• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Nguyên nhân và cách phòng ngừa bệnh gạo trên cá tra

Trong vài năm trở lại đây, bệnh gạo trên cá tra khá phổ biến. Bệnh gạo là bệnh ký sinh trùng. Gọi là bệnh gạo là vì, khi các vi bào tử trùng xâm nhập được vào các tổ chức của cơ thể cá, chúng sẽ sinh sôi nảy nở và hợp với nhau hình thành kén.

Kén hợp tử là khối màu trắng đục, kích thước 1- 4mm, hình tròn hoặc bầu dục trông giống như hạt gạo. Lúc mới vừa xâm nhập vào cá, kén chỉ là những đốm trắng đục sền sệt như mủ. Từ từ, chúng được bao phủ bởi một lớp vỏ nhầy bằng chất kitin và cứng dần lên hình thành bào nang. Đồng thời, cơ thể cá tiết ra lớp mô liên kết để cô lập bào nang càng làm cho sự kết dính của bào nang vào cơ cá thêm bền chặt. Bào nang thường tập trung ở vùng mô cơ như cơ lưng, cơ đuôi. Cá bị nhiễm nặng, bào nang vi bào tử gia tăng mật số rồi di chuyển đến nhiều tổ chức khác của cơ thể cá như gan, thận, ống mật... làm cho gan, mật bị sưng to, đôi khi tiết nhiều dịch nhầy. Sức đề kháng của cơ thể cá giảm dần theo mức độ nhiễm bệnh, do đó cũng là cơ hội cho các bệnh khác bộc phát. Bệnh nặng kéo dài sẽ tăng dần độ lây nhiễm. Tuy bệnh gạo không gây chết cá hàng loạt nhưng sẽ gây thiệt hại lớn về kinh tế. Bởi vì khi bán cho đơn vị xuất khẩu, nếu mổ cá kiểm tra chất lượng mà phát hiện bệnh gạo thì cả ao cá sẽ bị định giá trị rất thấp, có thể bị từ chối mua.

Nguyên nhân sinh ra bệnh gạo là do ao nuôi không được cải tạo kỹ, hoặc do mua phải nguồn cá giống đã bị nhiễm bệnh gạo. Đôi khi, các loài chim ăn phải cá bị nhiễm bệnh gạo, phân chim có chứa các bào tử tự do thải xuống ao nuôi cũng làm lây lan nguồn bệnh. Cá bị mắc bệnh gạo thường không biểu hiện rõ triệu chứng, dễ lẫn lộn với các bệnh khác như bệnh sán lá, bệnh thích bào tử trùng hay bệnh do thiếu dinh dưỡng... Tuy nhiên, nếu quan sát kỹ hoạt động của cá, sẽ thấy có một số biểu hiện sau: sức ăn mồi giảm nhiều, bơi lội khác hơn bình thường. Những con cá bị bệnh nặng, trên da xuất hiện những nốt đen sần sùi, lâu dần tại những vết thương đó sẽ bị thủng những lỗ nhỏ li ti nhưng không có rớm máu. Các vết loét này là môi trường tốt cho các vi khuẩn, ký sinh trùng gây bệnh tấn công và gia tăng mật số.

Ao nuôi bị xuất hiện bệnh gạo thì mức độ lây lan rất nhanh, vì khi cá trong ao bị chết đi, bào tử từ các tế bào nhiễm phóng thích ra ngoài. Các bào tử tự do có điều kiện xâm nhập trở lại những con cá khỏe qua đường tiêu hóa, dưới tác động của dịch tiêu hóa, bào nang thoát khỏi vỏ bọc phóng thích các bào tử trùng, chúng xuyên qua niêm mạc ruột theo các mạch máu xâm nhập vào mô cơ và tiếp tục chu kỳ gây bệnh.

Do lớp vỏ kitin bao bọc bào nang khá dày nên khả năng xuyên thấu của thuốc qua bào nang rất hạn chế, trị bằng thuốc sẽ ít có hiệu quả, do đó, đối với bệnh gạo cá việc phòng ngừa là chủ yếu. Theo Khoa Thủy sản - Đại học Cần Thơ, các biện pháp phòng bệnh gạo ở cá tra chủ yếu là:

1. Cải tạo ao thật kỹ sau mỗi vụ nuôi, nhất là những ao đã bị nhiễm bệnh gạo;

2. Khi phát hiện cá bệnh gạo nên loại cá ra khỏi hệ thống nuôi, phải xử lý cá bệnh bằng cách nấu chín hay chôn hủy để tránh lây nhiễm;

3. Chọn cá giống thả không nhiễm vi bào tử trùng bằng cách mổ khám ít nhất 30 con cá, nếu phát hiện thấy cá nhiễm thì không nên thả nuôi hoặc xét nghiệm vi bào tử trùng ở cá giống bằng PCR. (Phương pháp PCR được sử dụng rất phổ biến và hiệu quả để xét nghiệm nhằm phát hiện sớm, nhanh và chính xác các mầm bệnh ở thủy sản trong đó có bệnh gạo cá tra do vi bào tử trùng).

Theo Vemedim, sau mỗi vụ thu hoạch cần cải tạo ao thật kỹ, rải vôi bột và phơi đáy ao 3 - 7ngày để diệt các bào tử trùng trong bùn đáy ao. Trường hợp không tát cạn được ao nuôi thì rút bớt nước và xử lý bằng vôi CaO với liều cao, từ 15 - 20kg/m2. Định kỳ xử lý ao bằng các loại thuốc sát trùng như: Vime-Protex hoặc Vimekon, tốt nhất là nên đưa thuốc xuống đáy ao. Dùng muối hạt liều lượng 50 - 70 kg/1.000m2 đáy ao kết hợp với Vimekon theo liều 1 – 1,5kg/1.000m2.

Định kỳ hút bùn đáy ao, 2 tháng/lần đối với cá dưới 300g, 1 tháng/lần đối với cá trên 300g. Sau mỗi lần hút bùn ao cần kết hợp xử lý đáy ao bằng các sản phẩm Vime-Protex Vimekon hoặc Fresh water.

Mard - 27/7/2010

 

Tham khảo thêm

Hình A: Bào nang trong ruột cá; B: Bào nang trong cơ cá; C: Các lỗ thủng trên da cá; D: Bào tử trùng. Hình: Hải An- TSVN

Thảo luận về kỹ thuật nuôi:

Xem thêm các thông tin có liên quan:

- Kỹ thuật nuôi tôm, cá và các loại thủy sản khác

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Việt Linh: Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, việc làm thủy sản, việc làm nông nghiệp, tuyển dụng, tìm việc, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang