Khi nhiệt độ ngày và đêm chênh lệch, nắng mưa xen kẽ bất thường là những tác nhân chính làm cho các loài thủy sản được người dân thả nuôi vào thời điểm chuẩn bị giao mùa như hiện nay dễ bị nấm, bệnh tấn công, gây hao hụt đầu con, ảnh hưởng đến năng suất khi thu hoạch.
Nhờ am hiểu kỹ thuật chăm sóc, ao cá thát lát của anh Nguyễn Văn An ít hao hụt đầu con, hứa hẹn cho năng suất cao.
Thời gian này, hiện tượng thời tiết chuẩn bị giao mùa diễn ra nhiều nơi trên địa bàn tỉnh Hậu Giang. Theo đó, nắng mưa xen kẽ bất thường làm cho nhiệt độ và độ pH trong môi trường nước thay đổi đột ngột, khiến các loài thủy sản được thả nuôi trong ao dễ bị sốc nhiệt, bỏ ăn, nhiễm bệnh, thậm chí là chết. Ông Nguyễn Văn Viễn, ở ấp Đông Sơn, xã Đông Phước, huyện Châu Thành, cho biết: “Vào thời điểm này năm ngoái, khi mưa đầu mùa xuất hiện đã làm cho hơn 600.000 con cá lóc và thát lát cườm nuôi trong các ao, với tổng diện tích khoảng 8.000m2 của gia đình có biểu hiện bỏ ăn, nổi lờ đờ trên mặt nước”.
Thế là hơn nửa tháng sau, đàn cá lóc trong ao của ông Viễn bắt đầu chết, do cá bị trắng mình, ước sản lượng hao hụt khoảng 100kg/ngày. Chưa kể là khi cá chết, ông có đem mẫu lên mổ để tìm hiểu nguyên nhân nhưng vẫn không phát hiện ra được, bởi gan và ruột của cá đều rất bình thường. “Năm rồi, tuy tôi kịp thời ngăn chặn được bệnh phát sinh trên đàn cá nuôi, nhưng đến lúc xuất bán sản lượng sụt giảm nhiều, lại thêm giá cá xuống thấp, khoảng 21.000 đồng/kg cá lóc; 37.000 đồng/kg cá thát lát nên gia đình tôi lỗ nặng”, ông Viễn kể.
Do đó, trước khi thả nuôi vụ đầu tiên trong năm nay, với tổng diện tích mặt nước gần 10.000m2, nhất là ngay từ đầu năm 2017 đã xuất hiện những cơn mưa trái mùa nên ông Viễn tiến hành cải tạo lại ao nuôi, xử lý hết tạp chất và nạo vét sạch cặn bã tồn đọng ở đáy ao nhằm tránh trường hợp tương tự xảy ra. Mặt khác, trong quá trình nuôi, ông Viễn còn thường xuyên kiểm tra môi trường nước, độ pH, cũng như phối trộn vitamin C và bổ sung khoáng chất cần thiết vào thức ăn để tăng sức đề kháng cho cá, hạn chế hao hụt đầu con, góp phần giữ vững năng suất trong thời điểm giao mùa như hiện nay.
Đáng nói là không ít hộ dân ngày nay đã ứng dụng khoa học kỹ thuật để nuôi cá rất bài bản, đồng thời tùy theo mùa vụ, môi trường nước mà họ có những hình thức hạn chế rủi ro trong sản xuất. Cụ thể, đối với những hộ nuôi cá lồng bè, hay trong vèo trên các nhánh sông, tuyến kênh, rạch thì họ sử dụng lưới mùng đen che chắn góp phần hạn chế nắng, mưa ảnh hưởng trực tiếp và làm ổn định môi trường nước xung quanh, giúp đàn cá nuôi khỏe mạnh, lớn nhanh. Còn đối với những hộ nuôi cá thâm canh cố định trong ao đất thì chủ động đắp bờ, xử lý và sử dụng máy quạt, tăng cường oxy và làm mát môi trường nước mặt, kịp thời sử dụng thuốc đặc trị để đảm bảo số lượng cho đàn cá nuôi.
Với thâm niên hơn 2 năm trong nghề nuôi cá thát lát cườm, anh Nguyễn Văn An, ở ấp Vĩnh Thạnh, xã Vĩnh Tường, huyện Vị Thủy, cho rằng việc nuôi thủy sản nước ngọt phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố thời tiết tự nhiên. Tuy nhiên, nếu hộ nuôi kịp thời chủ động và tuân thủ đúng quy tắc và mật độ thả nuôi, cho ăn phù hợp, đúng cử và khoa học thì hạn chế rất nhiều các loại nấm, bệnh và ký sinh trùng nguy hiểm tấn công các loài cá trong ao. Minh chứng là trong vụ đầu của năm nay, anh An vẫn tiếp tục thả nuôi 48.000 con cá thát lát trên diện tích ao khoảng 1.000m2.
Đến nay, qua hơn 5 tháng, đàn cá trong ao nuôi của gia đình anh An đang phát triển khá ổn định. Bởi theo anh An, chỉ số hao hụt đầu con ở mức thấp, trong khi trọng lượng bình quân đã đạt hơn 300g/con. “Nếu thời tiết thuận lợi, ít mưa, cũng như tích cực bỏ công chăm sóc và theo dõi sát đàn cá trong ao thì đến khi thu hoạch, sản lượng có thể đạt trên 7 tấn cá thương phẩm. Trường hợp giá cá ở mức 45.000 đồng/kg, tôi cũng kiếm lời chút đỉnh”, anh An chia sẻ.
Bà Lê Kim Ngọc, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Hậu Giang, khuyến cáo: Thời tiết đang diễn biến phức tạp hơn cùng kỳ mọi năm, nhất là khi chịu sự tác động nặng nề từ biến đổi khí hậu. Do đó, nguy cơ bùng phát dịch bệnh trên đàn cá nuôi rất cao. Vì thế để đảm bảo năng suất, hạn chế rủi ro, ổn định kinh tế gia đình, người dân cần chủ động phòng, trị bệnh cho đàn cá bằng các giải pháp phù hợp. Cụ thể là trước khi thả cá, cần xử lý tốt ao nuôi sạch sẽ, chọn mua con giống chất lượng, kích cỡ đồng đều ở các cơ sở sản xuất cá giống có uy tín.
Trong quá trình thả cá, bà Lê Kim Ngọc lưu ý phải ngâm cá trong môi trường ao nuôi khoảng 20 phút để tạo sự thích ứng và cân bằng nhiệt độ với nguồn nước. Riêng kỹ thuật cho cá ăn phải áp dụng theo quy tắc 4 định, gồm: định chất thức ăn, thời gian cho ăn, số lượng thức ăn và vị trí cho ăn. Nếu thấy cá nuôi có dấu hiệu bị bệnh thì cần phải xử lý ao nuôi bằng cách bón vôi và muối pha loãng phù hợp; tăng cường bổ sung men tiêu hóa, vitamin C, khoáng chất để giúp cá tăng sức đề kháng.
“Khi phát hiện cá nuôi bị nấm, bệnh và ký sinh trùng đeo bám, người dân nên thông báo ngay cho lực lượng chuyên môn địa phương để có hướng điều trị phù hợp, tránh trường hợp sử dụng thuốc kháng sinh phòng bệnh, gây ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm cá sau thu hoạch”, ông Lê Kim Ngọc lưu ý thêm.
Chí Công - Báo Hậu Giang, 27/04/2017
Nhấn vào đây để xem tất cả các thông tin kỹ thuật nuôi thủy sản theo mùa
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Việt Linh: Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, việc làm thủy sản, việc làm nông nghiệp, tuyển dụng, tìm việc, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.