• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Nuôi cá tầm

 

 

 

 

Tỷ phú “cá tây” trên hồ Đắk R’tíh

Loài cá tầm vốn chỉ ưa thích sống ở một số vùng nước lạnh của nước Nga. Thế nhưng, thật bất ngờ, gia đình ông Ngô Kim Luận đã đưa vào nuôi thử nghiệm thành công loại cá này trên hồ Thủy điện Đắk R’tíh thuộc phường Nghĩa Phú (Gia Nghĩa). Mô hình không chỉ mang lại nguồn thu nhập lớn cho gia đình ông Luận mà còn mở ra hướng làm ăn mới cho nhiều hộ dân khác trên địa bàn.

Kỹ thuật nuôi không khó

Vào đầu năm 2011, trong một lần từ thị xã Đồng Xoài (Bình Phước) lên thăm người bà con ở thị xã Gia Nghĩa, ông Ngô Kim Luận đã nhận thấy lòng hồ Thủy điện Đắk R’tíh có nhiều điều kiện thuận lợi để nuôi cá tầm. Nghĩ rồi làm, ông đã khăn gói đến các mô hình nuôi cá tầm của một số doanh nghiệp ở Lâm Đồng và Kon Tum để tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm. Rồi được một công ty bên Lâm Đồng hỗ trợ về mặt kỹ thuật, ông đã tiến hành nuôi 2.000 con trên diện tích 7 lồng nuôi. Mặc dù giá cá giống khá cao, 100 ngàn đồng/con, kết hợp với một số chi phí khác nhưng ông vẫn không nản lòng. Ông Luận cho biết: “Điều kiện khí hậu cũng như hệ sinh thái môi trường ở hồ Thủy điện Đắk R’tíh rất thuận lợi cho việc nuôi cá tầm. Từ ngày thả nuôi cho đến lúc xuất bán, cá không mắc một loại bệnh nào. Kỹ thuật nuôi cá tầm không khó như mọi người nghĩ. Trong quá trình nuôi, gia đình tôi luôn chú ý đến việc đảm bảo nguồn nước, không để xảy ra ô nhiễm. Bởi loài cá này sống rất sạch. Nếu nước bị ô nhiễm hay nguồn thức ăn không đảm bảo thì cá sẽ bị bệnh nhiễm khuẩn vùng miệng, rồi dẫn đến chết. Về thức ăn cho cá cũng không cần đòi hỏi quá cầu kỳ hay kỹ thuật cao gì, gia đình thường cho ăn các loại trùn quế, trùn hương, các loại cá nhỏ, tôm, tép. Ngoài ra, tôi còn cho cá ăn thêm cám công nghiệp. Cá tầm chỉ thích ăn đêm nên người nuôi phải cho cá ăn vào khung thời gian từ 19 giờ đêm đến 4 giờ sáng”. Cũng theo ông Luận, khi cá còn nhỏ dưới 1 kg thì gia đình cho ăn 4 lần/ngày. Còn cá trên 1kg thì gia đình cho ăn giảm xuống 2 lần/ngày, nhưng lượng cám nhiều hơn. Mỗi lồng nuôi, gia đình thiết kế đều có diện tích 25m2 và luôn giữ độ nước sâu là 5m. 

Thị trường tiêu thụ lớn

Với 2.000 con cá giống nuôi ban đầu, hiện tại, gia đình ông đã xuất bán ra thị trường được một nửa, bình quân cân nặng 2kg/con. Theo tính toán của ông Luận thì tổng sản lượng trong đợt nuôi thử nghiệm ban đầu này được 4 tấn, với giá bán hiện nay tại lồng nuôi là 450.000 đồng/kg thì thu nhập của gia đình sẽ được 1,8 tỷ đồng. Trừ chi phí về đầu tư cá giống, lồng bè, thức ăn, thuốc phòng bệnh, công chăm nuôi thì gia đình anh vẫn còn thu lãi được trên 800 triệu đồng. Thịt cá tầm nuôi trên hồ Thủy điện Đắk R’tíh đảm bảo thơm ngon không kém bất cứ nơi nào. Vì thế, dù giá cả 1kg cá thịt khá cao, nhưng vẫn không có hàng để cung cấp cho thị trường. Nhiều nhà hàng trên địa bàn tỉnh Đắk Nông, Bình Phước, TP.HCM đến đặt hàng, nhưng gia đình đành phải từ chối, vì cá đã được ký hợp đồng tiêu thụ với một nhà hàng từ trước. Thị trường tiêu thụ của loại cá này khá lớn nên dự kiến sau khi xuất bán xong đợt 1, gia đình ông sẽ mở rộng quy mô lên 20 lồng để nuôi 8.000 con cá tầm thịt. Trong đợt nuôi tiếp theo, nếu thuận lợi như lứa đầu thì lợi nhuận sẽ cao hơn nhiều. Vì đợt này, các bè lồng nuôi sẽ được tận dụng lại.

Ông Luận cũng cho biết thêm: “Lợi nhuận từ việc nuôi cá tầm thịt cũng tương đối. Nhưng các hộ khác muốn tìm hiểu nuôi thì cũng nên nghiên cứu kỹ càng, không nên theo phong trào, vì chi phí đầu tư ban đầu khá lớn. Tôi sẽ sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm cho những hộ có nhu cầu nuôi. Vì có nhiều hộ nuôi thì việc quảng bá cho “thương hiệu” cá tầm ở Đắk Nông cũng thuận lợi hơn”.

Sẽ mở ra hướng làm ăn mới cho người dân

Trước việc nuôi thử nghiệm thành công ở mô hình của gia đình ông Ngô Kim Luận, đầu tháng 12-2011, UBND tỉnh đã đồng ý chủ trương cho Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng giao thông Việt Nam liên kết với Công ty Cổ phần Hàng hải dầu khí Việt-Xô và Công ty Cổ phần Cá tầm số 1 Kon Tum tổ chức triển khai nuôi cá tầm giai đoạn 1 tại hồ Thủy điện Đắk R’tíh (Gia Nghĩa), có quy mô 20 lồng, với số lượng 20.000 con. Trong quá trình nuôi, các đơn vị phải đảm bảo không làm ảnh hưởng đến việc vận hành của Nhà máy thủy điện Đắk R’tíh, không gây ô nhiễm môi trường nước đối với khu vực hồ cung cấp nước sinh hoạt cho đô thị Gia Nghĩa và huyện Đắk R’lấp. Theo đại diện của Công ty Cổ phần Cá tầm số 1 Kon Tum thì hồ Thủy điện Đắk R’tíh có điều kiện khí hậu cũng như hệ sinh thái môi trường rất thuận lợi cho việc nuôi cá tầm. Hiện tại, cá tầm con sau khi được công ty thả nuôi đang phát triển khá tốt, chưa xuất hiện dấu hiệu bệnh tật nào. Sau khi nuôi thành công ở giai đoạn 1, công ty sẽ hỗ trợ giống, kỹ thuật, thức ăn cho người dân có nhu cầu nuôi cá tầm trên hồ Thủy điện Đắk R’tíh và những hồ thủy điện khác và bao tiêu sản phẩm.

Được biết, hiện nay tỉnh ta đang có nhiều lòng hồ thủy điện lớn, sâu như Thủy điện Đồng Nai 3, Đồng Nai 4, Buôn Tua Srah, với điều kiện tự nhiên khá tương đồng như hồ Thủy điện Đắk R’tíh nên có thể mở rộng nuôi thử nghiệm cá tầm ở những nơi này. 

Bình Minh – Ngọc Tâm, Báo Đăk Nông, 26/02/2012

 

Hình dạng, đặc tính sinh học và giá trị của cá tầm

Cá tầm (Sturgeon) thuộc gia đình cá Acipenseridae, một loài cá được xem là 'bán khai' (primitive). Cá có thân dài và rất thuôn, di chuyển nhiều và thay đổi vùng sinh thái. Cá tầm có thể cân nặng đến hơn 1 tấn và dài trên 4m. Cá xuất hiện trên trái đất khoảng hơn 100 triệu năm trước, và hiện chia làm 4 chủng loại khác nhau gồm 25 loài, bao gồm cá tầm trắng, cá tầm mũi ngắn, cá tầm sao, beluga và sterlet. Vài loài chỉ sinh sống nơi vùng nước ngọt, có loài sống ngoài biển khơi nhưng bơi ngược trở về sông để đẻ trứng. Cá tầm không chỉ là loài cá nước ngọt lớn nhất mà còn là loài sống lâu nhất: Có con sống đến hơn 150 tuổi. Tuổi của cá phù hợp với chiều dài thân cá: Cá 12 tuổi dài chừng 1,2 m; và cá 20 tuổi chừng 1,8 m. Cá chỉ gặp ở vùng Bắc Bán Cầu và thường gặp tại Bắc Ðại Tây Dương, Bắc Thái Bình Dương, Vùng Biển Caspian, Biển Ðen, tại nhiều sông và hồ như sông Delaware, Rhin, Garonne, Elbe, Volga, Danube và hồ Ladoga. 

Cũng như cá đuối, cá mập, cá tầm thuộc loại cá không xương: bộ xương chỉ là những sụn. Thân cá hình ống gồm 5 hàng xương gai (sụn), da dầy, nhám không vảy, màu sắc thay đổi tùy loài, tuổi và tùy vùng sinh thái. Ðuôi cá dạng chia chẻ đôi. Miệng cá nhỏ nằm ngang, không răng; mũi dài nhọn có 4 râu hình trụ cứng, dùng quậy để kiếm mồi. 

Cá tầm Sterlet
Tên khoa học: Acipenser ruthenus (Linnaeus, 1758)

Loài cá tầm Sterlet sống ở biển Caspian, Biển Đen, Azov, Baltic…di cư vào các sông như Volga, Đa nup để sinh sản hàng năm. Cá tầm Sterlet có thể nặng đến 16 kg, dài từ 100-125 cm, có màu xám ở mặt lưng và hơi vàng ở mặt bụng. Nguồn thức ăn chủ yếu của cá là động vật đáy như giáp xác, giun, ấu trùng côn trùng, nhuyễn thể. Cá có tuổi thọ từ 22-25 năm. Tuổi thành thục của cá cái từ 3-7 năm và cá đực từ 5-12 năm. Sức sinh sản từ 15000-44000 trứng/cá mẹ. Thời gian sinh sản từ giữa tháng 4 đến đầu tháng 6 khi nhiệt độ nước dao động từ 12-17oC. Cá tầm Sterlet được dùng để tạo con lai

Cá tầm Nga
Tên khoa học: Acipencer gueldenstaedtii Brandt, 1833
Tên tiếng Anh: Rusian Sturgeon

Cá tầm Nga phân bố chủ yếu ở Azerbaijan,  Bulgaria,  Georgia,  Iran,  Kazakhstan,  Romania, Russia, Thổ nhĩ kỳ và Ukraine. Lòai cá này có thể lớn cỡ 190 cm và 113 kg. Cá tầm Nga không thể sinh sản và thành thục sớm nên trong tự nhiên quần đàn của chúng rất nhỏ, được xếp vào sách đỏ thế giới mức báo động đỏ EN. Cá tầm Nga là loài lớn (cá trưởng thành dài cỡ 1,7 m, có thể lớn đến 5,5 m nặng 200 kg), sống trong vùng Biển Ðen, Azov, và Caspian, đẻ trứng trong sông. Mõm ngắn và bằng.

Cá tầm Siberi
Tên khoa học: Acipencer baerii  Brandt, 1833

Tên tiếng Anh: Siberian Sturgeon

Phân biệt đực cái

Phân biệt đực cái có ý nghĩa rất quan trọng trong kỹ thuật nuôi cá tầm. Người ta thường phải nuôi riêng cá đực và cá cái để có chế độ chăm sóc khác nhau. Mặt khác kỹ thuật thụ tinh nhân tạo hiện nay không cần phải có nhiều cá đực. Do tuổi phát dục cá tầm rất muộn nên phân tách sớm cá đực và cá cái giúp giảm chi phí nuôi vỗ, trong khâu sinh sản nhân tạo tránh được lãng phí thuốc khi tiêm nhầm cá.

Đáng tiếc là các loài cá tầm đều rất khó phân biệt theo hình thái ngoài, nhất là khi cá chưa phát dục đầy đủ. Người nuôi chuyên nghiệp ở Nga có thể căn cứ vào mầu sắc cá trưởng thành để phân biệt.

Một số loài như cá tầm mõm ngắn (A. brevirostrum), cá tầm Đại tây dương (A. oxyrinchus oxyrinchus) và cá tầm trắng (A. transmontanus) có thể căn cứ hình dạng lỗ niệu sinh dục cá trưởng thành để phân biệt đực cái đạt độ chính xác đến 82%.4

Hiện nay có nhiều đề tài nghiên cứu nhằm xác đinh sớm giới tính của cá tầm nhưng kết quả chưa thực sự chưa rõ ràng và ít có khả năng áp dụng vào thực tế sản xuất.

Chỉ số cực hoá của trứng (PI)  

Xác định thời điểm thích hợp để tiêm kích thích tố kích thích cá rụng trứng là khâu quan trọng quyết định kết quả của công tác sinh sản nhân tạo. Nếu xác đinh sai cá sẽ không đẻ hoặc chỉ đẻ một phần thậm chí làm cho cá chết mà không thu được kết quả. Trong số các chỉ tiêu hình thái bề ngoài dễ xác đinh nhưng lại có độ tin cậy cao đó là chỉ số cực hoá của trứng tính bằng mức độ di chuyển nhân trứng về cực động vật.

Khi trứng cá đã phát triển đầy đủ chuẩn bị đi đẻ, đường kính hạt trứng đạt đến đường kính lớn nhất. Tuỳ theo đặc điểm di truyền của từng loài mà đường kính trứng lúc này có độ to nhỏ khác nhau.

Thí dụ như cá tầm xanh (Acipenser medirostris) có đường kính trứng lớn hơn cả dao động trong khoảng 4.0 – 4.7 mm, trong khi đó cá steliat (A. ruthenus) có đường kính trứng vào loại nhỏ nhất chỉ có 2.0 – 2.8 mm. Đường kính trứng của cá beluga (Huso huso) là 3.6 – 4.3 mm, của cá tầm Nga (A. gueldenstaedti) là 3.2 – 3.8 mm, của cá Sevruga (A. stellatus) là 2.7 – 3.2 mm, của cá tầm trắng (A. transmontanus) là 3.2 – 4.0 mm, của cá tầm siberi (A. baerii) là 2.4 – 3.0 mm.

Người ta lấy khoảng 20 – 30 hạt trứng bằng que thăm trứng (Hình 6A và 6B) thông qua lỗ niệu sinh dục hay rạch một đường nhỏ dài khoảng 3 – 5mm bên sườn cá phía trên vùng buồng trứng để móc trứng ra.

Cho trứng vào cốc đốt cùng với 15 – 20ml dung dịch Ringer đun sôi trong 5 phút. Sau đó cho nguội nhanh trong nước đá khoảng 15-30 phút. Lúc này trứng có thể cắt và đo dễ dàng. Nếu ngâm tiếp trong dung dịch formalin 10% qua đêm thì việc cắt sẽ dễ dàng hơn.

Cắt trứng bằng lưỡi dao lam theo đường trục nối 2 cực động vật và thực vật. Chỉ số PI được tính bằng tỷ số khoảng cách từ mép ngoài nhân đến vỏ trứng phía cực đông vật so với khoảng cách giữa 2 cực động và thực vật (hình 7).

Người ta chọn cá cái để tiêm cho đẻ khi chỉ số PI dưới 0,10, tốt nhất là trong khoảng 0,06 – 0,08.

Hormon kích thích rụng trứng

Hormon thường dùng trong sinh sản nhân tạo cá tầm trước đây là hypophis của cá chép hoặc cá tầm. Liều lượng dùng với cá steliat (Acipenser ruthenus) là 2 mg/kg đối với cá đực và 5 mg/kg đối với cá cái.

Tỷ lệ cá cái rụng trứng sau khi tiêm dao động trong khoảng 39–86%. Tỷ lệ cá cái sau 1 năm thành thục trở lại là 40 – 50%; sau 2 năm là 27 – 34%. Hiện nay hoạt tính kích thích tố của hypophis được chiết xuất bằng glycerine để loại trừ tạp chất và làm cho liều lượng được chuẩn hoá.

Ngoài hypophis ra người ta đã tìm được nhiều loại kích thich tố thay thế, kết quả cũng khá ổn định. Loại kích thích tố dùng phổ biến hơn cả là GnRH (Gonadotropin-releasing hormone) trước đây thường gọi là Luteinising-hormone releasing hormone (LHRH). Đây là một loại hormone kích thích giải phóng FSH và LH có nguồn gốc từhypothalamus.

 Hiệu quả kích thích rụng trứng của GnRH mạnh gấp hàng nghìn lần hypophis. Người ta đã có thể tổng hợp được dạng tương tự với GnRH có giá rẻ hơn nhiều so với hypophis. Surfagon là một dạng của GnRH được bán dưới dạng dung dich NaCl.

Ovopel do trường đại học Godollo của Hungary sản xuất. Nó được chế tạo từ GnRH và chất kháng dopamin, là dạng viên dễ tan trong nước. Hoạt tính mỗi viên ovopel tương đương với 3 mg hypophis cá chép khô.7 Liều lượng và cách tiêm cho cá tầm được trình bày ở bảng 10.

Kích thích tố dùng trong sinh sản nhân tạo cá tầm hiện nay ở Nga:

YÊU CẦU CHẤT LƯỢNG NƯỚC ĐỐI VỚI CÁ TẦM (Tiêu chuẩn OCT 15.372-84)

 
Cá cái
Cá đực
Loại kích thích tố
*SSR
Surfagon
*GnRH
SSP
Ovopel
GnRH
Liều lượng (mg)
5 – 7
2
0,1
1
1 viên
0,01
Thời gian hiệu ứng (giờ)
24 – 40
26 – 38
18 – 22
 
 
 
Ghi chú
*Tiêm 2 lần, lần đầu tiêm 10% liều lượng
Tiêm 1 lần

 


Thứ tự
Tên chỉ tiêu
Đơn vị
Tiêu chuẩn
1
Nhiệt độ:
              Đối với ấu trùng
              Đối với các cỡ cá lớn hơn
 
oC
oC
 
18 – 22
20 – 24
2
Màu sắc
độ
nm
<30
<540
3
Mùi vị
 
Không mùi
4
Độ trong
m
>1,5
5
Chất huyền phù
g/m3
<10,0
6
pH
Đơn vị
7,0 – 8,0
7
Ô xit cacbonic (CO2)
g/m3
10
8
Sulfua hydro (H2S)
 
0
9
Amonia tự do (NH3)
g/m3
0,05
10
Tiêu hoa ôxy theo KMnO4
g O2/m3
<10
11
Tiêu hao ôxy theo Bichroma
g O2/m3
<10
12
BOD5
g O2/m3
<2,5
13
BODpoli
 
<3,0
14
Amonia – ion
g N/m3
0,5
15
Nitrit - ion
g N/m3
<0,02
16
Nitrat-ion
g N/m3
<1,0
17
Phosphat-ion
g P/m3
<0,3
18
Sắt tổng số
g/m3
<0,1
19
Tổng số vi sinh vật
triệu tb/ml
<1,0
20
Tổng số khuẩn hoại sinh
1000tb/ml
<3,0
21
Oxy hoà tan
mg/l
7 – 8

 

Kỹ thuật cho cá qua đông

Ở những vùng phía Nam nhiệt độ nước quanh năm đều cao hơn nhiều so với nhiệt độ mùa đông nguyên gốc của cá tầm nên dù cá được nuôi vỗ tốt đến mấy thì tuyến sinh dục cũng không thể phát triển đầy đủ và cá chưa thể sẵn sàng phản ứng với kích thích tố.

Một trong những khâu then chốt trong việc nuôi cá tầm để sản xuất caviar hay sinh sản nhân tạo là cho cá qua đông nhân tạo. Căn cứ vào đặc điểm di truyền của từng loài mà người ta xác định chế độ qua đông thích hợp.

Trong thời gian qua đông cá được giữ trong bể xi măng hay composit trong môi trường nước chảy và hàm lượng ôxy hoà tan cao. Người ta hạ dần nhiệt độ xuống 8 – 12 oC tuỳ theo loài. Giữ cá ở nhiệt độ này trong vòng 2 – 3 tuần, sau đó nâng dần nhiệt độ trở lại bằng nhiệt độ môi trường.

Thời gian qua đông nhân tạo cá không ăn, buồng trứng được kích thích chuyển hoá hoàn tất. Sau khi qua đông trọng lượng cá giảm đi 5 – 12%. Giải pháp kinh tế và đạt hiệu quả nhất để cho cá qua đông nhân tạo là giữ cá trong hệ thống nuôi nước tuần hoàn qui mô nhỏ.6

Vấn đề chất lượng caviar

Có thể nói xu hướng nuôi cá tầm của thế giới hiện nay chủ yếu là sản xuất caviar. Vấn đề truy xuất nguồn gốc sản phẩm caviar cần đặt ra. Để chứng minh cho SITES sản phẩm caviar làm từ cá nuôi là điều có thể làm được. Cái khó hiện nay là phân biệt hàng giả và hàng thật, nhất là hiện nay công nghệ làm caviar mô phỏng đã được hoàn thiện và có được patent ở Mỹ. Người mua có thể bị nhầm lẫn, từ đó làm giảm giá trị thực của caviar chính gốc.

Một vấn đề khác về chất lượng caviar là kỹ thuật chế biến caviar từ trứng đã rụng sau khi tiêm kích thích tố. Hiện nay để triệt để tận dụng nguồn cá bố mẹ người ta không giết cá để lấy trứng mà tiêm kích thích tố kích thích cho cá rụng và chảy trứng.

Cá mẹ sau khi vuốt hết trứng được nuôi lại sau 1-2 năm lại có thể thu trứng đợt khác. Như vậy một cá mẹ có thể sản xuất được nhiều lần thay vì chỉ cho trứng 1 lần như trước.

Tuy nhiên trứng sau khi phản ứng với hormon sẽ mềm và mỏng so với trứng lấy trực tiếp từ cá mẹ. Gia công trứng loại này cần làm cho hạt trứng không bị vỡ săn chắc như caviar truyền thống. Nga đã áp dụng kỹ thuật này đầu tiên, nhiều nước cũng đang thí nghiệm áp dụng. Tuy nhiên sự khác nhau về chất lượng giữa 2 loại caviar này có hay không vẫn chưa có tài liệu nào kiểm chứng6.

Tiêu chuẩn tạm thời nuôi cá tầm ở Nga

Năm 1984 Nga ban hành tiêu chuẩn tạm thời về yêu cầu chất lượng nước đối với việc nuôi cá tầm áp dụng cho vùng Astrakhan của Liên xô (bảng 11). Hiện nay tiêu chuẩn này vẫn có thể dùng để tham khảo cho các cơ sở nuôi cá tầm của Việt nam.

Nguồn: Internet

 

Nuôi cá tầm - Hướng đi mới trong chăn nuôi thuỷ sản

Chương trình nuôi thử nghiệm cá nước lạnh đã bắt đầu được khởi động tại Thái Nguyên từ cuối năm 2009.

Cá tầm ngon, bổ dưỡng, có giá trị kinh tế cao và không phải lo lắng về đầu ra. Giá cá nguyên con hiện nay từ 200 - 250 nghìn đồng/kg (giá nhà hàng 400 - 500 nghìn đồng/kg). Trứng cá tầm đen có giá bán rất cao (2.000 - 8.000 euro/kg tùy loại), có thể xuất khẩu sang Mỹ và EU...

Thấy được ưu điểm của loại cá này, 1 năm trước, Thái Nguyên đã đưa vào nuôi thử nghiệm cá tầm ở khu vực xóm Mỏ Gà, xã Phú Thượng (Võ Nhai) và xóm Kẽm, xã La Bằng (Đại Từ) và bước đầu cho kết quả rất khả quan.

Để tận mắt thấy được hiệu quả của mô hình nuôi cá tầm, một ngày cuối tháng 4, chúng tôi về xóm Mỏ Gà, xã Phú Thượng. Đây là khu vực nuôi cá tầm đã được Công ty Cổ phần K69 Quỳnh Lưu tiếp quản từ Trung tâm thuỷ sản tỉnh, giống cá tầm được nhập về từ nước Nga. Thấy được thị trường tiêu thụ tiềm năng, Công ty đã phối hợp chặt chẽ với Trung tâm Thuỷ sản tỉnh, Viện Nghiên cứu, nuôi trồng thuỷ sản I (Bộ Nông nghiệp và PTNT) phát triển song song hai loại hình nuôi cá thịt và ươm cá giống. Từ khi nuôi thử nghiệm (giữa năm 2010) đến nay, Công ty đã thu 1 tấn cá thịt, với giá bán 200 nghìn đồng/kg, giá trị thu về đạt khoảng 2 tỷ đồng, trong đó chi phí đầu tư chiếm 50%. Công ty đang tiếp tục duy trì nuôi 1.000 con cá tầm giống, dự kiến sẽ cho thu hoạch trong vài tháng tới. Ngoài khu vực nuôi cá tầm ở Võ Nhai, hiện nay, Trung tâm Thuỷ sản cũng đang duy trì nuôi thử nghiệm 120 con cá tầm ở khu vực xóm Kẽm, xã La Bằng (Đại Từ). Số cá này được thả từ tháng 10-2010, khi mới thả, mỗi con cá chỉ nặng khoảng 10g, có chiều dài khoảng 12cm, nhưng đến nay, trung bình mỗi con đã dài khoảng 30 cm, nặng gần 2kg.

Chương trình nuôi thử nghiệm cá nước lạnh đã bắt đầu được khởi động tại Thái Nguyên từ cuối năm 2009. Để nắm bắt được đặc tính cũng như kỹ thuật chăn nuôi, hiệu quả... của loài cá này, đích thân đồng chí Đặng Viết Thuần, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cùng đại lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT, Trung tâm thuỷ sản đã nhiều lần về Viện Nghiên cứu, nuôi trồng thuỷ sản I để tìm hiểu. Sau đó, được Viện giúp đỡ về kỹ thuật, hỗ trợ thức ăn... lần đầu tiên, cá tầm đã được đưa về nuôi thử nghiệm tại Thái Nguyên.

Ông Nguyễn Văn Giới, Giám đốc Trung tâm Thuỷ sản cho biết: Là một giống cá mới, chưa được nuôi tại Thái Nguyên bao giờ nên khi tiếp nhận loại cá nước lạnh, chúng tôi rất lo lắng. Tuy nhiên, nhận được sự ủng hộ của tỉnh, ngành chức năng, những cán bộ được giao thực hiện Đề tài Nghiên cứu khả năng thích nghi của cá tầm và cá hồi tại một số địa điểm trên địa bàn tỉnh đã vào cuộc rất tích cực. Chúng tôi thấy nguồn nước sạch ở vùng núi đá Phú Thượng (Võ Nhai) luôn ở dưới 25 độ C, rất phù hợp với điều kiện sinh sống của cá tầm. Qua triển khai các hoạt động nghiên cứu, thử nghiệm và sản xuất, chúng tôi cho rằng cá tầm là đối tượng có thể thích nghi và phát triển tốt không chỉ ở Võ Nhai, mà còn phù hợp với vùng nước lạnh thuộc các xã nằm ven dãy núi Tam Đảo của huyện Đại Từ.

Việc nuôi thành công cá tầm đã mở ra triển vọng mới cho phát triển kinh tế nông nghiệp nói chung và thủy sản nói riêng trên địa bàn Thái Nguyên. Tuy nhiên, để nhân rộng mô hình này, cần tập trung công tác nghiên cứu thức ăn và cho sinh sản nhân tạo cá tầm để giải quyết nguồn con giống tại chỗ, hạ giá thành sản xuất vì hiện nay, con giống chủ yếu được nhập khẩu từ nước Nga nên giá thành rất cao. Cùng với đó là xác định vùng quy hoạch cá nước lạnh nhằm đưa ra định hướng phát triển và tạo thuận lợi cho công tác quản lý nghề nuôi  trồng thủy sản trên địa bàn, tránh phát triển tràn lan ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất và môi trường sinh thái; có chương trình đào tạo cán bộ kỹ thuật giỏi, từ đó đẩy mạnh các hoạt động khuyến ngư, giúp cho các đơn vị, cá nhân nắm bắt đầy đủ kỹ thuật nuôi trồng đối tượng này...

Tùng Lâm, Báo Thái Nguyên, 10/05/2011

 

Nuôi cá tầm một mô hình có nhiều triển vọng 

Cá Tầm là loại cá xương sụn, toàn bộ hệ thống xương của cá cũng như đầu cá đều cấu tạo từ sụn, thịt cá tầm trắng, dai, có vị béo ngậy, thành phần dinh dưỡng cao, dễ hấp thụ. Trứng cá tầm được coi là món ăn hoàng gia, được các chuyên gia ẩm thực thế giới đánh giá là loại đặc sản hàng đầu, ngoài việc sử dụng như một loại thực phẩm cao cấp, nó còn được dùng để chế biến các loại mỹ phẩm. Từ thời vua Edward II - Vương quốc Anh trong bộ luật Hoàng Gia, cá tầm còn được gọi là cá Hoàng Gia.

Đây là loại cá sống ở vùng nước lạnh. Trước đây, phần lớn Cá Tầm được đánh bắt chủ yếu thuộc vùng nước lợ, nước ngọt, nước lạnh có nhiệt độ 17- 260C ranh giới giữa CHLB Nga (cũ), IRAN, Rumani và Bulgari. Đến nay, nguồn cung cấp từ thiên nhiên này, đã gần như cạn kiệt trong khi nhu cầu của thị trường về Cá Tầm ngày càng tăng, do vậy cá tầm ngày càng trở nên có giá trị.

Cá Tầm được đưa về nuôi thử nghiệm ở Việt Nam từ năm 2006, cùng dòng cá nước lạnh, nhưng cá Tầm thích ứng ở nhiệt độ từ 22 - 25 độ C, ở một số vùng thấp như: Đại Từ, Võ Nhai (Thái Nguyên), Chợ Đồn (Bắc Kạn), Na Hang (Tuyên Quang), Cấm Sơn (Bắc Giang)… nơi có độ cao từ 80-100m so với mực nước biển cũng có thể nuôi loài cá này.

Nay tại Lào Cai có một vài doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư vào mô hình nuôi cá nước lạnh, trong đó có Công ty TNHH Hồng Lập Việt Tiến - Bảo Yên. Để giảm bớt áp lực về vốn, đầu năm 2011 Công ty đã lập phương án: ‘‘Xây dựng mô hình nuôi cá Tầm thương phẩm tại thôn bản 9 – xã Long Khánh – Bảo Yên’’  xin hỗ trợ kinh phí từ Chính sách khuyến khích ứng dụng KH &CN trên địa bàn tỉnh Lào Cai. Phương án đề xuất triển khai trong hơn hai năm (từ tháng 07/2011 – 08/2013), với quy mô ban đầu là 05 bể (mỗi bể có diện tích 100m2) nuôi thả 2.850 con cá giống.

Thời gian qua, cán bộ kỹ thuật Trung tâm UDTBKH &CN Lào Cai thường xuyên đến hiện trường kiểm tra hướng dẫn việc nuôi trồng, chăm sóc, đồng thời theo dõi một số chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật của cá như: các yếu tố môi trường, nhiệt độ.... đề nghị người nuôi trồng phải thường xuyên theo dõi kịp thời phát hiện và sử lý bệnh dịch, môi trường nước… Qua theo dõi cho thấy việc nuôi cá nước lạnh nói chung, cá tầm nói riêng cũng còn những khó khăn nhất định đó là chưa có quy trình kỹ thuật hoàn thiện,  vốn đầu tư ban đàu khá lớn; yêu cầu quản lý, chăm sóc khắt khe hơn các loài cá khác, không chủ động nguồn thức ăn, chủ yếu phải nhập khẩu với giá thành cao.

Tuy nhiện sau gần một năm thực hiện phương án, bước đầu cho thấy đàn cá sinh trưởng  tốt, thích nghi với điều kiện khí hậu, môi trường của xã Long Khánh. Từ lúc thả giống trọng lượng trung bình của cá 100 – 150g/con, sau hơn 9 tháng nuôi thả trọng lượng cá đã đạt bình quân 800 – 900g/con. Dự kiến giữa năm 2013 sẽ cho thu khoảng 2.000 con cá Tầm thương phẩm với trọng lượng trung bình đạt 2kg/con, sản lượng ước đạt 4.000 kg. Với giá bán cá Tầm trên thị trường hiện nay khoảng 300.000đ/kg sẽ cho doanh thu khoảng 1,2 tỉ đồng, trừ chi phí đầu tư lãi thuần khoảng trên 700 triệu đồng. 

Trần Thiên Phúc, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN Lào Cai - 18/06/2012

 

 

Thảo luận về kỹ thuật nuôi:

Xem thêm các thông tin có liên quan:

- Kỹ thuật nuôi tôm, cá và các loại thủy sản khác

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Việt Linh: Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, việc làm thủy sản, việc làm nông nghiệp, tuyển dụng, tìm việc, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang