sâu (1,5 - 2 m), chất lượng nước (không bị ô nhiễm bởi hóa chất nông nghiệp và chất thải công nghiệp). 

Làm đăng quầng 

Xung quanh khu vực nuôi cần có hệ thống cọc bằng gỗ hoặc bê tông vững chắc để đỡ cho hệ thống đăng phụ làm từ tre hoặc lưới. Đăng phụ cần được neo cột thật chắc với hệ thống cọc đỡ và luôn cao hơn mặt nước lúc cao nhất 0,5 m. Diện tích đăng tùy thuộc vào vị trí nuôi và khả năng của mỗi gia đình, có thể từ vài công đến vài hecta. Hình dạng đăng phụ thuộc vào tính chất dòng chảy: ở vùng nước chảy mạnh có thể làm theo dạng chữ V, U hoặc W, còn ở chỗ nước chảy đều thì làm theo kết cấu hình thẳng. 

Mật độ thả và cỡ giống 

Nếu vùng nuôi không thể cải tạo thành ao thì kích thước của mắt lưới và đăng tre phải nhỏ hơn kích thước của cá giống. Cỡ cá giống có thể biến động từ 30 - 50 g/con. Thả cá với mật độ 2 - 3 con/m3 nước, vào lúc chiều mát, nước yên tĩnh (không bị ảnh hưởng bởi xuồng ghe chạy). Chăm sóc và quản lý 

Cá hô được nuôi đăng quầng với mật độ dày nên phải được cung cấp đủ thức ăn, nghiêng về nguồn gốc thực vật như cám, bột bắp, rong, rau muống, có thể thêm thức ăn công nghiệp, với lượng hàng ngày bằng khoảng 3 - 5% trọng lượng cá. 

Cần theo dõi sự thay đổi của môi trường, dòng chảy, tốc độ, màu sắc và độ trong của nước, thường xuyên kiểm tra hệ thống đăng chính và phụ; làm vệ sinh thường xuyên; kiểm soát sự thất thoát của cá; vào buổi sáng theo dõi hoạt động bơi lội, màu sắc và sự tăng trưởng của cá để đánh giá chính xác tỷ lệ sống, tình trạng sức khỏe và sức ăn. 

Nuôi cá hô trong đăng quầng có thuận lợi là nguồn nước ít bị ô nhiễm do nước luôn chảy và ít có dịch bệnh. Cá hô lớn nhanh, nếu chăm sóc tốt mỗi con mỗi năm tăng được khoảng 2 kg. Nếu nuôi đến khi cá đạt trên 10 kg thì càng được giá hơn. 


KS. PHƯƠNG THANH (Khoa học phổ thông, 27/02/2009)

Thảo luận về kỹ thuật nuôi:

Xem thêm các thông tin có liên quan:

- Kỹ thuật nuôi tôm, cá và các loại thủy sản khác

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Việt Linh: Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, việc làm thủy sản, việc làm nông nghiệp, tuyển dụng, tìm việc, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang