Quy trình này áp dụng cho các hộ dân và các cơ sở nuôi cá biển có điều kiện tự nhiên thích hợp với nuôi cá song chấm nâu/ cá mú chấm cam Epinephelus coioides (Hamilton, 1822) và phù hợp với quy hoạch nuôi biển của Việt Nam
1. Chuẩn bị ao
a. Chọn và thiết kế ao nuôi
- Ao nuôi có diện tích từ 1.000 - 5.000 m2 (diện tích ao nuôi phù hợp nhất từ 1.500 - 3.000 m2), độ sâu ao nuôi từ 1,8 - 2,5m, độ sâu mực nước từ 1,5 - 2,0m.
- Ao nuôi có dạng hình vuông hoặc hình chữ nhật có bo tròn ở góc ao, đáy ao có độ dốc 5%, nghiêng về phía hố ga.
- Bờ ao được kè bê tông hoặc lót bạt, hệ số mái bờ từ 1,0 - 1,5. Nền đáy ao là đất sét pha cát hoặc đáy cát hoặc cát pha bùn (tốt nhất là đáy cát). Đáy ao không bị rò rỉ nước, thoát nước và bị xì phèn.
- Hố ga đặt ở giữa ao nuôi, có dạng hình vuông (kích thước 1,2m x 1,2m), đáy hố ga sâu hơn đáy ao từ 0,4 - 0,5m, gờ thành trên của hố ga cao hơn đáy ao 0,2m, mặt trên hố ga có lưới nilon hoặc lưới inox để chắn cá nhưng chất thải vẫn đi qua. Từ hố ga có 01 ống nhựa PVC đường kính 250 - 300 mm kéo dài đến mương thoát nước thải. Tại vị trí cuối đường ống nhựa PVC có khóa đóng mở khi cần thiết.
- Đáy ao nuôi đặt 4 cụm ống nhựa PVC hoặc HDPE (mỗi cụm có thể tích 1,5 - 2 m3) để tạo chỗ ẩn nấp cho cá. Ống nhựa được đặt cách bờ ao tối thiểu 1,5m và có đường kính phù hợp với từng giai đoạn phát triển của cá.
- Cống thoát: ngoài đường ống PVC để tháo chất thải đáy ao, mỗi ao nuôi được bố trí 01 cống thoát nước, được xây ở giữa bờ ao, nối giữa ao nuôi với mương thoát nước thải. Cống thoát có khẩu độ từ 0,8 - 1,0m, dùng để thoát nước mặt và để thu hoạch cá.
- Hệ thống cấp nước gồm 01 ống nhựa PVC hoặc HDPE nối từ ao chứa nước đến ao nuôi, đường kính ống tối thiểu 110mm, được đặt cùng với hướng dòng chảy khi quạt nước ao nuôi.
- Máy quạt nước cho ao nuôi gồm 2 bộ máy quạt nước được đặt ở 2 phía đối diện trong ao, mỗi bộ gồm 4 - 6 cánh quạt được kéo bởi mô tơ điện hoặc đầu máy dầu diezen.
b. Ao chứa
Thể tích nước trong ao chứa tối thiểu bằng 0,8 - 1,0 lần thể tích ao nuôi. Ao chứa nên có độ sâu lớn hơn ao nuôi để giảm diện tích ao chứa.
c. Cải tạo ao nuôi
Tháo cạn nước trong ao, loại bỏ các sinh vật không mong muốn còn ở trong ao (cá, tôm, cua tạp, rong, cỏ...), vét bỏ bùn thối, phơi khô đáy ao 1 - 2 tuần, khử trùng đáy ao và bờ ao bằng vôi bột. Lượng vôi sử dụng theo Bảng 1.
Bảng 1. Lượng vôi sử dụng theo pH của đáy ao
PH |
Lượng Vôi Bột (Kg/1000 M2) |
6,0 - 7,0 |
30 - 60 |
4,5 - 6,0 |
60 - 100 |
3,0 - 4,5 |
100 - 180 |
d. Lấy nước và cấp nước
- Lấy nước vào ao chứa: chọn con nước tốt (thời điểm đầu kỳ con nước cường) để lấy nước. Nước được lấy trực tiếp qua mương dẫn hoặc dùng máy bơm và được lọc qua lưới lọc để ngăn địch hại. Khử trùng nước bằng Chlorine 10 ppm, sục khí hoặc quạt nước ít nhất 1 ngày cho hết dư lượng Chlorine. Sau 5 – 7 ngày, kiểm tra chất lượng nước ao chứa đạt yêu cầu quy định tại Bảng 2 thì cấp nước vào ao nuôi.
Bảng 2. Thông số chất lượng nước ao nuôi
Thông Số |
Giá Trị Giới Hạn |
pH |
7,5 - 8,5 |
DO (mg/l) |
> 4,0 |
Độ mặn (‰) |
10 - 30 |
Nhiệt độ (ºC) |
20 - 32 |
NH3 (mg/l) |
< 0,02 |
H2S (mg/l) |
< 0,05 |
Cấp nước vào ao nuôi: cấp nước vào ao nuôi đạt độ sâu 0,5 - 0,6m để gây màu nước trước khi thả cá giống.
e. Gây màu nước cho ao nuôi
Nếu độ trong > 60cm, bón phân ure với liều lượng từ 2 - 2,5 kg/1.000m2 và phân lân với liều lượng 4,0 - 5,0 kg/1.000m2 (chỉ cần gây màu cho ao nuôi 1 lần duy nhất vào đầu thời điểm nuôi.) Sau khi gây màu 3 - 5 ngày, sinh vật phù du trong ao phát triển, độ trong của ao đạt 30 - 40 cm hoặc nước ao có màu xanh, vàng thì tiến hành thả cá giống vào ao. Tiếp tục cấp nước và duy trì mực nước ao nuôi đến độ sâu 1,5-2,0m.
2. Chọn và thả cá giống
* Mùa vụ thả cá giống
Miền Bắc (từ Huế trở ra) thả giống từ tháng 5 đến tháng 8, miền Nam (từ Đà Nẵng trở vào) thả giống quanh năm.
* Nguồn gốc và chất lượng cá giống
- Nguồn gốc cá giống: chọn mua cá giống được sản xuất từ những cơ sở sản xuất giống có uy tín, có nguồn gốc rõ ràng.
- Chất lượng cá giống: cá khỏe mạnh; không bị nhiễm VNN, ký sinh trùng; không dị hình, dị tật; không bị xây xát, mất nhớt; cỡ cá đồng đều, bơi lội nhanh nhẹn, bơi chìm trong nước theo đàn. Cá đã ăn hoàn toàn thức ăn công nghiệp.
* Thuần và luyện cá giống
- Thuần cá giống: trước khi nhận và thả cá giống 03 ngày, người nuôi nên thông báo cho cơ sở cung cấp giống độ mặn tại ao nuôi để điều chỉnh độ mặn ương cá giống. Độ mặn được điều chỉnh tốt nhất với mức tăng hoặc giảm tối đa 2- 3‰/ ngày.
- Luyện cá giống: trước khi thu cá để vận chuyển, ngừng cho cá ăn trước 12 giờ, dồn cá lại góc bể hoặc tháo bớt nước để tăng mật độ cá (lưu ý phải luôn đảm bảo dưỡng khí ô-xy cho cá). Việc thu cá phải nhẹ nhàng bằng vợt vải mềm, ca, chậu... lưu ý trong quá trình thao tác bắt cá hạn chế để cá rời khỏi mặt nước.
* Vận chuyển cá giống
- Vận chuyển kín (phương tiện là máy bay, ô tô, tàu thuyền): sử dụng các túi nilon đóng cá chuyên dụng (có nhiều kích cỡ tùy chọn), lồng hai túi vào với nhau, cấp nước sạch (có cùng độ mặn với nước thuần cá) vào 1/3 - 2/5 thể tích túi.
Cho cá vào túi theo mật độ quy định tại Bảng 3, bơm căng oxy, buộc chặt túi và đặt vào thùng xốp, duy trì nhiệt độ vận chuyển từ 20 – 22 độ C bằng túi đá lạnh đặt trong thùng xốp.
Bảng 3. Mật độ và kích cỡ cá vận chuyển kín
Cỡ Cá (Cm) | Mật Độ (Con/Lít Nước) | Thời Gian Vận Chuyển Kín Tối Đa (Giờ) |
8 - 10 | 10 - 12 | 15 |
Vận chuyển hở (ô tô, tàu thuyền): sử dụng thùng composit thể tích từ 0,5 - 1,0 m3, cấp 3/5 thể tích nước sạch (có cùng độ mặn với nước thuần cá). Cho cá vào thùng theo mật độ quy định tại Bảng 4, sục khí liên tục bằng máy thổi khí hoặc bình oxy nguyên chất. Duy trì nhiệt độ vận chuyển 22 – 24 độ C (tốt nhất sử dụng xe bảo ôn).
Bảng 4. Mật độ và kích cỡ cá vận chuyển hở
Cỡ Cá (Cm) |
Mật Độ (Con/M3 Nước) |
Thời Gian Vận ChuyểnHở Tối Đa (Giờ) |
8 - 10 |
4.000 - 5.000 |
24 - 36 |
Ghi chú: Thay 50% nước sau 12 giờ vận chuyển
* Thả cá giống
- Kích cỡ giống thả: cá giống có chiều dài từ 8 - 10 cm (tương ứng cá có khối lượng từ 8 - 9g/con).
- Mật độ thả: 2 con/m2.
- Thả cá vào thời điểm trời mát, sáng sớm hoặc chiều tối.
- Nếu thời gian vận chuyển cá giống ngắn (nhỏ hơn 5 giờ), tiến hành thả cá như sau: bổ sung từ từ nước ao nuôi vào dụng cụ chứa cá giống và thả từ từ cá từ trong dụng cụ chứa giống ra ao nuôi.
- Nếu thời gian vận chuyển cá giống lớn hơn 5 giờ, tiến hành thả cá như sau: tắm khử trùng cho cá giống bằng Formalin nồng độ 55ppm trong thời gian 20 - 30 phút để loại bỏ ký sinh trùng và cá yếu sau đó thả từ từ ra ao nuôi thương phẩm
Quy trình kỹ thuật này có thể ứng dụng ở các vùng biển đáp ứng yêu cầu về điều kiện tự nhiên phù hợp.
3. Chăm sóc và quản lý
a. Thức ăn và cho cá ăn:
- Thức ăn:
+ Giai đoạn từ khi thả cá (cỡ cá 8-9g/con) đến khi đạt khối lượng 200g/con: sử dụng thức ăn công nghiệp chuyên dụng cho cá song có hàm lượng protein từ 45 - 48%, hàm lượng lipid từ 8 - 14%, dạng viên tròn dẹt, có đặc tính chìm chậm để nuôi cá song chấm nâu.
+ Giai đoạn cá có khối lượng >200g/con: sử dụng thức ăn công nghiệp theo quy định tại bảng 5
Bảng 5. Thành phần dinh dưỡng của thức ăn công nghiệp cho cá Song chấm nâu
Chỉ Tiêu Chất Lượng |
Hàm Lượng Dinh Dưỡng |
Protein (%) |
≥45 |
Chất béo (%) |
≥9 |
Xơ thô (%) |
≤2,7 |
Tro (%) |
≤11 |
Ẩm (%) |
≤8,1 |
Chất dẫn dụ Taurine (%) |
0,5 |
- Khẩu phần ăn: căn cứ vào giai đoạn phát triển của cá mà sử dụng cỡ viên và lượng thức ăn công nghiệp cho phù hợp. Khẩu phần cho ăn hàng ngày đối với từng kích cỡ cá được trình bày ở Bảng 6.
Bảng 6. Khẩu phần thức ăn công nghiệp cho cá Song chấm nâu
Cỡ Cá |
Đường Kính Viên Thức Ăn (Mm) |
Khẩu Phần Ăn (% |
Số |
Giờ Cho Ăn |
8 - 9 |
1,5 - 5,0 |
1,5 - 4,0 |
2 |
7 - 8; 16 - 17 |
200-500 |
5,0 - 8,0 |
1,5 - 2,0 |
1 |
7 - 8 |
> 500 |
8,0 - 10,0 |
0,8 - 1,5 |
1 |
7 - 8 |
Chú ý: khi nhiệt độ nước trong lồng nuôi > 32ºC cần giảm lượng thức ăn trong ngày từ 30 - 50%. Trong điều kiện bất thường, hàm lượng oxy hòa tan trong nước giảm (< 4,0 mg/l), giảm lượng thức ăn từ 15 - 20% so với ngày thường.
- Cách cho ăn: cho ăn thủ công bằng tay và tuân thủ nguyên tắc “3 xem” (xem điều kiện thời tiết, xem chất lượng môi trường, xem tình trạng sức khỏe của cá) và nguyên tắc “4 định” (chất lượng thức ăn, khối lượng thức ăn, thời gian cho ăn, địa điểm cho ăn). Từ đó kiểm tra, giám sát thức ăn bằng việc quan sát cá ăn và khả năng sử dụng thức ăn hàng ngày của cá, tuyệt đối tránh dư thừa thức ăn.
b. Chăm sóc và quản lý lồng nuôi cá
- Định kỳ bảo dưỡng, vệ sinh hàu, hà bám vào dây neo, lưới lồng với tần suất 1 - 2 tháng/lần, tùy thuộc vào mức độ hà bám.
- Thay lồng và phân loại cá theo định kỳ 2 tháng/lần, mỗi lần thay lưới lồng có thể tắm cho cá bằng nước ngọt 30-60 phút hoặc bằng Formalin 55ppm trong 20-30 phút, khi tắm cho cá cần sục khí mạnh.
- Trước mùa mưa bão, lồng bè và nhà ở cần phải được gia cố, chằng chống, neo đậu vững chắc, khi có bão cần theo dõi diễn biến thực tế để có ứng phó kịp thời, nếu vùng nuôi ở các eo vịnh, thì có thể dùng tàu kéo lồng bè đến nơi kín gió.
c. Quản lý môi trường trong lồng nuôi
Biện pháp tổng hợp để quản lý các yếu tố môi trường trong khu vực lồng nuôi bao gồm: lựa chọn vị trí đặt lồng, kích thước mắt lưới, cách sắp xếp lồng nuôi phù hợp; thường xuyên bổ sung dưỡng chất trong thức ăn để tăng sức đề kháng cho cá. Trong quá trình nuôi, định kỳ kiểm tra 2 lần/ngày các yếu tố pH, DO, cụ thể:
- pH: pH thích hợp cho cá nuôi lồng từ 7,0 - 8,5. pH ở khu vực nuôi lồng bè trên biển rất khó kiểm soát. Cá biệt, giá trị pH vượt ngưỡng cho phép trong trường hợp khu vực nuôi lồng có hiện tượng tảo nở hoa, khi đó pH cao và oxy thấp cục bộ vào ban đêm. Biện pháp xử lý có hiệu quả là tăng cường cung cấp oxy cho cá nuôi bằng máy sục khí có đường dẫn khí đến các lồng nuôi đồng thời giảm lượng thức ăn, bổ sung vitamin và khoáng chất trong thức ăn cho cá vào giai đoạn này.
- Oxy hòa tan (DO): hàm lượng DO thích hợp từ 4 - 6 mg/l. Chạy máy sục khí vào các thời điểm bất thường khi hàm lượng Oxy hòa tan dưới 4 mg/l.
d. Phòng trừ dịch bệnh
* Phòng bệnh tổng hợp:
- Sử dụng cá giống có nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo cá giống không bị nhiễm bệnh, đặc biệt là bệnh hoại tử thần kinh (VNN).
- Cho cá ăn đầy đủ với thức ăn đảm bảo chất lượng, định kỳ vệ sinh lưới lồng 1 tháng/lần, tạo môi trường nuôi thông thoáng.
- Vào mùa dịch bệnh (thường là thời điểm giao mùa), để phòng bệnh cần định kỳ tắm Formalin cho cá kết hợp với bổ sung vitamin C và khoáng chất vào thức ăn nhằm tăng sức đề kháng của đàn cá nuôi (bổ sung bằng cách, trộn đều một lượng thức ăn nhất định với vitamin C, men..., sau đó sử dụng dầu mực để bao bọc hỗn hợp thức ăn vừa trộn trước khi cho cá ăn).
Bảng 7. Phòng bệnh định kỳ cho cá nuôi lồng bằng Formalin, vitamin C và biện pháp tăng oxy hòa tan
* Phòng và trị bệnh
- Bệnh đốm trắng (Cryptocaryonosis) hay còn gọi bệnh trùng quả dưa
+ Tác nhân và giai đoạn xuất hiện bệnh: bệnh đốm trắng do nhóm trùng quả dưa, cơ thể đơn bào (Cryptocaryon irritan) gây ra. Loài ký sinh trùng này gây bệnh nguy hiểm khi cá còn nhỏ, thời gian đầu khi mới thả giống.
+ Dấu hiệu bệnh lý: khi cá bị bệnh, có thể dùng kính lúp quan sát được rất rõ các đốm trắng nhỏ trên thân cá. Ký sinh trùng sinh sản vô tính theo hình thức nhân đôi nên khi gặp điều kiện thuận lợi ký sinh trùng phát triển rất nhanh và có thể gây chết 80 - 90% cá trong vòng 1 tuần nếu không chữa trị kịp thời.
+ Phương pháp phòng bệnh: nguyên nhân dẫn đến cá bị bệnh là do nguồn nước bị ô nhiễm và cá bị trầy xước trong quá trình vận chuyển, thả giống, chăm sóc. Vì vậy, quan tâm đến việc thuần cá trước khi vận chuyển, kỹ thuật vận chuyển, thả giống và chăm sóc, tránh stress cho cá trong quá trình nuôi sẽ hạn chế tác nhân gây bệnh đốm trắng.
+ Phương pháp trị bệnh: bệnh đốm trắng được điều trị bằng cách tắm Formalin 55ppm trong thời gian 20-30 phút, tắm lặp lại trong 3 ngày liên tiếp.
Với phương pháp điều trị này, tỷ lệ khỏi bệnh có thể đạt 100%, trong quá trình tắm cần phải sục khí liên tục.
- Bệnh sán lá đơn chủ (Monogenean)
+ Giai đoạn xuất hiện bệnh: sán lá đơn chủ là một trong những bệnh nguy hiểm thường xuất hiện trên giai đoạn cá giống và cá nuôi thương phẩm. Nhóm ký sinh trùng này ký sinh hầu hết trên tất cả các loài cá nuôi biển. Bệnh sán lá đơn chủ thường xảy ra vào giai đoạn mùa khô miền Nam hoặc mùa thu, mùa đông và mùa xuân ngoài miền Bắc khi độ mặn cao.
+ Tác nhân gây bệnh: do nhiều loài sán lá đơn chủ gây ra như: Benedenia sp., Benedinia hoshinia, Neobenedenia spp., Diplectanum spp., Haliotrema spp., Pseudorhabdosynochus spp.
+ Dấu hiệu bệnh lý: cơ quan cảm nhiễm chủ yếu của bệnh là da và mang.
Khi cá bị bệnh thường có rất nhiều nhớt trên da và mang cá. Cá có hiện tượng ngứa ngáy, thường bơi sát bờ. Khi bị bệnh sán lá đơn chủ, chúng thường bị các tác nhân gây bệnh thứ cấp là nấm và vi khuẩn tấn công. Khi cá bị bệnh này, tỷ lệ chết có thể lên đến 50% ở giai đoạn cá nuôi thương phẩm.
+ Phương pháp phòng bệnh: phương pháp phòng bệnh chủ yếu đối với nhóm tác nhân gây bệnh sán lá đơn chủ là kiểm tra cá giống trước khi mua về.
Vào mùa dịch bệnh, định kỳ 15 ngày /lần, tắm cho cá nuôi bằng Formalin 55ppm trong thời gian 20-30 phút. Trong quá trình nuôi thường xuyên kiểm soát môi trường nuôi để có biện pháp xử lý kịp thời.
+ Phương pháp trị bệnh: Điều trị giống như điều trị bệnh trùng quả dưa.
- Bệnh lở loét do vi khuẩn
+ Giai đoạn xuất hiện bệnh: bệnh xuất hiện ở hầu hết các giai đoạn phát triển của cá từ cá giống đến cá thương phẩm. Bệnh vi khuẩn thường xảy ra vào giai đoạn giao mùa, chuyển mùa giữa mùa hè và mùa thu, giữa mùa thu và mùa đông hoặc mùa xuân và mùa hè.
+ Tác nhân gây bệnh: do nhiều nhóm vi khuẩn gây bệnh khác nhau gây ra như Vibrio spp, Pseudomonas spp, Streptococcus sp, và Flexibacter spp.
+ Dấu hiệu bệnh lý: cá bỏ ăn, bơi lờ đờ hoặc tách đàn. Trên thân cá có các vết loét, đốm đỏ, tuột vẩy và xuất huyết, mòn vây, mòn mang. Khi cá bị bệnh nếu không chữa trị kịp thời có thể gây chết lên đến 80%.
+ Phương pháp phòng bệnh: tắm khử trùng cho cá trước khi thả giống, không làm cá bị xây xát hay trầy xước do thao tác hoặc chăm sóc.
+ Phương pháp trị bệnh: đối với cá song nuôi lồng khi bị bệnh này việc chữa trị không hiệu quả do vậy phòng bệnh là chính.
- Bệnh đục mắt do vi khuẩn Streptococcus spp.
+ Giai đoạn xuất hiện bệnh: bệnh thường xuất hiện chủ yếu vào giai đoạn cá giống và cá nuôi thương phẩm. Mùa xuất hiện bệnh như mùa hè và thời gian giao mùa.
+ Dấu hiệu bệnh lý: cá bị bệnh có dấu hiệu đặc trưng đó là cá bị đục mắt.
Ban đầu cá vẫn sinh trưởng và phát triển bình thường, khi bị bệnh nặng thì mắt cá có thể bị hỏng nhưng cá vẫn sống. Tuy nhiên tốc độ sinh trưởng giảm do khả năng bắt mồi kém. Cá thường bị chết do các tác nhân gây bệnh khác như nấm, vi khuẩn hoặc vi rút gây ra.
+ Phương pháp phòng bệnh và trị bệnh: tương tự với phương pháp phòng bệnh và trị bệnh lở loét do vi khuẩn.
4. Thu hoạch cá thương phẩm
- Sau thời gian nuôi 12 - 15 tháng, cá đạt kích cỡ 800 - 1.200 g/con là có thể thu hoạch.
- Luyện cá: trước khi vận chuyển 1 - 2 ngày, cần kéo lưới lồng để cá quen dần với thao tác khi thu hoạch. Trước khi vận chuyển cần cho cá nhịn đói ít nhất 1 ngày để giảm chất bài tiết và giảm stress trong quá trình vận chuyển.
- Cá được vận chuyển sống trong thùng, bể chuyên dụng có thể tích 1,0 m3. Trong khi vận chuyển cần hạ thấp nhiệt độ xuống khoảng 22 – 24 độ C, có thể sử dụng đá lạnh và cho vào túi nilon kín rồi thả vào bể vận chuyển để độ mặn trong bể không bị thay đổi làm cá sốc. Cần sục khí mạnh đảm bảo đủ oxy trong suốt quá trình vận chuyển.
BBT (gt) - Khuyến Nông VN, T2, T3/2023
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Việt Linh: Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, việc làm thủy sản, việc làm nông nghiệp, tuyển dụng, tìm việc, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.