• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Cách làm trắng thịt cá tra

Một nghiên cứu mới của trại giống Minh An, tỉnh Vĩnh Long, vừa đưa ra những biện pháp kỹ thuật để làm thịt cá tra từ vàng chuyển thành trắng.

Thông thường, để thịt cá tra trắng, người nuôi phải thay nước thường xuyên. Tuy nhiên, biện pháp này cho kết quả không đồng đều ở các hộ khác nhau và thay nước nhiều cá dễ bị bệnh và chết. Có 2 nguyên nhân dẫn đến thịt cá tra có màu vàng, đó là do nước ao bẩn và cá ăn thức ăn ôi thiu. Bằng thử nghiệm sục khí đáy kết hợp với thay nước có kiểm soát, tỉ lệ thịt trắng đã đạt đến 75%.

Theo đó, khi sinh khối cá trong ao từ 2 kg/m3 thì việc sục khí nên tiến hành khoảng 12 giờ/ ngày; khi sinh khối cá đạt 6 kg/m3 nên sục khí 24 giờ/ ngày. Được biết, chi phí nuôi cá tra cho thịt trắng bằng cách sục khí đáy có giá thành khoảng 7.053 đồng/kg, thấp hơn khoảng 200 đồng/kg so với chi phí nuôi bằng cách thay nước.

(Theo NLĐ) Nets, 8/2006

 

Kinh nghiệm nuôi cá tra thịt trắng

1. Tiềm năng nuôi cá tra

Cá tra (Pangasius hypophthalmus) là đối tượng nuôi thuỷ sản nước ngọt được nuôi chủ lực của các tỉnh Ðồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL). Ðây là loài cá có tính thích nghi rộng, chịu đựng được những điều kiện khắc nghiệt của môi trường. Nó có thể nuôi trong môi trường nước chảy (lồng, bè, đăng, quầng ) với mật độ rất cao : 100 - 150 con/m3 nước; đồng thời có thể sống trong môi trường nước tĩnh (ao, hầm, mương vườn, ruộng lúa,), năng suất nuôi có thể đạt tới 300 tấn/ha.

Ðồng Tháp có diện tích mặt nước có thể đạt trên 2.000 bè nuôi cá (ba sa, tra) và đất bãi bồi 1.412 ha được phân bố ở 9 huyện, thị dọc theo sông Tiền và sông Hậu. Với tiềm năng nuôi như trên, hiện nay Ðồng Tháp mới triển khai nuôi 200 bè và 300 ha diện tích đất bãi bồi thì sản lượng cá thương phẩm khoảng 72.000 tấn.

Phần lớn đất đai của tỉnh Ðồng Tháp nằm giữa 2 con sông Tiền và sông Hậu với nhiều bãi bồi, ao hầm, có nguồn nước ngọt dồi dào và được nước lũ bồi bổ, nuôi dưỡng, làm sạch môi trường nên hoàn toàn có thể tin tưởng Ðồng Tháp là tỉnh có tiềm năng lớn trong việc phát triển nuôi cá tra có chất lượng phục vụ cho tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.

Tuy nhiên, việc phát huy tiềm năng đó không chỉ nằm ở nuôi trồng, sản xuất mà phần quyết định chính là ở khâu thị trường tiêu thụ và năng lực chế biến xuất khẩu.

Những năm qua, nghề nuôi cá tra có những bước thăng trầm, giá cả không ổn định, việc lời lỗ không quyết định ở năng suất mà quyết định do giá cả, thị trường. Rồi vụ kiện bán phá giá cá tra, cá ba sa, các đòi hỏi về kỹ thuật, về an toàn vệ sinh thực phẩm ngày một khắt khe hơn. Ðặc biệt các thị trường lớn như Mỹ, Nhật, EU đòi hỏi rất nghiêm ngặt về chất lượng sản phẩm. Do đó sản phẩm cá tra thịt trắng có nhu cầu ngày càng cao và là vấn đề bức xúc đối với các nhà doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thuỷ sản và người nuôi.

2. Các yếu tố có thể ảnh hưởng đến màu thịt cá tra

Từ thực tiễn sản xuất cho thấy, có thể phân loại màu thịt cá tra từ cao đến thấp như sau: trắng, vàng chanh, hồng, vàng.

Theo nhận định của một số nhà khoa học màu thịt cá có thể quyết định bởi 3 yếu tố : di chuyển; chế độ dinh dưỡng (thức ăn); điều kiện sống (môi trường, thời tiết, ). Trong đó, thành phần các loại thức ăn của cá có tác động rất lớn đến màu thịt của cá tra nuôi. Dù nuôi cá bất cứ ở hình thức nào (bè, ao), bất cứ môi trường nào (nước chảy, nước tĩnh) nếu sử dụng những loại thức ăn xanh (rau muống), chất kết dính (bột gòn) thì chắc chắn thịt cá sẽ có màu vàng.

Một số hộ nuôi cá bè khác còn cho biết các loại thức ăn như bắp, bí đỏ, cua đồng, cũng là nguyên nhân làm cho thịt cá tra không được trắng (vàng chanh, hồng).

Cùng một thành phần thức ăn (rau muống, cám tấm nấu, cá tạp xay nhuyễn) nếu được ủ lên men bằng hèm rượu sau 24h mới cho cá ăn thì thịt cá sẽ trắng đẹp do quá trình ủ lên men đã phân huỷ một số thành phần diệp lục tố trong rau muống. Còn ngược lại, nếu cho cá ăn trực tiếp không qua ủ lên men thì thịt cá sẽ có màu vàng. Trong năm 2000, cá thịt trắng bán cho các nhà máy chế biến xuất khẩu thuỷ sản với giá 14.000 đ/kg trong khi cá thịt vàng bán tiêu thụ nội địa chỉ được 10.000 đ/kg. Qua đó cho thấy cá tra thịt trắng là một trong những tiêu chuẩn đánh giá chất lượng sản phẩm, là yếu tố quyết định đến hiệu quả kinh tế trong việc nuôi cá tra thương phẩm. Hộ anh Nguyễn Văn Hà ở xã Mỹ An Hưng A - huyện Lấp Vò - Ðồng Tháp thả nuôi 120.000 con cá tra trên diện tích 2.000 m2, thu hoạch được trên 100 tấn cá thương phẩm có chất lượng thịt trắng (Ðây là vụ nuôi thứ ba liên tiếp anh thu hoạch từ 100 - 120 tấn cá trong 01 vụ). Với thành phần thức ăn 45% cám chuối, 45% cá biển xay, 15% bả hèm rượu, phối thêm một ít vitamin, premix. Ngày trung bình thay nước 5 giờ (khoảng 15% nước ao). Tảo trong ao vẫn phát triển rất mạnh, độ trong thấp (<15cm). Qua kinh nghiệm của anh Hà và một số hộ nuôi khác, có thể sơ bộ kết luận : Bả hèm rượu với một lượng vừa phải từ 10 - 15% được bổ sung liên tục vào thành phần thức ăn nuôi cá tra sẽ giúp cá có sức đề kháng tốt, ít bệnh và quan trọng hơn hết là thịt cá có màu trắng (tỉ lệ cao) và một tỉ lệ thấp vàng chanh, hồng.

Ảnh hưởng của các yếu tố môi trường, thời tiết

Tổng kết các mô hình nuôi cá tra hiện nay, chúng tôi nhận thấy mỗi mô hình nuôi đều có những ưu và nhược điểm của nó, theo thứ tự như sau :

- Cá nuôi ao nước tĩnh ít thay nước, hệ số thức ăn thấp, tỉ lệ sống cao, cá ít bệnh, thịt cá có màu vàng.

- Cá nuôi ao bãi bồi có chế độ thay nước thường xuyên, hệ số thức ăn cao hơn, tỉ lệ sống thấp hơn, thịt cá màu trắng, vàng chanh đến hồng.

- Cá nuôi bè, đăng quầng nước chảy, hệ số thức ăn cao hơn hết, tỉ lệ sống thấp nhất (chỉ đạt khoảng 70 - 75%), thịt cá trắng đẹp, tỉ lệ vàng chanh thấp. Mô hình này cá thường bị bệnh do phải phụ thuộc thường xuyên vào môi trường nước bên ngoài thay đổi.

Như vậy là nếu giữ được môi trường nước trong sạch, không để tảo phát triển, có chế độ thức ăn hợp lý (nên dùng thức ăn viên công nghiệp và định kỳ dùng các sản phẩm xử lý đáy ao để giảm thiểu vấn đề thích tụ chất thải và giảm ô nhiễm nguồn nước, đáy ao). Nếu làm tốt những yêu cầu trên thì chúng ta sẽ tạo ra được sản phẩm cá tra chất lượng cao, thịt cá trắng đẹp, bán có giá hơn.

Ngoài ra, cũng cần chú ý vào thời điểm nước quay (đầu tháng 5 ÂL) là lúc nước có màu đỏ son khiến cá tra nuôi bè hoặc đăng quầng bị ảnh hưởng thịt cá bị đổi màu, nếu thu hoạch lúc này thì giá bán rất thấp.

Ðặc biệt trong những ngày nắng nóng kéo dài, nhiệt độ nước sông trên 29oC và nhiệt độ nước ao nuôi trên 38oC cũng có thể làm cho màu thịt cá tra kém chất lượng.

Rút được kinh nghiệm trên, trong thời gian qua ngư dân Ðồng Tháp đã thực hiện các biện pháp nuôi như sau :

Về mô hình nuôi : chuyển đổi từ nuôi trong ao sang nuôi đăng quầng và nuôi trong ao ven sông để chủ động thay nước.

Về thức ăn : Chuyển từ sử dụng thức ăn tự chế biến sang sử dụng thức ăn công nghiệp.

Về con giống : Chuyển từ việc sử dụng con giống tự nhiên sang con giống sinh sản nhân tạo 

Theo Sở NN&PTNT Ðồng Tháp

 

Kỹ thuật nuôi cá tra thịt trắng

Năm 2004, năm đầu tiên ngành chăn nuôi thủy sản tỉnh AG đạt tổng sản lượng trên 152.000 tấn cá nuôi, tăng 11,9% so năm 2003, đạt kim ngạch xuất khẩu 120 triệu USD, vượt qua kim ngạch xuất khẩu gạo. Nuôi trồng thủy sản trở thành một ngành mũi nhọn trong kinh tế nông nghiệp của tỉnh. Tuy đạt sản lượng cao, nhưng chất lượng nuôi trồng thủy sản đạt chưa cao, đã ít nhiều bị ảnh hưởng đến thu nhập cho người chăn nuôi. Một vấn đề được đặt ra hiện nay là làm thế nào để nâng cao chất lượng nuôi trồng thủy sản ?

Trước đây, anh Đỗ Văn Tùng, ở ấp Long Hòa xã Ô Long Vĩ, huyện Châu Phú chuyên làm lúa và chỉ đủ sống, từ khi anh bắt tay vào nuôi cá thì gia đình anh khấm khá hơn. Trong niên vụ nuôi vừa qua anh Tùng thả 25.000 con cá tra hầm, được các anh em nuôi cá trước đây chỉ dẫn nên mô hình nuôi cá hầm của anh khá thành công. Vừa qua anh thu hoạch được sản lượng trên 30 tấn cá sau khi bán trừ các chi phí còn lãi gần 40 triệu đồng. Thấy nghề nuôi trồng thuỷ sản có khả năng phát triển được nên anh quyết định đầu tư nuôi cá ao hầm. Một vấn đề mà anh Đỗ Văn Tùng lo lắng là cá nuôi trong hầm đạt chất lượng chưa cao, thịt cá không trắng như những mô hình chăn nuôi khác, khi bán cá bị thương lái trừ hao nhiều nên đồng lời bị giảm.

Không riêng gì anh Tùng mà hầu hết ngư dân nuôi cá tra ao hầm ở huyện Châu Phú nói riêng và tỉnh AG nói chung đều có chung nổi lo về chất lượng cá tra chưa cao sẽ khó khăn khi mà đất nước ta chính thức bước vào hội nhập kinh tế thế giới. Cuối tháng 12 /2004, Cty Liên doanh Bio – Pharmachemie đã cử cán bộ kỹ thuật đến các vùng trọng điểm nuôi cá ao hầm để cung cấp kỹ thuật chăm sóc cá nuôi ao để cho thịt trắng. Gặp gỡ với ngư dân xã Ô Long Vĩ, huyện Châu Phú cán bộ kỹ thuật và bà con ngư dân đã trao đổi về cách xử lý ao hầm, bơm thay nước, cơ cấu thức ăn là một trong số yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng cá nuôi hầm hiện nay.

Được biết, trong thời gian qua Cty Liên doanh Bio – Pharmachemie đã tiến hành thực nghiệm về kỹ thuật nuôi cá tra thịt trắng ở nhiều nơi như tỉnh AG, Đồng Tháp, Vĩnh Long .v.v... và đã thành công. Theo kỹ sư Đặng Hồng Đức, Trưởng bộ phận Thuỷ sản Cty Liên doanh Bio – Pharmachemie cho biết: Có 3 yếu tố rất quan trọng giúp cá nuôi thịt trắng đó là cách quản lý môi trường nuôi, kiểm soát dịch bệnh và quản lý thức ăn tốt thì mới thành công. Về quản lý môi trường, trước khi thả cá giống cần diệt khuẩn bằng BioXide, sau đó từ 7 đến 10 ngày dùng vi sinh như Bio ZeoGreen hoặc Bio Yucca ( theo liều hướng dẫn trong chai ) đánh xuống ao để phân huỷ chất hữu cơ. Trong trường hợp ao nuôi có tảo phát triển mạnh, bà con dùng Bio BKC 80 để xử lý tảo vào buổi trưa nắng, cứ 1 lít thuốc sẽ xử lý trên 2.000 mét khối nước trong 48 giờ, sau đó dùng vi sinh để phân huỷ xác tảo. Một yếu tố quan trọng nữa là cần thay nước định kỳ, tức là sau 30 ngày thả cá giống bà con có thể thay nước mỗi tuần 1 lần, sau 3 tháng chu kỳ nuôi thay nước từ 3 đến 5 lần 1 tuần, lượng nước thay là 30%, đến cuối chu kỳ nuôi hầm rất dơ, do vậy mỗi ngày bà con cần bơm thay nước, lượng nước thay chiếm khoảng 50% hầm.

Về quản lý dịch bệnh, trong trường hợp ao đã nhiều lần xuất hiện cá bệnh sẽ ảnh hưởng đến chất lượng cá nuôi. Do vậy, việc quản lý dịch bệnh trên ao nuôi cần được quan tâm thường xuyên. Hơn nữa, trong chế độ thay nước cá có thể bị Shock (sốc), chính vì thế cá dễ mắc bệnh. Khi thấy hiện tượng cá bị Shock, cần bổ sung Vitamin C hoặc NUTRUFISH để tăng sức đề kháng chống Shock cho cá nuôi. Sau đó từ 10 đến 12 ngày bà con nên dùng Bio Xide đánh xuống ao để diệt mầm bệnh. Đặc biệt, nếu cá bị nhiễm giun sán nội ký sinh, quan sát thấy biểu hiện cá chậm lớn, mổ trong nội tạng có giun, bà còn cần tẩy giun 2 tháng 1 lần bằng thuốc Bio BenZol liều dùng 1 ký thuốc trộn với 50 ký thức ăn để tẩy giun cho 3.000 ký cá. Về quản lý thức ăn, trong cơ cấu thức ăn luôn được bố trí phù hợp, tránh cho những thức ăn độn không cần thiết như không nên dùng thức ăn xanh hoặc dùng bột gòn làm chất kết dính sẽ ảnh hưởng đến môi trường cá nuôi. Ngoài ra bà con cần bổ sung thường xuyên vào thức ăn cho cá Sorbitol để tăng cường sức đề kháng phòng những trường hợp môi trường thay đổi.

Nuôi cá tra thịt trắng đảm bảo chất lượng cao là mong muốn chung của ngư dân hiện nay. Để đạt yêu cầu này, đòi hỏi khi bà con tham gia xây dựng mô hình nuôi cá ao hầm của mình cần tuân thủ các biện pháp kỹ thuật trên để đạt chất lượng cao hướng đến nền sản xuất nông nghiệp bền vững, đồng thời còn tạo điều kiện để bà con ngư dân bán được giá cao góp phần thúc đẩy nghề nuôi trồng thuỷ sản phát triển .

Trung Liêm, WAG, 10/1/2004

 

Cách nào để thịt cá tra không bị vàng?

Cá tra thịt vàng, giá thấp so cùng loại (thịt trắng); càng thấp hơn so với giá cá basa. Vậy làm thế nào để thịt cá không bị vàng? Cá basa thích nghi với môi trường trong sạch, mát, dưỡng khí trong nước cao hơn. Vì vậy, chúng thường được nuôi nhiều trong bè trên các dòng sông lớn. Còn cá tra, ngoài các đặc điểm sống như cá ba sa còn có khả năng sống ở môi trường nước tù đọng, dưỡng khí hoà tan thấp. Cả hai loài cá này đều ăn các thức ăn giống nhau. Nhưng do chúng sống ở môi trường khác nhau nên phẩm chất thịt khác nhau về màu sắc. Màu sắc thịt cá chủ yếu là do thức ăn và do sắc tố. Trong môi trường nước có nhiều sinh vật tảo và khí độc thì thịt cá tra sẽ bị vàng. Thịt cá càng bị vàng nhiều nếu nhu cầu thức ăn không đủ cho cá và chúng phải tìm thức ăn bên ngoài. Sắc tố của từng con cá cũng khác nhau. Cá càng lớn, nuôi càng lâu trong môi trường có nhiều tảo thì qúa trình tích lũy chất ảnh hưởng đến màu sắc càng tăng. Để khắc phục tình trạng thịt cá tra khỏi bị vàng, người nuôi nên tạo môi trường ao nuôi trong sạch, có nguồn nước ra vào thông thoáng và hàm lượng đạm trong thức ăn đảm bảo 30%. Nguồn thức ăn công nghiệp này thường có bán sẵn trên thị trường và có ghi rõ công thức trên bao bì. Không cho cá ăn dư, hoặc ăn thiếu, nếu dư ao sẽ sinh ra tảo, nếu thiếu cá tìm ăn các loài thức ăn tạp khác kể cả tảo. Khi thấy nước ao nuôi ngả màu xanh cần phải bơm thay nước. Cũng có thể áp dụng quy trình nuôi theo công đoạn. Tức là vào 1-2 tháng cuối khi cá gần đủ trọng lượng bán sẽ đưa cá ra bè nuôi để thịt cá bớt vàng.

Thực tế, người nuôi cá tra, ba sa ở ĐBSCL muốn tiết giảm giá thành nên thường cho cá ăn các loại thức ăn tự chế biến. Như vậy, khó xác định được độ đạm trong thức ăn. So với cá 300gr trở xuống, hàm lượng đạm trong thức ăn phải cần từ 28 - 30% (có sẵn trong thức ăn công nghiệp); cá từ 300 - 700gr cho ăn theo tỷ lệ thức ăn bằng 3 - 4% trọng lượng thân cá. Cá tra ăn tạp hơn nên mau lớn hơn cá basa ( cá basa nuôi 8 -9 tháng = 1kg, cá tra nuôi 6 - 7 tháng = 1kg). Do cá tra ít bệnh và thả được mật độ cao hơn (30 - 40 con/m2 so với cá ba sa 5 - 10 con/m2) nên người nuôi chuộng cá tra hơn, mặc dù giá có thấp hơn cá basa 2.000 - 3.000 đ/kg. Nuôi cá tra kinh tế hơn là do chủ động được con giống và thời vụ. Bình quân, một con cá tra cái đẻ được 30.000 - 40.000 trứng, còn một con cá ba sa cái chỉ đẻ được 15.000 – 20.000 trứng.

Về mặt dinh dưỡng cá tra ít mỡ hơn cá ba sa và tỷ lệ thịt philê nhiều hơn. Tuy nhiên, trong mỡ cá basa có một loại axit béo không no có tác dụng làm giảm béo phì nên được các nước phương Tây ưa chuộng. Thực tế, thì philê basa và cá tra có hàm lượng dinh dưỡng như nhau nhưng do thói quen tiêu dùng nên người ta chỉ chú ý đến cá basa. Một doanh nhân chuyên nghề chế biến cá da trơn ở TP.Cần Thơ cho biết: Muốn phân biệt được cá tra và cá basa người ta dựa vào sớ thịt cá. Basa: Miếng philê ngắn hơn, dày hơn, sớ thịt ngang, thịt hơi trắng hơn so với cá tra sớ thịt xiên và dài.

NNVN, 17/3/2004

 

Nuôi cá tra thịt trắng

Cá tra đánh bắt ngoài tự nhiên tại các vùng nước sạch đều có thịt màu trắng, trong khi cá tra nuôi hầm bè thịt cá thường bị vàng, nên hiệu quả xuất khẩu không cao.

Nguyên nhân chính là do môi trường nước nuôi và nguồn thức ăn. Kinh nghiệm của người nuôi cá tra ở Đồng Tháp cho thấy: nếu sử dụng các loại thức ăn xanh (rau muống), bắp, bí đỏ, cua đồng...; chất kết dinh (bột gòn) chắc chắn thịt cá sẽ có màu vàng.

Khắc phục

Sử dụng thức ăn: Nhiều hộ nuôi cá tra cho biết, cùng với thành phần thức ăn như rau muống, cám tấm nấu, cá tạp xay nhuyễn... nếu được ủ lên men bằng hèm rượu sau 24 giờ mới cho cá ăn thì thịt cá sẽ trắng đẹp do quá trình ủ lên men đã phân huỷ một số diệp lục tố trong rau muống. Theo kinh nghiệm, với thành phần thức ăn 45% cám chuốt, 40% cá biển, 15% bã hèm rượu, phối thêm ít vitamin, Premix. Ngày trung bình thay nước 5 giờ (khoảng 15% nước ao), dù tảo có phát triển nhưng chất lượng cá vẫn không bị vàng.

Điều này cho thấy, bã hèm rượu với một lượng vừa phải, khoảng 10-15% bổ sung liên tục vào thành phần thức ăn của cá, sẽ giúp cá có sức đề kháng tốt, ít bệnh và cá đạt tỉ lệ thịt trắng cao.

Môi trường nuôi

- Trên thực tế, cá tra nuôi ao nước tĩnh, ít thay nước, hệ số thức ăn thấp, tỉ lệ sống cao, cá ít bị bệnh nhưng thịt hay bị vàng.

- Cá tra nuôi ao bãi bồi có chế độ thay nước thường xuyên, hệ số thức ăn cao, tỉ lệ sống thấp hơn, thịt cá thường có màu trắng.

- Với cá nuôi bè, đăng quầng nước chảy, hệ số thức ăn cao, tỉ lệ sống đạt 70-75%, nhưng thịt cá trắng đẹp. Song mô hình này phải theo dõi chăm sóc tốt vì cá thường bị bệnh do phụ thuộc thường xuyên vào môi trường nước.

Như vậy, nếu giữ được môi trường nước nuôi trong sạch, không để tảo phát triển bằng các mô hình nuôi chủ động thay nước như nuôi đăng quầng, nuôi trong ao ven sông, có chế độ ăn thích hợp và định kỳ xử lý đáy ao nhằm giảm thiểu chất thải gây ô nhiễm, kết hợp với kinh nghiệm cho thêm hèm rượu trong thức ăn, sử dụng con giống nhân tạo, cá tra thương phẩm sẽ đáp ứng được tiêu chuẩn xuất khẩu.

