• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Quảng Nam: Lịch thời vụ thủy sản năm 2017

 

 

    UBND TỈNH QUẢNG NAM

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

SỞ NÔNG NGHIỆP & PTNT

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

 Số: 1800/SNN&PTNT-CCTS

           Quảng Nam, ngày 14 tháng 12 năm 2016

V/v Chỉ đạo và hướng dẫn khung lịch thời vụ nuôi trồng thủy sản năm 2017

                   Kính gửi:

                                         - Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố;

     - Các Chi cục: Thủy sản, Chăn nuôi và Thú y;

     - Trung tâm Khuyến nông.

Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn nhận định xu thế thời tiết, thủy văn mùa Đông Xuân 2016-2017 tại Quảng Nam; một số yếu tố chính ảnh hưởng đến khung mùa vụ nuôi trồng thủy sản của tỉnh năm 2017:

- Về nhiệt độ, rét đậm-rét hại:

Từ tháng 11/2016 đến tháng 4/2017 có từ 10-12 đợt không khí lạnh ảnh hưởng đến các địa phương Quảng Nam; tập trung từ giữa tháng 12/2016 đến cuối tháng 2/2017. Nền nhiệt Đông Xuân 2016-2017 nhìn chung ấm hơn Đông Xuân 2015-2016; có từ 4-6 đợt lạnh, tập trung chủ yếu từ giữa tháng 12/2016 đến cuối tháng 1/2017 với số ngày có nhiệt độ trung bình dưới 200C từ 15-25 ngày, tùy từng vùng. Tháng 12/2016 và tháng 01,02/2017 nhiệt độ ở mức xấp xỉ dưới giá trị trung bình nhiều năm.

- Về lượng mưa: Tháng 12/2016 và tháng 1-2/2017, lượng mưa phổ biến xấp xỉ có nơi thấp hơn giá trị trung bình nhiều năm. Tháng 3-4/2017, lượng mưa xấp xỉ hoặc cao hơn giá trị trung bình nhiều năm.

- Về thủy văn: Từ tháng 01-4/2017, dòng chảy các sông sẽ ổn định và hạ thấp dần, dòng chảy trung bình các tháng này thấp hơn giá trị trung bình nhiều năm.

Do tác động của biến đổi khí hậu, thời tiết trong năm 2017 dự báo có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường. Căn cứ vào đặc điểm các vùng sinh thái, các loại hình nuôi, đối tượng nuôi trên địa bàn tỉnh Quảng Nam và thực tiễn sản xuất nuôi trồng thủy sản nhiều năm qua, đặc biệt là diễn biến bệnh tôm, nắng nóng ảnh hưởng đến thủy sản nuôi trong hai năm 2015-2016; Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn xây dựng khung mùa vụ và hướng dẫn nuôi trồng thủy sản năm 2017 trên địa bàn tỉnh như sau:

I. Về khung mùa vụ

1. Đối với nuôi tôm

a. Nuôi tôm thẻ lót bạt thâm canh vùng ven biển và vùng cao triều:  Các ao nuôi tôm lót bạt có cơ sở hạ tầng tương đối tốt; không bị ngập lũ, lụt; có ao xử lý nước thải; đảm bảo điều kiện nuôi thâm canh, có thể thả nuôi quanh năm. Tuy nhiên, cần chú ý từ tháng 12/2016 đến tháng 1/2017, khi nhiệt độ xuống thấp dưới 200C và từ tháng 6-7/2017 là những tháng nắng nóng, khi nhiệt độ có thể >340C  thì không thả tôm giống.

b. Nuôi tôm (sú, thẻ) vùng triều ven sông

- Thời gian thả tôm nuôi bắt đầu từ ngày 01/02/2017 và kết thúc vụ nuôi trước ngày 30/9/2017 (thu hoạch tránh mưa, lũ lụt, bão vào các tháng cuối năm).

- Những ao không đảm bảo điều kiện nuôi thâm canh chỉ nên nuôi 01 vụ tôm hoặc nuôi các đối tượng khác như nuôi chuyên cua, cá nước lợ (chẽm, dìa, cá chim vây vàng, cá hồng, cá đối mục,...) hoặc nuôi ghép (cua-tôm, tôm-cá, cá-rong-tôm,...). Những ao có độ mặn cao (trên 20‰) vào tháng 6 hàng năm (thôn 4 xã Tam Hải, xã Tam Giang,... huyện Núi Thành) nên chuyển sang trồng rong nho hoặc nuôi cá thích nghi độ mặn cao như cá mú, cá hồng (chú ý thả giống kích thước lớn, phòng tránh lũ bão nước tràn bờ).

2. Đối với cá

a. Nuôi cá nước lợ, mặn

- Nuôi cá trong ao: (nuôi 01 vụ/năm hoặc nuôi ghép với tôm, cua, rong,..)

+ Đối với vùng nuôi không bị ngập lụt: Nuôi quanh năm, chú ý tránh thả cá giống vào các tháng có mưa nhiều, độ mặn nước xuống thấp sẽ làm chết cá giống.

+ Đối với vùng nuôi dễ bị ngập lụt như: Hội An, Duy Xuyên, Thăng Bình, Tam Kỳ và một số vùng của Núi Thành (Tam Tiến, Tam Xuân) nên thả giống nuôi từ cuối tháng 12/2016-01/2017 và kết thúc vụ nuôi vào cuối tháng 9/2017, chọn các loài cá nuôi trong chu kỳ 06 tháng có thể thu hoạch thương phẩm như: cá chẽm, cá đối nục, điêu hồng, cá dìa cỡ lớn,….

- Nuôi cá trong lồng bè:

+ Lồng bè trên sông nước lợ, cách xa các cửa sông và biển: Thời gian thả giống từ cuối tháng 12/2016-01/2017 và kết thúc vụ nuôi vào cuối tháng 9/2017.

+ Lồng bè vùng cửa sông và biển: Nuôi quanh năm, tuy nhiên đối tượng nuôi phải phù hợp với độ mặn thích nghi và vị trí đặt lồng bè tránh nguồn nước lũ từ các thượng lưu tràn về, tránh gió bão.

b. Nuôi cá nước ngọt

- Nuôi cá trong ao:

+ Đối với vùng nuôi bị ảnh hưởng bởi lũ lụt, nên nuôi 01 vụ/năm. Thả cá giống từ tháng cuối tháng 12/2016-01/2017 và kết thúc vụ nuôi vào cuối tháng 9/2017.

+ Đối với vùng nuôi không bị ảnh lũ lụt có thể thả nuôi quanh năm.

- Nuôi cá trong lồng bè:

+ Nuôi trong hồ chứa nước: Thả nuôi quanh năm, tránh thả cá giống vào các tháng có nhiệt độ xuống thấp 200C.

+ Nuôi trên sông: Thả cá giống từ tháng 12/2016-01/2017 và kết thúc vụ nuôi vào cuối tháng 9/2017.

II. Con giống, mật độ thả nuôi và yêu cầu kỹ thuật

1. Mật độ và cỡ giống thả nuôi

a. Đối với tôm sú

- Mật độ từ 20-30 con/m2 (cỡ giống ≥ P15).

- Những ao nuôi ghép tôm sú-cua, tôm sú-cá thì mật độ tôm sú từ 10-12 con/m2; cá, cua mật độ 5 con/10m2.

b. Đối với tôm thẻ

- Nuôi ao đất, cấp nước trực tiếp từ sông: Mật độ từ 40-60 con/m2 (cỡ giống ≥ P15)

- Nuôi tôm thẻ lót bạt:Mật độ từ 100-120 con/m2, tùy điều kiện thâm canh.

c. Đối với một số đối tượng nuôi khác

- Nuôi trong ao:

+ Cá rô phi, điêu hồng: Mật độ từ 3-4 con/m2 (cỡ giống ≥ 5 cm/con)

+ Cua xanh: Mật độ từ 1-2 con/m2 (cỡ giống ≥ 1,2 cm/con)

+ Cá mú, cá hồng: Mật độ từ 2-3 con/m2 (cỡ giống ≥ 5 cm/con)

+ Cá chẽm: Mật độ từ 1-2 con/m2 (cỡ giống ≥ 10 cm/con)

+ Cá đối mục: Mật độ 3 con/m2 (cỡ giống ≥ 6 cm/con)

+ Đối với việc nuôi ghép thì tỷ lệ giống đối tượng nuôi chính từ 60-70%, các đối tượng còn lại chiếm tỷ lệ từ 30-40% trên cơ sở tính mật độ của đối tượng nuôi chính.

- Nuôi trong lồng, bè: (nên nuôi đơn, nuôi ghép ít hiệu quả)

+ Cá rô phi, điêu hồng: Mật độ trung bình 100 con/m3 (cỡ giống ≥ 8 cm/con)

+ Trắm cỏ: Mật độ từ 20-30 con/m3 (cỡ giống ≥ 12 cm/con)

+ Cá lóc: Mật độ từ 100-130 con/m3 (cỡ giống ≥ 8 cm/con)

+ Cá lăng nha: Mật độ từ 50-60 con/m3 (cỡ giống ≥ 8 cm/con)

+ Cá chẽm, cá hồng (nuôi nước lợ, mặn): Mật độ từ 20-25 con/m3 (cỡ giống ≥ 10 cm/con)

+ Cá mú (nuôi nước mặn, hoặc vùng có độ muối >15%o): Mật độ từ 40-50 con/m3 (cỡ giống ≥ 5 cm/con)

+ Cá chim vây vàng (chỉ nuôi vùng có độ muối >15%o): Mật độ từ 15-20 con/m3 (cỡ giống ≥ 8 cm/con)

+ Cá bớp (cá giò), chỉ nuôi vùng có độ muối >15%o: Mật độ từ 15-20 con/m3 (cỡ giống ≥10 cm/con)

2. Yêu cầu về kỹ thuật

- Con giống trước khi thả nuôi phải được kiểm dịch, kiểm tra chất lượng để loại bỏ những đàn giống yếu, mang mầm bệnh do virus, vi khuẩn, nấm, ký sinh trùng.

- Trước khi thả giống 05 ngày, người nuôi cần theo dõi thời tiết, không thả giống trong thời điểm có mưa, không khí lạnh, thời tiết bất thường.

- Tẩy dọn ao nuôi sạch, tiêu diệt triệt để mầm bệnh, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để diệt giáp xác. Để tránh dịch bệnh trên tôm, các hộ nuôi cần có ao chứa lắng để xử lý nước trước khi cấp vào ao nuôi; các ao nuôi thâm canh, ao lót bạt phải xây dựng hệ thống xử lý nước thải. Nguồn  nước cấp vào và lượng nước thải ra khỏi ao phải được xử lý đạt yêu cầu trước khi nuôi và trước khi thải ra môi trường ngoài.

- Tùy từng đối tượng nuôi mà duy trì độ mặn và nhiệt độ nước phù hợp. Luôn đảm bảo oxy hòa tan trong các tầng nước nuôi phù hợp với giai đoạn phát triển của đối tượng nuôi; định kỳ diệt mầm bệnh, vi khuẩn trong quá trình nuôi.

- Sử dụng thức ăn, thuốc, hóa chất, chế phẩm sinh học, sản phẩm xử lý trong nuôi trồng thủy sản có chất lượng, nằm trong danh mục được phép lưu hành của Bộ Nông nghiệp&PTNT. Người nuôi cần điều chỉnh lượng thức ăn thích hợp, không cho thủy sản nuôi ăn dư thừa, gây lãng phí và ô nhiễm môi trường.

- Các ao nuôi có tôm bị bệnh nguy hiểm, đặc biệt là các bệnh đốm trắng, hoại tử gan tụy cấp thì cần xử lý triệt để bằng Chlorin (30 kg/1.000m3), khoanh vùng, cách ly, không xả nước thải, tôm chết bừa bãi ra ngoài môi trường.

- Tùy từng loại hình nuôi, các hộ nuôi cần có phương án phòng chống lũ lụt, thiên tai, ngắt vụ nuôi phù hợp.

III.  Tổ chức thực hiện

1. UBND, Phòng Nông nghiệp&PTNT, Phòng Kinh tế các huyện, thị xã, thành phố và UBND các xã/phường có NTTS

-  Thông báo hướng dẫn này đến người NTTS trên địa bàn biết và thực hiện.

- Tăng cường công tác kiểm tra việc thực hiện thả giống của người dân tại các vùng nuôi; phối hợp với các cơ quan chức năng thanh tra, kiểm tra, xử lý các vi phạm về sản xuất, kinh doanh con giống, thức ăn, thuốc thú y thủy sản và phòng chống dịch bệnh trên thủy sản nuôi.

2. Chi cục Thủy sản tỉnh

- Giám sát chặt chẽ tình hình nuôi trồng thủy sản để tham mưu Sở chỉ đạo sản xuất kịp thời và phù hợp với đối tượng nuôi.

- Phối hợp với địa phương phổ biến hướng dẫn này, quản lý chặt chẽ việc thả giống, tổ chức hướng dẫn quy trình kỹ thuật nuôi đối với từng đối tượng nuôi, từng loại hình nuôi cho phù hợp.  

- Chủ động quan trắc, cảnh báo môi trường và mầm bệnh trên đối tượng nuôi, cập nhật thông tin và thông báo kịp thời đến vùng nuôi và người nuôi.

- Kiểm soát chất lượng con giống, các yếu tố đầu vào. Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra vật tư đầu vào phục vụ NTTS theo quy định.

- Khi có xuất hiện các yếu tố tác động ảnh hưởng đến mùa vụ, đối tượng nuôi thì tham mưu cho Sở để điều chỉnh Lịch thời vụ kịp thời.

3. Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh

- Thực hiện tốt công tác kiểm dịch giống thủy sản và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về kiểm dịch, vận chuyển con giống theo qui định. 

- Thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh thủy sản, không để bùng phát lây lan.

- Xây dựng và triển khai phương án phòng chống dịch bệnh và phối hợp với các địa phương triển khai cụ thể; tham mưu kịp thời cho các cơ quan thẩm quyền công bố dịch trên thủy sản nuôi (nếu có).

4. Trung tâm Khuyến nông tỉnh

-Phối hợp với các đơn vị, địa phương triển khai nội dung hướng dẫn này đến các địa phương có nuôi thủy sản trên địa bàn tỉnh.

- Lồng ghép lịch thời vụ nuôi trồng thuỷ sản năm 2017 vào các lớp tập huấn, chương trình hội thảo, … để tuyên truyền sâu rộng đến người dân.

- Tổ chức tập huấn kỹ thuật nhằm giúp người nuôi kiểm tra, chọn con giống sạch bệnh, xây dựng các mô hình nuôi thủy sản an toàn dịch bệnh và thực hiện công tác tuyên truyền các mô hình sản xuất có hiệu quả trên các phương tiện thông tin đại chúng.

5. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống thủy sản và vật tư liên quan đến nuôi trồng thủy sản

- Các cơ sở sản xuất và lưu giữ giống thủy sản trên địa bàn tỉnh; các Công ty, cơ sở cung cấp tôm giống trực tiếp vào địa bàn tỉnh Quảng Nam phải thực hiện đúng các quy định của nhà nước về quản lý, kiểm dịch và lưu thông giống.

- Các cơ sở sản xuất, kinh doanh thức ăn, thuốc, hóa chất, chế phẩm sinh học phải đảm bảo điều kiện sản xuất, kinh doanh theo quy định. Mọi sản phẩm dùng trong nuôi trồng thủy sản phải có nhãn mác hàng hóa đúng quy định, các sản phẩm nằm trong danh mục được phép kinh doanh, phải công khai, niêm yết giá bán và sản phẩm phải đảm bảo chất lượng theo công bố.

6. Người dân NTTS trên địa bàn tỉnh

- Nghiêm túc thực hiện lịch thời vụ và hướng dẫn sản xuất này.

- Người nuôi cần mua con giống có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng; nên liên kết lại và đặt mua tại các Công ty/cơ sở cung cấp giống có uy tín.

- Người nuôi cần theo dõi tình hình thời tiết (không khí lạnh, mưa…), các thông báo phân tích dự báo môi trường nước lợ định kỳ 02 lần/tháng, thông báo giám sát dịch bệnh của các đơn vị thuộc Sở Nông nghiệp&PTNT để có kế hoạch thả giống, quản lý ao nuôi, lồng nuôi thích hợp.

            - Cần tổ chức sản xuất theo Tổ cộng đồng để tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau trong sản xuất, bảo vệ môi trường vùng nuôi. Các hộ cần thực hiện quy trình kỹ thuật nuôi phù hợp đối với từng hình thức nuôi, đối tượng nuôi.

Trên đây là chỉ đạo và hướng dẫn sản xuất NTTS năm 2017trên địa bàn Quảng Nam. Đề nghị các đơn vị; UBND các huyện, thị xã, thành phố; UBND các xã, phường có NTTS, người dân triển khai, thực hiện. Nếu có những vấn đề vướng mắc trong quá trình triển khai cần thông tin về Sở Nông nghiệp & PTNT (qua Chi cục Thủy sản, số 01 Hùng Vương, Thành phố Tam Kỳ) để tham mưu và chỉ đạo kịp thời.

Nơi nhận:

- Như trên;

- Tổng cục Thủy sản (báo cáo);

- UBND tỉnh (báo cáo);

- GĐ, các PGĐ Sở;

- Các Phòng KHTT; KHTC Sở;

- Phòng Kinh tế, Phòng NN& PTNT các huyện, thành phố, thị xã;

- UBND các xã/phường có NTTS;

- Các cơ sở cung ứng giống thủy sản, các cơ sở sản xuất và kinh doanh các sản phẩm NTTS trong tỉnh;

- Các Công ty cung ứng giống vào địa bàn tỉnh;

- Đài PTTH, báo Quảng Nam (đưa tin);

- Đài truyền thanh các huyện/thành phố(đưa tin);

- Bản tin, website Sở;

- Lưu VT.

 

Nguồn tin: Sở NTPTNT Quảng Nam

 

Thảo luận về kỹ thuật nuôi:

Xem thêm các thông tin có liên quan:

- Kỹ thuật nuôi tôm, cá và các loại thủy sản khác

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Việt Linh: Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, việc làm thủy sản, việc làm nông nghiệp, tuyển dụng, tìm việc, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang