Cá leo có tên khoa học là (Wallago attu BLOCH & SCHNEIDER, 1801), thuộc Họ Siluridae, Bộ Siluriforme. Đây là loài cá nước ngọt, có giá trị kinh tế cao, chất lượng thịt thơm ngon. Cá leo phân bổ rộng ở Nam và Đông Nam Châu Á như ở Pakistan, India, Sri lanka, Nepal, Bangladesh, Myanma, Lào, Campuchia, Thái lan, Malaysia, Indonesia và Việt Nam. Cá thường sống trong hang dọc những con sông, hồ và bể lớn, có thể sống cả ở nước ngọt và nước lợ. Nhiệt độ thích hợp để cá leo sống và sinh trưởng là 22-25 độ C trong các vực nước tự nhiên, cá có tập tính bắt mồi và ăn về đêm, thức ăn là các loài tôm, tép và cá có kích thước nhỏ. Cá leo là loài cá có kích thước lớn, khi trưởng thành, chiều dài cá leo có thể đạt kích thước dao động 80 - 200cm. Ở Cambodia đã thu được mẫu cá đạt chiều dài 200cm, kích thước thường gặp là 80cm. Đây là một trong 97 loài cá kinh tế nước ngọt được thống kê ở Việt Nam và phân bố chủ yếu ở Nam bộ (Khoa Thủy sản – ĐH Cần Thơ)
Ở Đồng bằng sông Cửu Long cá xuất hiện nhiều vào tháng 5- 8 (âm lịch) hàng năm. Vào thời điểm này, ngư dân của tỉnh An Giang có dịp trổ tài đánh bắt cá leo trên sông lớn. Nhiều ngư dân đánh lưới được trên sông những con cá trọng lượng lớn khoảng 4 - 5kg/con. Cá leo có thể chế biến thành nhiều món ăn ngon. Du khách trong và ngoài nước khi đến với An Giang, được chiêu đãi món cá leo kho lạt, cá leo chiên tươi, cá leo muối chiên… đều có chung ý tưởng là món ăn rất tuyệt và rất đặc trưng.
Cá leo hiện nay được xếp vào loài cá quí, hiếm cần được bảo tồn. Về mặt kinh tế, đây cũng là một đối tượng có giá trị kinh tế cao, có thể chọn làm đối tượng nuôi mới để đa dạng hóa đối tượng thủy sản nuôi, phát triển thêm mô hình nuôi thủy sản và tăng thu nhập cho nông, ngư dân.
Được sự đồng ý và đầu tư kinh phí từ Sở Khoa học và Công nghệ An Giang, từ năm 2006 – 2008, Trung tâm Giống Thủy sản An Giang phối hợp với Khoa Thủy sản - trường Đại học Cần Thơ đã tiến hành việc nghiên cứu qui trình sinh sản nhân tạo và ương giống cá leo.
Đàn cá bố mẹ được Trung tâm nhập từ nước bạn Campuchia với số lượng 300 con, trọng lượng bình quân 1,2kg/con được nuôi vỗ thành thục trong ao tại trại giống của Trung tâm. Ghi nhận từ thực tế cho thấy, cá Leo bố mẹ hoàn toàn có khả năng thành thục sinh dục trong điều kiện nuôi vỗ trong ao với chế độ dinh dưỡng thích hợp.
Kết quả nghiên cứu trong 2 năm (2006 – 2008), các cán bộ kỹ thuật của Trung tâm đã xác định được các thông số kỹ thuật cho qui trình sinh sản nhân tạo cá leo. Những con giống đầu tiên được sản xuất bằng phương pháp sinh sản nhân tạo đã được đưa ra cho nông dân nuôi thử nghiệm trong ao tại Thành phố Long Xuyên. Đánh giá bước đầu là cá tăng trưởng rất nhanh, sau gần 6 tháng nuôi cá đạt trọng lượng 1kg/con .
Trong năm 2009, Trung tâm tiếp tục hoàn thiện qui trình sản xuất giống cá leo nhằm mục đích nâng cao các thông số kỹ thuật trong sản xuất giống, đảm bảo tính hiệu quả khi tổ chức sản xuất đại trà. Từ tháng 3 – 7/2009, các cán bộ kỹ thuật của Trung tâm đã cho sinh sản 6 đợt, thu được trên 1.000.000 con cá bột và đã đưa ra thị trường 35.000 con giống. Qui trình sinh sản nhân tạo đã được hoàn thiện với hệ số thành thục đạt từ 8 -10%, tỷ lệ thụ tinh 70 – 85%, tỷ lệ nở 80% - 85% .
Ở giai đoạn ương giống, Trung tâm đang tiếp tục hoàn thiện qui trình để nâng tỷ lệ sống của cá giống ương trong ao và trong bể composite .
Hiện nay, Trung tâm Giống Thủy sản An Giang đã đưa cá leo vào đối tượng sản xuất chính của Trung tâm. Dự kiến, từ nay đến cuối năm sẽ cung cấp cho thị trường từ 200.000 – 500.000 con giống và 1.000.000 con cá bột.
Sau đối tượng cá lăng nha, cá leo là một đối tượng mới được Sở Khoa học và Công nghệ An Giang đầu tư kinh phí cho nghiên cứu sản xuất giống và kết quả nghiên cứu được Trung tâm Giống Thủy sản An Giang ứng dụng vào sản xuất rất có hiệu quả.
Thành công trong sản xuất giống cá leo kết thúc việc phụ thuộc hoàn toàn vào con giống tự nhiên, đảm bảo việc bảo tồn các giống, loài thủy sản quí, hiếm trên sông Mêkong. Đồng thời cũng mở ra một cơ hội mới cho ngư dân Đồng bằng sông Cửu Long làm giàu từ một mô hình nuôi mới: nuôi cá leo thương phẩm trong ao và trong lồng, bè.
Hiện nay, Sở Khoa học và Công nghệ An Giang đang tiếp tục đầu tư kinh phí cho Khoa Thủy sản – trường ĐH Cần Thơ nghiên cứu qui trình nuôi thương phẩm cá leo tại An Giang nhằm xác định qui trình nuôi theo hướng năng suất, chất lượng cao và hướng tới phát triển bền vững thông qua việc nghiên cứu thay đổi thức ăn cho cá leo từ cá tạp sang thức ăn tự chế và thức ăn công nghiệp.
Trong qui hoạch phát triển thủy sản của tỉnh An Giang đã xác định đa dạng hóa đối tượng thủy sản nuôi để khai thác có hiệu quả các loại hình thủy vực là một trong chương trình có tính chất cấp thiết cần triển khai nhanh và triển khai có hiệu quả. Cá leo có thể được xem là đối tượng nuôi mới có hiệu quả kinh tế cao được đưa vào chương trình này .
Nông, ngư dân trong và ngoài tỉnh có nhu cầu được cung cấp con giống để nuôi và hướng dẫn kỹ thuật nuôi cá thương phẩm có thể đến liên hệ với Trung tâm Giống Thủy sản An Giang để được tư vấn, hướng dẫn.
Nguyễn Thị Ngọc Trinh - Trung tâm Giống Thủy sản An Giang - Sở KHCN AN Giang, 11/03/2011
Nhấn vào đây để xem tất cả các thông tin kỹ thuật nuôi cá leo
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Việt Linh: Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, việc làm thủy sản, việc làm nông nghiệp, tuyển dụng, tìm việc, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.