Ngoài ra, nuôi cá tra thương phẩm cần phải chú ý đến thời điểm nước xoay (vào khoảng đầu tháng 5 âm lịch). Lúc này, nước sông có màu đỏ son, cá tra nuôi bè, đăng quầng sẽ bị ảnh hưởng đến màu thịt. Vì vậy người nuôi hạn chế thu hoạch vào thời điểm này.

Trong những ngày nắng nóng kéo dài (nhiệt độ nước sông trên 29oC và nhiệt độ nước ao nuôi trên 38oC) cũng có thể làm cho màu và thịt cá tra kém chất lượng.

NTNN, 28/3/2004

 

Để nuôi cá tra thịt trắng

Có một cản ngại là cá tra (Pangasius hypophthalmus) trong quá trình nuôi, da, thịt cá có thể có màu vàng.

Vấn đề liên quan đến thịt vàng trên cá tra rất được các nhà khoa học, các người nuôi cá quan tâm bởi vì cá tra thịt vàng không được các nhà máy chế biến ưa chuộng, do đó khó tiêu thụ. Giá giảm từ 10 - 20% so với cá tra thịt trắng. Về nguyên nhân làm cho cá tra nuôi có thịt vàng, có rất nhiều yếu tố chủ quan và khách quan tác động trong suốt quá trình nuôi. Nhìn chung chúng tôi thấy có các nguyên nhân sau:

1. Về di truyền và giống:

Có một loại cá da trơn có da màu vàng mà người dân gọi là cá tra nghệ (tên khoa học là Pangasius kunyit). Đây là một loại cá có đặc trưng da thịt đều vàng như nghệ nhưng thịt có mùi vị thơm ngon rất đặc trưng. Sản lượng của cá không nhiều, chủ yếu khai thác từ tự nhiên. Thỉnh thoảng mới thấy xuất hiện ở chợ cá, giá bán từ 40.000 - 50.000đ/kg, người bán hàng thường gọi là Bông lau nghệ. Loại cá này Trung tâm Nghiên cứu Sản xuất giống Thuỷ sản An Giang đã cho sinh sản nhân tạo trong năm 2001.

2. Do bệnh.

Về bệnh thì có liên quan đến gan và mật.

Tác nhân gây bệnh là do giun sán ký sinh trong túi mật. Cá bị bệnh này da sẽ bị vàng, cá bỏ ăn rồi chết. Khi cá đã vàng da việc điều trị rất khó khăn vì khi đã bị bệnh về gan và mật thì chức năng chuyển hoá thức ăn và hấp thu thuốc không còn hoạt động hữu hiệu, nên việc sử dụng thuốc ở thời điểm này không hiệu quả.

Giải pháp phòng trị bệnh tốt nhất là: Định kỳ tẩy giun sán cho cá nuôi. (Các loại thuốc có bán ở các cửa hàng thuốc Thú y - thủy sản). Tuy nhiên, có một thực tế khách quan là thuốc chuyên dùng tẩy giun sán cho cá chưa có nên thường phải sử dụng thuốc của gia súc, gia cầm... Vì vậy, khi sử dụng thuốc cần phải có sự cân nhắc cẩn thận.

Cùng với bệnh giun sán, cá tra nuôi với mật độ cao nếu các biện pháp kỹ thuật hay quản lý môi trường không tốt cá nuôi bị vi trùng, vi khuẩn tấn công.

Bệnh về đốm trắng trên gan cá tra cũng gây nên thịt vàng trên cá tra nuôi. Tác nhân gây bệnh là vi khuẩn Edward ictaluri. Các kết quả nghiên cứu gần đây cho thấy chủng vi khuẩn này kháng với một số loại kháng sinh thông thường như Oxytetra...Vì vậy, phải dùng loại kháng sinh đặc trị và phải phát hiện bệnh sớm (giai đoạn đầu của bệnh thì kết quả mới khả quan).

Ngoài ra, trong quá trình nuôi nếu cá nuôi bị bệnh kéo dài hoặc lặp đi lặp lại thịt cá sẽ có màu vàng.

3. Do môi trường

- Trong ao nuôi có nhiều mùn bã hữu cơ, tảo... cũng là nguyên nhân làm cho cá nuôi có thịt màu vàng. Nên cải tạo nạo vét bùn, bón vôi trước khi thả cá nuôi. Trong quá trình nuôi có thể sử dụng Zeolite để xử lý mùn bã hữu cơ, thức ăn dư thừa. Zeolite hấp thu các độc tố NH3, H2S, NO2, kim loại nặng ở nền đáy…

- Thay nước ao nuôi từ 20% đến 30% lượng nước ao trong 01 ngày.

- Có thể sử dụng sục khí đáy ao.

- Một điểm cần lưu ý là: Vào mùa nước đổ tháng 6 - 7 có những thay đổi lớn về chất lượng nước trên sông. Cá nuôi bè, nuôi đăng quầng hoặc nuôi ao (sử dụng nước sông để thay) thì thịt bị vàng.

- Trong ao nuôi thiếu Oxy thường xuyên cá cũng bị thịt vàng.

4. Do thức ăn không phù hợp

Thức ăn nên nghiên cứu cân đối về đạm (nên cho ăn trên 18o đạm). Các nghiên cứu về dinh dưỡng cá tra gần đây cho thấy việc cân đối về đạm trong thức ăn của cá tra, ngoài cải thiện (giảm) tích luỹ mỡ trong cơ thể cá còn giúp cá tăng trọng nhanh, rút ngắn thời gian nuôi.

Trong khẩu phần thức ăn nên bổ sung khoáng vi lượng, Vitamin C định kỳ. Không nên cho cá ăn những thức ăn có sắc tố gây vàng thịt.

Việc sử dụng cá biển làm thức ăn cho cá cũng phải chú ý về chất lượng (tươi, ươn, các hoá chất tẩm ướp trên cá biển ngoài ảnh hưởng đến màu trắng của thịt cá nuôi còn có tác động thành phần đạm trong thức ăn và sự tiêu hoá của cá).

Cá suy dinh dưỡng thịt cá thường bị vàng.

Trong thời gian gần đây một số cơ sở bán thuốc thú y - thủy sản có giới thiệu một số thuốc, hoá chất sử dụng trong quá trình nuôi để cá tra thịt trắng. Chúng tôi xin có những lưu ý sau:

* Việc sử dụng các chế phẩm sinh học trong quá trình nuôi cá tra nhằm cải tạo môi trường nuôi là một biện pháp kỹ thuật cần khuyến khích. Tuy nhiên, nếu những vi sinh này có nguồn gốc nước mặn mà cho vào nước ngọt thì hiệu quả không cao, hoặc khi ao nuôi thay nước thường xuyên hay nuôi đăng quầng thì không hiệu quả (nếu không nói là lãng phí).

* Một số thuốc có chứa các chất hỗ trợ chức năng của gan (Sorbitol...) về nguyên lý thì không có trở ngại, tuy nhiên, vì chưa có những nghiên cứu khoa học chứng minh nên khi dùng cần cân nhắc.

* Một loại hóa chất có tên là Pond Oxygen dạng hạt khi rải vào ao nhằm cung cấp oxy cho tầng nước ở đáy ao, là giải pháp tốt cho các ao nuôi có trở ngại trong biện pháp thay nước và giúp cho quá trình Nitrat hoá các chất hữu cơ dư thừa dưới đáy ao.

Để đạt kết quả khả quan ngoài các vấn đề đã giới thiệu phần trên. Các hộ nuôi cá cần lưu ý: nên sử dụng nguồn giống sạch bệnh và tuân thủ các quy trình kỹ thuật.

Vương Học Vinh - Giảng viên Thủy sản, Trường Đại học An Giang - KHCNAG, 4/2005

 

Thảo luận về kỹ thuật nuôi:

Xem thêm các thông tin có liên quan:

- Kỹ thuật nuôi tôm, cá và các loại thủy sản khác

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Việt Linh: Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, việc làm thủy sản, việc làm nông nghiệp, tuyển dụng, tìm việc, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang