• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Tái tạo giống hàu ở đầm Ô Loan, lợi ích nhiều mặt

Tháng 7/2012, Trung tâm Giống và Kỹ thuật thủy sản Phú Yên cho sinh sản nhân tạo thành công và thả vào đầm Ô Loan 400.000 con hàu muỗng. Việc thả hàu ra đầm nhằm tăng nguồn lợi thủy sản trong đầm, cải thiện môi trường nước.

NHÂN TẠO THÀNH CÔNG HÀU MUỖNG  

Phó giám đốc phụ trách Trung tâm Giống và Kỹ thuật thủy sản (Trung tâm) Lê Quang Hiệp cho biết: “Để có thể cho sinh sản nhân tạo thành công giống hàu muỗng vốn sống trong tự nhiên, chúng tôi phải thực hiện theo quy trình kỹ thuật nghiêm ngặt”.  

Nước dùng để nuôi hàu được bơm từ biển, xử lý bằng Anolyte 6ppm (nồng độ Anolyte 6 phần triệu) và sục khí 24/24g cho đến khi hết Clo. Nước tiếp tục được bơm lên bể lọc, cho vào bể lắng để ương nuôi ấu trùng và cấy tảo. Ban đầu, tảo được nuôi trong phòng thí nghiệm, khi tảo phát triển đến mức độ nhất định thì tiếp tục chuyển sang nuôi ở túi có thể tích lớn (80 lít). Sau 2 ngày, các kỹ thuật viên Trung tâm tiến hành lọc sinh khối (sinh khối là tổng trọng lượng của sinh vật sống trong sinh quyển hoặc số lượng sinh vật sống trên một đơn vị diện tích, thể tích vùng) ra ở bể composite 1m3. Tiếp tục nuôi trong bể cho đến khi tảo đạt mật độ khoảng 3.000tb/ml thì được sử dụng làm thức ăn cho ấu trùng hàu.  

Sau khi chuẩn bị được môi trường nước và nguồn thức ăn thích hợp, các kỹ thuật viên Trung tâm bắt đầu tuyển chọn, nuôi vỗ béo hàu bố mẹ để chuẩn bị cho sinh sản. Nguồn hàu giống được lấy từ đầm Ô Loan phải đạt các tiêu chuẩn: khối lượng từ 15 đến 17con/kg, kích thước đồng đều, khỏe mạnh mang màu sắc đặc trưng của loài; khi giải phẫu tuyến sinh dục có trứng hoặc tinh trùng. Để kích thích hàu sinh sản, kỹ thuật viên Trung tâm tiến hành sốc nhiệt bằng cách phơi hàu bố mẹ dưới ánh nắng từ 30 đến 40 phút; sau đó, cho vào tủ lạnh từ 15 đến 20 phút và có thể lặp lại từ 1 đến 2 lần công việc này. Sau quá trình này, phần lớn các cá thể hàu có tuyến sinh dục phát triển đến giai đoạn 3 đều đẻ trứng, phóng tinh, cho ra ấu trùng. Ở giai đoạn trôi nổi, ấu trùng được chuyển vào các bể ương với mật độ từ 4 đến 5 con/ml. Đến giai đoạn ấu trùng bám vào giá thể, có thể sử dụng các vật bám khác nhau như vỏ hàu, vỏ điệp, vỏ sò… xâu thành chuỗi dài từ 50 đến 60cm thì thả vào bể. Sau 3 đến 4 ngày, treo các chuỗi dưới giàn, bè để tiếp tục ương thành con giống cỡ từ 2 đến 2,5cm. Ở giai đoạn hàu bám vào giá thể, thức ăn chính của hàu là tảo và lượng thức ăn sẽ được điều chỉnh theo các giai đoạn lớn lên của hàu, từ mật độ tảo từ 3.000 đến 200.000tb/ml.

Kỹ sư Võ Minh Hải, cán bộ Trung tâm trực tiếp tham gia quá trình cho sinh sản hàu muỗng, cho biết: “Sau 5 đợt tiến hành thử nghiệm sinh sản nhân tạo hàu muỗng, đến tháng 7/2012, Trung tâm đã tạo được 810.000 con hàu giống, kích cỡ con giống đạt được từ 0,5 đến 1cm, chất lượng tốt, sạch bệnh. Trong đó, 410.000 con dùng để hỗ trợ cho người dân (100.000 con ở TX Sông Cầu và 310.000 con ở huyện Tuy An) nuôi ở các hồ tôm, 400.000 con còn lại dùng để thả tái tạo nguồn lợi thủy sản đầm Ô Loan”.  

CẢI TẠO MÔI TRƯỜNG NƯỚC  

Ông Lê Quang Hiệp cho biết, việc thả hàu giống ra môi trường tự nhiên nhằm làm tăng nguồn lợi thủy sản đầm Ô Loan, đồng thời góp phần cải tạo môi trường nước ở đầm đang bị ô nhiễm nghiêm trọng.  

Theo nhiều công trình nghiên cứu, hàu là loài động vật rộng nhiệt, rộng muối (những thay đổi không lớn về nhiệt độ, nồng độ muối ít ảnh hưởng đến hàu), sống bám lên nền đá, vách đá ven bờ biển hoặc các cửa sông, nơi có dòng chảy và thủy triều thường xuyên lên xuống, có thực vật phù du phong phú làm thức ăn. Hàu có vòng sinh sản ngắn. Thường sau 4 tháng, hàu muỗng đã trở thành hàu thương phẩm và có thể đẻ trứng, phóng tinh. Mặt khác, hàu không sử dụng thức ăn công nghiệp mà lấy thức ăn bằng cách lọc các chất dinh dưỡng có trong nước (thường là thức ăn thừa của tôm). Vì vậy, quá trình lấy thức ăn của hàu góp phần làm cho môi trường nước trong sạch, tạo điều kiện cho các sinh vật khác phát triển.  

Ông Ngô Văn Yêm, cán bộ phụ trách ngư nghiệp xã An Hải (Tuy An) cho biết, các năm trước, đầm Ô Loan rất đa dạng sinh học. Không chỉ hàu muỗng mà tôm đất, cua, ghẹ, các loại cá… phát triển phong phú. Tuy nhiên, thời gian gần đây, do người dân nuôi tôm trong khu vực đầm không theo quy hoạch, cộng với việc khai thác nguồn lợi bằng các dụng cụ tận diệt (chất nổ, bóng Thái) đã khiến môi trường nước bị ô nhiễm và số lượng thủy sản trong đầm giảm đáng kể. Vì vậy, nếu sử dụng hàu làm vật nuôi tái tạo môi trường sẽ góp phần đáng kể trong việc giảm thiểu ô nhiễm cho đầm Ô Loan.

Còn ông Trần Tấn Nha, Phó bí thư Đảng ủy xã An Hải nhận định: “Đầu năm 2013, người dân sống quanh khu vực đầm Ô Loan đã có một vụ khai thác hàu khá thành công. Ở các xã lân cận xã An Cư có thời điểm người dân khai thác được 20kg hàu/ngày/người. Việc tái tạo hàu làm cho nhiều người dân phấn khởi và ủng hộ. Tuy nhiên, nếu chỉ nuôi hàu để người dân khai thác hàu thương phẩm thì chức năng cân bằng môi trường, tái tạo môi trường nước của việc thả tái tạo sẽ không có nhiều ý nghĩa. Cho nên trong thời gian tới, Trung tâm cần tiếp tục nghiên cứu thêm các đối tượng thủy sản mới để thả nuôi và tái tạo ra môi trường tự nhiên. Nếu làm được việc này một cách thường xuyên thì tình trạng ô nhiễm môi trường nước trong đầm Ô Loan sẽ được giảm thiểu, tạo điều kiện cho các sinh vật trong đầm phát triển phong phú hơn”.  

THÁI HÀ, Báo Phú Yên, 20/5/2013

 

Kỹ thuật sản xuất giống hàu

Sản xuất giống là giải pháp hoàn hảo để cung cấp giống một cách chủ động, nhưng đòi hỏi phải đầu tư lớn về phương tiện và nhận lực. Địa điểm có thể tiến hành sản xuất giống hàu là vùng ven biển, ao đầm nước lợ có điều kiện thủy lý hóa, môi trường tự nhiên đảm bảo các yêu cầu sau:

- Nhiệt độ nước: 20 – 32 độ C

- Độ mặn: 15-25 phần ngàn

- pH: 7,8 – 8,0

DO: 4-6 mg/l

Các  bước sản xuất giống hàu như sau:

1. Thu gom hàu bố mẹ

Theo các kết quả nghiên cứu cho thấy các loài hàu giống Crassostrea có thể chuyển giới tính giữa các mùa sinh sản. Tỷ lệ đực: cái của hàu cửa sông (Crassostrea rivularis) như sau:

Từ tháng 7 đến tháng 11, tỷ lệ đực: cái là 21-61%: 40-68%. Đây là thời điểm mà tỷ lệ hàu có sản phẩm chín muồi cao nhất.

Từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau, tỷ lệ đực: cái là 38-90%: 0-16%.

Mùa vụ sinh sản của hàu vào khoảng từ tháng 4 đến tháng 10 hàng năm.

Chính vì vậy, việc thu gom hàu bố mẹ có thể dựa vào mùa sinh sản trong tự nhiên. Các cá thể được lựa chọn có kích thước lớn, hình dáng đẹp, vỏ không bị trầy xước, có tuyến sinh dục phát triển. Chiều dài vỏ có kích thước trung bình khoảng 9-10 cm, chiều cao vỏ khoảng 12,5 – 14,5 cm và trọng lượng toàn thân trung bình khoảng 600 – 1400g.

Các cá thể được thu gom có thể cho vào nuôi trong đầm hoặc bãi triều gần nơi sản xuất hoặc nuôi treo dưới bè trong môi trường tự nhiên trong đầm nước mặn hoặc vùng cửa sông, nơi có độ mặn từ 10-25%0, giàu thức ăn.

2. Nuôi vỗ hàu bố mẹ

Nuôi vỗ tích cực hàu bố mẹ là một công đoạn cần thiết trong quy trình sản xuát giống nhân tạo. Vì các cá thể trong tự nhiên có tuyến sinh dục phát triển không đồng đều. Nếu đưa vào cho sinh sản ngay thì tỷ lệ các cá thể tham gia sinh sản thấp và lượng trứng thu được rất ít, ấu trùng không đảm bảo chất lượng. Việc nuôi vỗ có thể giúp cho hàu bố mẹ nhanh chóng đạt độ thành thục cao nhất, giúp trứng chín đồng đều, nâng cao hiệu quả của việc xử lý nhiệt khi kích thích sinh sản.

Hàu bố mẹ được đưa vào nuôi vỗ trong các bể có thể tích 1 m3 với mật độ nuôi khoảng 20-25kg/bể.

Thời gian nuôi từ 10-15 ngày.

Chế độ cho ăn: Thức ăn là hỗn hợp các tảo hiển vi: Isochrysis galbana, Pavlova lutheri, Chaetoceros cancitrans, nannochloropsis sp, Chlorella sp. Mật độ thức ăn là 150.000 – 200.000 tb/ml. Cho ăn 2 lần/ngày.

Chế độ thay nước: quá trình nuôi vỗ theo quy trình ít thay nước, thông thường chỉ thay 1/3 thể tích bể mỗi ngày. Những ngày cuối cùng của chu kỳ nuôi có thể không cần thay nước. Việc thay nước thường xuyên, liên tục cũng ảnh hưởng tới sự phát triển của tuyến sinh dục. Khi tuyến sinh dục của hàu thành thục thì sự thay đổi các yếu tố môi trường đều có thể làm cho hàu sinh sản ngoài ý muốn.

Sục khí nhẹ và liên tục 24/24h.

3. Kích thích sinh sản

Sau quá trình nuôi vỗ, kiểm tra tuyến sinh dục của hàu thấy rõ cơ quan sinh dục, tuyến sinh dục có màu trắng sữa chứa đầy nội tạng. Lúc này có thể tiến hành kích thích cho đẻ.

Điều kiện cần thiết cho sinh sản là nhiệt độ. Mỗi một loài sinh sản ở một ngưỡng nhiệt độ nhất định.

Hàu trước khi chuyển vào bể đẻ được đánh rửa sạch sẽ. Bể đẻ là các thùng nhựa có thể tích 120 lít. Dùng heter nhiệt để tăng nhiệt độ môi trường nước nuôi lên 2 – 30C trong vòng 30 phút, sau đó lại đưa nhiệt nước trở lại nhiệt độ ban đầu. Lặp lại  1- 2 lần quá trình tăng nhiệt. Phần lớn các cá thể có tuyến sinh dục phát triển giai đoạn 3 đều tham gia sau 1 – 2 lần chịu ảnh hưởng của kích nhiệt.

Sức sinh sản của hàu rất lớn và tùy thuộc vào kích cỡ cá thể, ví dụ như: hàu bố mẹ loại 40 – 80 mm sẽ cho 39 triệu trứng/ cá thể, loại 80 – 100 mm cho 81 triệu trứng/cá thể, loại 120 – 160 mm cho 184 triệu trứng/cá thể, loại > 160mm cho 257 triệu trứng/cá thể.

Yêu cầu sau quá trình kích thích bằng nhiệt độ có 50 – 60% số cá thể bố mẹ tham gia đẻ trứng, phóng tinh. Tỷ lệ thụ tinh cao từ 89 – 92%.

4. Thu trứng

Trong trường hợp mật độ tinh trùng trong bể đẻ là 1-5 tinh trùng/trứng thì không cần lọc để thu trứng, có thể chuyển sang toàn bộ số trứng sang bể ương.

Khi mật độ tinh trùng nhiều hơn 5 tinh trùng/ trứng cần phải lọc lấy trứng và loại bỏ tinh trùng trong bể đẻ nhằm hạn chế sự ô nhiễm môi trường nước ương nuôi do xác chết của tinh trùng. Dùng lưới thực vật phù du cỡ mắt lưới 40 – 50 µm để lọc trứng và loại bỏ tinh trùng. Trứng được rửa nhiều lần bằng nước biển lọc sạch.

5. Ương ấu trùng

Trứng được chuyển vào các bể ương ấu trùng, sử dụng các bể composit hoặc các bể xi măng có dung tích 2-3 m3 để ương ấu trùng từ giai đoạn đỉnh vỏ thẳng đến giai đoạn đỉnh vỏ lồi có điểm mắt và chuẩn bị bám. Quá trình phát triển của trứng và ấu trùng được trình bày trong bảng sau:

 

Giai đoạn phát triển

Thời gian

Kích thước (µm)

Trứng thụ tinh

30 phút

50

Cực thể thứ nhất

1 giờ

50-60

Cực thể thứ hai

1 giờ 30 phút

50-60

Phân cắt lần 1

2 giờ

60

Phân cắt lần 2

2 giờ 10 phút

60

Giai đoạn phôi nang

5 – 10 giờ

60-70

Ấu trùng Trochophore

12 giờ

70

Ấu trùng đỉnh vỏ thẳng

24 giờ

80

Âu trùng đỉnh vỏ lồi

8 ngày

150

Ấu trùng có điểm mắt

18 ngày

170

Ấu trùng có chân bò

20 ngày

220-250

Ấu trùng bám

15 – 20 ngày

250-300

 

- Mật độ ương: trong giai đoạn đầu của quá trình phát triển của ấu trùng có thể ương với mật độ 15-20 ấu trùng/ml nước, sau 5-7 ngày san thưa xuống còn 10-12 ấu trùng/ml nước và 5 -7 ấu trùng/ml nước sau 20 ngày. Sử dụng lưới phù du có kích thước phù hợp vớt san thưa.

- Cho ăn: Khi chuyển sang ấu trùng đỉnh vỏ thẳng (khoảng 48 – 52 giờ sau khi trứng được thụ tinh) tiến hành cho ăn. Lúc này thức ăn là các tảo hiển vi như Nannochloropsis sp, Chlorella sp. Từ ngày thứ 5 trở đi thức ăn là hỗn hợp các loài tảo hiển vi Isochrysis galbana, Pavlova lutheri, Chaetoceros cancitrans, nannochloropsis sp, Chlorella sp. Mật độ thức ăn 150.000 – 200.000 tế bào/ml. Cho ăn 2 lần/ngày.

- Quản lý bể ương: thay 1/2 thể tích nước mỗi ngày và 100% thể tích nước sau 2 ngày và chuyển bể mới. Lọc ấu trùng theo 2 cách: xiphông qua thành bể hoặc rút từ đáy. Kiểm tra kích thước ấu trùng hàng ngày bằng kính hiển vi để lựa chọn lưới lọc có mắt lưới phù hợp với kích thước của ấu trùng và của từng kiểu lọc. Rửa sạch bể ương sau khi chuyển bể mới và cấp nước vào trước 1 ngày.

Nước cung cấp cho quá trình ương nuôi ấu trùng phải được để lắng 3-4 ngày, sau đó lọc thô qua hệ thống lọc cát và lọc tinh qua ống lọc 5 µm. Luôn đảm bảo oxy hòa tan ở mức trên 6 mg/l, pH: 7,8, độ mặn từ 15-20%0.

Sục khí nhẹ.

6.Nuôi sinh khối tảo làm thức ăn cho ấu trùng (song song với quá trình ương ấu trùng)

-   Nuôi giống thuần lần thứ nhất: nuôi sinh khối ở mức 5-10 lít, cung cấp nguồn giống thuần cho các trại sản xuất giống. Sử dụng hệ thống chiếu sáng bằng đèn neon, sục khí mạnh vừa và liên tục.

Mật độ tảo có thể đạt 3 - 4 x 106 tb/ml.

-   Nuôi sinh thái tại cơ sở sản xuất

Tảo được nuôi trong các túi nylông hoặc các thùng nhựa có dung tích 120 lít. Môi trường dinh dưỡng để nuôi tảo là môi trường Colway hoặc môi trường F2 với nồng độ 1 ml môi trường/1 lít nước. Sục khí mạnh vừa và liên tục. Nước cung cấp cho hệ thống nuôi sinh khối tảo phải được lọc tinh qua ống lọc 1 µm.

7. Âu trùng bám và thu con giống cỡ nhỏ

Trong điều kiện nhiệt độ 28 – 300C, độ mặn 18 – 20%0, sau 20 ngày ấu trùng hàu xuất hiện chân bò và có khả năng bám. Lúc này có thể tiến hành thu con giống cỡ nhỏ. Phương pháp thu con giống phụ thuộc vào hình thức nuôi, nếu nuôi khay hoặc nuôi túi thì thu con giống dạng đơn, nếu nuôi giàn bè, nuôi đáy thì có thể thu con giồng bám.

- Thu con giống dạng đơn:

+ Thu con giống bằng các tấm nhựa PVC: các tấm nhựa PVC cắt ngắn từ 15-30 cm làm thành một chuỗi từ 10-15 tấm và thả vào bể có ấu trùng sắp bám. Sau 3 ngày ấu trùng đã bám cố định trên những tấm nhựa này.

Nuôi ấu trùng đã bám trong bể ương 15 ngày rồi chuyển nuôi ngoài và nuôi thành con giống cỡ 2-2,5 cm. Tách hàu giống bằng cách dùng tay uốn cong các tấm nhựa này, thu con giống rời và đem ra nuôi thành hàu thương phẩm. Khi nuôi lớn chúng phát triển không khác với con giống vào vật bám nhỏ. Đây là một phương pháp thu con giống rời đơn giản, dễ làm, dễ áp dụng trong điều kiện hiện tại ở nước ta.

+ Thu giống đơn bằng bột vỏ điệp, hàu: trong quá trình ương nuôi, qua theo dõi hàng ngày, khi thấy ấu trùng ở giai đoạn hậu ấu trùng đỉnh vỏ, trên 80% lượng ấu trùng trong bể đã có điểm mắt và chân đã hoạt động, kích thước trên 300 µm. Dùng dây chuyên dùng hoặc khay có đường kính 50-70 cm, cao 15-20cm, đáy là lưới thực vật phù du có cỡ mắt lưới 200 – 250 µm, trên đó rải một lớp bột vỏ hàu và điệp có kích thước 300 – 350 µm, ấu trùng sẽ bám vào bột vỏ này vĩnh viễn. Có thể sử dụng bột xi măng có kích thước 1-2 mm để thay thế. Ấu trùng được đưa vào khay với mật độ 5-7 con/ml, dùng hệ thống nước chảy tràn để duy trì 3-4 ngày. Khi ấu trùng bám hết thì chuyển sang hệ thống ương thành con giống

-Thu con giống bám

Sử dụng các vật bám khác nhau như vỏ hàu, vỏ điệp, vỏ sò… xâu thành chuỗi dài 50-60 cm thả vào bể có ấu trùng sắp bám. Sau 3 – 4 ngày, chuyển các chuỗi treo dưới giàn, bè để tiếp tục ương thành con giống cấp 2 cỡ 2-2,5 cm.

Đây là phương pháp thu con giống rất phổ biến, vỏ điệp là loại vật bám rẻ tiền, dễ kiếm và rất tiện lợi. Trong quá trình nuôi lớn có thể tách riêng cá thể mà không ảnh hưởng tới các cá thể khác.

8. Ương thành con giống cỡ 2-2,5cm

Khi đã có con giống cỡ nhỏ (dưới 1mm) phải qua một thời gian ương thành con giống cỡ lớn. Phương pháp hiện nay là sử dụng các khay gỗ 60 x 120 cm, đáy là lưới để ương thành con giống cỡ lớn (2-2,5cm)

Thanh Phương - TT Khuyến ngư VN/12/2007

 

Nuôi hàu

 

Hàu là động vật thân mềm hai mảnh vỏ, với hàng trăm loài khác nhau hiện đang được nuôi rộng rãi trên thế giới. Ở Việt Nam, hàu được nuôi ở các cửa sông, có kích thước lớn, phân bố rộng, và cũng được nuôi khá phổ biến.

Nuôi vỗ đàn bố mẹ

- Chọn những cá thể lớn, kích thước từ 15-20cm, khối lượng thân từ 800-1.500g, vỏ không bị dập vỡ để nuôi tạo đàn bố mẹ. Nuôi treo trong đầm, nơi có độ mặn tương đối ổn định từ 15-20‰ và giàu thức ăn.

- Trước khi cho đẻ, hàu bố mẹ được nuôi vỗ từ 5-10 ngày trong bể xi-măng, ít thay nước (20% thể tích bể/ngày), thức ăn là các loại vi tảo.

Cho đẻ và ương ấu trùng

Kích thích hàu đẻ bằng cách thay đổi nhiệt độ nước của môi trường nuôi từ 3- 40C để gây sốc kích thích hàu đẻ trứng, phóng tinh. Tỷ lệ đực cái là 4:6. Trứng thụ tinh ngay sau khi đẻ và được lọc qua lưới với kích thước mắt lưới 40mm và chuyển sang bể ương ấp.

- Mật độ ương ban đầu là 20-25 tế bào/ml. Sau 24 giờ lọc thu ấu trùng đỉnh vỏ thẳng và chuyển ương trong bể mới có dung tích 2-3m3 với mật độ 10-15 con/ml.

Chăm sóc và quản lý ấu trùng

- Hằng ngày thay 1/2 thể tích nước trong bể ương. Thay toàn bộ nước, vệ sinh bể và chuyển ấu trùng sang bể ương mới 2 ngày/lần.

- Cho ăn bằng vi tảo mật độ 1.000 - 5.000 tế bào/ml vào buổi sáng và chiều.- Sục khí 24/24 giờ; độ mặn là 8-20‰; nhiệt độ nước 24-300C; pH 7,8-8; nồng độ O2 từ 4-6mg/lít. Thấy ấu trùng phân tán đều trong bể là được.

Thu ấu trùng

Trong điều kiện bình thường, thời gian ương kéo dài từ 20-25 ngày. Khi ấu trùng đạt kích thước 250-350um chúng xuất hiện chân bò và chuyển sang trạng thái sống bám cố định vào giá thể. Đây là giai đoạn để thu con giống.

- Thu ấu trùng bám vào giá thể bằng các loại vật bám khác nhau như vỏ hàu, vỏ sò, ngói vỡ, tấm nhựa... để phục vụ nuôi treo.

- Thu ấu trùng ở dạng đơn: con giống bám vào vật bám với kích thước nhỏ (25um) như: bột xi-măng, bột vỏ hầu phục vụ cho kiểu nuôi khay. Xu thế hiện nay là sử dụng con giống dạng đơn để nuôi khay.

Nuôi thành con giống

Ấu trùng sau khi bám 2 ngày, đưa ra ngoài môi trường tự nhiên nuôi thành con giống. Nuôi treo hoặc nuôi khay trong thời gian 2 tháng, kích thước thu được từ 2-3cm chiều cao vỏ.

Nông thôn ngày nay

Nhấn vào đây để xem tất cả các thông tin kỹ thuật nuôi hàu

Thảo luận về kỹ thuật nuôi:

Xem thêm các thông tin có liên quan:

- Kỹ thuật nuôi tôm, cá và các loại thủy sản khác

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Việt Linh: Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, việc làm thủy sản, việc làm nông nghiệp, tuyển dụng, tìm việc, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang